Tăng cường trách nhiệm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” (từ đây gọi là Quy định 114) thay thế cho Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “về việc về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” (từ đây gọi là Quy định 205). Quy định 114 ra đời trong thời điểm này là rất cần thiết.

Những điểm mới trong Quy định 114

Thông thường các sự vật sau bao giờ cũng hoàn thiện hơn các sự vật trước và các quy định của Đảng về công tác cán bộ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Quy định 114 vì vậy có những điểm mới so với Quy định 205 trước đây.

Về phạm vi điều chỉnh: Quy định 114 đã mở rộng phạm vi hơn so với Quy định 205 đó là: "Quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.".

Trong Quy định 205, đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ” thì với Quy định 114, đối tượng áp dụng được bổ sung là “tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ". Quy định 114 đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác cán bộ.

Về hành vi tham nhũng: Quy định số 114 giành hẳn 1 chương (chương II) với 3 điều (Điều 3, Điều 4, Điều 5) để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Điều 3, Quy định số 114 nêu 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Các hành vi cơ bản kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền được quy định tại Điều 11, Quy định 205. Quy định 114 bổ sung một số hành vi mới đó là: lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Kế thừa hành vi chạy chức, chạy quyền được quy định trong Quy định 205, Quy định 114 bổ sung thêm các hành vi chạy chức, chạy quyền như: chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi. Ngoài ra, kế thừa một số nội dung phù hợp tại Quy định 205, Quy định 114 bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực khác như: thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ; báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực; trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…

Về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị: Quy định 114 được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ...Đặc biệt, Khoản 5, Điều 6, Quy định 114 quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: “Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương”.

Thể hiện sự thống nhất với các quy định về công tác cán bộ hiện nay

Quy định 205 ra đời năm 2019, tức là ở nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đầu năm 2021, Đại hội XIII của Đảng đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”. Tinh thần này tiếp tục được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XIII quyết nghị là ngoài việc thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII thì phải đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Cũng sau Đại hội XIII của Đảng, hàng loạt các quy định về công tác cán bộ được ban hành và thông qua ngày càng chặt chẽ và đồng bộ, trong đó có Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị “Về công tác quy hoạch cán bộ”; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức cán bộ”; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị “Về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 “Về luân chuyển cán bộ” v.v…

Trước đây theo quy định, luân chuyển cán bộ theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 “Về luân chuyển cán bộ” là để đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng. Ngoài ra, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì có các quy định chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị định số: 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng” đã quy định danh mục các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi. Với Quy định 114, còn quy định về trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Khoản 4, Điều 6 quy định: "Chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực đối với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu hoặc khi cần thiết.". Với việc ban hành Quy định 114, các quy trình về công tác cán bộ ngày càng thống nhất, đồng bộ và sẽ giúp khắc phục tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước đây.

Những nội dung đột phá để tránh lọt những người không xứng đáng

Quy định 114 nêu rõ 3 nhóm hành vi bao gồm: Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn (Điều 3); Hành vi chạy chức, chạy quyền (Điều 4); Các hành vi tiêu cực khác (Điều 5).

Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ. Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân. Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Hành vi chạy chức, chạy quyền: Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi. Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Các hành vi tiêu cực khác: Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự. Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ. Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực. Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ.

Quy định 114 đã liệt kê rất rõ, chi tiết các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đây có thể xem là những nội “đột” vào các khâu nhân sự để hạn chế tình trạng để lọt những người không xứng đáng, những kẻ cơ hội, lợi ích nhóm, thân hữu, sân sau… vào bộ máy.

Quy định 114 quy định rất cụ thể, chi tiết 13 ngành nghề cấm bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Việc này thể hiện quyết tâm của Đảng ngày càng mạnh tay hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng ở mọi phương diện.

Khoản 5, Điều 6 Quy định 114 nêu: "Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở 1 địa phương." Quy định này nếu được thực hiện tốt chắc chắn sẽ hạn chế được những câu chuyện bất cập vừa qua trong công tác cán bộ.  

Không có bất cứ quy định nào có thể bao quát hết được mọi vấn đề, bởi vậy, nếu trong quy định có những nội dung “mở” sẽ thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện. Việc quy định trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí chính là quy định “mở” tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Chúng ta không thể chỉ trông vào một quy định để hi vọng rằng nó sẽ mang đến đột phá căn bản mà cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó không thể không nêu cao trách nhiệm gương mẫu của những người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý. Khi có những quy định chặt chẽ, như Quy định 114 vừa là những ràng buộc nhưng đồng thời cũng là những nhắc nhở để mỗi cán bộ, đảng viên nhất là những người giữ các cương vị quan trọng tự soi rọi, điều chỉnh, tu dưỡng và gương mẫu để hạn chế tối đa việc sai phạm như những câu chuyện đau lòng nêu trên.

Vũ Trung Kiên

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 4108
  • Trong tuần: 56,864
  • Tất cả: 8,081,802

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn