KIÊN QUYẾT ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, NHẠY BÉN, CHÍNH XÁC, HIỆU QUẢ - NHIỆM VỤ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO
Ngay trong quá trình hoạt động, để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đường lối cách mạng vào trong nước, đến các tầng lớp nhân dân. Những hoạt động đó của Người đã đặt nền móng đầu tiên cho công tác tuyên truyền, tuyên giáo của Đảng; định hình sứ mệnh đi trước, mở đường của công tác tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cách đây 91 năm, kể từ ngày 01/8/1930, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đều có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của Đảng. Nhìn lại những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng; ôn lại chặng đường gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vinh quang và tự hào trong 91 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Tuyên giáo cả nước nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trong đấu tranh giành và giữ chính quyền, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay. Những đóng góp quý báu của ngành Tuyên giáo vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và tỉnh nhà nói riêng, là những đóng góp cao quý, đáng trân trọng, cần được đánh giá đúng mức, biểu dương, khích lệ để tiếp tục phát huy.

Suốt 91 năm qua, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng. Cùng với ngành Tuyên giáo cả nước, ngành Tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã có những đóng góp to lớn. Đó là công tác tuyên truyền, cổ động trong thời kỳ kháng chiến; chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện về công tác tuyên giáo; nâng cao việc học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, bảo đảm thời gian, hiệu quả; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng; công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị được tăng cường; công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương được quan tâm thực hiện có hiệu quả; việc chỉ đạo, phối hợp triển khai một số chủ trương, chính sách về giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế đã tạo ra chuyển biến rõ nét; đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời phản ánh cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chính trị - tư tưởng trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan nắm bắt, đánh giá tình hình, kịp thời định hướng tốt công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ. Thực hiện tốt vai trò là cơ quan giúp việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn.

Cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (ảnh chụp năm 2020)

Quá trình rèn luyện và trưởng thành, đội ngũ làm công tác tuyên giáo của Đảng ở tỉnh Trà Vinh ngày càng lớn mạnh về số lượng, chất lượng, kinh nghiệm thực tiễn[1]. Đa số cán bộ ngành tuyên giáo của tỉnh đều có tinh thần vượt khó, ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức; tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Thời gian qua có nhiều đồng chí trưởng thành đã và đang giữ nhiều vị trí lãnh đạo, chủ chốt quan trọng các cấp trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyên giáo đã lao động thật sự nghiêm túc, khoa học, vừa phải có năng lực tập hợp, kết nối các lực lượng làm công tác tuyên giáo rộng lớn và đa dạng, nhạy bén với tình hình thời sự trong nước và quốc tế, luôn chủ động, sáng tạo trong công tác, đặc biệt là sử dụng một cách có hiệu quả những thành tựu khoa học công nghệ, các phương tiện truyền thông hiện đại cho công tác thông tin tuyên truyền, nắm bắt và định hướng dư luận. Luôn đi trước, mở đường về ứng dụng khoa học công nghệ, bước đầu đã hình thành và thực hiện chuyển đổi số một số mặt công tác tuyên giáo như: công tác tuyên truyền đã sử dụng các công cụ, phương pháp thông tin tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân bằng các trang mạng xã hội với nội dung thông tin hấp dẫn, phong phú, thu hút nhiều người quan tâm với việc sử dụng hình ảnh inforgrapchi, video graphic; thực hiện các cuộc điều tra dư luận xã hội và nắm bắt dư luận xã hội bằng hình thức trực tuyến, tiếp nhận được nhanh chóng nhiều luồng thông tin phản ánh trực tiếp từ nhân dân; xây dựng các báo cáo chuyên đề thông qua hình thức video clip nhờ vào trí tuệ nhân tạo…., mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút, hấp dẫn người nghe và giảm rất nhiều chi phí vận hành. Những kết quả đó của ngành Tuyên giáo, đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua.

Với tính chất là ngành rất đặc biệt, công tác tuyên giáo như một ngành khoa học tổng hợp, bao hàm nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau, như: Tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo dạy nghề, báo chí - xuất bản, văn hóa văn nghệ, điều tra dư luận xã hội, hay nói cách khác ngành tuyên giáo một ngành rất đặc trưng trong các ngành: Vừa là chính trị, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật… Bên cạnh đó, hiện nay, với quá trình hội nhập sâu rộng vào thế giới của nước ta, sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là các công nghệ truyền thông hiện đại, cộng với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực đòi hỏi ngành tuyên giáo và cán bộ tuyên giáo phải có sự vượt trội về phẩm chất, năng lực và phong cách làm việc chủ động, sáng tạo, nhạy bén với tình hình, chính xác trong thông tin tuyên truyền định hướng, luôn là những người đi trước - mở đường, đi cùng - phát triển để góp sức quan trọng trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Vì vậy, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Phương thức tiến hành công tác tư tưởng cần được đổi mới mạnh mẽ theo hướng dân chủ hóa, hiện đại hóa, tăng cường lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với nhân dân. Nội dung công tác tư tưởng phải cụ thể, thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng, không kêu gọi, hô hào chung chung. Thường xuyên bám sát thực tiễn, giải quyết ngay những vấn đề tư tưởng nảy sinh, không để tích tụ thành “điểm nóng”, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các sự cố khủng hoảng truyền thông. Cần chú ý tác động đối tượng cả về lý trí và tình cảm, nhất là tình cảm để hình thành niềm tin. Đầu tư để từng bước hiện đại hóa phương tiện, sử dụng mạng xã hội để tiến hành công tác tư tưởng.

Công tác tuyên giáo phải đi sâu, đi sát thực tế, hòa nhịp cùng hơi thở của cuộc sống, để kịp thời phát hiện, giải đáp, dự báo những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đi sâu, đi sát với cơ sở, gần gũi với nhân dân, cán bộ tuyên giáo mới có thể phát hiện được những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh, những "điểm nóng", những tình huống tư tưởng, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu, đề xuất những dự báo, giải pháp công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo đạt hiệu quả. Hướng mạnh về cơ sở, cán bộ tuyên giáo mới có thể nhìn thấy rõ hơn những nhân tố mới, những kinh nghiệm hay để tổng kết và phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội. Gắn với thực tiễn cũng chính là để mỗi cán bộ tuyên giáo phát hiện, đánh giá hiệu quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết của Đảng ra sao, có gì cần khắc phục, cần sửa chữa, bổ sung. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục.

Bên cạnh đó, để làm tốt công tác tư tưởng của ngành tuyên giáo, một trong những công việc không kém phần quan trọng đó là công tác dư luận xã hội. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay với tỉ lệ người dùng Internet, mạng xã hội ở Việt Nam cao (trên 73 triệu người dùng) đã đặt ra cho công tác nắm bắt dư luận xã hội cũng phải thay đổi, để nắm bắt, tiếp nhận kịp thời các luồng dư luận của người dân bằng nhiều kênh thông tin, coi trọng yêu cầu về mặt khoa học, tính chính xác, khách quan, toàn diện, đảm bảo đi trước mở đường, phải dự báo sớm, chính xác, làm chủ tình hình, định hướng dư luận xã hội tạo sự đồng thuận trong Đảng, sự thống nhất trong xã hội, vì mục tiêu chung đảm bảo giữ vững ổn định để phát triển đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, cần nhanh chóng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp điều tra, thăm dò dư luận xã hội (qua các ứng dụng trên thiết bị di động, nền tảng mạng xã hội…). Đẩy nhanh việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… trong nhận diện, phân tích, dự báo, định hướng các luồng dư luận thuộc nhiều giai tầng xã hội. Nâng cao năng lực định hướng dư luận xã hội, bám sát “hơi thở” thực tiễn cuộc sống, làm lớn mạnh dư luận tư tưởng chính thống, phòng ngừa sự phá hoại, thâm nhập của các thông tin xấu độc.

Để làm được đều đó, cán bộ làm công tác tuyên giáo cần phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh. Là cầu nối, là người gieo niềm tin giữa Nhân dân với Đảng, vì vậy bản thân các cán bộ làm công tác tuyên giáo phải thực sự là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, sự kiên định vững vàng và đạo đức, lối sống để nâng cao tính đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục của công tác tuyên giáo.

Cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng cần thực hiện tốt phương châm “nói đi đôi với làm”, làm đến nơi đến chốn bằng cả tinh thần và nhiệt huyết cách mạng, thể hiện quyết tâm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” để công tác tuyên giáo ngày càng mang lại hiệu quả cao nhất. Ngành tuyên giáo, phải cổ vũ, động viên và gieo vào lòng người một khát vọng thay đổi, một khát vọng vươn lên vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của người dân.

Người cán bộ tuyên giáo ngày nay phải có sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, không ngừng nghiên cứu học tập để có sự tinh thông về tri thức, nghiệp vụ; tích cực rèn luyện khả năng nghiên cứu lý luận, nâng cao hàm lượng khoa học trong công tác, rèn luyện kỹ năng “nghe kỹ, nghĩ nhanh, viết rành, nói giỏi”. Biết sáng tạo, vượt lên những điều cũ kỹ của người khác và của chính mình. Đặc biệt, trong thời đại kỹ nguyên số, cán bộ tuyên giáo phải biết về công nghệ, có trình độ quản trị mạng, có năng lực xử lý thông tin và đấu tranh chống các luồng tin xấu, độc trên không gian mạng. Cán bộ tuyên giáo cần phải có sự nhạy cảm chính trị để thích ứng, phản ứng kịp thời trước thời cuộc đồng thời đưa ra được những dự báo chính xác và phương án giải quyết phù hợp để tham mưu cho Đảng. Sự nhạy cảm chính trị sẽ giúp cán bộ Tuyên giáo tránh được các căn bệnh “đuổi theo”, “nói lại”. Nếu cán bộ làm công tác tuyên truyền thiếu sự kỹ năng dự báo thông tin, họ không thể làm tốt vai trò “đi trước, đi cùng, về sau” sự kiện.

Với truyền thống vẻ vang và thành tựu của chặng đường lịch sử đã qua của ngành Tuyên giáo, tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được, phát huy truyền thống của ngành, luôn đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí, hành động, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục tham gia tích cực cùng với tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Nguồn: Thông tin Công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


[1] Cán bộ Tuyên giáo tỉnh và cấp huyện có 65 đồng chí (trong đó, có 13 thạc sĩ, 52 đại học, 42 cao cấp chính trị, 18 trung cấp lý luận chính trị và 32 đồng chí đã qua lớp tập huấn về công tác Tuyên giáo). Toàn tỉnh hiện có 1.430 báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp (trong đó, có 05 báo cáo viên cấp Trung ương; 50 báo cáo viên cấp tỉnh; 252 báo cáo viên cấp huyện, thị, thành phố và 1.123 tuyên truyền viên cấp xã). Cộng tác viên dự luận xã hội cấp tỉnh, huyện có 211 người.

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 108
  • Trong tuần: 3 744
  • Tất cả: 8756343

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn