“Một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”
Ngày 6/9/1942, tại nhà tù Côn Đảo, Tổng Bí thư thứ 2 của Đảng là Lê Hồng Phong qua đời đúng ngày sinh nhật lần thứ 40 của mình. Trước khi từ giã cõi đời, đồng chí đã nhắn nhủ với các bạn tù: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Sinh thời, đồng chí Lê Hồng Phong đã làm bài phú nổi tiếng với tiêu đề “Phú Nghệ An Đỏ” (Hồng Nghệ An Phú) bằng chữ Hán mang đầy hào khí của dân tộc và quê hương: “Hồng Lĩnh non cao làm lá chắn/ Lam Giang nước biếc tựa hào sôi/ Mấy ngàn năm tuấn kiệt anh tài/ Dựa đất vững cõi Nam ngời chính khí…/ Để phấn đấu cho một giang sơn mỹ lệ/ Cả Đông Dương phải nhất trí hiệp đồng/ Đại liên minh toàn quốc công nông/ Mới chấn chỉnh thắng cảnh Lam Hồng muôn thưở.

Khác nhiều nhà cách mạng tiền bối của Đảng xuất thân từ trí thức, Lê Hồng Phong xuất thân từ công nhân. Trong công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp ở Đông Dương, những năm 20 của thế kỷ XX, Vinh - Bến Thủy đã trở thành một trung tâm công nghiệp - thương mại mới của miền Trung. Vào tuổi 16, Lê Hồng Phong làm công cho một hãng buôn ở thành phố Vinh. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ một nhà cách mạng đồng hương nổi tiếng là cụ Phan Bội Châu, đầu năm 1924, được sự dẫn dắt của con rể cụ Phan là Vương Thúc Oánh, Lê Hồng Phong (lúc này còn mang tên là Lê Huy Doãn) và Phạm Thành Khôi (tức Phạm Hồng Thái) đã cùng nhiều thanh niên xuất dương sang Thái Lan hoạt động cách mạng, trong cuộc xuất dương này, các ông đã đổi tên mới của mình là Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái. Từ Thái Lan, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái được lựa chọn sang Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 4 năm 1924 và tại đây cả 2 người đã được kết nạp vào Tân Việt Thanh niên Đoàn, tức Tâm tâm xã - một tổ chức tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Tháng 6 cùng năm, theo sự phân công của tổ chức, Phạm Hồng Thái đã thực hiện nhiệm vụ ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin. Việc không thành, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang tự vẫn.

Cuối năm 1924, Lê Hồng Phong vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố và sau đó đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại đây. Kể từ đó, dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong trở thành một người cộng sản kiên cường và trở thành thành viên chủ chốt của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong đã học ở các trường nổi tiếng như: Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Hàng không Quảng Châu, Trường Lý luận quân sự không quân ở Leningrad, Trường Đào tạo phi công quân sự số 2 ở thành phố Borisoglebsk, trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moskva v.v..

Trong những năm tháng học tập và hoạt động ở nước ngoài, Lê Hồng Phong đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô. Như vậy, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Lê Hồng Phong đã là một người cộng sản khi trở thành đảng viên của 2 đảng cộng sản lớn là Trung Quốc và Liên Xô. Sau trào cách mạng 1930 - 1931, Đảng Cộng sản Đông Dương bị đàn áp dã man, các chiến sĩ cộng sản, các nhà yêu nước và lãnh đạo bị bắt bớ và giam cầm, đặc biệt, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là Trần Phú và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng bị bắt.

Trước tình thế khó khăn của cách mạng Đông Dương, tháng 11 năm 1931, Quốc tế Cộng sản quyết định cử đồng chí Lê Hồng Phong về nước trên cương vị là cán bộ của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Sau rất nhiều khó khăn, mãi tới 7 năm 1933, đồng chí mới về được Cao Bằng để tìm hiểu tình hình, bắt liên lạc với cơ sở cách mạng trong nước và sau đó lại Nam Ninh, Trung Quốc. Tháng 3 năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong đến Ma Cao (Trung Quốc) cùng với các đồng chí lãnh đạo trong Đảng bàn bạc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng để thống nhất lãnh đạo các tổ chức Đảng, tiến tới tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng. Tại hội nghị này, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Thư ký của Ban Chỉ huy ở ngoài.

Thẻ đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Cuối năm 1934, tại Ma Cao (Trung Quốc) Đại hội I của Đảng được triệu tập. Đại hội bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội cũng đã chuẩn y việc Ban Chỉ huy ở ngoài cử Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Trưởng đoàn Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự đại hội. Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội, được Đại hội bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp ủy Quốc tế Cộng sản.

Tháng 5 năm 1936, đồng chí Lê Hồng Phong gửi thư cho Ban Bí thư Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đề nghị cho phép được trở về Đông Dương. Tại Thượng Hải, tháng 7 năm 1936, đồng chí tiệu tập và chủ trì Hội nghị với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài bàn về công tác tổ chức của Đảng và đường lối đấu tranh trong tình hình mới. Sau hội nghị này, Lê Hồng Phong đã về lãnh đạo cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn vào cuối năm 1937. Hội nghị Trung ương Đảng cuối tháng 3 năm 1938, tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đã họp quyết định đường lối đấu tranh mới và công tác tổ chức xây dựng Đảng. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 11 ủy viên, Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư…

Trong thời gian hoạt động ở Sài Gòn, biết đồng chí là nhà cách mạng chủ chốt của Đảng, mật thám Pháp đã truy lùng gắt gao và bắt đồng chí vào ngày 22 tháng 6 năm 1939 để rồi sau đó, bị kết án và hết hạn tù bị áp giải về quê. Đầu năm 1940, dù đồng chí vẫn đang bị quản thúc tại quê nhà, nhưng để hạn chế hoạt động và ảnh hưởng của đồng chí, Tòa án của thực dân Pháp kết tội đồng chí “hoạt động lật đổ” và ra trát dẫn độ về Sài Gòn. Ngày 22 tháng 10 năm 1940, Tòa thượng thẩm Sài Gòn kết án đồng chí 5 năm tù và sau một thời gian địch đã đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo. Ở nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí đã cùng các chiến sĩ cộng sản trong tù tiếp tục đấu tranh, giữ vững khí tiết trước đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Cũng tại nhà tù Côn Đảo, qua một người lính gác, đồng chí Lê Hồng Phong biết người đồng chí, người bạn đời của mình là Nguyễn Thị Minh Khai đã hy sinh anh dũng cùng các đồng chí.

Đánh giá về sự hy sinh của các lớp cán bộ tiền bối của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.

Hồng Phúc

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 1996
  • Trong tuần: 26 386
  • Tất cả: 8725473

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn