Ngay từ khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam và thành lập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị nhiều biện pháp để bắt liên lạc với phía Đồng Minh, trong đó có Hoa Kỳ. Người đã chỉ thị cho Việt Minh ở chiến khu Việt Bắc phải chú ý giúp đỡ những phi công Mỹ bị pháo phòng không Nhật bắn rơi. Không những vậy, Hồ Chí Minh đã tự tay viết bài báo có tranh minh họa hướng dẫn cách cứu phi công Mỹ nhảy dù: “Bộ đội Mỹ là bạn của ta. Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh…”.
Lực lượng Việt Minh ở Tân Trào đã đón tiếp một đơn vị thuộc lực lượng OSS mang tên Con nai ( Dear Team) đến huấn luyện quân đội Việt Minh cách dùng vũ khí Mỹ và giữ liên lạc với đồng minh ở Côn Minh. Năm 1945, nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các liệt cường, trong đó có Hoa Kỳ kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người bạn Mỹ của Bác Hồ đã soạn thảo kế hoạch và qua họ gửi các bức thư đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng quan hệ ngoại giao hai nước gửi Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ đã không chìa bàn ta ra để rồi quan hệ hai nước cứ mãi xa nhau. Cuối cùng, khi người Mỹ can dự vào tình hình Nam Việt Nam và sau đó đổ quân vào Việt Nam tạo ra những chương bi thảm trong quan hệ hai nước.
Vào ngày 07 tháng 7 năm 1959, tại Biên Hòa đã diễn ra một trận đánh táo bạo của quân dân cách mạng Biên Hòa vào Đoàn cố vấn Quân sự Mỹ tại Nhà Xanh (địa điểm này trong khuôn viên Trường Cao đẳng Nghề Đồng Nai, thuộc địa bàn phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa). Trận đánh táo báo giữa lòng đô thị Biên Hòa của phía quân cách mạng đã tiêu diệt thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand, bắn bị thương đại úy Howard B. Boston. Như vậy, đây là những người Mỹ đầu tiên chết trận trong cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam. Trong dánh sách 58.245 quân nhân Mỹ chết tận tại Việt Nam hiện diện trên bức tường đá ở thủ đô Washington, tên của 2 quân nhân Mỹ trên đây đứng thứ nhất và thứ nhì của danh sách này.
Ngày 30-4-1975, những nhân viên cuối cùng của Cơ quan Tùy viên quân sự DAO của Mỹ rời khỏi Việt Nam, kết thúc khoảng thời gian dài người Mỹ can thiệp vào tình hình Việt Nam. Quan hệ thăng trầm giữa 2 nước Việt Mỹ đã trải qua đúng 20 năm sau chiến tranh cho đến ngày 02-7-1995, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tháng 11, năm 2000, năm năm sau ngày hai nước Việt - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Hà Nội, mở đầu cho một chương mới tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân”. Trước khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam, những người có trách nhiệm của Nhà Trắng đã dự liệu các tình huống đối phó vì nghĩ rằng với những gì quân đội Mỹ gây ra ở miền Nam Việt Nam chắc chắn họ sẽ phải đối mặt với sự phản ứng của dân chúng. Điều ngược lại hoàn toàn đã xảy ra, người Việt đón Tổng thống Bill Clinton với tất cả sự thân thiện và hiếu khách của mình. Đó là điều gây ngạc nhiên đối với người Mỹ nhưng không xa lạ với bề dày và chiều sâu văn hóa của người Việt Nam. Nếu ai đó đến đất nước Việt Nam bằng bom và súng đạn, người Việt sẽ đón tiếp họ đúng với những gì mà họ mang tới. Ngược lại, nếu ai đó đến đất nước Việt Nam bằng hòa bình, người Việt sẽ đón họ bằng tinh thần yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Tháng 7 năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Obama. Trong chuyến thăm này, 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác toàn diện. Đặc biệt, trong tuyên bố chung, hai bên cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Đây chính là một cam kết chìa khóa để mở rộng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Chính cam kết này đã đưa tới chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng 7-2015. Sở dĩ đây là chuyến thăm đặc biệt bởi lần đầu tiên nước Mỹ đón một tổng bí thư của một Đảng Cộng sản với nghi thức cao nhất giành cho nguyên thủ quốc gia. Các tổng bí thư đảng cộng sản khác mà phía Mỹ đón với nghi thúc này là vì họ đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Nhà nước. Trong chuyến viếng thăm lịch sử này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Joe Biden đã đọc hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du khi nâng ly chúc mừng quan hệ Việt - Mỹ cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” (Thank heaven we are here today. To see the sun through parting fog and clouds).

Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Mỹ Bill Clinton duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ năm 2000. Ảnh: Reuters
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cả hai bên đã có nhiều hoạt động tích cực giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, hàn gắn những vết thương chiến tranh đặc biệt là các chương trình tìm kiếm hài cốt lĩnh Mỹ ở Việt Nam, khắc phụ hậu quả bom mìn, chất độc da cam/dioxin. Sau xử lý ô nhiễm Dioxin thành công tại Đà Nẵng, năm 2019, Mỹ và Việt Nam đã chính thức thức khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, nơi từng là căn cứ lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh và nay là điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Đây được xem là dự án môi trường thuộc hàng lớn nhất thế giới. Việc khởi động dự án này là nỗ lực không mệt mỏi của cả 2 phía Việt Nam và Mỹ. Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy, người có thâm niên nhất tại Thượng viện Mỹ từ năm 1974 là người bấm nút khởi động dự án với phát biểu: "44 năm sau, tại Mỹ cũng như tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang đấu tranh với sự chia rẽ gây ra bởi chiến tranh. Nhưng từ năm này qua năm khác, chúng ta đã cùng nhau nỗ lực để vượt qua di sản của cuộc chiến".

Tổng thống Mỹ Obama đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ năm 2015. Ảnh: Reuters
Ngày 02/7/2023, Việt Nam và Mỹ sẽ chính thức kỷ niệm 10 năm 2 nước quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện (tháng 7/2013). Còn nhớ, tháng 5-2016, phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Tổng thống Obama đã chốt lại bằng câu Kiều nổi tiếng: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Hi vọng Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua những chương thăng trầm với nhiều cay đắng, mất mát sẽ bước vào một kỷ nguyên hứa hẹn nhiều tốt đẹp.
Vũ Trung Kiên (hết)