Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh cùng Nhân dân trong tỉnh thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1992 – 2010)

I. TRÀ VINH BƯỚC VÀO THỜI KỲ ỔN ĐỊNH ĐỂ PHÁT TRIỂN
(1992 - 2000)
1. Đặc điểm tình hình chung của tỉnh Trà Vinh trong những ngày đầu mới tái lập
Từ năm 1976 đến năm 1991, tỉnh Trà Vinh được sáp nhập với tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long. Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hộikhóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết tái lập tỉnh Trà Vinh trên cơ sở tách ra từ tỉnh Cửu Long. Tháng 5/1992, tỉnh Trà Vinh chính thức đi vào hoạt động.
Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Trà Vinh được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định gồm 22 đồng chí. Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long được Ban Bí thư chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời .
Trong nhiệm kỳ 5 năm 1986 - 1991, tỉnh Cửu Long triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp và bất lợi cho cách mạng Việt Nam. Đất nước ta chưa thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Các địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội nhất định, nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu kém. Khi tái lập tỉnh tháng 5/1992, toàn Đảng bộ tỉnh Trà Vinh có 9.841 đảng viên, sinh hoạt tại 354 Chi - Đảng bộ cơ sở thuộc 12 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, trong đó đảng viên người Khmer có 667 đồng chí (chiếm 6,77% đảng số toàn Đảng bộ). Năm 1991, chỉ có 20,6 % chi, đảng bộ cơ sở được phân loại đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh. Cán bộ người dân tộc Khmer trong cấp ủy các cấp trong tỉnh vào thời điểm này rất ít .
Sau 16 năm nhập tỉnh, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Cửu Long đều có gia đình và ổn định chỗ ở tại thị xã Vĩnh Long. Nay gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ từ thị xã Vĩnh Long về thị xã Trà Vinh xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh Trà Vinh mới tái lập trong điều kiện chỗ nơi ăn ở, làm việc chưa kịp xây dựng, nhiều cơ quan phải dựa vào cơ quan thị xã Trà Vinh để có nơi làm việc, ngân sách thu không đủ chi, điện nước không đủ dùng, phương tiện làm việc không đảm bảo v.v.. Đến cuối tuần, gần như toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Trà Vinh mới tái lập đều trở về gia đình ở thị xã Vĩnh Long trên đoạn đường dài gần 70 km, rồi sáng thứ hai đầu tuần trở về thị xã Trà Vinh làm việc. Hậu quả của vụ án KC50 và vụ án 91/6B vẫn còn ảnh hưởng xấu đến tâm tư tình cảm của một bộ phận chư tăng, đồng bào và cán bộ người dân tộc Khmer trong tỉnh, như thắc mắc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước về vấn đề dân tộc. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn không từ bỏ âm mưu thâm độc gây gây chia rẽ đoàn kết giữa Đảng, chính quyền với cán bộ, chư tăng và đồng bào Khmer, giữa đồng bào Khmer với đồng bào Kinh v.v.. Nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở yếu kém, một bộ phận đảng viên sa sút ý chí chiến đấu, bỏ sinh hoạt đảng, bỏ công tác, bỏ tổ chức, thiếu dũng khí đấu tranh, sợ mất lòng, sợ trù dập. Mối quan hệ Đảng với quần chúng nhiều nơi chưa tốt. Tình trạng quan liêu, cửa quyền, ức hiếp quần chúng vẫn còn xảy ra…
 Về tình hình sản xuất nông nghiệp, năm 1991 là năm được mùa. So với năm 1985, diện tích gieo trồng năm 1991 tăng 20.000 ha, năng suất tăng 0,91 tấn/ha, nhưng cũng chỉ mới đạt 2,64 tấn/ha, sản lượng lương thực tăng 206.200 tấn, nhưng tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh cũng chỉ mới đạt 550.000 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 614,8 kg/nhân khẩu. Đối với đồng bào Khmer mức bình quân này thấp hơn rất nhiều. Năm 1992, đồng ruộng Trà Vinh bị dịch rầy nâu tấn công. Cả hệ thống chính trị trong tỉnh phải tập trung diệt sâu rầy cứu lúa.
 Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém. Năm 1992, toàn tỉnh Trà Vinh có 140 km đường dây trung thế, 40 km đường dây hạ thế điện. Điện lưới quốc gia mới đến 23 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Chỉ có 8% hộ dân sử dụng điện. Trong vùng có đông đồng bào Khmer chưa có điện lưới quốc gia. Tỉnh chỉ có 2 nhà máy đông lạnh thủy sản, 2 nhà máy chế biến dầu dừa, 2 nhà máy xay xát gạo xuất khẩu quốc doanh cùng với các cơ sở chế biến nhỏ của tư nhân. Hàng hóa nông sản làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến không nhiều. Toàn tỉnh chỉ có 23 km đường giao thông được trải nhựa. Hiện trạng văn hóa và giáo dục tỉnh Trà Vinh cũng như cả tỉnh Cửu Long những năm đầu sau giải phóng 30/4/1975 phát triển khá tốt, nhưng do tình hình kinh tế đất nước và đời sống Nhân dân khó khăn kéo dài nên công tác giáo dục tỉnh nhà có dấu hiệu sa sút dần cho đến ngày tái lập tỉnh.
 Năm 1992, có 43% số hộ dân trong toàn tỉnh Trà Vinh thuộc diện hộ nghèo. Trong số đó, phần đông là gia đình diện chính sách và đồng bào Khmer.
Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ V, nhiệm kỳ 1992 - 1995 đánh giá:“… Khi mới được tái lập, tỉnh Trà Vinh đứng trước vô vàn khó khăn như không đồng bộ về hệ thống chính trị, bộ máy hành chính Nhà nước và các đoàn thể, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, kinh tế -  xã hội yếu kém. Mùa màng bị sâu rầy tấn công, thiên tai liên miên, sập cầu Mây Tức, gián đoạn lưu thông thường xuyên trên quốc lộ 53. Các trục lộ chính từ tỉnh lỵ đi các huyện thường bị đứt, đi lại khó khăn vào mùa mưa. Các đơn vị kinh tế quốc doanh thua lổ, nợ nần, thất thoát lớn tiền của và tài sản. Đội ngũ cán bộ cốt cán bị tiêu hao nặng, mất mát nhiều đảng viên, gây ảnh hưởng xấu về chính trị và giảm lòng tin trong nhân dân”(60).
2. Một số đặc điểm tình hình trong vùng có đông đồng bào Khmer
 Hệ thống thủy lợi trong vùng được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước tạo điều kiện cho việc mở rộng diện tích được tưới tiêu, đồng thời với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tạo điều kiện cho đồng bào tăng diện tích gieo trồng, tăng năng suất, sản lượng và bình quân lương thực đầu người trong vùng đều tăng. Hệ số sử dụng đất năm 1987 chỉ đạt 0,97 đến năm 1991đã tăng lên 1,2 lần; năng suất từ 2,42 tấn/ha tăng lên 3,3 tấn/ ha. Một số ngành nghề truyền thông được khôi phục và phát triển một số ngành nghề mới như trồng nấm rơm, nấm mèo, nuôi tôm…tạo cơ sở tăng thu nhập cho gia đình.
Cùng với sự nghiệp phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa, xã hội, y tế trong vùng có đông đồng bào Khmer cũng có nhiều tiến bộ, đã đầu tư xây dựng cơ bản 84 phòng học, các huyện, xã đều có bệnh viện, trạm xá; đào tạo 120 giáo viên dạy ngữ văn Khmer. Năm học 1990 – 1991, có 31 học sinh theo học dự bị đại học, có 26 em trúng tuyển vào Đại học, năm học 1991 -1992, có 9 em trúng tuyển. Công tác vệ sinh phòng bệnh trong vùng có nhiều tiến bộ; dịch bệnh được kéo giảm; đầu tư xây dựng 1943 giếng nước bơm tay, giải quyết một phần khó khăn về nước sinh hoạt cho đồng bào. Về văn hóa, tỉnh phát hành tờ báo Khmer, một số huyện như Cầu Ngang, Trà Cú đã tổ chức 40 điểm tivi công cộng phục vụ cho đồng bào và sư sãi; phong trào văn nghệ quần chúng được khôi phục, Đoàn Nghệ thuật Ánh Bình Minh được quan tâm nâng cao chất lượng, tham gia hội diễn văn nghệ toàn quốc đạt được nhiều giải thưởng.
Song song với đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nhiều địa phương đã quan tâm khôi phục, xây dựng giao thông nông thôn, có 30/32 xã có đông đồng bào Khmer có đường xe ôtô đến được trung tâm xã. Nhà nước cùng Nhân dân xây dựng nhiều cầu nông thôn, khắc phục khó khăn về đi lại, vận chuyên hàng hóa và giao lưu văn hóa trong vùng.
Đội ngũ cán bộ Khmer được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nhiều đồng chí đã trưởng thành và được bố trí đảm nhiệm các chức vụ trong Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và một số ban, ngành, đoàn thể các cấp, trình độ lý luận chính trị và văn hóa của cán bộ Khmer cũng được nâng lên.
Quá trình sửa sai vụ án KC50, cấp ủy và chính quyền các cấp đã tập trung đồn sức, nên sớm khắc phục hậu quả, củng cố được lòng tin trong nội bộ, chư tăng và đồng bào Khmer, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc Kinh - Khmer.
Tuy nhiên, trong vùng có đông đồng bào Khmer của tỉnh còn nhiều khó khăn, yếu kém:
Nông nghiệp trong vùng phát triển chưa toàn diện, nhiều nơi chưa chủ động trong sản xuất, còn lệ thuộc nhiều và thiên nhiên; sử dụng đất hiệu quả chưa cao, còn nhiều cây tạp có giá trị kinh tế thấp, chăn nuôi và hoa màu phát triển chậm. Ngành tiểu thủ công nghiệp còn yếu kém, tình trạng thiếu vốn trong dân khá phổ biến, nhiều hộ nghèo không vay được vốn của ngân hàng, phải vay nặng lãi bên ngoài dẫn đến cầm cố đất, bán lúa non…từ đó mà thu nhập của đại bộ phận đồng bào Khmer rất thấp.
Về giáo dục còn thiếu trường lớp, thiếu giáo viên dạy ngữ văn Khmer, nhiều giáo viên trình độ hạn chế, nên chất lượng giảng dạy thấp. Học sinh Khmer đi học ít, bình quân 9 người Khmer mới có một người đi học, số học sinh bỏ học hàng năm từ 7 đến 10%, càng lên cấp II, cấp III số học sinh càng giảm; nhiều nơi không tổ chức được lớp mẫu giáo.
Việc xây dựng nền văn hóa mới còn hạn chế, các hình thức vui chơi giải trí còn giản đơn, đồng bào ít có điều kiện thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, sách báo, phim ảnh…Ngược lại, còn nhiều lễ hội tốn kém tồn tại; tệ nạn cờ bạc, đá gà, mê tín dị đoan chậm được khắc phục.
Vệ sinh phòng bệnh tuy có bước tiến bộ, nhưng còn nhiều mặt hạn chế, thực hiện kế hoạch hóa gia đình chưa trở thành phong trào, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn cao. Các xã đều có trạm y tế nhưng thiếu y, bác sỹ và thuốc chữa bệnh, chưa đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao.
Đời sống của đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60% trong tổng số hộ Khmer toàn tỉnh; một số hộ bị đói vào những thời điểm giáp hạt, hoặc những năm thiên tai, mất mùa; một bộ phận đồng bào Khmer phải rời bỏ quê hương sang tìm kế sinh nhai ở tỉnh khác hoặc sang Campuchia.
Tình hình an ninh trật tự chưa vững chắc, kẻ địch, kẻ xấu thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Tình trạng qua lại biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia chưa đúng quy định của Chính phủ hai nước.
Đội ngũ đảng viên Khmer phát triển chậm, số đảng viên hiện có còn ít so với số đảng viên chung (tổng số đảng viên Khmer là 667 đồng chí/9.841 đảng viên toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 6,77%); số cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Trong vùng có đông đồng bào Khmer còn 26 ấp chưa có đảng viên tại chỗ, nguồn để bồi dưỡng phát triển đảng viên và đào tạo cán bộ chưa tốt, nhiều đảng viên trình độ văn hóa thấp, chưa nắm phương pháp vận động quần chúng và phương pháp bồi dưỡng phát triển đảng viên mới; cán bộ làm công tác chính quyền thường thay đổi và đa số chưa qua trường lớp; hội viên các đoàn thể còn yếu và chưa hoạt động tích cực nên phong trào quần chúng tham gia các hoạt động chưa đều, chưa mạnh(61).
3. Ổn định về tổ chức, bộ máy và xác định các nhiệm vụ trọng tâm vùng có đông đồng bào Khmer
Ngay sau khi tái lập tỉnh, cùng với nhiệm vụ trọng tâm là chỉ đạo sản xuất, sớm ổn định đời sống Nhân dân, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo Đại hội các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; củng cố bộ máy các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; phân công, bố trí cán bộ sau Đại hội vòng II đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở, đồng thời tập trung chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 1992 - 1995.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ V, nhiệm kỳ 1992 - 1995 diễn ra trong 3 ngày 24, 25 và 26/8/1992 với sự có mặt của 190 đại biểu chính thức, đại diện cho 9.840 đảng viên  thuộc 354 chi, đảng bộ cơ sở trong toàn tỉnh về dự.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1992-1995 gồm 39 đồng chí, trong đó có 03 đồng chí là người dân tộc Khmer (đồng chí Sơn Cang, đồng chí Sơn Song Sơn và đồng chí Sơn Wênh). Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 11 đồng chí, trong đó có 01 đồng chí là người dân tộc Khmer (đồng chí Sơn Cang). Đồng chí Bùi Quang Huy, được Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 1992 - 1995, đó là:
(1) Tăng cường đoàn kết nội bộ đảng, đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, nêu cao tinh thần tự lực tự cường và ý chí quyết tâm vượt qua thử thách, khó khăn, giữ vững ổn định chính trị. Phát huy nguồn lực các thành phần kinh tế trong tỉnh, tăng cường hợp tác với tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành phố lớn trong nước, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại hướng vào khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên của tỉnh, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa nông - ngư - công nghiệp và dịch vụ phát triển với nhịp độ và hiệu quả tăng cao hơn các năm trước, phấn đấu đến năm 2015 tự lực cân đối được ngân sách của địa phương.
(2) Tích cực cải thiện đời sống Nhân dân, khuyến khích có nhiều hộ làm giàu chính đáng, quan tâm giúp đỡ người nghèo, giải quyết được phần lớn người trong độ tuổi lao động có việc làm, thu hẹp diện hộ nghèo và thiếu đói, giảm tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng; giảm tỷ lệ tăng dân số, cải thiện điều kiện phòng và chữa bệnh, học tập, đi lại và nhà ở của Nhân dân; khắc phục một bước sự chênh lệch mức sống giữa các vùng và các dân tộc trong tỉnh.
(3) Nâng lên một bước trình độ dân trí và trình độ hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật của Nhân dân, kiên quyết chống văn hóa phản động, đồi trụy. Sử dụng tốt cán bộ khoa học-kỹ thuật hiện có, tăng thêm năng lực khoa học và công nghệ của địa phương; phát triển và nâng lên một bước chất lượng giáo dục và đào tạo, tích cực thực hiện xóa dốt và phổ cập giáo dục cấp I, mở rộng dạy nghề theo nhu cầu xã hội và bồi dưỡng, đào tạo lại cán bộ quản lý kinh tế, quản lý hành chính, sớm đào tạo được lực lượng trí thức tại chỗ.
(4) Củng cố, xây dựng lực lượng an ninh quốc phòng trong sạch, vững mạnh, gắn bó chặt với phong trào cách mạng của Nhân dân, đề cao cảnh giác và chủ dộng triển khai kế hoạch đối phó với mọi tình huống. Tăng cường khả năng phòng thủ, nhất là ở các địa bàn trọng yếu, ngăn chặn và kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu nhen nhóm hoạt động gây rối của kẻ địch. Nâng cao trình độ nghiệp vụ của lực lượng an ninh, tăng cường các tổ chức bảo vệ luật pháp và đẩy mạnh phong trào an ninh nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, chuyển biến tích cực  về trật tự xã hội, bảo vệ tốt thành quả cách mạng.
(5) Thực hiện đổi mới và chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, tổ chức, nâng một bước năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng các đảng bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh, đảng viên gắn bó với Nhân dân và được Nhân dân tín nhiệm. Cải cách tổ chức, phương thức hoạt động và cán bộ của bộ máy chính quyền, tăng hiệu lực quản lý nhà nước, thiết lập được kỷ luật và trật tự theo cơ chế mới, đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, buôn lậu, hạn chế được tiêu cực và bất công xã hội. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các đoàn thể nhân dân hướng về cơ sở, sát đoàn viên, hội viên và quần chúng, làm nòng cốt, động viên được các phong trào cách mạng của quần chúng.
 Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 1992 - 1995 và Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI “về công tác ở vùng đồng bào Khmer”, ngày 13/10/1992, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU “Về công tác trong vùng đồng bào Khmer”. Nghị quyết xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm:
 (1) Phát huy truyền thống đoàn kết và thành tích trong thời gian qua, khắc phục những quan điểm, tư tưởng lệch lạc, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng đối với đồng bào Khmer, xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
 (2) Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện, duy trì các ngành nghề thủ công truyền thống, đồng thời phát triển mở rộng thêm ngành nghề mới phù hợp với điều kiện thực tế. Từng bước tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại với quy mô, hình thức phù hợp đặc điểm, khả năng và trình độ của đồng bào Khmer. Thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu và lễ hội.
 (3) Phát huy những tinh hoa văn hóa, những phong tục, tập quán, những đặc điểm tốt đẹp của dân tộc. Khắc phục tình trạng trẻ em trong độ tuổi không được đi học, bỏ học, tăng cường đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế người Khmer. Thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh, kế hoạch hóa gia đình. Giải quyết tốt nhu cầu nước sinh hoạt cho đồng bào, hạn chế và tiến tới không còn trẻ em suy dinh dưỡng. Xây dựng trường lớp, trạm y tế và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phục vụ cho đồng bào. Bằng nhiều biện pháp từng bước giải quyết việc làm cho lao động.
 (4) Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng công an - quân sự vững mạnh, đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
 Nghị quyết cũng đề ra các mục tiêu cần phấn đấu đạt được là:
 (1) Phấn đấu phát triển nông nghiệp toàn diện, mở rộng diện tích thâm canh, tăng vụ, đưa năng suất lúa đạt mức bình quân chung của tỉnh.
 (2) Tỷ lệ tăng dân số 2%, giảm 0,7% so năm 1991.
 (3) Hoàn thành trường Thanh niên dân tộc, nhà truyền thống dân tộc; 85% trẻ em trong độ tuổi được đi học. Hàng năm, tỉnh đầu tư đào tạo cán bộ đại học và trung học chuyên nghiệp.
 (4) Xây dựng cơ bản từ 30 đến 40 phòng học, 3 trung tâm khám trị bệnh đa khoa khu vực, 4 rung tâm kế hoạch hóa gia đình.
 (5) Phát triển đảng viên đến năm 1995 đạt 12% so với tổng số đảng viên chung.
 (6) Tỷ lệ nhà tường, nhà kê trong dân tộc Khmer tăng từ 28,12% hiện nay lên 40% và năm 1995.
 (7) Phấn đấu đưa điện về các xã có điều kiện.
 4. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V và Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần V, Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy “về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer”, Tỉnh ủy đã sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ dân tộc, nhất là các vị trí chủ chốt. Trong đó, đồng chí Sơn Song Sơn, Tỉnh ủy viên làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Sơn Wênh, Tỉnh ủy viên được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Tỉnh ủy chỉ đạo đại hội Hội Đoàn kết chư tăng yêu nước các cấp, Ban Dân tộc tỉnh được củng cố, kiện toàn để đủ sức làm tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong vùng đồng bào Khmer trong tỉnh. Đồng bào, chư tăng và cán bộ người dân tộc Khmer trong tỉnh an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên nhiều phong trào thi đua sôi nổi, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, trong vùng có đông đồng bào Khmer nói riêng có những chuyển biến tích cực. Cụ thể là:
So với năm 1991: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân trong 4 năm 1992 - 1995 tăng 8,45%. GDP bình quân đầu người đạt 218 USD, tăng 107 USD so với năm 1991. Ngân sách Nhà nước năm 1995 thu hơn 106 tỷ đồng, tăng 68,25% so với năm 1992. Tổng sản lượng lương thực năm 1995 đạt 732.000 tấn, tăng 182.000 (xấp xỉ 33,09%) so năm 1991. Thêm 16 xã (lũy tiến thành 53/82 xã) có điện lưới quốc gia. Có 13 % hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, tăng 5% so với năm 1991. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có điện thoại đường dài. Số thuê bao điện thoại tăng gấp 7 lần so với năm 1992. Tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động Đài Phát thanh-Truyền hình phát sóng hai thứ tiếng Việt-Khmer, đưa sóng phát thanh - truyền hình Trung ương và tỉnh đến tận những vùng sâu, vùng xa điều kiện giao thông đường bộ còn hết sức khó khăn, nhiều vùng từ trước đến nay xe chưa đến được. Trong thời gian này, tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ của Trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia phủ sóng phát thanh - truyền hình. Chư tăng tại 142 chùa Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer trong tỉnh là đối tượng được cấp miễn phí tivi và rađio. Gần 90% hộ Khmer trong tỉnh có phương tiện nghe nhìn. Báo Trà Vinh phát hành song ngữ Việt - Khmer đến tận tay chư tăng, cán bộ, giáo viên và đồng bào Khmer. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn, đời sống của Nhân dân trong tỉnh còn chưa hết khó khăn, nhưng tỉnh cũng quyết tâm chỉ đạo xây dựng và đưa vào hoạt động Bảo tàng Văn hóa Khmer của tỉnh. Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh được khánh thành vào năm 1995, lưu giữ rất nhiều hiện vật phong phú về đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 25/8/1994, Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận Chùa Angkorajaborey (Chùa Âng) và quần thể Ao Bà Om là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh ngay từ năm học đầu tiên (năm học 1991 – 1992), tiếp nhận 80 học sinh từ lớp 6 đến lớp 10. Đến năm học 1993 - 1994, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và Trường Phổ thông dân tộc nội trú các huyện bắt đầu trực tiếp vừa nuôi, vừa dạy học với 204 học sinh ở 6 lớp từ lớp 8 đến lớp 12. Khác với các trường Trung học Phổ thông trong tỉnh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh phải dạy thêm môn ngữ văn Khmer từ năm học 1992 - 1993, môn ngữ văn Khmer được đánh giá như các môn học khác.
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V, tỉnh tiến hành xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trên diện tích hơn 33.000 m2 với quy mô 500 giường bệnh, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 1996 .
Tỉnh sửa chữa, nâng cấp, xây mới 650 km đường, 10 cầu trên tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Mặc dù nông thôn Trà Vinh lúc này chưa có hệ thống nước máy nhưng đã có 50% hộ dân ở nông thôn sử dụng nước sạch với hơn 2.000 giếng nước bơm tay và 10.000 lu chứa nước.
Công tác xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường ngày càng sâu sát với Nhân dân, công tác tư tưởng được đẩy mạnh. Đến cuối năm 1995, Đảng bộ kết nạp thêm 2.749 đảng viên, nâng đảng số toàn Đảng bộ lên 11.486 đồng chí, tăng 17% so với năm 1992, trong đó, đảng viên người dân tộc Khmer có 1.027 đồng chí, tăng 360 đồng chí so với năm 1992, chiếm 8,94 % đảng số toàn Đảng bộ. Đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh toàn tỉnh chỉ mới đạt tỷ lệ 59,26%, nhưng đã tăng 27,55% so với năm 1992. Tình đoàn kết Kinh - Khmer trong tỉnh được khôi phục, tạo được không khí phấn khởi, thân thiện, tin tưởng lẫn nhau trong nội bộ nhân dân, mọi người an tâm bắt tay vào sản xuất.
Đến cuối năm 1995, vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Trà Vinh mới tái lập cơ bản đã được ổn định. Nơi ở, nơi làm việc của hơn 50% số cơ quan, ngành tỉnh và cán bộ, công nhân viên chức từ thị xã Vĩnh Long chuyển về cơ bản được ổn định.
 Quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy cũng còn những yếu kém cần khắc phục, đó là:
 - Nền kinh tế địa phương phát triển chưa ổn định và vững chắc, tiềm lực kinh tế còn nhỏ bé và sức cạnh tranh yếu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn ở tình trạng yếu kém và lạc hậu;
 - Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt;
 - An ninh chính trị còn nhiều nhân tố diễn biến phức tạp, trật tự xã hội chưa đảm bảo, tham nhũng, buôn lậu vẫn còn;
 -  Hệ thống chính trị đổi mới và chỉnh đốn chưa ngang tầm với nhiệm vụ chính trị đã đề ra, hiệu lực lãnh đạo và chỉ đạo điều hành còn hạn chế;
 -  Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phong cách làm việc còn nhiều yếu kém(62).
 5. Cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh bước vào giai đoạn phát triển (1996 - 2000)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VI, nhiệm kỳ 1996 - 2000 diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30/4/1996. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 1996 - 2000 gồm 47 đồng chí, có 03 đồng chí là người dân tộc Khmer: đồng chí Sơn Cang, đồng chí Sơn Song Sơn và đồng chí Sơn Wênh; Ban Thường vụ có 13 đồng chí, trong đó, có 01 đồng chí là người dân tộc Khmer (đồng chí Sơn Cang). Đồng chí Bùi Quang Huy, được Ban Chấp hành bầu tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy. Trong Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh khóa V (1994 - 1999), đồng chí Sơn Wênh được bầu lại làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Sơn Song Sơn làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa X. Đại hội đề ra 06 định hướng và những giải pháp, chỉ tiêu cụ thể phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 1996 - 2000 là:
 (1) Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn, thúc đẩy cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng phát triển toàn diện nông - ngư - lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ.
 (2) Giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc về văn hóa - xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo.
 (3) Củng cố xây dựng các lực lượng quốc phòng và an ninh trong sạch, vững mạnh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và chuyển biến tích cực trật tự an toàn xã hội, kỷ cương pháp luật.
 (4) Củng cố mở rộng mặt trận đại đoàn kết dân tộc với liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
 (5) Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước.
 (6) Đổi mới và chỉnh đốn Đảng bộ, quan tâm xây dựng Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cánh tay đắc lực và đội hậu bị của Đảng.
 Từ năm 1999, tỉnh Trà Vinh có thêm sự hỗ trợ từ Chương trình 135 theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh xác định có 38 xã nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer được Trung ương đầu tư theo tiêu chí của chương trình 135.
  Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VI, nhiệm kỳ 1996 - 2000 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy “Về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer” có sự tác động bước đầu của Chương trình 133, Chương trình 135 và vốn hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn trước đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh có bước phát triển nổi bật, tác động một cách mạnh mẽ vào đời sống vật chất và khát vọng thoát nghèo của đồng bào dân tộc Khmer trên các lĩnh vực như sau:
 Tốc độ tăng GDP bình quân 05 năm (1996 - 2000) đạt 8,87%. Sản xuất nông nghiệp tăng 5,98%. Sản lượng lúa năm 2000 đạt 1 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với chỉ tiêu. Tình trạng thiếu ăn (nghèo về lương thực) trong nhân dân toàn tỉnh cơ bản được giải quyết. Trong nhiều gia đình người nông dân Khmer ở Cầu Ngang, Trà Cú đã có dự trữ được hàng ngàn giạ lúa. Sản lượng 01 triệu tấn lúa hàng năm được tỉnh Trà Vinh giữ vững suốt trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và có thêm 28 km hương lộ được tráng nhựa. Quốc lộ 53 được kéo dài từ thị xã Vĩnh Long đến xã Long Khánh, huyện Duyên Hải. Huyện, xã xây mới 70 km đường bê tông liên xóm ấp và 513 cầu bê tông. Có thêm 40 xã có điện lưới quốc gia. Hộ dân sử dụng điện tăng lên 50% so với năm 1995. Xây mới 02 nhà máy, 36 trạm cấp nước tập trung và 3.904 giếng nước bơm tay. Gần 70% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Xây mới 1.765 phòng học cơ bản. Hoàn thành việc xây dựng, trang thiết bị và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện huyện Cầu Kè. Nâng cấp hoạt động Nhà bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer, nâng cấp sân vận động tỉnh. Năm 1998, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ trong độ tuổi. Đào tạo mới 2.994 giáo viên. Khôi phục việc dạy chữ Khmer cho học sinh trong các trường chùa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2000 đạt 317 USD/người/năm, tăng 99 USD so với năm 1995. Tỉnh chỉ đạo giải quyết ổn định tốt vấn đề xáo trộn ruộng đất trong nội bộ nông dân sau khi các tập đoàn sản xuất nông nghiệp trước đây được giải thể. Tỉnh chỉ đạo giải thể các nông trường quốc doanh của tỉnh làm ăn không hiệu quả ở huyện Duyên Hải, giao khoán đất lại cho nông dân, tạo được tâm lý an tâm trong nội bộ nông dân ở nông thôn. Trích chi một phần ngân sách Nhà nước ở địa phương giúp gia đình chính sách trong diện nghèo chuộc lại sổ trợ cấp đã cầm cố trước đây. Đồng bào Khmer không đất sản xuất, đất ở, đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp vận động những hộ nông dân có nhiều đất giúp đỡ người nông dân thiếu đất sản xuất dưới nhiều hình thức, giúp cho các hộ nghèo này có được cơ hội tự thân xóa đói cho gia đình mình. Điển hình như xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang): Tổng số diện tích được cho mượn là 120.000 m2, trung bình mỗi hộ dân ở Hiệp Hòa cho hàng xóm mượn diện tích đất từ 2.000 đến 5.000 m2, đặc biệt có trường hợp cho mượn tới 12.000 m2. Phần lớn diện tích đất cho mượn ở Hiệp Hòa được bà con dùng để trồng màu như đậu phộng, bí, bắp... hoặc trồng lúa 01 vụ, một số hộ gia đình còn mượn đất làm ao nuôi tôm. Còn nếu tính cả huyện Cầu Ngang, một huyện có đông đồng bào Khmer đã có hơn 300 hộ có đất, nhà khá giả cho các hộ nghèo, không có đất mượn gần 200 ha đất để trồng lúa, hoa màu.
Trong rất nhiều cách giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, thì cách cho mượn đất để xóa đói, giảm nghèo là rất mới và mang lại hiệu quả thiết thực.
Khó khăn trong vấn đề an sinh xã hội từ đây đã được tháo gỡ từng bước. Từ trong phong trào hành động cách mạng của quần chúng, toàn Đảng bộ kết nạp mới 6.282 đảng viên, nâng đảng số toàn Đảng bộ lên 16.602 đồng chí, chiếm 1,67% dân số. Đảng viên người dân tộc Khmer 2.091  đồng chí, chiếm tỷ lệ hơn 12,60% đảng viên toàn Đảng bộ. Tăng tỷ lệ Đảng bộ cơ sở đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh từ 59,26% (1995) lên 78,10% (1999).
 Bên cạnh thành tựu đạt được thì 06 yếu kém tồn tại cần được khắc phục trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội VI đã được Đại hội Đảng bộ khóa VII rút ra. Đó là:
- Nền kinh tế địa phương phát triển chưa vững chắc, tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu Đại hội VI, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp;
-  Giải quyết các vấn đề cấp bách về văn hóa, xã hội còn yếu kém;
-  Tình hình an ninh chính trị còn tồn tại một số nhân tố mất ổn định, tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội không giảm;
- Công tác xây dựng Đảng còn một số mặt yếu kém, trình độ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế;
-  Năng lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp chưa ngang tầm với nhiệm vụ chính trị;
- Chất lượng và hiệu quả công tác vận động quần chúng còn nhiều hạn chế(63).

Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 3 693
  • Tất cả: 8756759

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn