TỔNG LUẬN, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM (tt1)

Qua phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 - 2010, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
1. Bài học thứ nhất: Triển khai và thực hiện tốt chủ trương chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Kiên quyết và kịp thời khắc phục những sai lầm, khuyết điểm trong thực hiện chính sách dân tộc.
Trước năm 1930, xã hội Khmer thấm nhuần tư tưởng và triết lý của đạo Phật. Đồng bào thích làm việc thiện, tránh điều ác; làm phước để mong tích đức; sùng bái luật nhân quả của Phật giáo. Đồng bào tin và hành động theo lời dạy của Đức Phật…Trước sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khi có sự lãnh đạo của Đảng; làm thế nào để chư tăng, đồng bào Khmer thấy chúng là kẻ thù chung của dân tộc và giai cấp, tin vào Đảng, vào Bác Hồ, đoàn kết với đồng bào người Kinh và các dân tộc anh em, tham gia làm cách mạng để đánh thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, đây là vấn đề quan trọng và vô cùng khó khăn. Thực hiện được yêu cầu đó đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách và tiến hành một quá trình vận động giáo dục lâu dài, gian khó.

Để vận động, giáo dục đồng bào giác ngộ đi theo cách mạng; Đảng đã đề ra rất nhiều chính sách vừa đối với nông dân, vừa đối với tôn giáo, vừa đối với dân tộc. Quá trình này, kết hợp nhiều hình thức và đa dạng hóa về phương pháp. Phối hợp cả về kinh tế, dân vận, chính trị, quân sự; cả về lợi ích cụ thể trước mắt và mục đích, chiến lược lâu dài của cách mạng. Những nội dung chính sách dân tộc và phương pháp cách mạng đó được vận dụng một cách sáng tạo trong từng thời điểm cụ thể với tinh thần nhất quán theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và xu thế phát triển chung của cách mạng Việt Nam.

Đối với nông dân, Đảng có chính sách ruộng đất. Đối với tôn giáo, Đảng có chính sách tự do tín ngưỡng. Đối với dân tộc, Đảng có chính sách bình đẳng, đoàn kết dân tộc.

Tỉnh ủy Trà Vinh đã quán triệt và vận dụng đúng đắn các chủ trương, đường lối đúng đắn đó vào thực tiễn tình hình của một tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, như: trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng tiến hành thực hiện cải cách ruộng đất, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo tốt việc cấp đất cho nông dân, trong đó có nông dân Khmer, đã xây dựng được lòng tin của người dân nghèo đối với Đảng. Đến giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, chính sách dân tộc càng được Đảng vận dụng nhuần nhuyễn thêm và đã vận dụng có hiệu quả vào vùng có đông đồng bào Khmer, đã động viên được sức mạnh của đồng bào và chư tăng Khmer tích cực tham gia cách mạng. Trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, qua thử thách chiến đấu, tình đoàn kết giữa hai dân tộc càng được tô đẹp hơn bao giờ hết. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer như Chỉ thị số 117-CT/TW, ngày 29/9/1981của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) “về công tác đối với đồng bào Khmer trong những năm trước mắt”, Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 14/8/1991 của Ban Bí thư (khóa VI) “về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer”; Chỉ thị số 122/CT-HĐBT, ngày 12/5/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác đối với đồng bào Khmer; các Chương trình 134, 135, 74, 167… của Chính phủ, chính sách trợ giá, trợ cước, cử tuyển, miễn giảm học phí., viện phí…Thực hiện nghiêm túc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy Cửu Long và Trà Vinh đã đề ra những chính sách cụ thể để triển khai thực hiện như: Nghị quyết số 01-NQ/TU và Nghị quyết số 06-NQ/TU Trà Vinh “về chuyển biến toàn diện vùng đồng bào Khmer”. Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn đó, vùng có đông đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo thực hiện, do tác động của âm mưu chia rẽ của kẻ thù, do năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, từng lúc, từng nơi đã để xảy ra những sai sót đáng tiếc, như những ngày đầu kháng chiến chống Pháp kẻ thù gây chia rẽ làm cho ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, đồng bào hai dân tộc có sự hiểu lầm nhau đưa tới chỗ xô xát lẫn nhau. Nhờ Đảng sáng suốt kịp thời uốn nắn, sửa sai, từ đó, tình hình dịu dần, khôi phục và củng cố lại tinh thần đoàn kết. Sau đó, Hội ủng Isarăk ra đời (vào năm 1947, 1948) được sự tuyên truyền giáo dục, giác ngộ, đồng bào Khmer càng hiểu rõ thêm về Đảng, cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hoặc như vụ án KC 50 làm cho khối đoàn kết giữa hai dân tộc đứng trước những thử thách mới, một bộ phận cán bộ, đảng viên và chư tăng băn khoăn, lo lắng, niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng có mặt bị giảm sút. Nhưng được sự đạo kịp thời của Trung ương, Tỉnh ủy đã nghiêm túc khắc phục những sai sót, tổ chức các đoàn đến các chùa, các địa phương có đông đồng bào Khmer và các gia đình có người bị oan sai để nhận khuyết điểm và sửa sai, cán bộ có sai phạm bị xử lý, người bị oan sai được giải oan, khôi phục các quyền lợi, niềm tin của cán bộ, đảng viên, chư tăng và đồng bào Khmer đối với Đảng được khôi phục, tình đoàn kết giữa hai dân tộc được củng cố và tăng cường. Đây là kinh nghiệm xương máu trong mối quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc Kinh - Khmer trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chính sách dân tộc của Đảng ta luôn thể hiện sự nhất quán, được Đảng bộ triển khai và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và sinh động. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện có những sai lầm, khuyết điểm, Đảng bộ đã nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm và cương khuyết khắc phục sửa chữa. Nhờ đó, đã củng cố, tăng cường và phát huy được truyền thống đoàn kết đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer cùng với các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

2. Bài học thứ hai: Xây dựng các tổ chức Đảng bộ trong vùng có đông đồng bào Khmer trong sạch vững mạnh, có mối quan hệ gắn bó với Nhân dân, đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Khmer tiêu biểu có đức, có tài, dám hy sinh vì nước, vì dân
Ngay sau khi thành lập các tổ chức đảng đầu tiên ở Càng Long, Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh vào mùa Xuân năm 1930, Tỉnh ủy đã chú trọng gầy dựng cơ sở và hình thành các tổ chức đảng trong vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh làm hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của chư tăng, đồng bào Khmer (Chi bộ xã Phương Thạnh, Chi bộ Tân An - Huyền Hội huyện Càng Long; chi bộ xã Mỹ Hòa huyện Cầu Ngang vào tháng 6/1930). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các tổ chức đảng trong vùng có đông đồng bào Khmer luôn được quan tâm xây dựng theo hướng trong sạch vững mạnh cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều đó đã giúp cho các tổ chức Đảng trong vùng có đông đồng bào Khmer vượt qua bao khó khăn, gian khổ, bao hy sinh, mất mát, thậm chí có những thời điểm kẻ thù thực hiện những thủ đoạn vô cùng thâm độc, dã man như khủng bố trắng, Luật 10/59…, nhiều đảng viên bị địch bắt, tù đày, bị tra tấn dã man đến chết, hoặc phải “điều lắng” sang địa phương khác; có chi bộ bị xóa trắng phải thành lập lại nhiều lần, có chi bộ phải mượn địa bàn của xã khác để đứng chân…nhưng các chi bộ vẫn thực hiện chủ trương bám đất, bám dân để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo, các tổ chức đảng trong vùng có đông đồng bào Khmer chú trọng lãnh đạo công tác chính trị, tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của cấp trên, xây dựng chương trình, kế hoạch, nghị quyết của cấp mình sát hợp với tình hình của địa phương, để triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả; chú trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, tạo sự nhất trí trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong chư tăng và đồng bào về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của chi bộ, đảng bộ. Đồng thời, thường xuyên củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy, phát triển đảng viên và xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ. Trong quá trình lãnh đạo, luôn chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với chư tăng và đồng bào Khmer, thông qua việc sâu sát, phát huy dân chủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến đóng góp của đồng bào, chư tăng, mạnh dạn tự phê bình, nhận khuyết điểm trước đồng bào và cương quyết sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót. Nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc chăm lo lợi ích thiết thực của đồng bào, qua đó tạo được niềm tin nơi cán bộ, đảng viên, chư tăng và đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đi đôi với xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ Khmer trong vùng đồng bào Khmer là nhiệm vụ then chốt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn: “Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, Chính phủ giải thích cho dân chúng rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình dân chúng báo cáo cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng.
Vì vậy, cán bộ là gốc của mọi công việc.
Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng…”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Quán triệt tinh thần trên, Đảng bộ cũng nhận thức sự nghiệp cách mạng của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đòi hỏi sự phấn đấu và nỗ lực của chính những thành viên của cộng đồng này. Đó là một trong những động lực của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer đã trở thành một trong những mối quan tâm đồng thời là bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, các chi bộ Đảng đã chú trọng tuyên truyền, vận động các chư tăng, đồng bào Khmer theo Đảng làm cách mạng, từ những hạt giống đầu tiên, Tỉnh ủy đã chú trọng bồi dưỡng và mạnh dạn phân công, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể là người dân tộc Khmer như: trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều cán bộ Khmer giữ vai trò chủ chốt trong bộ máy Đảng, lực lượng vũ trang và các đoàn thể cách mạng như: Đồng chí Maha Sơn Thông - Hội phó Hội ủng hộ Ít-xa-rắc, đồng chí Lâm Phái - Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh; Hòa thượng Sơn Vọng - Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Thạch Som - Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam bộ; Lui Sarat - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh…Nhiều cán bộ, đảng viên người Khmer đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiêu biểu như: Anh hùng liệt sĩ Thạch Ngọc Biên, Anh hùng liệt sĩ Thạch Thị Phinh, Anh hùng liệt sĩ Thạch Thị Thanh, Anh hùng liệt sĩ Kiên Thị Nhẫn, Anh hùng Sơn Ton, Anh hùng Lâm Sắt…Trong 35 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ cán bộ người dân tộc tiếp tục được Tỉnh ủy quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cả về văn hóa, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và thật sự trưởng thành qua thực tiễn, nhiều đồng chí được trao những vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và một số cơ quan Trung ương như: đồng chí Lâm Phú, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; đồng chí Sơn Song Sơn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; đồng chí Huỳnh Phước Long, nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (khóa XII); đồng chí Sơn Cang, Trung tướng, nguyên Tổng cục phó Tổng cục an ninh - Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (khóa XII và XIII), đồng chí Thạch Hel, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (khóa VIII và IX); đồng chí Thạch Dư, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Campuchia; đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; …

Nhờ có đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có bản lĩnh và trí tuệ, có kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, hiểu rõ phong tục, tập quán, tâm tư nguyện vọng của chư tăng và đồng bào Khmer, gắn bó mật thiết với đồng bào, là lực lượng trung kiên của cách mạng, là lực lượng nòng cốt lãnh đạo, vận động, thuyết phục và lôi kéo chư tăng, đồng bào Khmer tích cực tham gia và có những đóng góp to lớn thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ là người Khmer của tỉnh không chỉ đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của địa phương mà còn tạo nguồn cung cấp đội ngũ cán bộ cho Trung ương và phong trào cách mạng của nước bạn Campuchia.

3. Bài học thứ ba: Luôn tôn trọng nguyên tắc cơ bản là "đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển", thực sự đem lại quyền lợi vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh luôn chú ý giữ vững nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, trong quan hệ đối xử đối với đồng bào Khmer; luôn đấu tranh mạnh chống lại mọi hành vi khinh miệt, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, đồng hóa dân tộc, tư tưởng dân tộc lớn; chú ý cả ba mặt của sự đoàn kết dân tộc: làm cho đồng bào Khmer căm thù giặc ngày càng sâu sắc, giác ngộ ý thức dân tộc và giai cấp; đoàn kết giữa các dân tộc với nhau; đoàn kết trong nội bộ dân tộc. Trong quá trình xâm lược Việt Nam, để thực hiện âm mưu chiến lược “chia để trị”, “dùng người Việt đánh người Việt”, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã hết sức chú ý xuyên tạc lịch sử, khích động gây chia rẽ dân tộc Kinh - Khmer. Thực dân Pháp đã triển khai hàng loạt các thủ đoạn nhằm chia rẽ người Kinh và người Khmer như đưa binh lính người Kinh đi đàn áp người Khmer và ngược lại, chia Phật giáo Nam tông Khmer ra hai phái khác nhau: Mohanikay và Thomayut. Tiếp theo Pháp, từ 1954 đến 1975, đế quốc Mỹ đã kế thừa những âm mưu, thủ đoạn của người Pháp trong việc chia rẽ đồng bào Kinh và và đồng bào Khmer. Mỹ ngụy đã lập ra nhiều tổ chức Khmer phản động như “Đảng khăn trắng”, “Khmer Srei”, “Khmer Krom” bỏ tiền mua chuộc chư tăng, gây chia rẽ trong Phật giáo Nam tông của người Khmer, tăng cường trang bị vũ khí, huấn luyện các lực lượng phản động Khmer; sau giải phóng, thực hiện âm mưu “hậu chiến” của đế quốc Mỹ và chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, chúng đã gây ra vụ bạo loạn năm 1976, vụ gây rối ở huyện Tiểu Cần năm 2007, lôi kéo chư tăng, đồng bào sang Campuchia tham gia kỷ niệm ngày mất đất 4/6…. Để vận động tốt đồng bào Khmer, vấn đề nhất quán xuyên suốt là Tỉnh ủy đã có những chủ trương, chính sách kịp thời; thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ đối với đồng bào Khmer, điều quan trọng là các cấp ủy Đảng luôn kiên quyết, khôn khéo, bình tĩnh đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, tổ chức phản động gây chia rẽ dân tộc, kích động đồng bào Khmer; phân hóa, cô lập, vạch mặt bọn phản động trước quần chúng Khmer và trấn áp theo đúng quy định của pháp luật những tổ chức và cá nhân phản động. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Tỉnh ủy đã sớm hình thành những tổ chức làm công tác vận động đồng bào Khmer như “Hội ủng hộ Isarak” (Hội Khmer đoàn kết kháng chiến), Ban Khmer vận. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã kiên quyết đấu tranh chặn đứng những âm mưu xóa bỏ vùng giải phóng, chia rẽ dân tộc, thành lập Hội Đoàn kết chư tăng yêu nước, để tập hợp các chư tăng yêu nước trong mặt trận chống Mỹ cứu nước. Sau khi đất nước được giải phóng, ta đấu tranh làm thất bại âm mưu và hành động bạo loạn của các tổ chức phản động như hoạt động của Khmer Srây, Đảng Khăn trắng, làm thất bại các âm mưu gây rối chính trị của các tổ chức phản động Khmer Campuchia Krom... Bằng đường lối, phương pháp đúng đắn, thận trọng, đúng mức, bằng thái độ chân thành nhận và cương quyết khắc phục sửa chữa khi có sai lầm, thiếu sót, Đảng ta đã làm thất bại về cơ bản tất cả các thủ đoạn chia rẽ của kẻ thù. Những hành động “bạo loạn”, gây tổn thất cho lực lượng cách mạng chỉ là tạm thời, không cơ bản, còn sự đoàn kết nhất trí của đồng bào Kinh - Khmer - Hoa chống kẻ thù chung mới là nét bao trùm trong suốt hai cuộc kháng chiến, cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện nguyên tắc “đoàn kết, bình đẳng, cùng tương trợ và giúp nhau tiến bộ” giữa các dân tộc, Đảng ta luôn chú ý đem lại cho đồng bào Khmer những quyền lợi vật chất và tinh thần, nhất là "vấn đề ruộng đất". Ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, khi Tỉnh ủy triển khai chính sách của Đảng về tạm giao, tạm cấp và chia lại ruộng đất công, cấp ủy đảng ở những vùng có đông đồng bào Khmer đã hết sức chú ý giải quyết vấn đề ruộng đất một cách bình đẳng giữa các dân tộc. Sau ngày tái lập tỉnh trong điều kiện cuộc sống của đồng bào Khmer có nhiều khó khăn, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển biến vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, xây dựng Đề án về hỗ trợ nhà ở cho đồng bào Khmer nghèo...Đảng ta không chỉ chia cấp ruộng đất mà còn cấp cả vốn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đồng bào Khmer phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống; cho đồng bào tự do khẩn hoang những vùng đất mới để cày cấy; thậm chí một số nơi đã giúp đồng bào Khmer chuộc lại những ruộng đất đã cầm, bán. Đảng và chính quyền cách mạng đã chú ý vận động đồng bào Khmer thực hiện đời sống mới, xóa bỏ mê tín, dị đoan ... trong các vùng nông thôn Khmer. Nhờ vậy, Đảng đã làm cho đồng bào Khmer thực sự tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, hăng hái tham gia kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Bài học thứ tư: Chú trọng công tác tuyên truyền vận động trí thức, chư tăng làm nòng cốt trong các phong trào, đồng thời tổ chức được phong trào hành động cách mạng rộng rãi trong đồng bào Khmer

Từ thực tế thành phần tham gia trong lực lượng cách mạng của đồng bào Khmer, càng khẳng định vai trò to lớn của trí thức và chư tăng Khmer đối với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở bất cứ dân tộc, quốc gia nào vai trò trí thức đều mang tính quyết định đối với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Đối với đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, trí thức trước đây phổ biến là bắt nguồn từ những người tu hành. Họ là con em của nông dân lao động, phần đông đi tu để tìm cách học chữ, học đạo làm người và học các kiến thức khác. Đi tu để tìm trí thức, tìm chân lý, tìm lẽ sống, nên họ có khả năng tiếp thu chân lý cụ thể, rất rõ ràng. Do đó, họ dễ tiếp cận chân lý cách mạng. Khi tiếp cận được chân lý cách mạng, họ chiến đấu rất quyết liệt với kẻ thù của dân tộc, giai cấp và rất mực trung thành với cách mạng, gần gũi với quần chúng nhân dân.

Tranh thủ, lôi kéo, giác ngộ được những người tu hành đi theo cách mạng là một thành công lớn của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, các ông Maha Sơn Thông, Sơn Ngọc Minh, Tus Samut, Chansamây (Lâm Phái), nhà sư Achar Maha Sa But, Hòa thượng Sơn Vọng, Hòa thượng Thạch Som,…Từ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) cho đến kháng chiến chống Mỹ (1954 -1975), các vị đều là nhà sư, hoặc được đào tạo từ trường chùa đã gởi lại áo cà sa để tham gia kháng chiến. Đặc biệt, nhà sư Achar Maha Thạch Sa But, Hòa thượng Thạch Som, Hòa thượng Sơn Vọng, đều là những vị chân tu, ngay trong lúc tu đã tham gia hoạt động cách mạng, sau đó thoát ly đi vào vùng giải phóng, trực tiếp tham gia kháng chiến. Qua phong trào cách mạng, các vị đã được bố trí vào vị trí thích hợp, trở thành người đảng viên cộng sản trung kiên, là những cán bộ lãnh đạo tài năng và đức độ; là lãnh tụ tinh thần không chỉ của đồng bào Khmer Trà Vinh mà còn là của đồng bào Khmer Tây Nam bộ. Ở các vị, vừa có đức độ và uy tín lớn trong đồng bào, vừa có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng. Ở các vị ấy, lời nói và việc làm đi đôi, đã động viên, kêu gọi đồng bào và chư tăng Khmer nghe và làm theo. Các vị là những người tiêu biểu cho tầng lớp trí thức của dân tộc Khmer gắn với Phật giáo Nam tông, được giác ngộ giai cấp. Những đóng góp của các vị chính là niềm tự hào của đồng bào và chư tăng Khmer.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, các trí thức và chư tăng Khmer tiếp tục đóng vai trò to lớn trong phong trào hành động cách mạng của đồng bào Khmer trong tỉnh. Ngoài những vị tham gia trong hai cuộc kháng chiến tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng như Ông Maha Sơn Thông, còn có đội ngũ cán bộ trưởng thành sau ngày đất nước giải phóng mà bản thân các đồng chí ấy cũng từng tu, hoặc được đào tạo từ trường chùa như đồng chí Huỳnh Phước Long (phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của quốc hội khóa XII); đồng chí Thạch Hel (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy), đồng chí Thạch Dư (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Campuchia)…

Phải trên cơ sở nhận thức đúng, đánh giá khách quan về khả năng cách mạng của những trí thức Khmer, từ thành phần nông dân theo đạo Phật, tiến tới giác ngộ giai cấp; Đảng ta đã có một đối sách phù hợp. Đảng đã đưa các vị ấy từ lòng yêu thương dân tộc gắn với lòng yêu nước, yêu giai cấp đi theo Đảng làm cách mạng. Khả năng đó được chứng minh rõ ràng nhất qua thử thách của giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong phong trào chư tăng chống bắt lính, đóng quân trong chùa; nhiều thanh niên, chư tăng từ nhà chùa cởi áo cà sa, gia nhập lực lượng vũ trang, tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là một đặc thù trong truyền thống yêu nước của đồng bào Khmer Nam bộ.

Tuy xuất thân từ nhà tu hành, hầu hết đều được đào tạo trong trường chùa; thấm nhuần triết lý của đạo Phật nhưng khi được giác ngộ giai cấp, được trui rèn qua ngọn lửa đấu tranh cách mạng, các vị ấy đã trở thành lực lượng cách mạng trung kiên, hoạt động hết mình vì nước, vì dân; hành động của các vị luôn gắn liền với lợi ích của giai cấp và dân tộc. Việc làm có ý nghĩa thiết thực đó đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong các giai đoạn cách mạng và tấm gương đạo đức trong sáng của mỗi cá nhân các vị ấy đã góp phần khẳng định phẩm chất cao đẹp của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam được Đảng và Bác Hồ giáo dục. Tấm gương sáng của các vị ấy chính là niềm tự hào của đồng bào và chư tăng Khmer về tinh thần đoàn kết các dân tộc; về sự kết hợp trong việc làm tốt đời đẹp đạo; về tinh thần yêu nước, yêu dân tộc gắn với giai cấp của Phật giáo Nam tông Khmer.

Một trong những đặc điểm nổi bật của phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh là sự tham gia đông đảo và tích cực của phụ nữ Khmer. Rất nhiều bà mẹ, người chị, những cô gái trẻ Khmer đã là những tấm gương khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong đấu tranh chính trị, binh vận, tài trí, dũng cảm trong đấu tranh vũ trang. Phong trào phụ nữ Khmer tham gia du kích ở huyện Châu Thành phát triển rất mạnh với nhiều đơn vị du kích toàn nữ như trung đội du kích xã Lương Hòa; hoặc tấm gương chiến đấu kiên cường của anh hùng liệt sĩ Kiên Thị Nhẫn, anh hùng liệt sĩ Thạch Thị Phinh; anh hùng liệt sĩ Thạch Thị Thanh, tấm gương của bà Năm Xây (Thạch Thị Siêng), …là những hình ảnh điển hình của sự tham gia tích cực, sự giác ngộ cách mạng cao của phụ nữ Khmer trong cách mạng giải phóng dân tộc. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, chị em phụ nữ Khmer cũng có mặt hầu hết trên các mặt trận kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nhiều chị được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng như đồng chí Nguyễn Thị Khá (Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội), đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh)..

Nhiều vùng dân tộc Khmer, nhiều phum, sóc Khmer đã trở thành những vùng căn cứ cách mạng, những "phum, sóc chiến đấu" của người Khmer bên cạnh những “làng chiến đấu” của người Kinh... Nhiều xã, huyện có đông đảo đồng bào Khmer sinh sống đã trở thành những xã, huyện Anh hùng như: xã Ngũ Lạc... (huyện Duyên Hải), xã Long Sơn, xã Nhị Trường... (huyện Cầu Ngang), xã Long Hiệp, Ngọc Biên, Lưu Nghiệp Anh.. (huyện Trà Cú), xã Huyền Hội (huyện Càng Long), xã Tập Ngãi... (huyện Tiểu Cần), xã Châu Điền, Tam Ngãi... (huyện Cầu Kè) và các huyện Cầu Ngang, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú, Tiểu Cần...

5. Bài học thứ năm: Hết sức chú ý đến việc phát huy, phát triển bản sắc văn hóa, tín ngưỡng đồng bào Khmer trong đấu tranh cách mạng và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội

Trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, tôn trọng phong tục tập quán người Khmer; kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng dân tộc lớn, đồng hóa văn hóa... nảy sinh dưới bất cứ hình thức nào. Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được thành lập trong điều kiện chiến tranh ác liệt, đã hoạt động tốt, bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa của mình đã động viên đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Khmer kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc, hăng say trong lao động, học tập, công tác, được tuyên dương là đơn vị anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng ngôn ngữ, chữ viết Khmer được chú trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, cổng thông tin điện tử), việc dạy chữ Khmer được Đảng bộ tỉnh quan tâm thực hiện, hệ thống trường dân tộc nội trú được hình thành ở cấp tỉnh và các huyện; các trường dân tộc nội trú và các trường phổ thông có đông học sinh Khmer đều có chương trình dạy ngữ văn Khmer. Trường Đại học Trà Vinh thực hiện việc đào tạo văn hóa và tiếng Khmer bậc Đại học. Các cán bộ người Kinh làm công tác “Khmer vận” hay lãnh đạo Đảng - chính quyền ở vùng dân tộc luôn là những người có “tâm”, có tấm lòng đối với đồng bào và rất am hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào Khmer và được đồng bào hết sức tin yêu đùm bọc.

Tỉnh ủy cũng hết sức chú ý đến một trong những đặc thù của đồng bào Khmer Trà Vinh là vai trò vô cùng to lớn của Phật giáo Nam tông trong đời sống của đồng bào Khmer. Nhờ vậy, Tỉnh ủy đã vận động được một đội ngũ chư tăng, tín đồ Khmer tham gia cách mạng đông đảo cả trên lĩnh vực đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và binh địch vận, lôi kéo những binh lính người Khmer yêu nước trong lực lượng của địch về với nhân dân. Trong các cuộc đấu tranh chính trị trên quy mô lớn đều có đông đảo đồng bào, chư tăng Khmer tham gia tích cực cùng đồng bào Kinh, Hoa, có những cuộc đấu tranh đồng bào, chư tăng Khmer là lực lượng nòng cốt như cuộc biểu tình lớn của 2 vạn chư tăng ngày 13/3/1961 từ các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành kéo về thị xã Trà Vinh; hoặc cuộc đấu tranh của 40.000 chư tăng và đồng bào ở Trà Cú năm 1964; cuộc đấu tranh của gần 7.000 chư tăng và đồng bào Khmer tại chùa Cos La (Trà Cú) năm 1975.... Điều đặc biệt quan trọng là Đảng ta đã xây dựng, giác ngộ được nhiều chư tăng thoát ly tham gia kháng chiến, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, là cán bộ lãnh đạo của các tổ chức cách mạng, là chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang như: Àcha Luisarát, Hòa thượng Sơn Vọng, Hòa thượng Thạch Som ...Chùa của đồng bào Khmer nhiều nơi cũng trở thành nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng, tiếp tế lương thực, thuốc trị bệnh, đào tạo cán bộ cách mạng như chùa Căn Nom (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang)...

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chủ nghĩa xã hội, các chùa Khmer trong tỉnh không chỉ là nơi tu hành mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, nơi phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật…thông qua các phòng đọc sách, thư viện và trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức tại chùa.

Nhìn chung, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đồng bào Khmer Trà Vinh là thực tế lịch sử, khẳng định khả năng cách mạng to lớn của đồng bào. Suốt quá trình lịch sử tỉnh nhà, từ những phong trào nông dân khởi nghĩa chống ách thống trị của bọn phong kiến triều Nguyễn, đến phong trào yêu nước chống pháp cuối thế kỷ XIX. Và nhất là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản 80 năm qua, đã cho thấy phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer tuy mang những sắc thái riêng và cụ thể của địa phương nhưng đều nằm trong quỹ đạo phát triển chung của của lịch sử Việt Nam, lịch sử tỉnh nhà, đều gắn liền với các giai đoạn phát triển của cách mạng cả nước, cả tỉnh và gắn chặt với phong trào cách mạng của đồng bào người Kinh. Chính điều đó bộc lộ một cách hiển nhiên truyền thống đoàn kết dân tộc và ý thức cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các dân tộc anh em trong nước ta đều gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung, và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp”.


Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 320
  • Trong tuần: 23 997
  • Tất cả: 8726529

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn