Kỳ 1: Chính giới Ấn Độ và những ngợi ca dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khi còn hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều bài viết về đất nước Ấn Độ. Đặc biệt, năm 1942 – 1943, Nguyễn Ái Quốc, lúc này với tên gọi Hồ Chí Minh đang bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ, được tin Jawaharlal Nehru cũng đang bị giam giữ, Người đã gửi tới Nehru một bài thơ với những tình cảm cảm động:
Gửi Nê-ru:
I.
“Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù.
Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,
Không lời mà vẫn cảm thông nhau.
II.
Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,
Cảnh ngộ giờ đâ khác bội phần,
Tôi chốn lao tù người bạn hữu
Anh, trong gông xích bọn cừu nhân”.
Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài thơ “Ký Nê Lỗ” (Gửi Nehru)
Ngày 10-10-1954, những người lính Cụ Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ Đô. Đúng 07 ngày sau, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vui mừng đón vị khách quốc tế đặc biệt đến thăm: Thủ tướng Nehru. Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ là người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam. Chuyến thăm của ngài Thủ tướng Ấn Độ đã mang tới tình cảm thắm thiết và tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Trong bữa tiệc chào mừng Thủ tướng Nehru thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Hôm nay, nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Pangdi Nehru, vị lãnh tụ yêu quý của nước Ấn Độ vĩ đại, vị chiến sỹ tận tụy cho hòa bình châu Á và thế giới, vị bạn tốt của nhân dân Việt Nam”. Theo những nội dung của Hiệp định Geneve, Ấn Độ cùng Ba Lan và Canada là những nước nằm trong Ủy ban quốc tế về giám sát và kiểm soát thi hành Hiệp định Geneve tại Việt Nam.
Bốn năm sau chuyến thăm Việt Nam, năm 1958, Chính phủ Ấn Độ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Trong chuyến đi thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang từ Việt Nam sang một vòng hoa và một cây đào để đặt và trồng trên mộ của nhà cách mạng Ấn Độ Motilan Neru. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo điều này với Thủ tướng Jawaharlal Nehru ông đã thật sự xúc động. Ông nói: “Hồ Chí Minh gặp cha tôi ở thủ đô nước Bỉ từ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cách đây đã lâu năm mà Hồ Chủ tịch còn nhớ đến cụ thân sinh tôi. Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch”. Cũng trong chuyến thăm của chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958, Thủ tướng Jawaharlal Nehru thay mặt Tổng thống Ấn Độ Praxat đọc lời chào mừng: “Tôi rất vui mừng được hoan nghênh Hồ Chủ tịch…Chúng ta hoan nghênh Chủ tịch, một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sỹ vĩ đại cho tự do…”.
Trong chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên này, một cử chỉ của Hồ Chủ tịch đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân Ấn Độ, đó là câu chuyện về chiếc thảm đỏ ngai vàng. Hồ Chí Minh là quốc khách của Ấn Độ nên trong buổi đón tiếp người tại cuộc mít tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, nước chủ nhà Ấn Độ trải sẵn tấm thảm đỏ để tiếp đón Hồ Chủ tịch nhưng Người đã dứt khoát từ chối bước đi trên tấm thảm đó. Không chỉ vậy, các bạn Ấn Độ còn chuẩn bị sẵn một chiếc ghế vàng dành riêng cho Chủ tịch Hồ chí Minh trên bục danh dự. Đó là một chiếc ngai vàng rất đồ sộ, lộng lẫy. Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nerhu được sắp sẵn một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi đó, đích thân Thủ tướng Nerhu đã mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó nhưng Người đã kiên quyết từ chối. Hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường chứng kiến điều này đều sửng sốt nhìn nhau. Họ đứng cả lên để xem hai vị lãnh tụ của hai nước nhường nhau chiếc ghế vàng, và rồi cuối cùng chẳng ai chịu ngồi lên chiếc ngai ấy. Thủ tướng Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Trong khoảnh khắc ấy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường đã cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Thủ tướng Nehru đã phát biểu: “Thật là một điều vĩ đại trên thế giới đối với một con người tầm cỡ như vậy mà lại có sự khiêm tốn, sự khiêm tốn ấy đã cuốn hút tình yêu mãnh liệt từ mọi người…Vị khách hôm nay là có một, ông rất bình dị, khiêm tốn và hiền từ, mới nhìn mọi người yêu mến ngay”.
Ngày 8-2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo National Herald. Phóng viên đặt câu hỏi: “So sánh vai trò của Ngài ở Việt Nam với Mahatma Gandhi tại Ấn Độ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiêm nhường trả lời: “Mahatma Gandhi đã sống và hy sinh cuộc đời cho nhân dân nước này. Người đã giúp 400 triệu người giành độc lập, tự do và hạnh phúc. Tôi và những người khác có thể là những người cách mạng song trực tiếp hay gián tiếp chúng tôi là những đồ đệ của Mahatma Gandhi, không hơn, không kém”.
Thủ tướng Ấn Độ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ, trân trọng nhất để ca ngợi Hồ Chí Minh. Ông gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sỹ vĩ đại cho tự do”. Trong bữa tiệc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức để chiêu đãi các vị lãnh đạo, chính khách và bạn bè Ấn Độ trước khi rời Delhi đi thăm Mumbai và Konkata, Thủ tướng Neru phát biểu: “Chúng ta được tiếp đón một con người, mà người đó là phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử. Do đó chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người. Được gặp Người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn…Trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật sung sướng khi Người đến mang lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả”.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm bang Bangalore, trong phát biểu chào mừng, Thủ hiến bang đã nói: “Như Thủ tướng Neru kính mến của chúng tôi đã nói, Chủ tịch là một vĩ nhân, đã ảnh hướng thời đại với đức tính giản dị và thành khẩn của ngài. Chủ tịch là một người đại cách mạng và nhờ uy tín của ngài mà Việt Nam đã có địa vị hiện nay trên thế giới. Lòng yêu tự do, bình đẳng và sự hiểu biết của Chủ tịch đã làm cho Ngài thành một nhân vật lớn trên trường chính trị quốc tế…”.
Đón và chào mừng Hồ Chủ tịch đến thăm thành phố Calcutta, Thị trường Thành phố phát biểu chào mừng:
“Hỡi người chiến sỹ anh dũng trong cuộc đấu tranh cho tự do!
Chúng tôi thật là sung sướng được Ngài đến thăm thành phố Cancutta to lớn, nó là một trong những thành phố tiên phong ở Ấn Độ và ở châu Á (…).
Hỡi người giải phóng vĩ đại của loài người!
Dưới sự hướng dẫn gan góc, mạnh bạo và sự sáng suốt của sự lãnh đạo của Ngài trong lĩnh vực tư tưởng tiến bộ, những xiềng xích lâu đời của Việt Nam đã bị phá tan (…).
Hỡi người chính trị vĩ đại của nhân dân!
Cũng như người cha vĩ đại của dân tộc chúng tôi là Thánh Gandhi, Ngài là biểu hiện của một đời sống giản đơn, thanh cao và khắc khổ”.
Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 12-2-1958, nhân ngày chủ nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm thành phố Mumbai (Bombay), người dân ở đó biết tin Hồ Chủ tịch đến thăm nên tự tổ chức chào mừng rất đông. Theo chương trình không có tổ chức nói chuyện với nhân dân nên mọi thứ không được chuẩn bị. Thế nhưng, trước tấm chân tình và tấm lòng nồng nhiệt của người dân ở đây, Hồ Chủ tịch đã chủ động nói chuyện với mọi người không qua phiên dịch, không có micro. Mọi người đã chăm chú lắng nghe. Bài phát biểu này được ghi âm và sau đó đã phát thanh trên toàn nước Ấn Độ.
Tiến sỹ B.C.Roy, Thủ hiến bang Bengal trong cuộc chiêu đãi trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Tiến sỹ Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử châu Á như một nhân vật huyền thoại, cuộc sống giản dị, tính cách vui vẻ, đầy lòng vị tha của Người đã chiếm được vị trí xứng đáng trong trái tim hàng triệu người”.
TRUNG KIÊN (còn tiếp)