II. TĂNG CƯỜNG ĐOÀN KẾT, PHÁT HUY Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (1996-2000) (tt1)
2. Xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa - xã hội, hướng tới một đô thị trung tâm văn minh, hiện đại  
Về văn hóa, thông tin, xây dựng cảnh quan đô thị: Thị xã Trà Vinh là bộ mặt văn hóa của tỉnh, thể hiện trình độ văn minh đô thị, do đó Đảng bộ và nhân dân thị xã luôn ra sức để thực hiện trọng trách này đối với tỉnh.
Do tình hình văn hóa ở cơ sở còn nhiều hạn chế, nên Thị ủy đã chỉ đạo tập trung xây dựng phong trào văn hóa từ cơ sở xã, phường, khóm, ấp đến tận hộ gia đình. Phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, khu vực, khóm, ấp, phường, xã văn hóa, trên cơ sở đó hình thành nếp sống văn minh đô thị, để tạo phong cách và trình độ văn hóa ở mọi người dân, mọi gia đình. Trước hết, Thị ủy phát động cán bộ, công nhân viên và các tổ chức đoàn thể phải quán triệt và đi đầu trong lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt là nêu cao vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong kết hợp với nhà trường ra sức giáo dục học sinh để ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức. Năm 1998, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Kế hoạch của Tỉnh ủy, Đảng bộ thị xã đã tổ chức kiểm điểm tình hình thời gian qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp thực hiện trên địa bàn thị xã đến năm 2000. Nhờ có các biện pháp chỉ đạo cụ thể trong thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa - cuộc sống mới ở khu dân cư, đến năm 2000 trên địa bàn thị xã có 38/53 khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa; 72/167 cơ quan, trường học đạt chuẩn văn minh. Phường 2 là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được công nhận phường văn hóa.
Nâng cao chất lượng hoạt động của công viên thị xã, thị xã tiếp tục chỉ đạo hình thành một số công viên nhỏ ở những nơi có điều kiện, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi, vừa tăng thêm cảnh quan đô thị. Thị xã kết hợp với tỉnh phát huy tác dụng của các di tích lịch sử và thắng cảnh, các bia, đài tưởng niệm để giáo dục truyền thống dân tộc cho người dân thị xã.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 1996-2000, việc phối hợp giữa tỉnh và thị xã trong lĩnh vực quản lý đô thị chưa cụ thể. Nhiều phường, xã chưa được quy hoạch chi tiết nên việc đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển các cụm - tuyến dân cư, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở... còn diễn ra tự phát; phần lớn các công trình xây dựng cơ bản là nâng cấp cơ sở cũ, việc xây dựng cơ sở mới chủ  yếu là phục vụ cho sinh hoạt; việc quản lý về trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị còn nhiều lúng túng; việc kinh doanh lấn chiếm lối đi tại các chợ, xây dựng nhà ở, mua bán trên vỉa hè... kéo dài qua nhiều năm mà chậm có biện pháp khắc phục.
Đài Truyền thanh thị xã đã có sự cải tiến chất lượng tin bài, thường xuyên cộng tác với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, kịp thời tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu gương người tốt, việc tốt…, góp phần động viên Đảng bộ và nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Củng cố bộ máy làm công tác văn hóa từ thị xã đến phường, xã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hoạt động phi văn hóa để lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ.
Phong trào văn nghệ được mở rộng và phong phú về hình thức và thể loại... Tháng 3-1998, Thị ủy đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII về văn hóa - văn nghệ, với nội dung chính là đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và đề ra những giải pháp thúc đẩy trong thời gian tiếp theo. Đảng bộ thị xã đã chỉ đạo kết hợp phong trào văn nghệ quần chúng với các phương tiện nghe nhìn, đáp ứng nhu cầu văn hóa - văn nghệ của nhân dân, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi văn hóa đồi trụy, độc hại theo đúng tinh thần Chỉ thị số 814/TTg ngày 12-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự, kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Sự phát triển giao thông, điện, đặc biệt là sự tăng trưởng kinh tế hằng năm trên địa bàn thị xã giúp cho thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nhất là vùng ven nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, nên mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa nội thị và vùng ven thị xã không còn chênh lệch xa như những năm trước. Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng luôn được quan tâm củng cố phát triển, nhất là những loại hình mang tính quần chúng, góp phần tạo được bầu không khí tươi vui trong quần chúng nhân dân, nâng cao lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tính đến năm 1998, thị xã có 12 đội văn nghệ quần chúng (1 đội của thị xã và 11 đội của các phường, xã, cơ quan, trường học), chủ yếu hoạt động phục vụ nhiệm vụ của địa phương và của ngành. Riêng Đội văn nghệ quần chúng của thị xã hoạt động rộng hơn, xây dựng được chương trình phong phú, lồng ghép để tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm của thị xã; ngoài ra, còn phối hợp với các ngành liên quan như ủy ban Bảo vệ - chăm sóc trẻ em, Phòng Giáo dục, Thị đoàn, Liên đoàn lao động thị xã… tổ chức hội thi, hội diễn chuyên ngành.
Về thể dục thể thao: Thị ủy đã kết hợp với sở Văn hóa, thông tin thể thao đưa các phong trào thể dục thể thao của thị xã lên đúng tầm vóc của một thị xã tỉnh lỵ. Dưới sự chỉ đạo của Thị ủy và Ủy ban nhân dân thị xã, Phòng Văn hóa, thông tin, thể thao thị xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các ngành hữu quan phát động phong trào thể dục - thể thao rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân (trước hết là trong công nhân viên chức và học sinh). Thành lập câu lạc bộ các bộ môn, các hội bảo trợ câu lạc bộ... hoạt động như một tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Thị xã đã chú ý tập trung vào phát triển các bộ môn có thế mạnh như bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, võ thuật, cầu lông, bơi lội... Qua các phong trào thể thao quần chúng, thị xã đã phát hiện được các mầm non năng khiếu để giới thiệu cho tỉnh đạo tạo, bồi dưỡng. Thời gian qua, cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao trên địa bàn như sân vận động, nhà thi đấu đa năng, sân quần vợt, sân cầu lông, sân bóng chuyền,... cũng đã được tăng cường, tạo điều kiện thu hút nhiều đối tượng tham gia. Nhờ kết hợp tốt xã hội hóa công tác thể dục - thể thao với nâng cao thành tích trong các lần Đại hội thể dục - thể thao của tỉnh, mà phong trào thể dục, rèn luyện thân thể trong nhân dân được phát triển và mở rộng trong toàn thị xã nhằm mục tiêu xây dựng con người cường tráng về thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, mặc dù đã 8 năm trở thành đô thị tỉnh lỵ (1992-2000), nhưng kết cấu hạ tầng về văn hóa - thể dục thể thao của thị xã còn thiếu nghiêm trọng; lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao của thị xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Phong trào văn hóa ở cơ sở phát triển chưa mạnh; một số tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, ma túy... chưa được ngăn chặn.
Về giáo dục, Ngành giáo dục thị xã tiếp tục giữ vững thành tích, nâng cao chất lượng dạy và học. Số học sinh tăng bình quân 3,4%/năm; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 5% năm 1995 xuống còn 2,65% năm 2000; huy động được 98% số học sinh trong độ tuổi đến trường, tăng 2% so với năm 1995. Tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp các cấp hằng năm đều đạt tỷ lệ cao. Đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa theo quy định của ngành. Ngành giáo dục thị xã cơ bản đủ giáo viên, đủ lớp, và cơ sở vật chất trường, lớp cũng được bảo đảm nên không còn tình trạng học 3 ca. Thị ủy đã tập trung chỉ đạo hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ theo quy định cho xã Long Đức, nhờ đó thị xã đã đạt chuẩn quốc gia về công tác phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Thị xã tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, chọn phường 2 và phường 3 làm thí điểm và rút kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng. Phong trào học ngoại ngữ, học vi tính trong cơ quan và toàn xã hội có bước phát triển tốt.
Thị ủy cũng chỉ đạo ngành giáo dục thị xã tiếp tục đẩy mạnh “xã hội hóa” giáo dục, tạo môi trường giáo dục thuận lợi và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành giáo dục đã có sự quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống và luật lệ giao thông cho học sinh. Thị ủy cũng chỉ đạo khuyến khích các cơ quan, xí nghiệp thuộc tất cả thành phần kinh tế tham gia dạy nghề cho mọi người có nhu cầu, nhất là thanh niên.
Tuy nhiên, công tác giáo dục trong giai đoạn này cũng còn nhiều hạn chế: Chưa thông qua được đề án quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp đến năm 2010 và quy hoạch chiến lược về phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn thị xã; việc dạy thêm, học thêm chưa được quản lý chặt chẽ; quỹ khuyến học mới bắt đầu thành lập, phong trào thi đua “2 tốt” chưa có hình thức khen thưởng thỏa đáng để động viên và phát huy mạnh mẽ phong trào. Hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, đào tạo nhân lực chưa được quan tâm đầu tư để hướng vào phục vụ các mục tiêu phát triển lâu dài của thị xã.
Về y tế: Hoàn thành đầu tư xây dựng và trang bị mới các thiết bị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trên địa bàn thị xã; 100% trạm y tế phường, xã được xây dựng cơ bản và trang bị dụng cụ y tế bảo đảm việc khám và điều trị bệnh. Bác sĩ được tăng cường cho tuyến cơ sở, năm 2000 có 3/8 trạm y tế có bác sĩ đảm trách.
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt nhờ tích cực tranh thủ sự tài trợ các chương trình, dự án của quốc gia, quốc tế để làm tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình kết hợp với các biện pháp kinh tế hành chính…,nên đã góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,6% năm 1995 xuống còn 1,05% năm 2000, vượt xa so với chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VII đề ra là 1,35% vào năm 2000.
Thị ủy cũng chỉ đạo Phòng y tế thị xã tăng cường giáo dục tinh thần và thái độ phục vụ, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhưng đến năm 2000 tình trạng lạm dụng thuốc, tăng giá thuốc trong điều trị vẫn chậm được khắc phục. Quản lý tốt các cơ sở hành nghề y dược tư nhân theo quy định của pháp luật, tuy chưa kết hợp được giữa lực lượng y tế nhà nước và lực lượng hành nghề y dược tư nhân nhưng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đã thực hiện tương đối tốt. Chỉ đạo tốt việc hình thành các tổ chức hốt thuốc nam và chữa bệnh bằng y học dân tộc để phục vụ sức khỏe cho nhân dân.
Trung tâm Y tế thị xã tăng cường hoạt động theo chức năng để kịp thời phát hiện phòng chống các dịch bệnh và tăng cựòng kiểm tra vệ sinh thực phẩm, vệ sinh công cộng, song chưa được thường xuyên; đã xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm vệ sinh. Nhờ đó, nhiều năm liền trên địa bàn thị xã không để xảy ra dịch bệnh. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên và thông qua cuộc vận động toàn dân chăm sóc, giáo dục trẻ em, nên tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng của thị xã đã giảm từ 47% năm 1995 xuống còn 32% năm 2000.
Việc thực hiện các chính sách xã hội đạt được nhiều tiến bộ. Thị ủy đã chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời các chính sách xã hội đã được quy định. Phát động phong trào toàn dân chăm lo, giúp đỡ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh và gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình neo đơn một cách thiết thực và có kế hoạch cụ thể. Trong đó, phong trào đển ơn đáp nghĩa đã huy động được sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức và người dân xây dựng mới 96 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 62 nhà tình thương, tặng 22 sổ tiết kiệm. Các cơ quan, tổ chức tiếp tục trợ cấp và phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng và 50 gia đình có 2 con là liệt sĩ. Đặc biệt năm 1997, thị xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 8/8 phường, xã thực hiện tốt công tác chính sách xã hội. Tổng kết Cuộc vận động 50 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, thị xã đã được Chính phủ tặng 2 bằng khen, 2 cá nhân được tặng Huy chương vì sự nghiệp lao động - thương binh - xã hội và 16 tập thể được tặng bằng khen của tỉnh và của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Về giải quyết việc làm: Trong 5 năm 1996-2000, Thị ủy đã chỉ đạo phát triển các hình thức dịch vụ nên đã tạo ra được nhiều việc làm mới trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại. Đặc biệt là, để chuẩn bị cho khu công nghiệp của tỉnh hình thành và phát triển, thị xã đã có sự chủ động trong kế hoạch dạy nghề, nâng cao trình độ văn hóa cho lực lượng lao động. Kết quả là, trong 5 năm 1996-2000, tỷ lệ lao động không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định của thị xã đã giảm từ 13% năm 1995 xuống còn 8% năm 2000. Thu nhập bình quân đầu người đạt 404USD năm 2000, tăng 1,77 lần so với năm 1995.
Thị xã tiếp tục thực hiện “xã hội hóa” công tác xóa đói giảm nghèo. Đã vận động đóng góp cho quỹ xóa đói giảm nghèo được 485,7 triệu đồng; triển khai 167 dự án vay vốn với số tiền 20,148 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.852 lao động. Đến năm 2000, số hộ nghèo chỉ còn 4,51% số hộ, giảm 2,2 lần so với năm 1995, không còn hộ đói, vượt xa chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thị xã khóa VII đề ra là còn 9% số hộ nghèo (theo tiêu chí mức thu nhập dưới 90.000 đồng/người/tháng). Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo thực hiện giải quyết việc làm cho lao động và giảm hộ nghèo vẫn chưa gắn chặt với đào tạo nghề, không nắm chắc tình hình về số lao động thất nghiệp và trình độ của lao động, thiếu dự án cụ thể và khả thi nên kết quả thực hiện còn hạn chế.
Về công tác dân tộc - tôn giáo, công tác dân tộc - tôn giáo nhiệm kỳ 1996-2000 đã được Thị ủy quan tâm chỉ đạo. Trong nhiệm kỳ trước, công tác tôn giáo chưa thực sự được coi trọng, nên còn để xảy ra tình trạng một số người lợi dụng việc tự do tín ngưỡng để lôi kéo, mê hoặc quần chúng nhẹ dạ, gây mất đoàn kết trong tôn giáo. Thực hiện Hướng dẫn của Tỉnh ủy về thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Trung ương về công tác tôn giáo như Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16-10- 1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới và Nghị định số 69/NĐ-HĐBT ngày 21-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về các hoạt động tôn giáo, tháng 12-1996, Thị ủy đã tổ chức sơ kết, đánh giá những thành tựu, nêu rõ những khuyết điểm và chỉ ra nguyên nhân, đồng thời đề ra những phương hưóng, giải pháp cụ thể trong những giai đoạn tiếp theo. Sau khi Chỉ thị Số 37/CT-TW ngày 02-7-1998 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới được ban hành, Thị ủy đã tổ chức học tập quán triệt Chỉ thị tới tất cả các cấp ủy đảng, đảng viên, các ban ngành, đoàn thể và chỉ đạo triển khai thực hiện ở từng địa bàn.
Qua những kết quả sơ kết bước đầu, phần đông các tôn giáo và tín đồ phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Sự đoàn kết trong quần chúng có đạo ngày càng được củng cố và nâng cao, sự hòa nhập giữa người có đạo với cộng đồng xã hội cũng ngày càng gắn bó, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên, từng bước xóa dần mọi thành kiến với người có đạo, bình đẳng giữa nhiệm vụ và quyền lợi của mọi công dân. Các phong trào từ thiện, xóa đói giảm nghèo cũng được các tín đồ của các tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng như: vận động giúp đỡ nhân dân Cuba, giúp đồng bào bị lũ lụt, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội... Công tác tuyên truyền phổ biến về vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe ban đầu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đòi sống... cũng được tín đồ các tôn giáo tiếp nhận tốt.
Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 177
  • Trong tuần: 3 813
  • Tất cả: 8756412

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn