Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
Đại văn hào người Đức là Goethe đã từng tuyên ngôn: “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”. Hệ thống pháp luật dù có hoàn bị đến đâu, chặt chẽ đến đâu thì cũng không thể điều chỉnh và bao quát tất cả các quan hệ xã hội. Thực tế đã chứng minh rằng quy định, luật pháp đã nhiều lúc lạc hậu so với thực tiễn. Vậy nên, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là quyết định cần thiết.

Trong thực tế, đã có rất nhiều những thành tựu, thắng lợi được tạo ra bởi những cái đầu suy nghĩ khác với số đông. Ngô Thì Nhậm với chiến lược lui quân về Tam Điệp chẳng phải là sự sáng tạo đó sao. May cho ông là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã không bắt tội mà lại còn khen ngợi và đánh giá cao quyết định này. Tướng Võ Nguyên Giáp đã từng có quyết định lịch sử kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra ở Điện Biên Phủ. Đương nhiên khi quyết định việc này, Đại tướng đã dùng quyền tối cao của Tổng Tư lệnh và sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giả sử nếu Đại tướng gửi công văn hỏa tốc về xin ý kiến Bác Hồ và Trung ương sẽ an toàn cho sự nghiệp của ông. Khi đó, thắng: vẫn là công của Tổng Tư lệnh, thua:…làm theo ý kiến của Trung ương, của Bác Hồ; Công cuộc phòng chống dịch Covid-19 mấy tháng qua, những nơi đạt được kết quả tốt cũng có nguyên nhân do các lãnh đạo ở đó đã có những quyết định sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Chinhphu.vn

Nhìn lại quá trình phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, rất nhiều những thành tựu lớn cũng do nhiều cá nhân có những suy nghĩ và quyết định sáng tạo, khác người, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam theo cách sáng tạo riêng của Người. Cách mạng tháng Tám thành công, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã có những quyết định khác rất nhiều so với các cuộc cách mạng khác, nhất là cách mạng vô sản trên thế giới: mời cựu hoàng Bảo Đại giữ chức Cố vấn Tối cao của Chính phủ, tuyên bố đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo v.v…Những năm tám mươi của thế kỷ XX, trước những đòi bức thiết của cuộc sống, Tổng Bí thư Trường Chinh đã quyết định viết lại Văn kiện Đại hội VI mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước. Các ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh khi làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và làm lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quy tụ xung quanh mình rất nhiều những trí thức tên tuổi không phân biệt thành phần xuất thân, giai cấp, quá khứ chính trị v.v…Thậm chí, có những người như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, người đã từng là Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ tướng và 2 lần làm Quyền Thủ tướng của chế độ Sài Gòn đã được mời làm cố vấn. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã có nhiều ý kiến tư vấn giá trị góp phần vào sự phát triển của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung v.v…

Ranh giới giữa đúng - sai nhiều khi thường rất mong manh. Ông Trần Văn Giàu đã từng bị phê phán gay gắt vì quyết định nổ súng chống xâm lăng ở Nam Bộ ngày 23/9/1945. Ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Vĩnh Phú đã từng bị phê phán và kiểm điểm nặng nề vì “khoán hộ”. Bà Nguyễn Thị Đồng, Bí thư nhà máy dệt Thành Công (1976 - 1995) cũng đã bị phê phán gay gắt vì sự sáng tạo của mình trong sản xuất, may cho bà là ông Đỗ Mười khi ấy được cử đi kiểm tra đã về báo cáo với ông Phạm Văn Đồng là bà đang làm đúng, hay Công trình tải điện 500kV Bắc - Trung - Nam đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng truyền tải điện phục vụ phát triển kinh tế đất nước, nó đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trí sáng tạo của đội ngũ cán bộ phụ trách, kỹ sư và công nhân Việt Nam, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách” của cố Thủ tướng Chính Phủ - Võ Văn Kiệt…v..v…

Bão lớn nổi lên bao giờ những cây cao lớn đều ngã trước, còn những bụi dây gai lúp xúp, là đà nơi mặt đất thường chẳng bị gì. Trong một đoàn quân ra trận, những người lính đi đầu bao giờ cũng là mục tiêu hứng chịu mũi tên, hòn đạn. Trong thực hiện nhiệm vụ, thường những người sáng tạo, nghĩ khác, làm khác đều rất dễ bị hiểu lầm, bị chống đối, bị quy chụp. Vậy nên, để bảo vệ được những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đòi hỏi lãnh đạo cấp trên của họ phải là những người năng động, sáng tạo trước. Chỉ có những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mới có khả năng truyền cảm hứng và ủng hộ, bảo vệ những người cấp dưới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và khi những sáng tạo ấy trở thành những sản phẩm cụ thể có ích cho xã hội, đó cũng chính là cơ sở để hoàn thiện các qui định pháp luật, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển đất nước.

Từ Kết luận này của Đảng, cần cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể, trong đó có những nội dung cần phải làm rõ về nội hàm, chẳng hạn thế nào là đổi mới, lợi ích chung là những nội dung nào. ..Việc Bộ Chính trị ban hành hành 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là một quyết định rất cần thiết lúc này, quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Vũ Trung Kiên

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 2673
  • Trong tuần: 27 063
  • Tất cả: 8726150

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn