Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Càng Long lần thứ II (1980-1982)

Trong giai đoạn 1980-1982, tình hình kinh tế - xã hội đất nước ta gặp nhiều khó khăn. Một mặt do Mỹ bao vây cấm vận và cấu kết với các thế lực thù địch điên cuồng chống phá nước ta, bọn phản động trong nước tìm mọi cách phá hoại cách mạng, trong khi ấy một số cán bộ thoái hóa, biến chất làm mất đoàn kết nội bộ, gây tư tưởng hoang mang, mơ hồ vào đường lối lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Mặt khác do 3 năm liền (1978-1979-1980), miền Bắc mất mùa, miền Trung và miền Nam hạn hán, lũ lụt làm cho lương thực thiếu ngày càng nghiêm trọng. Nguyên vật liệu, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khan hiếm. Thêm vào đó, tỉnh cửu Long còn phải viện trợ trực tiếp cho tỉnh Kompongxapư (Campuchia) kết nghĩa. Đây là thử thách lớn đối với cả nước nói chung và huyện Càng Long nói riêng. Đứng trước khó khăn này, Huyện ủy Càng Long chủ trương “tiếp tục vượt khó, quyết tâm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” ngay trên quê hương mình.
Tiếp thu đường lối Đại hội Đảng lần thứ IV (tháng 12-1976), thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt để vận dụng vào tình hình thực tế của huyện trong khi huyện còn thiếu thốn mọi mặt là một thách thức không nhỏ.
Từ ngày 22-12-1979 đến ngày 24-12-1979, Đại hội Đảng bộ huyện Càng Long lần thứ II, nhiệm kỳ 1980-1982 được tiến hành. Sau khi phân tích đánh giá tình hình và rút kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung cho nhiệm kỳ 1980-1982 là: Ban Chấp hành Đảng bộ lãnh đạo khắc phục 17/108 ấp trắng . Xây dựng huyện Càng Long là một trong những huyện trọng điểm lúa của tỉnh. Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư doanh. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo các phong trào cách mạng huyện nhà. Đại hội bầu 33 ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy chính thức và 2 dự khuyết, bầu 11 đồng chí vào Ban thường vụ. Đồng chí Lê Văn Nha (Sáu Đại) làm Bí thư Huyện ủy; các đồng chí Huỳnh Văn Khâm làm Phó Bí thư Huyện ủy; Phạm Văn Đang làm Phó Bí thư, Trưởng Công an huyện; Nguyễn Hữu Hoàng làm Phó Bí thư, Chủ tịch Úy ban nhân dân huyện.
Sau đại hội, Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ II đặt ra.
Về xây dựng hệ thống chính trị
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện Càng Long thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Quá trình thực hiện cơ chế đó, Đảng bộ huyện “tiếp thu tinh thần Nghị quyết 8, Thông tri 222 về chống tiêu cực. Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban 79 chống tiêu cực. Ban có 14 người do Phó Bí thư phụ trách công an làm Trưởng ban, Thường vụ Huyện ủy phụ trách nông nghiệp làm Phó ban, 12 người ở các ngành có liên quan (nông, thanh, phụ, Tổ chức Huyện ủy, ủy ban kiểm tra Đảng, Thanh tra, ủy ban kế hoạch, Tài chính, Lương thực, cải tạo nông nghiệp, Viện kiểm sát, Công đoàn) làm ủy viên. Ban 79 phát động trên 20.000 lượt nội bộ và quần chúng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng” . Cùng với việc triển khai thực hiện nghị quyết và thông tri trên, Đảng bộ huyện còn tiến hành kiểm điểm tư cách đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 72-CT/TW của Bộ Chính trị. Đây là lần đầu tiên từ ngày giải phóng huyện thực hiện cuộc vận động chỉnh đốn Đảng gắn liền chống tiêu cực trong nội bộ và ngoài quần chúng xã hội. Nhờ đó tạo điều kiện Đảng gần dân, cán bộ, đảng viên có chuyển biến mới trong tư tưởng và hành động.
Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IV), ra sức đẩy mạnh sản xuất, cải tiến giá cả, cải tiến phân phối lưu thông, phát huy tính chủ động của mọi tầng lớp nhân dân, vươn lên trong sản xuất kinh doanh theo hướng tự cấp tự túc có sự liên kết công - nông nghiệp, khắc phục tình trạng trông chờ vào Nhà nước, đồng thời Nhà nước quản lý 9 mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dệt may, xi măng, sắt thép, điện, nước, thuốc chữa bệnh). Tiến hành xóa bỏ các trạm kiểm soát, tăng cường quản lý điều hành tại gốc, đẩy mạnh trao đổi hàng hai chiều với nông dân để nắm nguồn lương thực theo thỏa thuận giữa Nhà nước và nông dân, đồng thời cấm nấu rượu để tiết kiệm lương thực... Qua đó xây dựng tinh thần phục vụ nhân dân. Lúc này đường sá đi lại khó khăn, cán bộ xã phải đi bộ làm việc không kể ngày đêm chỉ được hưởng một phần trợ cấp trong 10% huy động lương thực trên phân bổ để hỗ trợ chi phí văn phòng phẩm và một phần công tác phí. Cán bộ chủ chốt và cán bộ các ban, ngành huyện mỗi lần đi công tác xuống xã phải lội từ cánh đồng này sang cánh đồng khác cỏ cao tới đầu, đường sá lầy lội, đi một tuyến đồng phải lội năm, bảy ngày chưa giáp. Dù vậy không cán bộ nào thoái thác công việc. Lề lối làm việc của số đông cán bộ, đảng viên, Đảng bộ luôn sâu sát, nắm vững từng hộ. Ngày nào hộ thu hoạch lúa, cán bộ cũng đến vận động huy động lương thực. Để cho công tác tư tưởng mang lại hiệu quả hơn, Đảng bộ huyện tập trung vào những nhiệm vụ:
-Tuyên truyền thắng lợi, phát huy truyền thống cách mạng, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện nhiệm vụ mới.
-Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
-Nâng cao hiểu biết về cách mạng.
-Đề cao cảnh giác cách mạng, bảo vệ độc lập Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Campuchia.
Về công tác tổ chức, Đảng bộ huyện xem công tác tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở là quan trọng, Đảng bộ luôn tập trung củng cố xây dựng bộ máy Đảng bộ huyện, xã; thường xuyên tổ chức cho đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Cơ quan lãnh đạo của Đảng từ huyện đến xã luôn kiện toàn, từng bước nâng cao trình độ kiến thức và năng lực lãnh đạo của cán bộ chủ chốt, quy chế hoạt động được xây dựng và bổ sung; duy trì sinh hoạt đảng, nội dung và hình thức hoạt động từng bước cải tiến. Việc giáo dục quản lý cán bộ, đảng viên, ý thức chấp hành kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước từng bước được tăng cường. Tình hình tổ chức cơ sở đảng và đảng viên: Nhiều xã không có tổ chức cơ sở đảng nhất là 3 ấp khu vực Bãi Xan. Đến năm 1982, huyện có 93 chi bộ ấp, 26 chi bộ ngành huyện, 2 Đảng ủy (công an, quân sự). Đảng bộ huyện tổ chức lễ phát thẻ đảng viên đầu tiên tại huyện đạt 20%. Thực hiện chống tiêu cực trong nội bộ đảng, và điều chỉnh cán bộ chủ chốt trong nội bộ đảng theo tình hình mới.
Về xây dựng chính quyền, trong những năm 1980-1982 các cấp chính quyền trong huyện có nhiều tiến bộ, hiệu lực quản lý và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa được nâng lên một bước. Chính quyền tích cực làm công tác vận động quần chúng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa. Quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được tập trung hơn, mang lại kết quả khả quan hơn. Đội ngũ cán bộ chính quyền trong huyện trưởng thành lên một bước, được nâng cao về chất lượng và số lượng. Tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, xã đúng theo luật định. Số đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện tiếp xúc cử tri, góp phần xây dựng nghị quyết Hội đồng nhân dân thực hiện Nghị quyết cấp trên và cơ sở.
Công tác vận động quần chúng: Quán triệt quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, thời gian này, các đoàn thể vận động đoàn, hội viên thực hiện hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Các tổ chức đoàn thể trong huyện vận động đoàn, hội viên tham gia vào các việc cải tạo quan hệ sản xuất, xây dựng tập đoàn sản xuất, tổ hợp tác sản xuất, làm thủy lợi... Đây là thời kỳ mà sức người được huy động cao nhất cho việc cải tạo ruộng đồng và cho chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
Phát triển kinh tế
Nông nghiệp, đầu năm 1980, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 15-12-1979 của Bộ Chính trị, và các nghị quyết của tỉnh, Huyện ủy xác định lại bước đi và hình thức hợp tác: Tổ đoàn kết sản xuất, bổ sung chính sách trả hoa lợi ruộng đất, chính sách để đất làm kinh tế gia đình, chính sách đầu tư, phân phối thu nhập trong tập đoàn sản xuất. Từ đó, củng cố và ổn định sản xuất cho các tập đoàn cũ, phát triển các tập đoàn và tổ đoàn kết sản xuất mới.
Trong trồng trọt, cây lúa vẫn là cây chủ đạo. Năm 1981, quan hệ sản xuất mới bắt đầu thiết lập, phương thức quản lý mới từng bước được thực hiện. Những công trình thủy lợi bước đầu phát huy tác dụng, cơ cấu mùa vụ hình thành, những biện pháp canh tác mới (cày ải, phơi đất, gieo sạ theo lịch thời vụ...) được áp dụng. Qua 5 năm vận động và làm thí điểm, ngưòi nông dân thấy hiệu quả của việc đồng áng hiện nay, họ chấp nhận và làm ăn theo cách mới. Cơ cấu giống và việc quy hoạch sử dụng giống lúa phù hợp với vùng đất của hai cánh A, B... đã tác động rõ rệt đến sản xuất với năng suất và sản lượng lúa. Cây màu, được chú ý phát triển song song với cây lúa. Cây màu ở Càng Long chủ yếu là khoai lang, khoai mì, bắp, hành, hẹ ở vùng đất giồng Mỹ Cẩm, An Trường, Bình Phú, Phương Thạnh. Ngoài sản xuất cây màu, trong giai đoạn này, ở Càng Long còn có cây dừa, cây lác, cây mía, cây họ đậu phát triển nhưng năng suất và sản lượng chưa cao
Càng Long có nhiều lợi thế cho ngành chăn nuôi phát triển. Chăn nuôi ở Càng Long phát triển cả gia súc lẫn gia cầm, chủ yếu là đàn trâu, bò, heo, gà, vịt... Trại heo giống của huyện được xây dựng ở xã Tân An. Tỷ lệ phát triển chăn nuôi tăng 8,4%. Chăn nuôi trâu, bò trong giai đoạn này tăng nhanh nhưng chưa cung cấp đủ nhu cầu thực phẩm cho đời sống mà mục đích là để cung cấp sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở Càng Long tuy không phải là thế mạnh như một huyện ven biển, nhưng huyện cũng tập trung phát triển thủy sản trên cơ sở vừa phát triển vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi tự nhiên ở cánh B, nơi có sông rạch chằng chịt. Đóng góp cho tăng trưởng thủy sản của tỉnh chủ yếu là nuôi tôm, cá nước ngọt, nhằm khai thác hợp lý những thuận lợi về thiên nhiên, làm tăng thu nhập của các hộ gia đình nông dân. Hằng năm, sản lượng thủy sản 82 tấn. Thu mua tôm càng xanh xuất khẩu đạt chỉ tiêu trên giao.
Để phát triển kinh tế nông nghiệp, công tác thủy lợi tiếp tục được Đảng bộ chú trọng. Năm 1980, Đảng bộ huyện chủ trương cho Đảng bộ xã Bình Phú, cùng với xã Phương Thạnh mở rộng kênh 3 xã, ngoài ra còn thực hiện thủy lợi nội đồng. Xã huy động trên 2.000 người (trong đó có lực lượng giáo viên và học sinh) đào nhiều con kênh trong cùng một thời gian này, đó là “kênh Học Trò” đi từ cống Cây Cách đến xã dài 3km, kênh Ba Tươi dài 3km, kênh 5 ấp dài gần 5km.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thuộc tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương, huyện tạo điều kiện phát triển và đưa vào làm ăn tập thể; các cơ sở xay xát lúa gạo, làm bún và một số cơ sở sửa chữa cơ khí nhỏ ở huyện lỵ, xã Bình Phú và xã Phương Thạnh về xây dựng cơ sở quốc doanh, Đảng bộ huyện thành lập Xí nghiệp gỗ, Xí nghiệp cồn, Xí nghiệp dược và 67 tổ hợp tác sản xuất.
Thương nghiệp, Phòng thương nghiệp huyện vừa nhận hàng phân phối của Công ty công nghệ phẩm và Công ty nông sản thực phẩm Cửu Long, vừa thu mua các mặt hàng ở địa phương cung cấp về trên và bán cho nhân dân theo giá Nhà nước quy định. Tại xã có hợp tác xã mua bán (khi hợp tác xã thành lập, mỗi xã viên góp 5 đồng gọi là vốn điều lệ, ban quản lý dùng tiền vốn này nhận hàng phân phối của trên. Khi nhận hàng về, lên kế hoạch thông qua ủy ban nhân dân xã duyệt, phân phối từng loại). Ban Chủ nhiệm gồm 1 Chủ nhiệm, 2 Phó chủ nhiệm, 2 kế toán, 1 thủ quỹ, 1 thủ kho. Mỗi ấp có tổ phân phối, nhận hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm phân phối từng hộ (theo tem phiếu). Ngoài ra, gia đình chính sách được ưu tiên chế độ phân phối dầu hỏa, nhu yếu phẩm (có giấy giới thiệu của ủy ban nhân dân xã). Đến năm 1980, doanh số thu mua đã tăng gấp 2 lần so với năm 1976, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1976-1980 đạt 14%/năm. Sau năm 1981, huyện bắt đầu thực hiện cơ chế mở cho các đơn vị thương nghiệp quốc doanh và tập thể, tạo thế chủ động trong khai thác nguồn hàng và thị trưòng tiêu thụ, từng bước thực hiện xóa bỏ chế độ bao cấp qua giá. Cơ chế quản lý sản xuất kinh doanh đã có nhiều cải tiến tích cực, năng động nên phát huy được thế mạnh của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy mạnh mẽ đến sản xuất, thu mua nắm nguồn hàng; đồng thời duy trì được chức năng phân phối, tham gia có hiệu quả vào thị trường.
Phát triển văn hóa - xã hội
Giáo dục: năm 1980, tại An Trường có phong trào hiến đất vườn mỏ rộng trường lớp cho con em trong xã học tập. Ông Lê Văn Huy, cán bộ Ban tổ chức Huyện ủy hiến hơn một công đất cất Trường tiểu học An Trường B. Bà Huỳnh Thị Đầm, ấp Trung Thiên, hiến hơn một công đất cất Trường tiểu học An Trường E. Năm học 1980-1981, xã Nhị Long làm công tác vận động những người con quê hương đang công tác trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng trường học các ấp Gò Cà, Thạnh Hiệp (nay thuộc xã Nhị Long Phú). Phong trào giáo dục huyện lúc này ngoài tập trung cho giáo dục phổ thông còn phát triển hệ bổ túc. Đối với nhân dân, đến năm 1985 mỗi ấp đã có từ 1 đến 2 tổ học bổ túc văn hóa ban đêm. Đặc biệt trong công tác giáo dục thời gian này ở xã Phương Thạnh, huyện phát huy truyền thống học tập trong đồng bào Khmer, nơi có chùa Basi, gọi là chùa Pysey Vararam . Phong trào học tập diễn ra sôi nổi, tại ấp Giồng Chùa tổ chức được 7 khu dạy học cho con em thuận tiện trong việc đến lớp. Phòng học được bố trí tại nhà dân. Ban quản trị chùa hỗ trợ cho giáo viên đứng lớp 100.000 đồng để mua xăng đi dạy trong một năm. Ngoài ra, vào dịp cuối năm chùa còn tặng mỗi giáo viên một cái áo. Riêng các sư tu trong chùa chưa tốt nghiệp cấp II thì chùa cũng tổ chức cho các sư đi học bổ túc văn hóa. Năm 1982, huyện mở một lớp bổ túc văn hóa cấp II cho 6 người là cán bộ chủ chốt huyện. Một năm sau, Đảng bộ huyện lãnh đạo mở một lớp đào tạo ngoại ngữ khoa tiếng Nga, Phòng giáo dục đào tạo thực hiện, chiêu sinh gần 50 người từ Trưởng phòng trở lên đi học.
Y tế, bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân là một vấn đề rất quan trọng, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời điểm 1976-1982, Càng Long tiếp quản cơ sở y tế của chính quyền Sài Gòn xong, huyện làm công tác tổ chức và đào tạo để có bộ máy và con người hoạt động trên từng địa bàn dân cư. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển. Ngoài các trạm y tế ở 9 xã, y tế huyện còn có 1 đội khám bệnh đi lưu động bằng ghe máy xuống vùng nông thôn vùng sâu khám bệnh, bán thuốc, cấy philatốp (do khoa dược huyện sản xuất) cho nhân dân. Huyện xây dựng được 1 xí nghiệp dược phẩm. Về công tác sinh đẻ kế hoạch, năm 1979 là năm tập trung cao cho kế hoạch hóa gia đình, có 583 cặp vợ chồng đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai.
Văn hóa thông tin, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong huyện còn thiếu thốn. Mỗi xã chỉ có một, hai cái tivi. Nhà nào có tivi thì mở cho bà con lối xóm đến xem chung. Ngành văn hóa thông tin thành lập đội văn nghệ quần chúng các xã góp phần cùng huyện làm công tác tuyên truyền, động viên phong trào hành động cách mạng trong nhân dân. Riêng xã An Trường thành lập một đoàn văn nghệ do nghệ nhân Ba Thành làm Trưởng đoàn, đoàn có đủ đào kép, tự sáng tác phục vụ các hoạt động sản xuất và đời sống, xây dựng lại quê hương. Ngoài ra, tại xã này còn có một tổ đờn ca tài tử ở tổ vạn vần đổi công, do Tám Bách phụ trách.
Thực hiện chính sách xã hội: những năm mới tiếp quản có khoảng 50% hộ thiếu ăn trong lúc giáp hạt từ 3 đến 6 tháng, thời gian này còn khoảng 30%. Số người thất nghiệp và không có việc làm trên 5.000 ngưòi, đó là chưa kể số ngụy quân, ngụy quyền tan rã. Số gia đình chính sách ở Càng Long có gần 8.000 người. Trước thực trạng đó, huyện chủ trương vận động nhân dân mở rộng các ngành nghề truyền thống để tạo việc làm cho nhân dân.
Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo: Trong thời kỳ xây dựng, Đảng bộ huyện Càng Long luôn phát huy truyền thống trong thời kháng chiến chống đế quốc, thực dân nhất là việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Thời kỳ kháng chiến có cán bộ dân tộc giỏi, xây dựng những nhân tố người dân tộc tiêu biểu trong các xã Huyền Hội, Bình Phú, Phương Thạnh; có những hòa thượng, chánh trị sự, linh mục lúc nào cũng ủng hộ cho cách mạng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Nay trong thời kỳ xây dựng, cán bộ, đảng viên chủ chốt huyện, xã và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, tạo mọi điều kiện cho dân tộc Khmer phát triển ngang bằng vói dân tộc Kinh, dân tộc Hoa; tạo điều kiện cho vùng đồng bào có đạo có đời sống kinh tế ổn định, đời sống văn hóa và tinh thần phát triển. Ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đoàn kết gắn bó với nhau trong cuộc sống. Huyện quan tâm tạo mọi điều kiện, giải quyết chính sách để các dân tộc cùng phát triển, như việc chấp thuận đơn của người dân tộc Khmer xin đi tu, dù họ đang ở trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động; các chùa trong thời kinh tế khó khăn cũng được ưu tiên sửa sang. Từ đó mà việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trong huyện luôn mang lại kết quả tốt. Các dân tộc, tôn giáo luôn cùng Đảng bộ địa phương hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Về an ninh - quốc phòng
Công tác an ninh, Đảng bộ công an huyện, phát động rộng khắp và thống nhất trong toàn huyện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn sát cánh cùng các lực lượng như Huyện đội, các ngành, đoàn thể nhân dân, qua đó đã làm tốt công tác tổ chức, phát động và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cán bộ cơ sỏ và quần chúng nhân dân là những người cung cấp thông tin, tổ chức xây dựng cơ sở, góp phần cùng ngành công an huyện, xã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, huyện còn làm tốt công tác bảo vệ kinh tế ở các cơ sở quốc doanh và tập đoàn. Xã nào cũng có bộ máy công an, mỗi ấp có một công an ấp thực hiện phòng chống trộm cắp, giải quyết kịp thời tệ nạn xã hội rượu chè, cờ bạc, mại dâm. Trong hoạt động hằng ngày, công an nắm đối tượng, giáo dục tại địa phương cho đối tượng cam kết không vi phạm.
Công tác quân sự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân của huyện được xây dựng trên cơ sở xây dựng lực lượng, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của huyện, xã và tập trung thực hiện đưa quân thực hiện nghĩa vụ qụân sự. Điển hình như năm 1976 đưa quân về trên 550 tân binh, có 350 thanh niên tình nguyện. Năm 1977, đưa 460 tân binh, có 192 thanh niên tình nguyện. Những năm chiến tranh ở hai đầu biên giới, có năm huyện làm công tác tuyển quân 3 lần, đưa một đại đội đi trực biên giới, trong đó có một trung đội thường trực của Tân An, Mỹ Cẩm. Khó khăn lớn nhất của công tác tuyển quân lúc này, mặc dù đã chuẩn bị những cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực tập hợp thanh niên lại như vào đại hội, nhưng khi phát giấy báo lệnh cho thanh niên nhập ngũ có lúc trùng hợp với trường hợp một vài quân nhân của ta hy sinh, có giấy báo tử gửi về; một ít thanh niên do dự khi biết mình trúng tuyển, nên có tình trạng chạy trốn sang địa bàn khác. Ban chỉ đạo tuyển quân phải mời gia đình làm việc cho học luật nghĩa vụ liên tục, địa phương mới hoàn thành chỉ tiêu công tác tuyển quân. Song song với việc vận động thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, huyện còn vận động thanh niên đi nghĩa vụ lao động (xã Phương Thạnh có một trung đội thanh niên thực hiện nghĩa vụ lao động, đơn vị này đóng quân tại huyện Duyên Hải). Công tác gọi thanh niên nhập ngũ năm đạt 96%, tăng 16% so năm 1979 (80%). Từ kết quả trên, cho thấy, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là nền quốc phòng, an ninh “của dân, do dân, vì dân”.


TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 203
  • Trong tuần: 23 880
  • Tất cả: 8726412

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn