TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI TRONG QUÁ TRÌNH BƯỚC VÀO THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (1996-2000)

II. TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI TRONG QUÁ TRÌNH BƯỚC VÀO THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (1996-2000)
Trong bối cảnh cả nước tích cực thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Đảng bộ huyện Càng Long tiến hành Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 1996-2000. Đại hội tiến hành từ ngày 24-02-1996 đến ngày 25-02-1996 tại Hội trường Huyện ủy. Dự Đại hội có 208 đại biểu thay mặt cho 2.326 đảng viên của 50 tổ chức cơ sở đảng. Các đồng chí Bùi Quang Huy, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Triệu Văn Bé, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; cùng các thành viên trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, đại diện cho các ban đảng Tỉnh ủy, các huyện bạn về dự. Đại hội bầu 35 ủy viên Ban chấp hành, 11 ủy viên Ban thường vụ. Đồng chí Nguyễn Minh Thương đắc cử Bí thư. Các đồng chí Huỳnh Văn Ấu, Phó Bí thư trực; Dương Văn Kẻn, Phó Bí thư, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Đại hội thông qua phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000 với 11 chương trình kinh tế - xã hội để phấn đấu đạt được chỉ tiêu đến năm 2000 tăng gấp đôi tổng sản lượng lương thực bình quân đầu người so năm 1990. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ huyện, huyện đã tập trung đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật, nên đã đạt những thành tựu nổi bật trong tăng trưởng kinh tế.
1. Phát triển sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế theo đường lối đổi mới
Nông nghiệp: tập trung đo đạc, đăng ký và xét duyệt cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân trên cơ sở giải quyết ổn định căn bản về tình hình tranh chấp ruộng đất. Việc lưu thông hàng hóa thuận tiện và giá cả lương thực hợp lý đã kích thích nông dân tận dụng đất đai, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nâng hệ số sử dụng vòng quay của đất. Giá trị nông - ngư nghiệp so với năm 1990 tăng 13,09%. Đặc biệt vùng lúa cao sản được mở rộng đến cánh B tăng lên 2 vụ. Cánh A sản xuất 3 vụ/năm, năng suất, sản lượng đều đạt và vượt yêu cầu, có nhiều cánh đồng mẫu, lúa chất lượng cao. Tổ chức đưa máy móc vào đồng ruộng, có hơn 500 máy cày, 300 máy suốt ra đồng hoạt động làm đất và thu hoạch lúa.
Công nghiệp - dịch vụ - giao thông - xây dựng: công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nâng cao trình độ quản lý và tay nghề. Có trên 400 cơ sở sản xuất chế biến nông sản, sửa chữa cơ khí, thu hút trên 1.500 lao động có việc làm. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Kinh tế cá thể và các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ mở rộng đầu tư phát triển sản xuất. Toàn huyện có gần 2.500 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng gần 2.000 cơ sở, tạo việc làm cho trên 6.000 lao động. Trên 2.000 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động tổng vốn kinh doanh trên 15 tỷ. Huyện đã quy hoạch xong chợ huyện, chợ Tân An, nâng cấp chợ trung tâm các xã. Các hoạt động dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh.
Về xây dựng kinh tế hợp tác, củng cố trên 300 tập đoàn sản xuất, tổ đoàn kết sản xuất, hợp tác xã giao thông, hợp tác xã xây dựng, 2 quỹ tín dụng nhân dân và xây dựng 1 Hợp tác xã nông nghiệp số 3 (xã Mỹ Cẩm), đồng thời triển khai Kế hoạch số 01 của Ban chỉ đạo tỉnh về giải quyết vấn đề đất đai, phát triển kinh tế hợp tác. Thành lập 1 hợp tác xã xây dựng làm ăn có hiệu quả, đảm nhận được một số công trình đầu tư trên địa bàn huyện theo đúng thiết kế. Thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong các ngành, các lĩnh vực theo phương thức củng cố, chuyển đổi và phát triển mới, đến năm 2000, huyện có 120 tổ chức kinh tế hợp tác, 10 hợp tác xã, 741 tổ chức kinh tế hợp tác giản đơn.
Tài chính, hoạt động tài chính là công cụ đặc biệt quan trọng trong quản lý và phát triển huyện. Nhiệm kỳ 1996-2000, Càng Long có nhiều cố gắng khai thác nguồn thu nhằm bảo đảm chi cho hoạt động thường xuyên, cho các nhiệm vụ trọng yếu về kinh tế - xã hội và có tích lũy chi cho đầu tư phát triển. Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, trong đó có huyện Càng Long, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân gắn với công tác quản lý của Nhà nước nên công tác thu ngân sách đạt 109,39%, thu ngân sách xã đạt 122,81%. Hoạt động ngân hàng, tổ chức huy động vốn trong nhân dân và tổ chức cho vay sản xuất, tổng số vốn cho vay (có các dự án) trong nhiệm kỳ này trên 500 triệu đồng. Các mặt hoạt động tài chính thực hiện tốt, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về phát triển điện lưới, từ năm 1996-2000, Đảng bộ huyện lãnh đạo tranh thủ sự đầu tư của tỉnh, đưa đường điện 22kV dài 28km ở các xã Bình Phú, Nhị Long, Đại Phước, Đức Mỹ vào sử dụng. Tiếp theo, huyện vận động nhân dân ở các ấp thuộc các xã Tân An, An Trường, Mỹ Cẩm, Bình Phú, Nhị Long tham gia đóng góp làm đường dây hạ thế. Xã Phương Thạnh thành lập tổ điện để đưa điện về nông thôn. Công tác vận động phát triển xây dựng hệ thống lưới điện được thực hiện thường xuyên. 10/11 xã, thị trấn có đường điện quốc gia đi qua. Những năm đầu, số hộ sử dụng điện mới đạt hơn 14%, đến khi kết thúc giai đoạn đã có 30% hộ sử dụng điện. Đạt được kết quả trên là do Đảng bộ huyện làm tốt công tác tranh thủ sự lãnh đạo của trên. Trong tổ chức thực hiện đã làm tốt công tác tuyên truyền phát động và vận động mọi người dân tham gia. Tại xã Mỹ Cẩm, khi người dân hay tin điện về đến nông thôn, trong bản vẽ chỗ nào có đường dây điện đi ngang qua gần 1.000 hộ, dân dời nhà, hiến cây trồng không bồi hoàn. Ông Nguyễn Văn Như, ấp số 6, hiến trên 100 cây dừa.
Phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tỉnh, huyện đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn, các xã ở vùng sâu vùng xa phấn khởi, bà con góp gần 2 tỷ đồng cho việc thực hiện các công trình: Hàng chục cầu bê-tông ở xã Mỹ Cẩm, Bình Phú, Đức Mỹ, Nhị Long, Huyền Hội. Sửa 200.000m lộ nông thôn, nâng cấp 15km hương lộ, đắp gần 2000.000m3 đất kênh cấp I, cấp II, cấp III, nâng cấp gần lOOkm đường liên xã, liên ấp. Đường bê tông thay dần đường cát, đường đất. Xe gắn máy có thể đi về đến từng vùng quê. Trong năm 1999, xã Nhị Long xây dựng 13/15 đường đá liên ấp trong xã (còn 2 ấp ngoài tuyến bờ bao nên không có lát đá là Cầu Đúc và Đon). Riêng tuyến từ Long An đến Gò Cà, Thạnh Hiệp với chiều dài trên 20km, mặt đường chưa bảo đảm còn nhiều khúc quanh co. Đồng chí Nguyễn Hồng Điều (Út Điều), Bí thư Đảng ủy đã tranh thủ nguồn vốn của trên hỗ trợ 65%, vận động nhân dân đóng góp 35%. Cùng với sự phấn đấu của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, xã Nhị Long đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn tuyến. Sau đó một thời gian, xã còn xây dựng cầu Hội Giảng, cầu Tréo (thuộc ấp Dừa Đỏ III nay thuộc xã Nhị Long Phú), cầu Đon, cầu kênh Đùng Đình. Ông Thân Văn Bỉnh, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ là người tích cực ,đi đầu trong công tác vận động nhân dân xây dựng đường giao thông nông thôn. Có thể nói trong thòi gian này, giao thông đường bộ ở nông thôn Nhị Long cơ bản đã hoàn chỉnh, việc đi lại rất thuận tiện và dễ dàng. Năm 1999, tại xã Bình Phú đồng chí Đỗ Phú Hữu (nguyên Bí thư huyện Châu Thành trong thời chín năm kháng chiến chống Pháp) đã cùng xã đi đến tỉnh, huyện xin chủ trương cho xã kéo điện, làm đường giao thông nông thôn. Khi có chủ trương, các ngành trong huyện, tỉnh và nhân dân trong xã ủng hộ rất nhiều, cùng xã làm 3km đường đá, kéo điện vào ấp Phú Đức I, Phú Đức II, Long Trị dài 6km. Nông thôn thay đổi hằng ngày nên nhân dân các xã Phương Thạnh, Tân An rất phấn khởi, tích cực tham gia các phong trào làm đường, làm cầu... Bên cạnh, Đảng bộ huyện phát huy phong trào thủy lợi những năm mới tiếp quản, đưa những kênh mương thực hiện giai đoạn 1975-1998 vào từng cánh đồng của người nông dân. Tỉnh, huyện và ngưòi dân đầu tư hệ thống thủy lợi gần 5 tỷ đồng, tạo hệ thống kênh mương làm ruộng như hình xương cá. Đến năm 2000, những công trình thủy lợi như những công trường lớn, kênh mương đi đến đâu thì có cống bọng đi theo đến đó. Các công trình thủy lợi được thực hiện bằng nhiều cách, nơi nào làm được bằng cơ giới thì cho xáng múc thực hiện, nơi nào làm không được bằng cơ giới thì thi công thủ công. Việc nạo vét mỏ rộng tuyến kênh Cầu Ván, kênh ấp Tư, kênh Bưng Dứa, kênh Phú Thọ, Nhà Thờ cũng được thực hiện trong thời gian này. Cùng với các trọng điểm là xây dựng các công trình lớn: trạm xá, trường học, các công trình công cộng (trong đó có xây dựng các trụ sở cơ quan huyện, xã) vói kinh phí gần 5 tỷ đồng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Công tác thông tin liên lạc trong giai đoạn này hằng năm số điện thoại bàn đều tăng. Số ấp có điện thoại chiếm tỷ lệ 72%.
2. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, chính sách xã hội
Giáo dục: Đảng bộ huyện lãnh đạo xây dựng hình thành hai trường trung học phổ thông không còn ghép chung với trung học cơ sở, đó là Trường Nguyễn Đáng ở thị trấn và trường ở Bình Phú (nay là Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Hai). Thực hiện nâng chất lượng giáo dục phổ thông, Huyện thành lập Hội cha mẹ học sinh cùng huyện chăm lo xây dựng trường lớp, xóa cơ bản phòng học tre lá. Ban đầu chỉ có xã Phương Thạnh gắn quạt máy phòng học, sau đó các xã đều có quạt máy phục vụ cho việc dạy và học. Kết quả tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp: Tiểu học đạt 96,9%, trung học cơ sở 87,09% (so với năm 1997 tăng 14,83%), phổ thông trung học đạt 86,72%. Đảng bộ huyện thành lập 31/60 Chi bộ trường học, chiếm 51,66%. Công tác xây dựng Đảng trong nhà trường góp phần giáo dục đạo đức, nâng chất lượng học tập của từng học sinh. Những năm 1996-2000, ngành giáo dục huyện có 3.169 lượt cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu thi đua cấp huyện, tỉnh; 63 trường đạt tiên tiến cấp huyện, 13 trường tiên tiến cấp tỉnh.
Y tế: thành lập tổ y tế 121/121 ấp, khóm, tổ chức bố trí 6/10 trạm y tế có bác sĩ. Thực hiện chương trình quốc gia về y tế, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, hạ tỷ lệ tăng dân số của huyện xuống còn 1,81%. Các phong trào vệ sinh phòng bệnh phát triển từ khi có Chỉ thị 200/TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn. Huyện giải tỏa các “nhà tiêu” ở ao hồ, kênh rạch theo tuyến giao thông cơ bản hoàn tất. Xây mới nhiều nhà vệ sinh, đóng mới hàng trăm giếng nước cho nhân dân các xã sử dụng, riêng xã Nhị Long có một hệ thống cấp nước tập trung. Tổ chức tốt các cuộc kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm. Tổ chức các cuộc diễu hành tuyên truyền công tác phòng chống HIV/AIDS nhằm góp phần ngăn chặn bệnh nguy hiểm thế kỷ.
Văn hóa - thông tin: Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBT ngày 16-3-1994 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh “về việc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”; thực hiện Thông tư số 04 ngày 3-5-1995 của Ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “về việc mở rộng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới”, ngành văn hóa tham mưu cho ủy ban nhân dân huyện thành lập Ban chỉ đạo huyện lãnh đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn hình thành Ban chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền phát động những nội dung xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phát động đến đâu cho nhân dân đăng ký thực hiện đến đó. Đến năm 2000, toàn huyện có 15.003 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 61,15%. Tổ chức công nhận 14 ấp, khóm văn hóa đạt 127%, nâng tổng số 20 ấp, khóm văn hóa. Những ấp: Thạnh Hiệp (xã Nhị Long nay là Nhị Long Phú), ấp Trung, Thượng, Hạ (xã Đại Phước), ấp số 3 xã Mỹ Cẩm, Khóm 7 (thị trấn Càng Long) là những ấp, khóm đầu tiên trong huyện đạt ấp văn hóa (thời điểm đó Càng Long là huyện thứ 2 trong tỉnh có ấp văn hóa). Phát huy thành tích đạt được trong xây dựng ấp văn hóa, Ban chỉ đạo huyện chọn 3 ấp Bãi Xan, xã Đại Phước làm điểm chỉ đạo của huyện; hụyện và tỉnh chọn ấp Thạnh Hiệp, xã Nhị Long (nay là Nhị Long Phú) làm ấp văn hóa mô hình tỉnh. Khi xây dựng cơ sở ổn định, huyện chọn xã An Trường làm điểm chỉ đạo xây dựng xã văn hóa. Sau nhiều lần khảo sát, xã An Trường còn thiếu nhiều tiêu chí nên đổi kế hoạch chọn xã Mỹ Cẩm làm điểm chỉ đạo. Đài truyền thanh thực hiện nhiều nội dung thu và phát trực tiếp các thông tin, sự kiện chính trị, văn hóa, khai thác nhiều tin, bài hay đưa lên đài của huyện làm tài liệu tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngay tại cơ sở. Bên cạnh Đài truyền thanh huyện kết hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh cấp phát nhiều tivi màu cho các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer và khu dân cư tập trung. Đây là sự phấn đấu rất lớn của Đài truyền thanh huyện so với các huyện khác trong tỉnh. Đội kiểm tra liên ngành 814 huyện kết hợp với các xã, thị trấn thưòng xuyên tổ chức nhiều cuộc kiểm tra các ấn phẩm văn hóa không lành mạnh, phim ảnh phản động... để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, góp phần làm tốt công tác quản lý đời sống văn hóa ở địa phương.
Phong trào thể dục - thể thao phát triển. Huyện có sân vận động. Cán bộ làm công tác thể dục - thể thao tổ chức nhiều phong trào thi đấu phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đội ghe ngo xã Phương Thạnh từ năm 1999 luôn đạt thành tích dẫn đầu tỉnh và luôn đứng trong tốp thứ nhất, thứ nhì Nam Bộ. Đến năm 2000 (năm đầu tiên được tỉnh hỗ trợ 70%, vận động xã hội hóa 30% kinh phí đóng mới ghe ngo) tham dự giải đua ghe ngo trong lễ hội Okombok, huyện chọn vận động viên đi thi là ở xã Phương Thạnh. Xã cùng chùa Pysey Vararam (chùa Ba Si) bắt tay vào việc, chỉ trong một thời gian ngắn đã tập hợp được 72 vận động -viên. Các vận động viên luyện tập được chùa tổ chức nấu cơm cho ăn và còn cho gạo gia đình, để anh em an tâm rèn luyện thi đấu. Thấy cách tổ chức, hoạt động tốt, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị xã Phương Thạnh thành lập thêm một đội đua ghe ngo nữ. Câu lạc bộ võ thuật đã tổ chức đưa các em võ sinh dự giải cấp tỉnh, đoạt 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc và 1 Huy chương đồng.
Về công tác chính sách - xã hội: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương, phương hưóng giải quyết việc làm, hằng năm huyện lập hàng chục dự án với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng nhằm phát triển trồng trọt và chăn nuôi, giải quyết việc làm cho 3.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm hơn 2%. Nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng vật nuôi giai đoạn này cũng giải quyết cho hàng ngàn lao động có việc làm.
Đối với thương binh, liệt sĩ và người có công: Toàn huyện có 4.773 liệt sĩ, 2.892 thương binh, trên 300 Mẹ Việt Nam anh hùng. Huyện đã quy tập hàng chục hài cốt về nghĩa trang huyện. Vận động quyên góp xây cất hàng chục căn nhà tình nghĩa (1) ( ). Việc thực hiện chính sách xã hội đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và các đối tượng hưởng chính sách. Giải quyết kịp thời và vận động các ngành cùng nhân dân tham gia thực hiện chính sách xã hội. Xét đề nghị công nhận trên 200 hồ sơ thương binh, liệt sĩ và giải quyết những trưòng hợp còn tồn đọng sau chiến tranh. Năm 1997, Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng cho mỗi tỉnh một ngôi nhà tình nghĩa dành cho Mẹ Việt Nam anh hùng. Tại tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trao căn nhà này cho mẹ Trần Thị Kính có 4 con là liệt sĩ ở ấp Rạch Rô III, xã Nhị Long, huyện Càng Long. Mẹ Kính là một bà mẹ tận tụy phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành mọi công tác, không nề nguy hiểm. Trong suốt 6 năm, mẹ là ngưòi nuôi và bảo vệ Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định. Năm 1999, cán bộ, đảng viên, hội viên đoàn thể và nhân dân xã Nhị Long xây dựng nhà truyền thống ấp Thạnh Hiệp để ghi nhớ thành tích của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ấp Thạnh Hiệp đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và làm nơi sinh hoạt của Chi bộ Đảng, các ban ngành đoàn thể ấp. Ông Phan Thành Ty là người đóng góp công sức trong vận động và làm gương trong việc góp tiền xây dựng nhà truyền thống. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước, ngoài việc thực hiện Pháp lệnh đối với người có công, Đảng bộ huyện luôn quan tâm chăm lo cuộc sống các gia đình chính sách, thăm hỏi động viên người có công với nước trong dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 và trong dịp lễ, tết. Xã Nhị Long có trên 500 liệt sĩ, Đảng bộ huyện đầu tư xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ đầu tiên trong huyện, sau đó tiến hành xây dựng ở tất cả 12/12 xã, thị trấn. Công tác này góp phần giáo dục truyền thống địa phương cho nhân dân trong huyện. Thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Cửu Long, Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy Trà Vinh “về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer”, huyện cất 13 căn nhà cho 13 hộ nghèo, đầu tư vốn cho 90 hộ nghèo, cấp 20 chiếc xuồng cho 20 hộ làm phương tiện sản xuất, tặng tivi cho các chùa Khmer trong huyện. Các trường học và lực lượng giáo viên cũng nhiệt tình phục vụ: trường phổ thông mở thêm 10 lớp ngữ văn Khmer cho 283 em theo học. Riêng ấp có người dân tộc Khmer đều có trường: Tiểu học Phương Thạnh A, Tiểu học Bình Phú A, Tiểu học Huyền Hội A. Đặc biệt ở Phương Thạnh tổ chức 2 lớp dạy hai thứ tiếng Kinh và Khmer song song, dạy ngữ văn Khmer cho 20 cán bộ xã học. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ những ngày tết cổ truyền dân tộc, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong vùng đồng bào dân tộc.
3. Xây dựng hệ thống chính trị theo hướng chú trọng ở cơ sở
Xây dựng Đảng, kiên trì đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, đấu tranh chống đa nguyên, đa đảng, khắc phục tư tưởng bảo thủ, chệch hướng . Giáo dục truyền thống cách mạng, khẳng định thành tựu, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, khắc phục biểu hiện phủ định quá khứ tốt đẹp, bôi đen xã hội hiện tại. Những khuynh hướng và hành động lệch lạc đã được đấu tranh ngăn chặn, uốn nắn kịp thời. Những thành tựu của công cuộc đổi mới được phát huy đúng mức, niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng được củng cố và tăng cường. Công tác chính trị tư tưởng đã góp phần quan trọng bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động, củng cố sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương. Đời sống nhân dân có bước phát triển, từ đó củng cố niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện.
Từ năm 1996 đến 2000, huyện phát triển 894 đảng viên mới (có 245 đảng viên là y, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư), so với nhiệm kỳ VI tăng 281 ngưòi. Đảng bộ huyện lãnh đạo toàn thể đảng viên trong huyện thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng sự đoàn kết nhất trí cao, có sự đồng tâm, đồng lực thực hiện nhiệm vụ của Đảng, là cơ sở để Đảng bộ tập hợp trí tuệ, sức mạnh và sự đoàn kết thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, huyện đưa 129 người đi học tại các trường Trung ương, tỉnh và học bổ túc văn hóa; đề bạt cất nhắc 7 người, điều động phân công công tác mới 29 người; mở 3 lớp chuyên đề, chính trị phổ thông, đối tượng Đảng; bồi dưỡng Đảng ủy viên, Chi ủy viên và kiến thức quản lý nhà nước cho 980 người. Trong lãnh đạo công tác tư tưởng, Đảng bộ huyện mở nhiều đợt học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa VII), mở 7 đợt học tập Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chỉ thị của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội các cấp cho 10.756 lượt đảng viên, chiếm 91%, và tổ chức 300 đợt học tập quán triệt nghị quyết cho 45.071 lượt hội viên đoàn thể; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, làm cơ sở cho sự lãnh đạo của Đảng bộ trong thời gian tới. Qua đó nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Đội ngũ cán bộ phấn khởi trước thành tựu đạt được của địa phương và đất nước trong thời gian qua, xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, kiên định lập trường cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước xây dựng quê hương giàu đẹp, công bằng và văn minh. Ban Tuyên giáo kết hợp học tập nghị quyết với báo cáo tình hình thời sự trong nước, quốc tế; hằng tháng ra tờ thông tin nội bộ (200 bản/tháng) phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền.
Công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ có bước chuyển biến mới: Đào tạo văn hóa 612 người, cử nhân chính trị 16 người, cao cấp chính trị 35 người, trung học chính trị 146 người, chuyên môn nghiệp vụ 287 người. Công tác đề bạt cất nhắc cán bộ cũng được chú ý, kịp thời sắp xếp bố trí những người có đủ năng lực, trình độ, đạo đức phẩm chất tốt giữ những nhiệm vụ quan trọng; đồng thời mạnh dạn giải quyết chính sách, xử lý kỷ luật hoặc cho thôi việc những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm chính sách pháp luật, nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Đảng bộ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII lãnh đạo tư tưởng cho trên 90% đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Tháng 7-1997, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã thông qua Nghị quyết: “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế- xã hội đến năm 2000” (2) .
Trên cơ sở quán triệt nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Trà Vinh, Huyện ủy Càng Long xây dựng Chương trình hành động số 01/CTHĐ.HU, đề ra mục tiêu phương hướng chung là “Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết nội bộ Đảng và đoàn kết toàn dân, nâng cao ý thức tự lực và thực hiện cần kiệm để khai thác có hiệu quả các nguồn nội lực trong cả huyện. Tranh thủ khai thác tốt và nâng cao hiệu quả các nguồn lực bên ngoài. Phấn đấu tăng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao một bước hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, kết hợp giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc về xã hội, tăng cưòng công tác xây dựng Đảng - chính quyền trong sạch vững mạnh và phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000 đã được Đại hội VII Đảng bộ huyện thông qua, tạo đà và thế lực mới cho bước phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tiếp theo, góp phần cho tỉnh hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000 mà Đại hội VI Đảng bộ tỉnh đề ra” (3)( ).
Tháng 6-1997, Đảng bộ còn cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đồng thời có Nghị quyết về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại huyện.
Về xây dựng chính quyền, Đảng bộ huyện lãnh đạo thực hiện Nghị định số 70/CP ngày 30-10-1995 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, Hội đồng nhân dân huyện triệu tập kỳ họp bất thường đề nghị tách thị trấn Mỹ cẩm, chia xã An Trường, Tân An. Thực hiện Nghị quyết số 57/CP ngày 03-10-1996 của Chính phủ về tách xã Tân An thành 2 xã: Tân An, Tân Bình và tách xã Mỹ Cẩm, thành xã Mỹ Cẩm và thị trấn Càng Long, Huyện ủy đã chuẩn bị tốt các mặt về cơ sở vật chất và tổ chức, nhân sự bảo đảm cho các xã được tách đi vào hoạt động. Đồng thời triển khai tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã (thị trấn) ở các đơn vị: Tân An, Tân Bình, Mỹ Cẩm, Huyền Hội và thị trấn Càng Long. Kết quả đã bầu bổ sung 4 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, 46 đại biểu Hội đồng nhân dân xã (thị trấn). Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt trên 96%  “Chính quyền huyện, xã được củng cố, ở cấp huyện đã bổ sung 1 Chủ tịch Hội đồng nhân dân, 1 Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân. Sau đợt sắp xếp tổ chức trên, đến năm 1998, đồng chí Nguyễn Thị Khá được bầu bổ sung chức danh Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nhà nước”, Huyện ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 8; ngoài ra còn thực hiện Nghị quyết số 50/CP ngày 26-7-1995 về biên chế cán bộ công chức hưởng lương hành chính sự nghiệp; thực hiện các quyết định của trên về quy trình tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo; về hướng dẫn thực hiện công tác hành chính và thủ tục hành chính của ủy ban nhân dân xã trong quan hệ với công dân, huyện làm chuyển biến về nhận thức và cải tiến một bước thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho dân, tăng cường hiệu lực, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri, xây dựng mạng lưới thanh tra nhân dân, tổ hòa giải ở từng ấp, góp phần ổn định trật tự xã hội địa phương.
Đảng bộ huyện lãnh chỉ đạo công tác vận động quần chúng chuyển biến rõ nét trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo thành những phong trào thi đua: hộ nông dân sản xuất giỏi, giúp nhau làm kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo... đã góp phần giải quyết việc làm gần 2.000 lao động, phát triển 8.691 hội viên, đoàn viên mới. Sự chuyển biến về công tác vận động quần chúng trong Đảng, chính quyền và đoàn thể làm cơ sở để củng cố niềm tin quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân” (4) ( ).
Những thắng lợi trên đã đánh dấu mốc quan trọng trong 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, góp phần cùng cả nước đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo niềm tin của các tầng lớp nhân dân, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
4. Công tác an ninh quốc phòng
Về an ninh, nắm vững quan điểm lãnh đạo của Đảng bộ huyện: Vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa đất nước ta cơ bản thoát ra khỏi khủng hoảng hiện nay, thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Ngành công an tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch của Ban thư ký ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ về việc phối hợp “vận động toàn dân xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Phát động sâu rộng phong trào quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Vận động thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Hoạt động công an, quân sự đã lên kế hoạch kết hợp bảo vệ Đại hội Đảng bộ huyện, bảo vệ địa bàn trọng điểm, các ngày lễ, ngày tết; phối hợp với các ban ngành đoàn thể tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất lưu thông, buôn bán và đốt pháo nổ; Nghị định số 36/CP và Chỉ thị số 317/TTg của Thủ tưóng Chính phủ về lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ; Nghị định số 87/CP, 88/CP, Chỉ thị số 814 về lập lại kỷ cương trên lĩnh vực văn hóa, làm hạn chế đến mức thấp nhất việc phổ biến lưu hành các loại văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy; Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 15/TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, mua bán hàng cấm... Về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lởn của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội với 100% số hộ vào các tổ chức của phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nổi bật trong phong trào này, Càng Long dùng lực lượng quần chúng giáo dục tên Võ Văn Sĩ lợi dụng tôn giáo, lôi kéo một số ít người nhẹ dạ cả tin lên Thành phố Hồ Chí Minh khiếu kiện. Trong các phong trào trên, công an huyện làm nòng cốt tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Qua đó kết hợp hệ thống chính trị huyện, xã xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân rộng rãi, có hơn 1.500 Tổ an ninh nhân dân, gần 30 Đội thanh niên xung kích và 13 Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự (trong đó có một hội đồng ở huyện). Tất cả các tổ chức trên cùng ngành công an hoạt động đấu tranh ngăn ngừa tội phạm, kể cả việc đấu tranh phòng chống những vi phạm về trật tự xã hội. Củng cố tình đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa ngày càng khắng khít, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”(5) ( ). Kết quả là từ các phong trào trên đã phát hiện xử lý trên 200 lượt vi phạm về an toàn giao thông và tệ nạn xã hội. Ngăn chặn những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực. Đấu tranh chống tham nhũng buôn lậu. Xem xét, giải quyết gần trăm đơn khiếu tố, khiếu nại còn tồn đọng. Kiểm tra chống buôn lậu, tham ô, phát hiện ngăn chặn nhiều vụ mua bán hàng cấm (mặt hàng thuốc lá). Với thành tích đạt được, nhiều năm liền Công an huyện được Giám đốc Công an tỉnh công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”.
Quân sự: Đảng bộ huyện lãnh đạo Huyện đội làm công tác tham mưu, các ngành chức năng và đoàn thể quần chúng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân tại địa phương. Qua đó tập trung tuyên truyền Luật nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh dân quân tự vệ, Pháp lệnh quân dự bị động viên, làm công tác xây dựng lực lượng và thực hiện chính sách hậu phương quân đội... Huyện đưa quân nghĩa vụ dân sự hằng năm đều vượt chỉ tiêu trên giao cả về số và chất lượng (số lượng thanh niên tình nguyện đạt trên dưới 40% trong những lần tuyển quân), luôn đứng ở những thứ hạng cao trong tỉnh. Dân quân tự vệ luôn đạt trên dưới 3% dân số. Lực lượng quân sự địa phương chủ động xây dựng phương án sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tuần tra canh gác bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng, các ngày lễ tết (6) ( ). Thực hiện kế hoạch sẵn sàng động viên trong thời bình. Hằng năm công tác đăng ký quản lý lực lượng, quản lý phương tiện, quản lý chuyên môn kỹ thuật phục vụ cho quốc phòng được tiến hành và bổ sung, điều chỉnh phù hợp theo quy định.
Các ngành tư pháp trong huyện triển khai 3 pháp lệnh của Ban Thưòng vụ Quốc hộiể Hằng năm, thụ lý hàng trăm vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình. Việc thi hành án đạt hiệu quả cao, năm sau cao hơn năm trước. Công tác giải quyết khiếu tố, khiếu nại của công dân, hàng tuần có tổ chức tiếp dân. Khi giải quyết vụ việc, làm tốt công tác xác minh, giải quyết có lý có tình. Ngành Thanh tra, Viện kiểm sát cùng với các ngành chức năng làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giúp cho huyện, xã và các ban ngành chấn chỉnh hoạt động quản lý kinh tế - xã hội.
*
Trong 5 năm (1996-2000), Đảng bộ và nhân dân huyện Càng Long đã không ngừng phấn đấu, phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, kết cấu hạ tầng kinh tê - xã hội được nâng cấp và xây dựng mới hơn trước, tạo thành những phong trào hành động cách mạng của quần chúng: xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, thanh niên lập nghiệp, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nông dân sản xuất giỏi, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số kế hoạch hóa gia đình, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, xây dựng ấp, khóm văn hóa và cuộc sống mới ở khu dân cư, cơ quan, trường học văn minh. Thực hiện quy chế dân chủ đạt kết quả bước đầu, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể được đẩy mạnh và củng cố theo hướng trong sạch, vững mạnh. Công tác an ninh quốc phòng thường xuyên được củng cố, phong trào an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân được củng cố và phát triển. Kinh tế xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới; an ninh chính trị ổn định, hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường một bước mới.

 

Chú thích:

(1) Nghị quyết năm 1996 là 15 nhà tình nghĩa.
(2) PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (chủ biên); Các đại hội đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2006), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,2006, tr.592.
(3) Chương trình hành động số 01/CTHĐ.HU của Huyện ủy Càng Long thực hiện Nghị quyết Hội  nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII.
(4)Trích Báo cáo tình hình nhiệm vụ năm 1995 của Huyện ủy Càng Long.
(5) Trích Báo cáo số 13/BC-HU của Huyện ủy Càng Long sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW, tr.1-2.
(6) Trích Báo cáo số 08/BC-HU, tình hình nhiệm vụ năm 1995 của Huyện ủy Càng Long.

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 153
  • Trong tuần: 3 146
  • Tất cả: 8753588

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn