Tình cảm của chính giới và người dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỳ 3: Tình cảm của nhân dân Ấn Độ với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa bao giờ thay đổi

Năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. UNESCO cũng kêu gọi các nước thành viên tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã có những hoạt động khác nhau để tưởng niệm và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bác Hồ và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru

Ấn Độ là một trong những nước đã giành cho Chủ tịch Hồ chí Minh những tình cảm đặc biệt nhất với rất nhiều các hoạt động tưởng niệm, tôn vinh người diễn ra ở khắp các diễn đàn, khắp mọi nơi. Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Ủy ban quốc gia kỷ niệm lần thứ lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chandra Sekha làm chủ tịch. Chính phủ Ấn Độ quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh một cách long trọng nhất, lâu nhất với thời gian từ 19-5-1990 đến 19-5-1991. Cho tới nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ nước ngoài được Chính phủ Ấn Độ tổ chức kỷ niệm long trọng nhất.

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm sôi động ở Ấn Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang thăm và dự đợt kỷ niệm này. Trong buổi tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngài Chandra Sekha, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ đã bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc của toàn thể nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh: “Chính phủ và nhân dân Ấn Độ coi việc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nghĩa vụ quốc tế mà là một trách nhiệm quốc gia của toàn thể nhân dân Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ hết sức kính trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi người như lãnh tụ Mahatma Gandhi của mình”. Chiều 14-01-1991, tại Calcutta đã diễn ra cuộc mít tinh của hơn hai mươi nghìn người kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay mặt Chính phủ Ấn Độ và Ủy ban quốc gia Ấn Độ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Sekha phát biểu: “…Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con của quần chúng nhân dân. Người là hiện thân của sự kết hợp tinh thần dũng cảm, chí khí kiên cường của một con người hành động với sự nhạy cảm tinh tế của một nhà văn hóa lớn. Người là triết gia, chính khách chân chính, là biểu tượng của ý chí không gì lay chuyển nổi của con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là ngọn cờ cổ vũ đối với các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và tự do trên toàn thế giới”.

Bác Hồ với Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ

Cùng ngày 14-01-1991, Hội thảo quốc tế “Hồ Chí Minh, Việt Nam và hòa bình thế giới” được tổ chức tại thành phố Calcutta, bang Tây Bengal. Hội thảo do chính Ủy ban quốc gia Ấn Độ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ bang Tây Bengal phối hợp tổ chức. Cả Tổng thống và Thủ tướng bang Tây Bengal đều tham dự cùng rất nhiều các học giả trên thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khách mời của hội thảo. Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Thủ tướng bang Tây Bangal G.Basu đã ca ngợi sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và chủ nghĩa nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng G.Basu đã nhấn mạnh: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục cổ vũ nhân dân Việt Nam và các dân tộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của con người”.

Tình cảm của nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh theo thời gian vẫn không hề phai nhạt. Nhà báo – Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ – Việt Nam Geetesh Sharma trong một phát biểu năm 2015 khẳng định: “Bác Hồ – Thần tượng của tôi”. Geetesh Sharma khẳng định: “Vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt vào những năm 1950 đến 1970, Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tâm điểm chú ý của giới trí thức và các nhà hoạt động chính trị ở Ấn Độ. Đây là thời điểm có rất nhiều bài viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau về Hồ Chí Minh, đặc biệt ở bang Tây Bengal nơi có hàng loạt bài thơ và bài báo ca ngợi Người. Những tác phẩm của Người và quyển Nhật ký trong tù đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ đã tạo nguồn cảm hứng cho độc giả. Thật vậy, đối với chúng tôi, tình cảm luôn gắn liền với cuộc đấu tranh của Việt Nam, Việt Nam đồng nghĩa với Hồ Chí Minh.

Sẽ khó tìm thấy người Ấn Độ nào không biết vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của Việt Nam – Hồ Chí Minh – hoặc không biết tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam có thể không đạt được nếu như không có sự lãnh đạo và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường và những quyết sách định hướng vì nhân dân của Người. Chúng tôi ở Ấn Độ ngưỡng mộ Người, kính trọng Người và học theo Người. Một biểu tượng của sự chân phương và giản dị. Tôi vẫn còn nhớ việc Người thường đi đôi dép xăng-đan làm bằng vỏ xe cũ đã khuyến khích các nhà lãnh đạo cộng sản, cán bộ, trí thức và các nhà hoạt động xã hội làm theo Người, tạo thành xu hướng phổ biến một thời…”.

Nhà thơ, dịch giả, thành viên Ủy ban đoàn kết Ấn Độ – Việt Nam Pravamayee Samantaray thì khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – người anh hùng của tôi”. Pravamayee Samantaray đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hùng của tôi, là người anh hùng của tôi. Trong giấc mơ, tôi nhìn thấy Người, tôi đã gặp Người. Giấc mơ của tôi đã hoàn thành khi tôi nhìn thấy Người nằm bình thản trong trang phục thường ngày trong chuyến thăm Hà Nội lần cuối cùng của tôi. Tôi không tìm được lời nào để bày tỏ tình cảm của mình về những tình cảm sâu sắc trong trái tim tôi. Tôi đã khóc, tôi đã khóc trong niềm vui. Giấc mơ của tôi đã thành hiện thực (…). Bổn phận thiêng liêng của chúng ta không chỉ là bày tỏ lòng tôn kính đối với một chính khách vĩ đại, biểu tượng của nhân dân bị áp bức, một hình tượng truyền cảm hứng và một người bạn vĩ đại của Ấn Độ, mà còn phải tìm hiểu và ghi nhớ những hành động và lời nói đầy nhân ái của Người, tình thương của Người dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng và niềm tin của Người vào sự hòa hợp của nhân loại…”.

Nói đến Phong trào Hòa bình thế giới không thể không nhắc tới một vị chủ tịch nổi tiếng là một người Ấn Độ, đó là ngài Romet Chandra. Đối với Việt Nam, với Bác Hồ, Romet Chandra luôn dành những tình cảm đặc biệt kính trọng, ngưỡng mộ và cũng thật yêu mến, thân thiết. Mỗi lần nhắc tới Việt Nam, nhắc tới Bác Hồ, ông luôn xúc động và dành những lời lẽ đẹp nhất, trang trọng nhất. Cuối tháng 3-1999, Ban thường vụ Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức hội nghị ở Việt Nam, khi ấy Romet Chandra là Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới cũng tới dự. Ủy ban Hòa bình của Việt Nam đã tổ chức tiệc mừng ông. Cố vấn Phạm Văn Đồng gửi lẵng hoa chúc mừng, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tiếp và chúc mừng Romet Chandra nhân dịp ông trò 80 tuổi. Tại phiên khai mạc Hội nghị Ban thường vụ Hội đồng Hòa bình thế giới, Romet Chandra đã nhắc tới Hồ Chí Minh với những lời lẽ đầy xúc động. Ông nói: “Vào thời điểm vinh dự này, cho phép tôi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ các bạn đều biết Người là Việt Nam, là con người vĩ đại, hơn thế, tôi muốn nhấn mạnh, Người không chỉ dành riêng cho châu Á mà cho toàn thế giới.

Các bạn có thể thắc mắc tại sao tôi cứ nói về quá khứ. Đây không phải là quá khứ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang yên nghỉ trong lăng, nhưng Người còn sống mãi. Xin hãy dành một phút mặc niệm người. Tôi tin và hy vọng rằng, mọi người đừng khóc mà hãy nhớ về Hồ Chí Minh – con người của hòa bình”.

Tình hữu nghị thủy chung trong sáng giữa Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nehru xây dựng trên một nền tảng vững chắc là hòa bình, hữu nghị và tình bạn, trải qua bao biến cố của thời gian, lịch sử vẫn mãi xanh tươi, bền vững. Tình cảm của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nồng hậu chân tình như buổi ban đầu. Trong bài phát biểu tại hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Tiến sĩ Modagat Ahmed, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, đã phát biểu: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một người trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này. Tôi hy vọng cuộc hội thảo này sẽ làm sáng tỏ thêm cuộc đời và thành tích của Hồ Chí Minh. Đó là một đóng góp có ý nghĩa nhất vào việc tưởng niệm nhân vật vĩ đại”. Trong những tình cảm, những đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ, các nhà lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân Ấn Độ là những người đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh những lời ngợi ca đẹp nhất.

TRUNG KIÊN (hết)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Bác Hồ với Ấn Độ, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2003.

2. Cảm ơn các bạn, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh

3. Cổng Thông tin tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh,

https://thehehochiminh.wordpress.com/2009/12/08/phbieugiamdocunescochauatbd_hoithao1990/

4. Báo Sài Gòn Giải Phóng onile, ngày 19-5-2015, https://www.sggp.org.vn/chu-tich-ho-chi-minh-trong-long-nhan-dan-an-do-250436.html

5. Geetesh Sharma: Bác Hồ – Thần tượng của tôi, Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, http://cis.org.vn/article/1635/bac-ho-than-tuong-cua-toi-phan-1.html

6. Trần Quân Ngọc: Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2013.

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 298
  • Trong tuần: 24,944
  • Tất cả: 8,394,532

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn