CHƯƠNG I CÁC CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TỈNH TRÀ VINH (từ năm 1930 đến năm 1945) (tt)
II. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TỈNH TRÀ VINH TỪ NĂM 1940 ĐẾN NĂM 1945  
 1. Khởi nghĩa Nam Kỳ
 Vào năm 1940, phong trào cách mạng ở tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát triển, tháng 5/1940, đồng chí Tạ Uyên thay mặt Xứ ủy Nam kỳ đến tỉnh Trà Vinh phổ biến chủ trương và kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa .
 Tháng 6/1940, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành Hội nghị đại biểu quán triệt chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy và xây dựng chương trình hành động chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa. Từ giữa năm 1940, nhiều cuộc míttinh, biểu tình diễn ra trên địa bàn tỉnh thu hút hàng ngàn người tham gia, trong đó có nhiều vị sư và đồng bào Khmer tham gia, các cuộc míttinh, biểu tình thời gian này có cờ búa liềm, truyền đơn, biểu ngữ treo ở nhiều địa điểm, kể cả trong công sở và trại lính địch. Nội dung đấu tranh chủ yếu là chống đàn áp, chống bắt lính, chống đưa thanh niên Việt Nam đi làm bia đỡ đạn thay cho Pháp trên các chiến trường…
 Tháng 10/1940, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức sinh hoạt chính trị toàn Đảng bộ, bàn về tình hình và nhiệm vụ: Gấp rút chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng khởi nghĩa khi có lệnh của Xứ ủy. Tháng 11/1940, khi Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã sẵn sàng khởi nghĩa, thì kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, nhiều tuyến liên lạc bị gián đoạn… ngày 22/11/1940, Xứ ủy Nam kỳ phát lệnh khởi nghĩa, nhiều địa phương nhận được lệnh, tiến hành khởi nghĩa, riêng tỉnh Trà Vinh không nhận được lệnh, phải ở trong tư thế đợi lệnh.
 Ngày 25/11/1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy mới được chuyển đến tỉnh (trễ 3 ngày so kế hoạch), Tỉnh ủy khẩn trương triệu tập hội nghị các Quận ủy bất thường, quyết định phát động khởi nghĩa đồng loạt trên khắp các địa bàn tỉnh vào 24 giờ ngày 27/11/1940, mục tiêu khởi nghĩa cướp chính quyền trước hết ở 3 nơi:Tỉnh lỵ, quận Càng Long và quận Cầu Ngang.
 Tỉnh Trà Vinh nhận lệnh khởi nghĩa và triển khai kế hoạch khởi nghĩa không chỉ muộn mà còn rơi vào tình thế bất lợi. Từ ngày 23/11/1940, quân địch không chỉ tập trung khủng bố lực lượng cách mạng ở các tỉnh đã nổ ra khởi nghĩa, mà còn khủng bố cả tỉnh Trà Vinh. Ngay trong đêm 27/11/1940, vào lúc cuộc khởi nghĩa ở Trà Vinh sắp nổ ra, thì nhiều cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy viên bị Pháp bắt, kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ, địch đã bố trí lực lượng phản công quyết liệt. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Trà Vinh đã phải ra lệnh tạm ngưng khởi nghĩa.
 Ở Trà Vinh, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã không diễn ra. Tuy vậy, những hoạt động chuẩn bị, phối hợp và sẵn sàng khởi nghĩa của Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh giai đoạn này là một cuộc diễn tập lớn của các lực lượng cách mạng, đồng thời đã rút ra được những kinh nghiệm quí báu về sự chỉ đạo quá trình chuẩn bị khởi nghĩa. Nhìn chung, khởi nghĩa Nam kỳ tuy bị thất bại nhất định về quân sự, nhưng thắng lợi có ý nghĩa quan trọng về chính trị- tinh thần đối với sự chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945. Riêng quận Cầu Kè, thực hiện việc khởi nghĩa ngày 23/11/1940 đã khơi dậy được phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi của đồng bào Kinh-Khmer địa phương, quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, đã tổ chức được nhiều cuộc míttinh, diễu hành của đồng bào Khmer ở các xã Hòa Ân, Châu Điền và cả vùng đồng bào công giáo…có khoảng 200 người dự. Đến tối 23/11/1940, lực lượng khởi nghĩa có gần 800 người từ các xã tập trung về quận lỵ, trong này đồng bào Khmer có hơn 200 người. Đồng chí Củ Há, quận ủy viên đứng lên đọc lời hiệu triệu bằng tiếng Khmer, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ dũng cảm tiến lên giành độc lập, tự do…Sau đó, lực lượng khởi nghĩa các mũi tiến vào dinh quận. Do địch có chuẩn bị trước, nên khi ta tiến vào bị chúng bắn bị thương nhiều đồng chí lãnh đạo, lực lượng khởi nghĩa phải rút lui. Khởi nghĩa ở Cầu Kè không giành được thắng lợi, nhưng cuộc khởi nghĩa đã huy động được cả ngàn quần chúng vùng lên đấu tranh đánh phá dinh quận, xô xát với binh lính, tạo nên khí thế cách mạng mạnh mẽ của đồng bào Kinh- Khmer. Đây được xem là cuộc tổng diễn tập cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945(16).
 2. Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa
 Từ năm 1941, tình hình trong nước và quốc tế có những chuyển biến mới. Tháng 01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ VIII Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất rộng rãi lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh hội”, gọi tắt là “Việt Minh”. Mặt trận Việt Minh chủ trương tập hợp tất cả những người có tinh thần dân tộc, chống Pháp - Nhật. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra tuyên ngôn, kêu gọi toàn thể đồng bào đoàn kết phá xiềng xích nô lệ, giải phóng đất nước. Chương trình hành động của Việt Minh gồm 44 điều là một hệ thống chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa… đối với các tầng lớp nhân dân.
 Ở Nam kỳ, thời gian này không có đại biểu Xứ ủy tham dự Hội nghị Trung ương VIII, nên việc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII, cũng như việc thành lập và phổ biến tuyên ngôn, chương trình của Mặt trận Việt Minh chậm hơn ở Trung kỳ, Bắc kỳ(17). Ở tỉnh Trà Vinh, đến năm 1943 mới triển khai được các tài liệu về hội nghị Trung ương VIII và Mặt trận Việt Minh, các văn bản về tuyên ngôn, chương trình của Việt Minh được triển khai đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức tư tưởng, góp phần định hướng và đẩy nhanh nhịp độ phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Trà Vinh. Cuộc vận động thành lập các đoàn thể cứu quốc được tiến hành sôi nổi, bắt đầu từ quận Càng Long, tỉnh lỵ, quận Cầu Ngang, sau đó lan rộng đều khắp các địa phương khác. Các đoàn thể khi được thành lập đã thu hút đông đảo lực lượng quần chúng tham gia, từ những người nông dân nghèo đến trí thức, sư sãi đều hòa mình vào phong trào cách mạng chung. Tiêu biểu như ông Ma Ha Sơn Thông, một trong những trí thức chư tăng tiêu biểu xuất thân từ giới chư tăng Khmer gia nhập phong trào Thanh niên Tiền phong, làm đội phó ở xã, ông vận động đồng bào không mắc mưu chia rẽ dân tộc của giặc Pháp giết hại bà con người Kinh.
 Đầu tháng 5/1945, sau khi Tổ chức Thanh niên Tiền phong Nam kỳ ra đời. Ở tỉnh Trà Vinh, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, hoạt động của Thanh niên Tiền phong đã thu hút được nhiều người tham gia. Đây là một tổ chức quần chúng hoạt động công khai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Về sau, tổ chức Thanh niên Cứu quốc do Mặt trận Việt Minh lập ra cũng được bố trí làm nồng cốttrong các hoạt động của Thanh niên Tiền phong. Thanh niên Tiền phong từng bước trở thành lực lượng bán vũ trang, tổ chức Thanh niên Tiền phong khẩn trương trang bị vũ khí cho lực lượng bằng cách tự rèn vũ khí và hoạt động binh vận để lấy vũ khí của địch .v.v…
 Lực lượng Thanh niên Tiền phong ngày càng lớn mạnh, hoạt động rầm rộ, rộng khắp địa bàn tỉnh, vào mùa Thu năm 1945, lực lượng này kết thành đội ngũ chỉnh tề gồm cả phụ nữ và phụ lão mang theo băng, cờ rầm rập xuống đường cả ngày lẫn đêm, hát vang các bài ca “lên đàng”, “tiếng gọi thanh niên”… Vừa biểu dương khí thế vừa hiệu triệu tập hợp lực lượng. Đến đầu tháng 8/1945, số lượng hội viên Thanh niên Tiền phong tỉnh Trà Vinh trên 60 nghìn người gồm các dân tộc Kinh-Khmer - Hoa. Đây là lực lượng quan trọng chuẩn bị sẵn sàng làm cuộc Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến .
Thời gian này, cả nước đang nỗ lực thực hiện quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản, ra sức chuẩn bị khởi nghĩa, phát triển hệ thống Tổ chức Mặt trận Việt Minh và khẳng định “chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và dân ta trong giai đoạn hiện tại”.
3. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945
 Ngày 08/8/1945, sau khi đánh bại Phát xít Đức - Ý, Liên Xô tuyên chiến với Nhật.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào, quyết định Tổng khởi nghĩa và thành lập Ủy ban khởi nghĩa.
 Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra quân lệnh số I, kêu gọi Nhân dân toàn quốc kịp thời vùng dậy giành chính quyền.
 Ngày 16/8/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Quốc dân Đại hội tại Tân Trào, Đại hội nhất trí: Phải kịp thời Tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn tay sai trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu ra Ủy Ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
 Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945 đã bắt đầu. Ngày 19/8, Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô Hà Nội thắng lợi.
 Ngày 20/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ ra quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trên toàn Nam kỳ.
 Chiều ngày 24/8/1945, Tỉnh ủy Trà Vinh nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị vào lúc 18 giờ cùng ngày, hội nghị quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh theo lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ. Tỉnh ủy thành lập Ủy ban Khởi nghĩa gồm tất các các đồng chí trong Tỉnh ủy, do đồng chí Dương Quang Đông, Bí thư Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa.
 Ủy ban Khởi nghĩa thông qua kế hoạch Tổng khởi nghĩa: Trước hết tập trung lực lượng ở tỉnh lỵ và các vùng phụ cận, sau khi giành thắng lợi ở tỉnh lỵ sẽ tỏa lực lượng xuống các địa phương, thực hiện Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các quận lỵ, xã, làng .
 Sau khi thông qua kế hoạch, Ủy ban Khởi nghĩa phát lệnh Tổng khởi nghĩa, lệnh Tổng khởi nghĩa được chuyển hỏa tốc ngay trong đêm đến tay Trưởng ban Khởi nghĩa các quận. Ban Khởi nghĩa các quận khẩn trương triển khai kế hoạch của tỉnh, bí mật tuyên truyền chương trình Tổng Khởi nghĩa đến các cơ sở cách mạng và hội viên các đoàn thể. Đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh nhất tề hưởng ứng Tổng Khởi nghĩa. Mọi loại vũ khí thô sơ, cả công cụ sản xuất được huy động vào cuộc Tổng Khởi nghĩa .
 Cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trên toàn tỉnh Trà Vinh trong đêm 24 rạng sáng 25/8/1945. Khởi nghĩa diễn ra trước hết ở tỉnh lỵ, sau đó tỏa xuống các quận, các xã, làng trong tỉnh đúng như kế hoạch của Ủy Ban Khởi nghĩa tỉnh đã đề ra. Tại tỉnh lỵ vào nửa đêm 24/8/1945, các lực lượng cách mạng, nồng cốt là lực lượng Thanh niên Tiền phong nổi dậy bao vây các mục tiêu quan trọng, căn cứ đầu não của địch. Với khí thế áp đảo bao vây và tiến công của các lực lượng cách mạng, hầu hết các mục tiêu quan trọng của địch ở tỉnh lỵ bị lực lượng của ta chiếm giữ và làm chủ trong đêm 24 rạng sáng 25/8/1945 .
 Phần lớn lực lượng địch ở cứ điểm, khi bị ta bao vây, tiến công, chúng chỉ chống cự một cách yếu ớt rồi buông súng đầu hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngoan cố chống cự, như số lính ở sở mật thám do tên Việt cầm đầu, chúng kiên quyết cố thủ. Lực lượng cách mạng phải tập trung vũ khí tấn công, cuộc đọ súng diễn ra quyết liệt hơn một giờ, đến rạng sáng 25/8. Tên Việt và đồng  bọn còn sống sót mới chịu nộp súng đầu hàng.
 Như vậy, chiều ngày 25/8/1945, toàn bộ chính quyền cấp quận của địch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã bị đập tan.
Trong khí thế sôi nổi Tổng khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc khắp nơi trong tỉnh, vào sáng ngày 25/8 lịch sử tại tỉnh lỵ Trà Vinh, Ủy Ban hành chính lâm thời của tỉnh được thành lập, đứng đầu là Từ Bá Đước.
 Để giữ vững thành quả cách mạng, một trong những việc cấp thiết, sống còn của chính quyền cách mạng là xây dựng lực lượng vũ trang để đối phó với bọn phá hoại bên trong cũng như các thế lực xâm lược từ bên ngoài. Sau khi ra mắt chính quyền vào ngày 25/8/1945, một đại đội Cộng hòa vệ binh được thành lập, đồng chí Bùi Cát Vũ (Cò Bê) và đồng chí Bùi Hữu Nam được cử làm chỉ huy, phụ trách chỉ huy trưởng quân sự của tỉnh lúc này do đồng chí Dung Văn Phúc kiêm nhiệm và đồng chí Nguyễn Thành Thi làm phó chỉ huy(18).
 Ngày 26/8/1945, Tỉnh ủy phân công cán bộ xuống các quận chỉ đạo việc tổ chức chính quyền mới ở các quận, làng, xã. Cá biệt có một số địa phương có đông đồng bào Khmer như: Hiệp Hòa, Nhị Trường, Ngũ Lạc, v.v… việc xóa bỏ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền mới bước đầu có lúng túng và chậm trễ, nhưng đến ngày 27, 28/8/1945 cũng đã thành lập được chính quyền mới. Đến ngày 28/8/1945, hệ thống tổ chức, bộ máy chính quyền mới được thiết lập đi vào hoạt động từ tỉnh, quận đến làng, xã, ấp trên toàn tỉnh Trà Vinh.
 Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Trà Vinh kết thúc thắng lợi. Cuộc Tổng khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản diễn ra nhanh gọn, ít đổ máu. Đây là một cuộc bạo lực cách mạng thật sự, có lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng chính trị của khối đại đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer - Hoa tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên thắng lợi lịch sử.
 Nhìn lại chặng đường 15 năm đoàn kết đấu tranh của đồng bào Khmer dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Đảng giác ngộ, tuyên truyền giáo dục, một bộ phận đồng bào Khmer Trà Vinh đã chuyển biến về nhận thức và hành động với một động cơ mới, hết sức quan trọng khi đi với cách mạng. Đồng bào Khmer tin Đảng, cùng đoàn kết với các dân tộc theo Đảng làm cách mạng vì lý tưởng cao cả của Đảng là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, vì tương lai hạnh phúc của dân tộc mình.
 Cách mạng tháng Tám thành công, tình đoàn kết Khmer - Kinh được phát triển một bước quan trọng, nội dung bình đẳng dân tộc được Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa và cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc lại bùng nổ.
Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 363
  • Trong tuần: 6 706
  • Tất cả: 8752480

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn