Kỳ 3: Chủ nghĩa xã hội, sự lựa chọn kiên định và đúng đắn của Việt Nam
“Ði lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết như vậy. Tuy nhiên, để giải đáp rõ ràng luận điểm này cần quay về với lịch sử và thực tiễn hiện thực của dân tộc, đất nước Việt Nam.

 

Dấu mốc đánh dấu sự ra đời của CNXH khoa học là sự kiện ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tháng 2/1848. Đánh giá về sự kiện trọng đại này, ngay từ năm 1888, Ăngghen đã nhận định đây là “một tác phẩm phổ biến nhất, có tính chất quốc tế nhất trong toàn bộ sách báo xã hội chủ nghĩa, là cương lĩnh chung của hàng triệu công nhân từ Xiberi đến Caliphonia”[1]. Lênin đã đánh giá về Tuyên ngôn “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng nhiều bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn bộ giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”[2]. 23 năm sau ngày ra đời bản tuyên ngôn lịch sử này, năm 1871, Công xã Paris, cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới nổ ra và thất bại.

Ở Việt Nam, kể từ khi người Pháp nổ súng xâm lược năm 1858 và sau đó thiết lập nền đô hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, các phong trào yêu nước liên tiếp nổ ra những cuối cùng đều thất bại. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và thành công để rồi sau đó, Lênin đã thành lập Quốc tế Cộng sản – Quốc tế III (1919). Trên hành trình tìm đường cứu nước ấy, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Lênin và Người đã tìm thấy ở đây cái “cẩm nang thần kỳ cho dân tộc Việt Nam”. Nhớ về sự kiện trọng đại này, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ Ba[3]”.

Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành Quốc tế III của Lênin và sau đó đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là dấu mốc đánh dấu sự kiện trọng đại khi Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Nhớ về sự kiện này, trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết. (…) Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu (…). Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ[4]”.

Những cái mới bao giờ cũng vấp phải sự chống phá và thường gặp nhiều khó khăn, thử thách. Trên thế giới này, sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội này bằng các hình thái kinh tế- xã hội khác nhiều khi phải trải qua bạo lực khốc liệt mới có thể thay đổi. Phong kiến chống tư sản kịch liệt nên cách mạng Pháp 1789 đã được tiến hành tàn bạo, triệt để đến mức giết cả vua và hoàng hậu. Cách mạng Nga cũng bắt rồi sau đó những người cộng sản Nga đã giết cả gia đình Sa hoàng. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln bị ám sát vì giải phóng nô lệ…Nói như vậy để thấy rằng cái mới khi nào cũng khó khăn. Vậy mà, trong bối cảnh Đông Âu sụp đổ, Liên Xô cũng trên bờ sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn vững vàng trong phong ba, bão táp, vẫn quyết định trung thành với lý tưởng đã chọn và Đảng đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam với 6 đặc trưng. Năm 2011, Đại hội XI của Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển với 8 đặc trưng. “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy trong tác phẩm này. Một xã hội vì con người là ước mong lớn lao của hàng tỷ người trên hành tinh này, đặc biệt, với một đất nước trải qua bao cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc thì khát vọng này cũng chính là ước vọng nghìn đời từ thuở cha ông.

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc trên thế giới này có quyền tìm cho mình con đường đi phù hợp với dân tộc, đất nước mình, tất nhiên, đó phải là con đường đem tới ấm no, tự do, hạnh phúc cho đại bộ phận Nhân dân. Vậy nên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm… Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…[5]".

Việc Việt Nam lựa chọn con đường CNXH không chỉ là sự lựa chọn của lịch sử mà còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thực tiễn Việt Nam. Vậy nên, trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: “CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam[6]”.

Kỳ 1: Một xã hội công bằng là khát vọng của nhân loại

Kỳ 2: Có phải chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời

Hồng Phúc



[1] C.Mác-Ăngghen: Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội. 1970, tập 2, trang 514.

[2]V.L.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Matxcơva, Matxcơva. 1974, tập 2, trang 10.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 562

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 562 và 563

[5] Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 28

[6] Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 22

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 540
  • Trong tuần: 3 533
  • Tất cả: 8753975

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn