Kỳ 1: Những cuộc tiếp xúc đầu tiên
Ngày 30/4/1975, những nhân viên cuối cùng của Cơ quan Tùy viên quân sự DAO của Mỹ rời khỏi Việt Nam, kết thúc khoảng thời gian dài người Mỹ can thiệp vào tình hình Việt Nam. Quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua biết bao thăng trầm, từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện. Mối quan hệ thăng tầm giữa hai nước Việt - Mỹ đúng như hai câu Kiều mà Tổng thống Bill Clinton đã lẩy trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam tháng 11/2000, mở đầu cho quan hệ Việt - Mỹ “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.
Cho tới đầu thế kỷ XIX, vùng đất Gia Định, Đồng Nai đã khá trù phú và trở thành nơi giao thương, buôn bán nhộn nhịp. Nhiều đoàn tàu buôn của Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Nhật Bản đã vào đây buôn bán. Thế nhưng, mãi tới năm 1819, lần đầu tiên lịch sử mới ghi nhận đoàn thuyền buôn của các thương nhân người Mỹ, đó là sự kiện vào năm 1819, thương nhân John White mà sử Việt gọi là "Hôn Viết" chỉ huy tàu buôn Franklin vào "Canjeo" (cửa Cần Giờ). Biên Hòa Sử lược toàn biên của Lương Văn Lựu cho biết đất Đồng Nai lúc bấy giờ trực thuộc thành Gia Định do Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhân tổng trấn. Tác giả Lương Văn Lựu cho biết thương nhân John White xuất phát từ Massachusetts ngày 02/01/1819 và đến cửa biển Việt Nam ngày 28/5/1819. Ngày 29/5/1819, đoàn thuyền buôn của John White áp sát bờ và có những trao đổi với dân cư. Sau khi kê khai hàng hóa và số vũ khí chở trên thuyền, nhà chức trách thông báo phải có lệnh của Tổng trấn Nguyễn Văn Nhân tàu mới được vào Gia Định. John White đã xin với các quan chức người Việt được đi thăm thú Cần Giờ và sau đó ông xin đi thăm thú, săn bắn nhiều nơi ở vùng Đồng Nai, Vũng Tàu. Khi ở đất Đồng Nai, John White đã viết tác phẩm với tựa là A Voyage to Cochin-China (Cuộc du hành sang Đại Nam”. Cũng theo Lương Văn Lựu, “cuốn sách này mô tả cảnh vật cùng tình trạng chung của Trấn Biên khi ấy qua cảm tưởng của một thương khách Mỹ quốc”.
Đây được xem là cột mốc đánh dấu cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa người Mỹ và người Việt.
Cuộc tiếp xúc chính thức giữa chính phủ hai nước diễn ra vào năm 1836 khi sứ giả Edmund Roberts (sử Việt ghi là "Nghĩa-đức-môn La-bách") được Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson giao mang quốc thư trình lên vua Minh Mạng. Trước đó 4 năm, vào năm 1832, phái bộ của Edmund Roberts do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cử đi giao thiệp với nước ta đã không thành công.
Bản quốc thư của Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng bằng tiếng Anh đề ngày 31/01/1832:
“Andrew Jackson, tổng thống Hoa Kỳ ở Mỹ châu.
Kính gửi đại quý hữu!
Thư này sẽ dâng lên hoàng thượng do Edmund Roberts, công dân danh vọng hoa kỳ, đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên của chính phủ, tới thương thuyết với hoàng thượng những vấn đề quan trọng. Tôi xin hoàng thượng chở che và cho đương sự được đối đãi tử tế khi thừa hành nhiệm vụ được giao. Đương sự sẽ đề nghị lên hoàng thượng tình hữu nghị và thiện chí hoàn toàn của tôi, là điều tôi đã phó thác.
Tôi cầu xin thượng đế luôn luôn phù hộ ngài.
Để chứng thực những điều trên, tôi đóng quốc ấn Hoa Kỳ trên thư này, kèm theo con dấu riêng của tôi. Làm tại thành phố Washington ngày 31 tháng 01 năm 1832 là năm thứ 56 nền độc lập của Hoa Kỳ.
Andrew Jackson.
Tổng thống,
Quốc vụ khanh
Edw. Livingston”.
(Vũ Ngọc Khánh, in trong Văn hóa Việt Nam tổng hợp, 1999).
Khi ấy, Vua Minh Mạng đã cử Đào Trí Phú, Thị lang Bộ hộ cùng Lê Bá Tú đến cửa biển đón tiếp phái đoàn. Khi phái đoàn đến nơi, chỉ mới cử được một người phiên dịch xuống tàu, chưa có buổi thương thuyết nào thì tàu phía Mỹ nhỏ neo ra khơi. Sở dĩ tàu Mỹ nhổ neo ra ra đi bất thình lình bởi trưởng đoàn phía Hoa Kỳ đã bị bệnh nặng. Sau đó, trên đường trở về Mỹ, Edmund Roberts đã mất tại Macao ngày 12/6/1836. Đại Nam thực lục cho biết Đào Trí Phú tâu sự tình lên vua Minh Mạng, nhà vua dụ rằng không phải bận tâm vì “Cai giả phất cự, khứ giả phất trung” (Họ đến mình không cự tuyệt, họ đi mình không theo tìm”.
Bằng bản quốc thư này, đây là lần đầu tiên nước Mỹ đặt vấn đề giao thiệp chính thức với phía Việt Nam.
Vũ Trung Kiên (còn tiếp)