Phụ lục I: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của khu là người Khmer đã có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng

1. Ông Lâm Phái
Lâm Phái sinh ngày 01/10/1909 tại làng Lương Sa, tổng Trà Phú, tỉnh Trà Vinh (nay là ấp Ba Se, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành).
Sớm có tinh thần yêu nước, trong thời gian học ở Sài Gòn ông đã tham gia vào các phong trào chống thực dân Pháp. Ngày 24/3/1926, cụ Phan Chu Trinh mất, ông Lâm Phái đã lãnh đạo học sinh của trường tham gia biểu tình, để tang cụ Phan Chu Trinh. Do hành động này, nên ông bị đuổi học. Năm 1936, ông vào tu tại Chùa Pôthisalareach (Ông Mẹt), thị xã Trà Vinh, tại đây ông đã nhiều lần đấu tranh với các quan Tây sở tại để bảo vệ tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Sau khi hoàn tục, ông tham gia  hoạt động cách mạng tại địa phương như rải truyền đơn, làm liên lạc, chuyển giấy tờ, công văn mật...Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Trà Vinh. Ngày 04/4/1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong thời gian nầy, với cương vị lãnh đạo và là một trí thức người dân tộc, ông đã có rất nhiều đóng góp trong việc vận động lôi kéo nhiều nhân sĩ, trí thức, chư tăng và đồng bào Khmer tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1948, do yêu cầu công tác, Đảng điều động ông sang Campuchia nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Khu Tây nam, Ủy viên Ban cán sự toàn quốc rồi Phó Chủ tịch nước Campuchia. Hoạt động ở Campuchia, Ông lấy tên là Chan - Samay.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra miền Bắc và được phân công công tác ở Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương. Từ năm 1959 đến năm 1975, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Hội đồng Chính phủ, đồng thời là Ủy viên Ban Dân tộc của Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa III, IV, V.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, với những cống hiến của mình, ông Lâm Phái đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy hiệu 40 năm, 50 năm tuổi Đảng...
2. Ông MaHa Sơn Thông
 MaHa Sơn Thông tên thật là Sơn Thông, Bí danh Mười Tăng, sinh ngày 11/02/1910 tại ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần.
 Năm 14 tuổi, ông bắt đầu đi tu tại chùa Pôthivôngsaram (Chông Tọp) ấp Hòa Lạc, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Vào chùa, ông học thầy Mai Tấn Nhơn. Thấy ông có tư chất thông minh, nên năm 1926, thầy Mai Tấn Nhơn đưa ông sang Thái Lan để học chữ Pali. Sau 10 năm học, ông được phong học vị Maha. Một thời gian sau ông về nước đi dạy chữ Pali và Kinh Phật ở chùa Bà Giam (xã Đôn Châu, huyện Trà Cú). Là một người yêu nước, nên sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, ông đã tích cực tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1946, ông tham gia phong trào Thanh niên tỉnh hội tuyên truyền Trà Vinh. Đến tháng 7/1947, Ủy Ban hành chánh kháng chiến tỉnh Trà Vinh thành lập Ban Chính trị Khmer, ông được phân công làm Phó Trưởng ban; năm 1948 là Hội phó Hội ủng hộ bộ đội Is Sah Rah và năm 1949 là Hội trưởng.
 Năm 1954, ông được đề bạt vào Tỉnh ủy Trà Vinh, được phân công phụ trách Khmer vận. Trong giai đoạn từ 1956-1957, ông đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào, chư tăng Khmer của tỉnh. Năm 1957, thực hiện chủ trương “điều lắng”, ông được điều động sang công tác Khmer vận tại Sóc Trăng. Năm 1959, ông được Khu ủy rút lên công tác ở Ban Binh vận Khu Tây Nam bộ. Năm 1960, là Ủy viên Mặt trận Khu Tây Nam bộ. Đến năm 1967, được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Khu Tây Nam bộ, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Khu Tây Nam bộ. Năm 1971, ông được đề bạt vào khu ủy Khu Tây Nam bộ, phụ trách công tác Khmer vận của Khu ủy cho đến năm 1975. Sau ngày giải phóng, Ông về công tác tại tỉnh Trà Vinh giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy .
 Khi thành lập tỉnh Cửu Long, ông là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy viên Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VI, khóa VII và là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (khóaVII). Do tuổi cao sức yếu, ông mất ngày 25/4/1997, thọ 87 tuổi.
 Do những cống hiến của ông cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho ông nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương Quyết thắng hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
3. Ông MaHa Thạch SaBut
 Maha Thạch SaBut, bí danh Ba Thạnh, sinh năm 1925, quê quán ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Năm 10 tuổi vào tu ở chùa Ba Si (Phương Thạnh - Càng Long) và được Hội MêKôn tỉnh gởi sang tỉnh Sóc Trăng và Campuchia học chương trình Trung cấp và Cao cấp Phật học.
 Lấy xong bằng Maha ở Campuchia, năm 1952, ông trở về chùa Ba Si tiếp tục tu và mở lớp dạy chữ Khmer cho các tăng sinh và bà con trong phum sóc. Năm 1953, được Hội MêKôn mời về làm thư ký Hội và giảng dạy các lớp sơ cấp Phật học cho tăng sinh của tỉnh. Thời gian này, ông bắt đầu có những mối liên hệ với cách mạng qua một số cán bộ như Maha Sơn Thông, Thạch Tụm...Được tuyên truyền giác ngộ, ông thường đưa vào các bài giảng của mình những tư tưởng yêu nước, chống áp bức bất công, chống sự xâm lược của thực dân Pháp. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tham gia giảng dạy tại trường Trung học tư thục Long Đức (do vợ chồng bà Bùi Thị Mè sáng lập). Năm 1957, ông hoàn tục và thoát ly đi hoạt động cách mạng tại cơ quan Khmer vận của tỉnh. Cũng năm này, ông được kết nạp vào Đảng. Năm 1959, được điều về làm Bí thư Chi bộ xã Long Hiệp, huyện Trà Cú để củng cố lại phong trào quần chúng.
 Năm 1960, được rút về Ban Khmer vận tỉnh và được đưa về tăng cường cho các xã có đông đồng bào Khmer của huyện Cầu Kè. Cuối năm 1963, được Tỉnh ủy điều động về Thị xã Trà Vinh và bổ sung thị xã ủy viên, phụ trách công tác Khmer vận và đấu tranh chính trị tại nội ô thị xã. Năm 1968, được rút về tỉnh giữ nhiệm vụ Phó trưởng Ban Khmer vận tỉnh, đến năm 1970, được bổ sung Tỉnh ủy viên và giữ cương vị Trưởng Ban Khmer vận của tỉnh.
 Tháng 12/1971, trong một chuyến công tác về huyện Duyên Hải, ông Thạch SaBut cùng 5 cán bộ đi trên một chuyến thuyền, khi đến mũi cồn Tàu, gặp sóng to, nước chảy xiết, ghe bị chìm, ông cùng 5 cán bộ bị nước cuốn trôi ra biển, hy sinh.
4. Hòa Thượng Sơn Vọng
 Hòa thượng Sơn Vọng, sinh năm 1886 tại ấp Kim Hòa, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình nghèo.
 Thời niên thiếu, Sơn Vọng được thân sinh gởi vào chùa Chếc Chrôm thuộc ấp Kim hòa, xã Kim Hòa (Còn gọi là Chùa Giữa) theo thầy học hành và tu dưỡng đạo đức. Năm 1926, ông được chư tăng, phật tử bầu làm sư trụ trì chùa Chếc Chrôm.
 Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hoạt động của Tổ chức Mặt trận và các đoàn thể đã có những tác động tích cực đến tư tưởng và tình cảm của Hòa Thượng Sơn Vọng, ông tích cực vận động đồng bào, chư tăng góp công, góp sức cùng xây dựng chính quyền cách mạng. Đặc biệt, ông luôn thường xuyên tuyên truyền, vạch rõ âm mưu chia rẽ dân tộc, tôn giáo của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
 Năm 1957, Hòa thượng Sơn Vọng được đồng bào, chư tăng trong tỉnh bầu làm MêKôn nhưng bị bọn ngụy quyền phế truất vì chúng e ngại uy tín của Hòa thượng ảnh hưởng sâu rộng trong đồng bào, chư tăng sẽ có lợi cho cách mạng. Giữa năm 1960, được sự tổ chức của cách mạng, Hòa thượng dẫn đoàn biểu tình hơn chục ngàn người tiến vào Hội MêKôn chống chính sách đồng hóa dân tộc, đòi dân sinh, dân chủ, tự do tín ngưỡng, đòi phóng thích Achar Lui Sarat. Đặc biệt, trong ngày lễ Sene Đôlta năm 1960, Hòa thượng tham gia lãnh đạo đoàn biểu tình có khoảng 40.000 người tham dự tiến vào Dinh tỉnh trưởng Trà Vinh chống bắt lính, chống ném bom vào chùa, đồng thời tranh thủ kêu gọi binh lính quay về gia đình. Những cuộc biểu tình của chư tăng, đồng bào các dân tộc trong tỉnh góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam, buộc địch phải thay đổi sách lược có lợi cho phong trào cách mạng.
 Với thành tích và uy tín đó, tháng 3/1961 Hòa thượng Sơn Vọng được Đảng và cách mạng đề cử làm cố vấn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Tây Nam bộ. Tháng 02/1962, Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng  Miền Nam Việt Nam. Sau đó, Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch hội đồng bảo vệ hòa bình thế giới Miền Nam Việt Nam.
 Năm 1963, Hòa thượng lâm bệnh nặng, mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng Hòa thượng đã viên tịch ngày 05/3/1963 tại chiến khu Cà Mau và được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ.
5. Hòa Thượng Thạch Som
 Hòa Thượng Thạch Som, sinh ngày 05 tháng 02 năm 1914. Quê quán ấp Sóc Ruộng, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh .
 Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân Khmer nghèo vốn có truyền thống gắn bó với cách mạng, năm 1943, ông vào chùa Ô Mịch, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh tu theo phong tục cho đến năm 1957 ông tham gia công tác cách mạng tại xã .
 Ngày 12/01/1957, ông tham gia hoạt động cách mạng làm cán bộ cơ sở hợp pháp, vận động chư tăng và đồng bào đấu tranh với địch giành quyền lợi cho đồng bào và chư tăng tại chùa Ô Mịch .
 Tháng 6/1961, ông bị địch bắt giam cầm tại thị xã Trà Vinh, can án tội chính trị thời gian 6 tháng, qua đấu tranh của quần chúng ông được thả .
 Đầu năm 1962, ông làm công tác đại diện chư tăng yêu nước huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, chịu trách nhiệm lãnh đạo chư tăng đấu tranh trong toàn huyện .
 Đến tháng 8/1963, ông làm công tác đại diện chư tăng yêu nước tại Mặt trận tỉnh Trà Vinh. Đến ngày 08/9/1963, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam và ngày 08/9/1964, được xét chuyển là Đảng viên chính thức.
 Từ tháng 7/1964 đến tháng 7/1967, ông công tác tại Mặt trận Tây Nam Bộ, làm Ủy viên Ban Mặt trận và là Hội trưởng Hội chư tăng yêu nước Tây Nam Bộ, ông được phân công trực tiếp chỉ đạo phong trào của chùa Rạch Cười (xã Khánh Bình) và chùa Nhà máy, xã Trần Thời thuộc tỉnh Cà Mau. Từ tháng 8/1968, ông được phân công chỉ đạo thêm 3 chùa: Chùa Cá Bầu Lù Lớn, Cá Bầu Lù Nhỏ và chùa Sáu Cạn, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá. Đến tháng 10/1968, được điều về Ban Khmer vận và là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Giải phóng khu Tây Nam Bộ và là Hội trưởng Hội sư sãi yêu nước khu Tây Nam Bộ.
 Sau ngày đất nước giải phóng Hòa thượng Thạch Som trở về trụ trì ở một ngôi chùa thuộc huyện Cầu Kè. Hòa thượng nguyên là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do tuổi cao sức yếu, Hòa thượng viên tịch ngày 16 tháng 01 năm 2006, hưởng thọ 95 tuổi.
 Trong thời gian hoạt động cách mạng, Hòa Thượng Thạch Som được Đảng, Nhà nước, tặng Huân chương hạng Nhì (phong trào đấu tranh chính trị), Huân chương quyết thắng hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.
6. Ông Thạch Tụm
 Ông Thạch Tụm, sinh năm 1907, quê quán ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Lớn lên ông vào tu ở chùa Xoài Xiêm, sau đó được chùa gởi sang tu học ở Campuchia. Sau khi học xong, ông trở về tiếp tục tu ở chùa Xoài Xiêm và làm thầy giáo dạy chữ Khmer cho các tăng sinh và đồng bào Khmer, thời gian nầy, ông được tiếp xúc với nhiều nhân sĩ trí thức có tư tưởng tiến bộ như Maha Sơn Thông, Lâm Phái, Sơn Ngọc Minh, Đỗ Văn Nại, Cao Thành Phát...
 Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Thạch Tụm xin hoàn tục, trực tiếp tham gia cách mạng và được phân công giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban hành chánh xã Ngãi Xuyên. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng và được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh xã. Đến tháng 6/1949, được đề bạt Huyện ủy viên và được phân công nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh huyện Trà Cú, trực tiếp phụ trách công tác Khmer vận và Hội ủng hộ Is Sah rah huyện, Năm 1951, ông là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh huyện. Năm 1952, ông được Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ chỉ định làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Vĩnh Trà, phụ trách công tác Khmer vận, Hội ủng hộ Is Sah rah, ông giữ chức vụ này đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.
 Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông được phân công ở lại miền Nam và được Tỉnh ủy cử về củng cố và tham gia Huyện ủy Trà Cú với cương vị Phó Bí thư Huyện ủy, trực tiếp công tác Khmer vận. Trong 6 năm đấu tranh chính trị, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Trà Cú, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Thạch Tụm, đồng bào, chư tăng Trà Cú đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị đòi kẻ địch thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến hành Hiệp thương tổng tuyển cử, chống lại các âm mưu và hành động đàn áp người kháng chiến, đòi dân sinh, dân chủ...
 Năm 1959, trước sự theo dõi gắt gao của kẻ địch, Huyện ủy Trà Cú tổ chức cho ông Thạch Tụm chuyển sang địa bàn xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hoạt động. Cuối năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, ông được phân công là Chủ tịch Mặt trận xã An Thạnh Nhì và đến năm 1964, được phân công Thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam huyện Long Phú. Tháng 6/1973, có kẻ phản bội chỉ điểm, ông Thạch Tụm bị địch bắt và đày lên nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa) đến ngày giải phóng 30/4/1975. Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ông mất năm 1987, thọ 80 tuổi.
 Ông Thạch Tụm được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy hiệu thành đồng Tổ quốc; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
7. Ông Trần Lái
 Ông Trần Lái, bí danh là Thạch Oai, sinh năm 1918, quê quán ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, tham gia cách mạng từ những năm 1940, làm liên lạc, canh gác cho cán bộ hội họp. Đến tháng 02 năm 1945, ông  là cán bộ tuyên truyền xã, từ tháng 5/1945 là lãnh đạo thôn bộ Thanh niên Tiền phong xã Ngãi Xuyên.
 Năm 1946, sau khi thực dân Pháp tái chiếm tỉnh Trà Vinh và Trà Cú, Huyện ủy và Ủy ban Hành chánh kháng chiến huyện Trà Cú thành lập Hội ủng hộ Is - Sah - Rah, ông được phân công làm Hội trưởng. Năm 1949, ông được điều động về tỉnh giữ cương vị Phó Chủ tịch hội ủng hộ Is Sah rah tỉnh và đến năm 1952 được điều động trở về Trà Cú giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chánh huyện Trà Cú. Trên cương vị công tác của mình, ông cùng với nhiều nhân sĩ trí thức người Khmer khác như Maha Sơn Thông, Thạch Tụm, Lâm Phái đã có nhiều đóng góp trong việc vận động đồng bào Khmer tham gia kháng chiến chống Pháp.
 Năm 1955, ông được phân công là Phó trưởng Ban Khmer vận, đến năm 1963 là Trưởng ban và năm 1966 được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
 Tháng 11/1968, trong một trận chống càn, ông Trần Lái bị thương và được quân y điều trị, nhưng phải cắt bỏ một chân, Tỉnh ủy chủ trương đưa đồng chí ra Bắc điều trị, nhưng ông xin ở lại để tiếp tục hoạt động cách mạng. Sang năm 1969, ông được đưa sang An Thạnh Nhì (cù Lao Dung, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) để tiếp tục điều trị. Về An Thạnh Nhì, ông Trần Lái ở hầm bí mật...
 Tháng 12/1969, có sự chỉ điểm của một phần tử phản bội, địch dùng trực thăng đổ tiểu đoàn Bảo an tỉnh Sóc Trăng bao vây khu vườn và kêu đích danh ông ra đầu hàng. Mặc dù đang bị thương nặng, ông đã cùng chiến sĩ bảo vệ chiến đấu với địch đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.
 Với những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông Trần Lái được Đảng và nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.
8. Ông Kiên Sang
Ông Kiên Sang, sinh năm 1929. Quê quán ấp Trà Ôn, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Năm 1959, ông tham gia công tác tại một cơ sở vận động quần chúng. Đến năm 1960, công tác tại Ban Cán sự ấp Trà Uôn, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Năm 1961, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Từ năm 1962-1963, là Chi ủy viên xã, Trưởng Ban Dân vận xã Song Lộc.
- Từ năm 1964-1965, giữ chức vụ Bí thư xã Song Lộc. Năm 1969, được bầu vào Huyện ủy, tiếp tục làm Bí thư xã Song Lộc đến cuối năm 1967.
- Năm 1968-1978, Thường vụ Huyện ủy, lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ: Trưởng Ban Dân vận huyện Châu Thành; Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành; Bí thư Huyện ủy Châu Thành (1977-1978).
- Từ năm 1979-1980, được phân công là Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cửu Long. Đến năm 1991, là Tỉnh ủy viên tỉnh Cửu Long, Bí thư Huyện ủy Châu Thành qua các nhiệm kỳ : 1980-1983; 1983-1986; 1986-1991.
Ngày 20/8/1991, nghỉ hưu tại ấp Ô Bắp, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Năm 1993, ông từ trần .
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta cùng với quá trình tham gia hoạt động kháng chiến ở chiến trường miền Nam từ năm 1959-1975, ông Kiên Sang được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng III và các danh hiệu cao quý khác .
 9. Bà Sơn Thị Xiết
 Bà Sơn Thị Xiết, tên thường dùng Hai Chánh, sinh năm 1939, tại ấp Sóc Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
 Từ năm 1964-1967, Hội phó Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng tỉnh Trà Vinh;
 Tháng 8 năm 1967, về công tác ở Thị xã Trà Vinh;
 Năm 1972, Phó Ban Phụ nữ tỉnh, Tỉnh ủy viên;
 Đầu năm 1973, Ủy viên công tác khu vực 3;
 Từ 1973 - 1976, Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Tây Nam bộ
 Năm 1976 - 1978, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy huyện Châu Thành;
 Năm 1978, nghỉ hưu.
 Trong hoạt động Hội Phụ nữ, bà Sơn Thị Xiết, luôn năng nỗ, bám sát các huyện trọng điểm, xây dựng tổ chức cơ sở, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong lực lượng phụ nữ. Trong đấu tranh trực diện với địch, bà rất linh hoạt để qua mắt địch, bảo vệ an toàn cán bộ, chiến sĩ bám vùng ven xã Lương Hòa, đánh vào nội ô thị xã.
10. Ông Thạch Sung
 Ông Thạch Sung, tên khai sinh là Thạch Xưa, thường gọi là Ba Sung, sinh năm 1934 ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình nông dân nghèo.
 Từ năm 1958 - 1960, tham gia công tác tại địa phương và được kết nạp vào Đảng. Từ 1960 - 1962, là Tiểu đội Trưởng rồi Trung đội Trưởng và là Bí thư chi bộ địa phương quân. Đến cuối năm 1963, ông là cán bộ đại đội địa phương quân. 
 Năm 1964, Huyện ủy viên, huyện đội Phó. Năm 1965-1968, là Thường vụ Huyện ủy, Huyện đội Trưởng. Năm 1969, ủy viên Ban cán sự, Tỉnh đội Phó Tỉnh đội Trà Vinh.
 Năm 1970 - 1971, về Sư đoàn I, giữ chức vụ Tham mưu Phó Trung đoàn
 Năm 1972 - 1974, Thường vụ Ban cán sự và tiếp tục giữ chức vụ Tỉnh đội Phó Tỉnh đội Trà Vinh.
 Tháng 12/1975 - 1976, là Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội Cầu Kè. Năm 1977 - 1978, Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cầu Kè.
 Trong thời gian hoạt động cách mạng, ông Thạch Sung được Trung ương tặng 02 Huân chương chiến công, 03 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang I,II,III. Năm 1979, do sức khỏe yếu, ông xin thôi giữ chức vụ và về an dưỡng tại quê nhà.
11. Ông Thạch Phan Suôl
 Ông Thạch Phan Suôl, tên khai sinh Cao Thái Văn, bí danh Sáu Ly, sinh năm 1932 tại Đại An, Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình bần nông.
 Năm 1946, tham gia các hoạt động bảo vệ cán bộ, báo tin địch ngay trên quê hương Trà Cú (gọi là cán bộ quân báo).
 Từ 1949 - 1954 là chiến sĩ quân báo xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải. Từ 1954 - 1957, Chi đoàn ủy viên thanh niên xã Long Vĩnh.
 Từ tháng 4/1959,  về đơn vị 501 tỉnh. Đến tháng 10/1959, giữ chức vụ Tiểu đội phó và được kết nạp vào Đảng.
 Từ tháng 6 đến tháng 10/1960, Tiểu đội trưởng; Trung đội phó rồi Trung đội trưởng đơn vị 501.
 Từ tháng 11/1961, Trung đội trưởng đơn vị 507 .
 Từ năm 1962 -1964, là Đại đội phó, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó và Tiểu đoàn trưởng đơn vị 501.
 Từ tháng 6/1966, là giáo viên chiến thuật trường Lục quân T3 .
 Từ tháng 11/1967, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 308 chủ lực Khu .
 Từ tháng 10/1968, là tham mưu Phó Trung đoàn 3 Khu Tây Nam Bộ.
 Từ tháng 12/1968 tỉnh đội phó tỉnh Trà Vinh. Từ tháng 2/1971-1976, Tỉnh ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh .
 Với những đóng góp to lớn trong lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Trà Vinh, ông đã được Đảng - Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng III và được bầu Chiến sĩ thi đua Nam bộ (năm 1965). Do sức khỏe yếu (thương binh 4/4), với những vết thương trong chiến đấu, nên ông xin nghỉ hưu năm 1976 (lúc 44 tuổi) năm 1976 với chức vụ là Tỉnh ủy viên - Thiếu tá - Tỉnh đội Phó Tỉnh đội Trà Vinh.

Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 554
  • Trong tuần: 4 076
  • Tất cả: 8756193

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn