Không thể xuyên tạc Quỹ vaccine phòng chống Covid-19
Qua 6 tháng sau khi ra đời Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 chính thức ra mắt, trên các diễn đàn mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều bài viết xuyên tạc về việc ra đời của quỹ, nhất là việc kêu gọi người dân, doanh nghiệp ủng hộ quỹ. Nhiều bài viết cho rằng đi nhận tiền của cả người già, trẻ nhỏ là không đáng. Rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam không thể lo cho dân, mỗi khi có việc đều do người dân đóng góp v.v…

Kỳ 1: Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, sự tiếp nối tinh thần đoàn kết Việt Nam

Truyền thuyết về sự ra đời của dân tộc Việt Nam còn ghi: sau khi chia nhau 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 con theo mẹ Âu Cơ lên rừng, cha Lạc Long Quân đã dặn rằng khi nào có việc gọi cha, cha sẽ trở về. Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, tinh thần đại đoàn kết của người Việt lại cao hơn bao giờ hết, đó là tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, đó là tinh thần “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, đó là tinh thần yêu nước, là tinh thần đại đoàn kết của dân tộc. Một lần nữa, Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19 là sự tiếp nối tinh thần đại đoàn kết và giá trị của chiều sâu văn hóa Việt Nam.

Tối 05/6/2021, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước. Nhìn lên màn ảnh truyền hình không chỉ các doanh nghiệp, đại diện các cơ quan, đơn vị mà còn có cả những cụ già, em nhỏ, đại diện các tôn giáo v.v…Một lần nữa, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết của dân tộc Việt tiếp tục được khơi dậy và phát huy trong bối cảnh mới, sáng đẹp và rực rỡ hơn. Còn nhớ, năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đã có một phong trào vận động ủng hộ cho ngân quỹ quốc gia khi ấy là “Tuần lễ vàng”.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân thủ đô mít tinh ủng hộ Tuần lễ Vàng. (Ảnh tư liệu).

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố hủy bỏ rất nhiều các loại thuế, vì vậy nguồn thu hầu như còn rất ít. Nhà nước Việt Nam mới phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách của “thù trong, giặc ngoài, một trong những khó khăn vô cùng lớn khi ấy là quốc khố trống rỗng. Khi ấy, Ngân hàng Đông Dương vẫn còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ mà Chính phủ mới có chỉ còn trên 1.2 triệu đồng Đông Dương nhưng đa phần rách nát chờ tiêu hủy. Trước những khó khăn chồng chất ấy, 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc với danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Họ đem theo rất nhiều người thân, bắt Chính phủ Việt Nam phải cung cấp lương thực và các nhu yếu phẩm khác, phải sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ của họ v.v… Chúng ta đều biết rằng hầu hết các Bộ trưởng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa khi ấy cho tới các nhân viên ở các địa phương đều làm việc không lương, nhưng Chính phủ không thể không cần tiền để duy trì hoạt động của bộ máy, để giao thiệp với bên ngoài, để duy trì trật tự trị an xã hội, để mua vũ khí v.v…Trước tình hình ấy, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định kêu gọi người dân trong cả nước, nhất là các gia đình giàu có ủng hộ đất nước với chủ trương “Tuần lễ Vàng”. Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng”, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có[1]”. Trong thư này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã hướng tới đối tượng của “Tuần lễ Vàng” là “toàn quốc đồng bào”, thế nhưng thư cũng nhấn mạnh “nhất là những nhà giàu có”. Kêu gọi những nhà giàu có đóng góp cho đất nước bởi khi ấy, người dân Việt Nam vừa trải qua trận đói khủng khiếp cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mệnh của gần 2 triệu đồng bào, vì vậy đa số người dân lao động Việt Nam khi ấy có đời sống rất khó khăn. “Tuần Lễ Vàng” đã thu được những kết quả to lớn. Kết quả là “chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng[2]”. Đây được xem là đóng góp của những người yêu nước[3]”.

Kết quả thu được từ “Tuần lễ Vàng” năm 1945 có ý nghĩa to lớn về tài chính và đi cùng với đó kết quả này mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Sự đóng góp nhiệt thành của các tầng lớp Nhân dân thể hiện niềm tin của người dân đối với chính phủ khi ấy, cũng khẳng định chân lý về sức mạnh đại đoàn kết của Nhân dân. Đánh giá về thành tựu của cuộc vận động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuần lễ Vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc[4]”.

(Còn tiếp)

Hồng Phúc

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 16

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, Tr. 600

[3] Lê Thành Khôi: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014, tr. 565

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, Tr. 234

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 183
  • Trong tuần: 3 870
  • Tất cả: 8756936

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn