TRÀ VINH NHỮNG NGÀY ĐẦU NAM BỘ KHÁNG CHIẾN
Cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngay sau đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thách thức. 

Trong đó nổi lên 3 thách thức lớn là “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm”([1]).

Giành được chính quyền trong thời gian rất ngắn, Nhân dân Sài Gòn và Nhân dân Nam Bộ phải lập tức cầm vũ khí chống lại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.

00 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945 (chưa đầy một tháng sau Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi ở Sài Gòn và một số tỉnh Nam bộ), thực dân Pháp được sự giúp đỡ tích cực của quân Anh - Ấn gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh chinh phục lại Đông Dương. Chúng hy vọng nhanh chóng bình định Nam Bộ để làm bàn đạp tiến chiếm miền Trung và miền Bắc Việt Nam như đã từng làm trong cuộc chiến tranh xâm lược lần trước.

Nhưng chúng đã lầm, Cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã biến thành cuộc chiến cách mạng của hàng triệu con người Nam bộ sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Hội nghị Liên tịch giữa giữa Xứ uỷ lâm thời và Uỷ ban nhân dân Nam Bộ ở Cây Mai hạ quyết tâm chiến đấu. Uỷ ban Kháng chiến được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ ra Tuyên cáo quốc dân kêu gọi đồng bào kháng chiến, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân. Buổi chiều, tiếng súng diệt địch nổ vang khắp nội thành. Ở nội thành, 16 khu tác chiến được thành lập, ở ngoại thành, hình thành ba mặt trận đông, tây và nam, thành thế bao vây quân thù. Đầu tháng 10, lực lượng vũ trang các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá tiến theo đường số 4 (nay là Quốc lộ 1) đánh vào Phú Lâm, chia lửa với quân dân Sài Gòn. Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước. Riêng tỉnh Trà Vinh, Uỷ ban kháng chiến tỉnh tổ chức một trung đội Cộng hoà Vệ binh dưới sự chỉ huy của Quản Nam([2]) cấp tốc lên chi viện cho quân dân Sài Gòn - Gia Định. Lực lượng này tham gia vây đánh địch ở mặt trận Tây - Nam Sài Gòn, đọ súng quyết liệt với quân Pháp tại cầu Rạch Ông, Xóm Chiếu, Bình Điền,v,v… và bị thương vong nhiều vì lực lượng quân Pháp quá đông, được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Sau đó, trung đội Cộng hoà vệ binh do Quản Nam chỉ huy rút về Trà Vinh, chỉ còn một tiểu đội ở lại tiếp tục chiến đấu.

Một tháng vây hãm quân xâm lược trong nội thành Sài Gòn đã thể hiện khí phách anh hùng của Nhân dân Nam Bộ và Nhân dân cả nước, phá vỡ ý đồ nhanh chóng chiếm lại Nam Bộ của thực dân Pháp và tạo điều kiện cho các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ chuẩn bị kháng chiến.

Tuy nhiên, vì lực lượng quân sự có hạn, hệ thống tổ chức và chỉ huy chưa hình thành thống nhất và chặt chẽ, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, ta không ngăn chặn được sức tấn công của địch được tăng cường từ chính quốc sang. Thực dân Pháp lần lượt chiếm đóng hầu hết các thành phố, thị xã, các đường giao thông quan trọng ở Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và bắt đầu càn quét “bình định” các vùng nông thôn.

Đồng thời với việc chi viện cho Sài Gòn và sẵn sàng phối hợp tác chiến với các địa phương bạn khi cần thiết, các lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh gấp rút triển khai các phương án tác chiến trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch của Uỷ ban kháng chiến tỉnh.

Ngày 02 tháng 12 năm 1945, quân Pháp tấn công Trà Vinh bằng đường thủy, từ ngoài biển theo sông Cổ Chiên tiến vào, trên hai con tàu: một tàu chiến La mắc (Lamarek) và một tàu chở đầy lính. Trên đường tiến quân, tàu chiến xả đạn vào bất kỳ nơi nào chúng nghi ngờ. Tới Cồn Bàng, tàu chiến bắn nhiều đợt pháo vào thị xã Trà Vinh và các ụ cản do quân dân ta thiết lập ở Vàm Trà Vinh. Không phá được ụ cản bằng pháo, quân Pháp dùng ca nô chở lính công binh vào phá, nhưng cũng không được, tàu Pháp phải rút lui và chuyển hướng tấn công

Đến 14 giờ cùng ngày, quân  Pháp tiếp tục tấn công Trà Vinh từ hai hướng. Hướng thứ nhất từ bờ sông Cổ chiên đổ bộ vào Long Đức; hướng thứ hai từ Vĩnh Long theo lộ 7 (nay là Quốc lộ 53) đánh xuống.

Về phía ta, các đơn vị Cộng hòa vệ binh và tự vệ tổ chức đánh chặn từ hai hướng: một hướng phía sông Cổ Chiên, một hướng từ phía lộ 7.

Ở hướng thứ nhất có 2 cánh quân, một cánh do Đội Châu và Cò Bổn chỉ huy, lập trận địa dài 5km từ Vàm Trà Vinh đến cầu Long Bình; một cánh do Cò Bê (Bùi Cát Vũ) chỉ huy, bố trí trận địa ở cầu tàu Bãi San. Ở hướng này, lực lượng ta có hơn 100 tay súng với vũ khí thô sơ, nhưng đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường với hơn 400 lính Pháp đổ bộ, có pháo, trọng liên, đại liên trên tàu chiến yểm trợ. Sau nhiều giờ chiến đấu, lực lượng của ta bị thương vong nhiều, nên phải rút lui, địch vào chiếm thị xã.

Ở hướng thứ hai, có một phân đội hơn 30 tay súng, bố trí trận địa tại khu vực dưới chân cầu Long Hồ dưới sự chỉ huy của Quản Nam. Lực lượng này phải đối đầu với 2 đại đội quân Pháp tiến theo lộ 7 bằng xe vận tải quân sự. Lực lượng ta đã nhiều lần chặn đứng mũi tiến công của địch, không cho chúng vượt qua cầu Long Hồ. Sau nhiều giờ chiến đấu với đội quân đông hơn về số lượng, vượt trội về vũ khí, Quản Nam và phần lớn lực lượng của ta hy sinh, số còn lại bị thương nặng, quân Pháp vượt qua cầu Long Hồ tiến về thị xã Trà Vinh.

Trong đêm 02 và rạng sáng ngày 03 tháng 12 năm 1945, lực lượng của ta từ Vàm Trà Vinh rút về chùa Hang và Bàng Đa và từ Bãi San rút về Ba Se (Ô Chát). Địch đóng quân ở Trà Vinh trong tình thế “nhà không vườn trống” do Nhân dân thị xã Trà Vinh đã tản cư từ trước, chỉ còn một số ít người Hoa ở lại theo kế hoạch của Ủy ban kháng chiến.

Những ngày tiếp theo, quân Pháp tổ chức các đợt tấn công vào lực lượng của ta. Tại Ô Chát, lực lượng Cộng hòa vệ binh, tự vệ chiến đấu và Nhân dân địa phương lập phòng tuyên ở Ba Se. Ngày 09 tháng 12 năm 1945, quân Pháp mới đến được Ô Chát, đụng phải phòng tuyến của ta, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, cả lực lượng của ta và Pháp đều chịu nhiều tổn thất, nhưng do chênh lệch về lực lượng và vũ khí, cuối cùng quân Pháp vượt qua được phòng tuyến Ba Se, quân ta rút kui về tuyến sau rồi chuyển về Huyền Hội (Càng Long).

Tại Đa Lộc và Phước Hảo, Cộng hòa vệ binh, tự vệ chiến đấu và Nhân dân địa phương cũng lập phòng tuyến chặn địch ở chùa Hang và Bàng Đa. Tại hai nơi này, quân ta phối hợp tác chiến có hiệu quả gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, buộc chúng phải rút lui về Trà Vinh.

Sau thất bại ở Bàng Đa, quân Pháp từ thị xã Trà Vinh tổ chức các mũi tiến công về hướng Tây và Tây Nam, đánh chiếm Huyền Hội và Tiểu Cần, rồi tiếp tục tổ chức mũi tiến công về hướng Đông và Nam, đánh chiếm Mỹ Hòa, Long Sơn, Hiệp Mỹ, Long Hữu, Long Toàn (Cầu Ngang), Tập Sơn, Phước Hưng (Trà Cú)…

Ở khắp nơi, quân, dân ta đều lập phòng tuyến đánh địch. Trong các trận chiến đấu, lực lượng Công hòa vệ binh và tự vệ chiến đấu luôn thể hiện vai trò nòng cốt; các đoàn thể cứu quốc đã sát cánh cùng Cộng hòa vệ binh và tự vệ chiến đấu, dũng cảm, đảm đương các nhiệm vụ trinh sát, giao liên, tiếp lương, tải đạn, cứu thương,v,v…Đi đến đâu, quân Pháp cũng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân ta. Lực lượng vũ trang của ta giai đoạn này còn rất non trẻ, trang bị vũ khí thô sơ, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, nhưng đã anh dũng, kiên cường đương đầu với đội quân nhà nghề, đông hơn về lực lượng, mạnh hơn về trang bị vũ khí, nhưng quân dân ta đã làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, thu được một số vũ khí, làm chậm bước tiến và bước đầu làm lung lạc ý chí quân thù.

Từ thực tế chiến trường, trong thư gởi các chiến sĩ miền Nam ngày 22 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chính phủ dân chủ cộng hòa rất khen ngợi các chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ Nha Trang và Trà Vinh; đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào nêu gương các bạn”. Đây chính là sự khẳng định lịch sử và là nguồn động viên, khích lệ to lớn, kịp thời đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945 - Ngày Nam Bộ kháng chiến - đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của Nhân dân Việt Nam, tô đậm truyền thống kiên cường, bất khuất của một dân tộc thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Những trận chiến kiên cường, dũng cảm, đầy hy sinh, mất mát của quân dân Trà Vinh vào năm đầu (1945) của Nam Bộ kháng chiến là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, quân và dân Trà Vinh, mà mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Trà Vinh hôm nay và mai sau phải trân trọng giữ gìn và phát huy.

Kỷ niệm 76 năm ngày Nam bộ kháng chiến năm nay trong điều kiện nước ta nói chung, tỉnh đa nói riêng đã và đang tập trung dồn sức phòng chống đại dịch Covid - 19 với nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt như: Giãn cách, cách ly xã hội, truy vết, xét nghiệm nhanh để tách các trường hợp F0 (dương tính) ra khỏi cộng đồng để điều trị; triển khai tiêm vắc xin nhanh, hiệu quả theo số lượng được phân bổ; đồng thời, thực hiện tốt biện pháp 5K để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực, tỉnh ta đã dần kiểm soát được dịch bệnh Covid - 19.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm hơn nữa. Toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”; chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, không xem nhẹ các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện “Mục tiêu kép”.

Với khí thế hào hùng của “Mùa thu rồi Ngày hăm ba”, và truyền thống “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, chúng ta tin tưởng rằng Đảng bộ và quân, dân Trà Vinh sẽ cùng với cả nước chiến thắng đại dịch Covid - 19, như đã từng chiến thắng các kẻ thù xâm lược, quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng  - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh trong năm 2021 như Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra.

                                                             Trần Bình Trọng

 

 



[1] Nạn đói khủng khiếp xảy ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung bộ cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã làm trên 2 triệu người chết đói; Do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, trên 90% số dân Việt Nam không biết chữ. Những ngày đầu tháng 9/1945, gần 30 vạn quân gồm quân đội Trung Hoa dân quốc, quân đội Anh và Ấn và quân đội Pháp núp bóng quân đội Anh tràn vào nước ta.

[2] Là Bùi Hữu Nam hay còn gọi là Bùi Trí Viễn.

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 289
  • Trong tuần: 23 966
  • Tất cả: 8726498

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn