II. TĂNG CƯỜNG ĐOÀN KẾT, PHÁT HUY Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (1996-2000)
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI, 4 năm thực hiện xây dựng thị xã Trà Vinh xứng đáng trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Trà Vinh mới được tái lập, Đảng bộ thị xã đã tổ chức Đại hội Đảng bộ thị xã Trà Vinh lần thứ VII nhiệm kỳ 1996-2000: Đại hội diễn ra từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 3 năm 1996. Tham dự Đại hội có 180 đại biểu đại diện cho 35 chi, đảng bộ cơ sở và 879 đảng viên của toàn Đảng bộ. Đồng chí Trần Quang Thiện, ủy viên Thường vụ trực Tỉnh ủy Trà Vinh về dự và chỉ đạo Đại hội.
Sau khi đánh giá những thuận lợi và khó khăn, Đại hội Đảng bộ thị xã Trà Vinh lần thú VII đã đề ra phương hướng chủ yếu trong 5 năm 1996-2000 là quán triệt và vận dụng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ VII. Dựa vào điều kiện thực tế, thị xã Trà Vinh phải tập trung đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, thương mại gắn với phát triển nông - ngư nghiệp; Cải tạo - nâng cấp và xây dựng mới có trọng điểm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa theo hướng quy hoạch tiến lên sạch đẹp, văn minh. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự kỷ cương, tạo lòng tin từ nội bộ đến quần chúng nhân dân. Tiếp tục củng cố xây dựng an ninh - quốc phòng, bảo vệ vững chắc địa bàn. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế đúng với vai trò vị trí của thị xã tỉnh lỵ. Nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo và quản lý địa bàn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chú ý củng cố xây dựng và hoàn thành chức năng quản lý điều hành của bộ máy Ủy ban nhân dân từ thị xã đến phường, xã, gắn với công tác xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở vững mạnh, trong sạch.
Đại hội cũng đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Trà Vinh khóa VII gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí.
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành, đồng chí Nguyễn Thái Bình được bầu làm Bí thư Thị ủy, các đồng chí Nguyễn Văn Phong làm Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Nguyễn Văn Phong làm Phó Bí thư Thị ủy - Chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã (Từ tháng 11-1994, đồng chí Nguyễn Thái Bình được điều sang làm Giám đốc Công ty Xuất khẩu, đồng chí Nguyễn Văn Phong (Tư Phong) đảm nhiệm chức vụ quyền Bí thư Thị ủy, đồng chí Nguyễn Văn Nhanh là ủy viên Thường vụ trực. Tháng 3 năm 1996, đồng chí Nguyễn Thái Bình lại được điều về làm Bí thư Thị ủy, đồng chí Nguyễn Văn Nhanh chuyển công tác về ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong giữ chức vụ Phó Bí thư Thị ủy. Đến tháng 12 năm 1997, đồng chí Nguyễn Thái Bình đảm nhiệm chức vụ ủy viên Thưòng vụ trực Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong làm Bí thư Thị ủy, đồng chí Nguyễn Thành Tẩm làm Phó Bí thư Thường trực Thị ủy).
Đại hội cũng bầu 18 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 1996-2000.
Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã khóa VII tiếp tục phát huy thành quả của công cuộc đổi mới, lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân thị xã thực hiện Nghị quyết Đại hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ 1996-2000.
1. Phát triển các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng tâm, cùng toàn tỉnh tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Bước vào giai đoạn 1996-2000, thị xã cũng có nhiều thuận lợi: đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể thị xã đến năm 2010 và hoàn thành quy hoạch chi tiết một phần phường 6 và phường 7, đang tiến hành quy hoạch đối với các phường còn lại, đồng thời đã được Trung ương đầu tư nâng cấp một số tỉnh lộ thành quốc lộ. Do đó, thị xã có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút phần lớn lực lượng lao động có tay nghề kỹ thuật và nguồn vốn trong tỉnh, đẩy mạnh sản xuất và dịch vụ. Thị xã có nhiều doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn của tỉnh nên cũng góp phần giải quyết được nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, thị xã cũng gặp khó khăn rất lớn đó là đô thị tỉnh lỵ nên chịu nhiều áp lực gia tăng dân số do dòng người dịch cư từ nông thôn đến trong khi kinh tế thị xã chưa phát triển cao, mức sống của nhân dân vẫn còn thấp so với khu vực, đời sống của một bộ phận nhân dân còn rất khó khăn.
Đảng bộ thị xã luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, là thước đo vai trò hạt nhân của Đảng, do đó đã có chủ trương, chính sách động viên và phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế, tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thiết thực phục vụ cho quá trình phát triển thị xã cũng như góp phần tích cực cho phát triển nông nghiệp toàn diện của tỉnh.
Trong 5 năm 1996-2000, GDP bình quân hằng năm tăng 13,15%, tuy chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VII đề ra là 14,75%/năm, nhưng đã đạt cao hơn mức tăng 13,05%/năm của nhiệm kỳ 1991-1995. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của thị xã đã có sự chuyển biến tích cực, đến năm 2000 tỷ trọng của các ngành: công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 27,24%; dịch vụ - thương mại đạt 59,26%; nông nghiệp - thủy sản đạt 13,5%, tuy nhiên vẫn còn rất thấp so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm 1996- 2000 mà Đại hội VII Đảng bộ thị xã đề ra. Các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng yếu của thị xã đều có bước phát triển tích cực, cụ thể là:
Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Đảng bộ thị xã xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công  nghiệp tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế của thị xã.
Trên địa bàn thị xã, Thị ủy chỉ đạo chủ yếu là phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản gắn với nguồn nguyên liệu có sẵn trên địa bàn thị xã và của tỉnh. Các năm 1996-1997, Thị ủy đã chỉ đạo tập trung khuyến khích phát triển các ngành nghề bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng có khả năng xuất khẩu. Thị ủy cũng chỉ đạo chú trọng đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ của các cơ sở hiện có để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, Ủy ban nhân dân thị xã đã có biện pháp nhằm phát huy tốt năng lực của các cơ sở xay xát gạo hiện có theo xu hướng cải tiến và trang bị lại thiết bị hiện đại phục vụ cho việc chế biến gạo xuất khẩu. Đồng thời, Ủy ban đã có chính sách, kế hoạch khuyến khích đầu tư các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thức ăn nuôi tôm theo quy trình công nghệ mới để phục vụ cho yêu cầu chăn nuôi theo hướng công nghiệp nhằm thúc đẩy phong trào chăn nuôi của thị xã và của tỉnh trong điều kiện hiện có. Thị ủy cũng tập trung chỉ đạo ngành nghề chế biến mía đường và các sản phẩm từ cây dừa trên địa bàn thị xã để tạo khả năng thu hút phần lớn nguyên liệu từ các nơi nhằm giải quyết nhu cầu về các loại sản phẩm này trên thị trường và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn thị xã.
Thị ủy đã tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp cơ khí sửa chữa máy móc nông - ngư nghiệp và phương tiện vận tải, phát huy thế mạnh của nghề đóng thùng xe, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Phát triển cơ khí sản xuất công cụ phục vụ cho nông nghiệp.
Thị ủy đã đề ra chủ trương đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp với những ngành nghề truyền thống, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư. Cơ giới hóa, hiện đại hóa từng bước các cơ sở xay xát lương thực, chế biến đường, trà, hột vịt muối xuất khẩu, nấm rơm, nấm mèo, chế biến tôm, cá khô, mắm, sản xuất tơ xơ dừa, các loại thực phẩm như lạp xưởng,... Phát triển các cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng, đóng ghe xuồng, dệt chiếu, bao bì và hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm tạo nhiều việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân thị xã, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu.
Ủy ban nhân dân thị xã phối hợp cùng các ngành chức năng vừa tiến hành chỉ đạo phát triển sản xuất vừa tổ chức các loại hình kinh tế hợp tác. Tổ chức điều tra theo chiều sâu, nắm chắc số lượng ngành nghề, quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, tay nghề kỹ thuật, chất lượng và giá thành sản phẩm trên địa bàn thị xã, nhu cầu thị trường và khả năng tiêu thụ. Trên cơ sở đó xây dựng nhiều dự án cụ thể, tranh thủ các nguồn đầu tư, kết hợp huy động các nguồn lực tự có của các thành phần kinh tế tại địa phương. Đồng thời cũng kiến nghị với tỉnh và Trung ương áp dụng các chính sách đòn bẩy nhằm tạo ra thế và lực mới, đầu tư chiều sâu, mở rộng quy mô và đẩy nhanh tốc độ phát triển đối với các ngành, nghề mà thị xã có ưu thế. Thị ủy cũng yêu cầu các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất trên địa bàn thị xã chú ý coi trọng chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Thị ủy cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng của thị xã phối hợp với tỉnh quản lý tốt chất lượng hàng hóa, làm tốt công tác quản lý thị trường. Bên cạnh đó, bước đầu Thị ủy cũng chỉ đạo tổ chức được những dịch vụ thông tin để ra sức tìm kiếm, mở rộng thị trường, trước tiên là hướng về thị trường nông thôn, đồng thời phải hướng ra thị trường khu vực và thị trường nước ngoài.
Nhờ có các chủ trương, biện pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thị xã đã đạt mức tăng giá trị tổng sản lượng bình quân 16,15%/năm, riêng xây dựng tăng 16,20%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đặi hội Đảng bộ thị xã khóa VII đề ra (14,35%/năm). Các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp của thị xã phát triển nhanh là: patê, chả lụa, trà, cà phê, cơ khí sửa chữa, cơ khí phục vụ xây dựng..., nhưng có thể thấy sản xuất công nghiệp giai đoạn này của thị xã chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp. Số cơ sở mới tăng ít, nhưng lại có nhiều cơ sở ngừng hoạt động hoặc phá sản (lò đường, xay xát lúa gạo, trà, nước mắm, nước tương), số cơ sở đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị công nghệ, hoặc mở rộng quy mô sản xuất rất ít. Từ đó, sản phẩm làm ra chất lượng kém, giá thành cao, sức cạnh tranh yếu, thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh còn hạn chế. Đến năm 2000 chưa quy hoạch được các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung. Việc chỉ đạo xây dựng và triển khai dự án đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp còn nhiều vướng mắc.
Về thương mại - dịch vụ: Ngay từ năm 1996, Thị ủy đã xác định rõ cần mở rộng hoạt động dịch vụ - thương mại để vừa phát huy thế mạnh vốn có của thị xã tỉnh lỵ, vừa phục vụ nhu cầu của thị xã, toàn tỉnh và khu vực, vừa giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương. Do nhu cầu phát triển quy hoạch của tỉnh trên địa bàn thị xã nên dân số tăng cơ học rất nhanh, từ đó nhu cầu thương mại - dịch vụ cũng sẽ tăng nhanh, Thị ủy cũng chỉ rõ, đây vừa là điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành thương mại - dịch vụ của thị xã, vừa dễ nảy sinh những vấn đề xã hội.
Bên cạnh việc duy trì và phát triển các ngành mũi nhọn như sửa chữa điện tử, sửa chữa gia công cơ khí, dịch vụ vận tải, dịch vụ xây dựng…, trong 5 năm 1996- 2000, Thị ủy cũng chỉ đạo khai thác và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ lao động, dịch vụ tin học, kỹ thuật, công nghệ, pháp lý và các loại hình dịch vụ khác. Đồng thời có biện pháp khuyến khích các dịch vụ phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống, hạn chế những dịch vụ thiếu văn hóa. Thị ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh từng bước hình thành ngành du lịch phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, khai thác khả năng của các thành phần kinh tế tham gia xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, khu giải trí… đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ngày càng tăng về số lượng và chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời Thị ủy cũng đề ra chủ trương từng bước xây dựng hệ thống “du lịch nhân dân” gắn với hệ thống sinh thái vườn cây, sông nước, khu di tích để thu hút khách du lịch.
Thị xã đã hoàn thành phương án cải tạo nâng cấp xây dựng chợ Trà Vinh, bố trí sắp xếp 1.200 hộ kinh doanh ổn định. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thị xã và Ủy ban nhân dân các phường, xã đã kết hợp với ngành chức năng sắp xếp lại các chợ vệ tinh và cửa hàng, cửa hiệu... bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị, chống việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi mua bán.
Đến năm 2000, thị xã có 11l doanh nghiệp thương- mại - dịch vụ (tăng 62 doanh nghiệp so với năm 1995); 3.421 hộ kinh doanh, 6.791 lao động (trong đó có tính cả số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp chuyển sang thương mại - dịch vụ), so với năm 1995 tăng 732 hộ, 2.196 lao động. Tốc độ phát triển tăng bình quân 12,8%/ năm. Lĩnh vực phát triển khá là dịch vụ vận tải, thông tin, sửa chữa điện, điện tử, may mặc và buôn bán.
Dịch vụ - thương mại là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế thị xã, mặc dù phát triển năng động hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác nhưng nhìn chung vẫn còn tự phát và nhỏ lẻ, trong cùng một nhóm ngành hàng lại có nhiều đối tượng tham gia đầu tư, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, số cơ sở mua bán các loại và dịch vụ ăn uống phát triển vượt quá mức cần thiết, trong khi những ngành dịch vụ phục vụ sản xuất phát triển chậm, dịch vụ du lịch chưa có chuyển biến đáng kể.
Về nông nghiệp: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện mà Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VII đã đề ra, Thị ủy đã phân tích những thuận lợi, khó khăn, nhất là thiệt hại do cơn bão số 5 (cơn bão Linda) gây ra năm 1997, đồng thời cũng đề ra những biện pháp chỉ đạo cụ thể đối với lĩnh vực này.
Đất nông nghiệp của thị xã Trà Vinh ít và có chiều hướng giảm dần do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá. Tiến trình ấy đã diễn ra khá nhanh ở một số khu vực. Do đó, Thị ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân cần tập trung khai thác đúng mức tiềm năng hiện có, phát triển nông nghiệp toàn diện kết hợp xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, thị xã đã tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất theo bản đồ thổ nhưỡng và cơ cấu cây trồng được thiết lập. Đồng thời, thị xã tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng kết hợp mở rộng mạng lưới giao thông nông thôn, hình thành khu dân cư mới. Hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích tăng lên nhờ thực hiện đa dạng hóa cây trồng và tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân thông qua các “câu lạc bộ khuyến nông”, Chương trình IPM... Nông nghiệp thị xã cũng đã thực hiện chuyên canh gắn với thâm canh, gắn với kỹ thuật tổng hợp để tăng hiệu quả sử dụng đất và năng suất lao động. Nhờ đó, mà số vòng quay của đất đã tăng lên.
Ủy ban nhân dân thị xã đã có chương trình, kế hoạch cụ thể để vận động và giúp đỡ nông dân cải tạo vườn tạp thành vườn đặc sản có giá trị kinh tế cao, mở rộng vành đai rau xanh ở vùng triền ven thị xã. Đồng thời khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp ở gia đình, nhất là ở nội ô, để tăng nguồn thực phẩm nhưng không gây ô nhiễm môi trường... Tăng cường hệ thống dịch vụ phục vụ chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.
Trong lĩnh vực thủy sản, thị xã đã tiếp tục đầu tư nguồn vốn bằng nhiều cách để khai thác năng lực của đội tàu đánh bắt xa bờ, kết hợp lợi ích kinh tế với bảo vệ quốc phòng một cách có hiệu quả. Đến năm 2000, thị xã có 150 phương tiện đánh bắt, trong đó có 79 tàu công suất từ 30CV đến 90CV. Thị ủy cũng chỉ đạo khuyến khích việc tận dụng mặt nước, ao hồ để phát triển nuôi cá, nghiên cứu hỗ trợ việc nhân giống ở địa phương, hình thành các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm tăng 15,40%. Riêng năm 2000 đạt 5.371 tấn, giá trị khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng 2,08 lần so với năm 1995.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Thị ủy đã quan tâm chỉ đạo tổ chức các tập đoàn sản xuất nông nghiệp ở một số khâu và đi đến thành lập hợp tác xã, nhằm góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện.
Trong 5 năm 1996-2000, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 3,75%/năm, trong đó trồng trọt tăng 2%/năm, chăn nuôi tăng 8%/năm; sản lượng lương thực quy thóc đến năm 2000 đạt 13.361 tấn, tăng khá nhiều so với năm 1995. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu theo hình thức cá thể nông hộ với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ sản xuất thấp, thực hiện hệ thống canh tác đa canh - luân canh - xen canh để phát triển đa dạng hóa sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản còn ở diện hẹp, cho nên hiệu quả sử dụng đất đai và lao động tăng lên chưa nhiều, diện tích vườn cây ăn trái được cải tạo thâm canh còn ít, ngành nghề ở nông thôn chưa phát triển.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng: Sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thực trạng kết cấu hạ tầng của thị xã Trà Vinh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù đã được tỉnh và thị xã tập trung đầu tư, nhiều công trình xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, ngoài việc tranh thủ các nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới theo quy hoạch, Thị ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt việc vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn thị xã. Mặt khác, Thị ủy cũng chỉ đạo các ngành chức năng hoàn tất các thủ tục hành chính, quản lý kinh phí và tổ chức thi công nhanh gọn, tiết kiệm. Trong 5 năm 1996-2000, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn là 293 tỷ đồng (từ nguồn vốn Trung ương và tỉnh là 278,16 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thị xã là 4,693 tỷ đồng, và nguồn vốn huy động từ nhân dân là 10,147 tỷ đồng), tăng 3,66 lần so với nhiệm kỳ 1991-1995. Tuy nhiên, nhìn tổng thê cả giai đoạn, đầu tư của Trung ương và của tỉnh cho xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn thị xã tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn trước, nhưng kết quả phát huy nguồn nội lực trong nhân dân thị xã và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh và từ nước ngoài cho phát triển sản xuất, kinh doanh còn rất hạn chế; mặt khác, một số nguồn vốn tín dụng ưu đãi không được giải ngân hết do xây dựng dự án không đạt yêu cầu và vướng mắc các thủ tục đầu tư. Đây là một nguyên nhân quan trọng làm cho tăng trưởng kinh tế của thị xã trong 5 năm qua không đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ thị xã đã đề ra.
Ở nội thị, Thị ủy chỉ đạo tranh thủ vốn ngân sách và vốn sự nghiệp của các sở chủ quản để sửa chữa, dặm vá và nâng cấp các cầu, đường ở nội thị theo quy hoạch. Tiếp tục vận động nhân dân “xi măng hóa” các con hẻm và vỉa hè đối với những nơi mà nhân dân có khả năng thực hiện được. Đối với vùng ven, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để tu sửa, nâng cấp đường bảo đảm giao thông thông suốt “ấp liên ấp”, tạo điều kiện cho việc đi lại và sản xuất, nhằm từng bước thực hiện quá trình đô thị hóa nông thôn. Thị xã đã từng bước sắp xếp lại hệ thống giao thông công cộng phù hợp với xu thế phát triển của một đô thị tỉnh lỵ.
Trong giai đoạn 1996-2000, tiếp tục đưa điện về các khóm ấp phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân theo phương châm “Nhà nước lo kinh phí kéo trung thế, nhân dân lo phần hạ thế’ (trừ một số địa bàn dân cư hiện còn quá khó khăn), điều phối và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về phát triển lưới điện nông thôn, gồm cả vốn và hình thức đầu tư. Đồng thời, phủ sáng tất cả các đường nội ô thị xã và các đường trục của vùng ngoại ô nơi có điện, thống nhất việc đặt bảng hiệu và đèn bảng hiệu ở đường nội thị, vừa tạo mỹ quan đô thị, vừa bảo đảm phục vụ ánh sáng cho giao thông đi lại buổi tối.
Thị xã cũng phối hợp với tỉnh phát triển tuyến nước máy để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân cư, quản lý tốt hệ thống nước hiện có, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước sạch. Đồng thời, mở rộng cuộc vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị số 200/TTg ngày 29-04- 1994 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để bảo vệ tốt nguồn nước sạch của thị xã.
Vấn đề thoát nước trên địa bàn thị xã cũng đang là một yêu cầu bức xúc cần giải quyết. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ vấn đề này đã được Thị ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo quy hoạch hệ thống thoát nước của tỉnh trên địa bàn thị xã thì đến năm 2000 cũng chưa thể giải quyết hoàn toàn vấn đề thoát nước, nên việc tận dụng hệ thống thoát nước hiện có vẫn là cần thiết. Ủy ban nhân dân thị xã và cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với Công ty cấp thoát nước để giải quyết vấn đề thoát nước ở thị xã, tổ chức khai thông cống rãnh hiện có để giảm bớt tình trạng ngập nước ở đường phố. Riêng đối với đường cống thoát nước trong hẻm khu dân cư, Ủy ban nhân dân phường cũng có kế hoạch chỉ đạo nhân dân tự khai thông và tu sửa để tránh ô nhiễm môi trường. Thị xã cũng có chế tài xử lý nghiêm tình trạng vứt rác xuống đường cống. Nhờ các biện pháp chỉ đạo kịp thời, kiên quyết nêu trên nên tình trạng úng ngập khi mưa xuống ở một số tuyến phố, khu dân cư đã được giải quyết tốt hơn.
Ngoài việc tích cực xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, vấn đề quản lý nhà nước về mặt đô thị cũng được Thị ủy coi là một yêu cầu cấp bách cần được Đảng bộ và Ủy ban nhân dân thị xã, cùng các ngành thực hiện một cách tập trung nhất quán. Trước hết, việc quản lý nhà nước về xây dựng đã được chỉ đạo nhất thiết phải theo dự án thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời tăng cường quản lý xây dựng nhà ở đô thị theo đúng quy hoạch và các văn bản của Nhà nước ban hành. Bên cạnh đó, Thị ủy cũng chỉ đạo thực hiện tốt an toàn giao thông đô thị theo Nghị định số 36/CP và Chỉ thị số 317 của Thủ tướng Chính phủ. Thị ủy cũng phối hợp với tỉnh và các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, giáo dục và tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành luật lệ giao thông, có chế tài xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong công tác vệ sinh đô thị, đã bước đầu thực hiện quy trình thu gom rác và xử lý có khoa học để bảo đảm sạch, đẹp theo hướng “lấy vệ sinh phục vụ công tác vệ sinh”, tăng cưòng trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thị xã và Ủy ban nhân dân các phường, xã cùng các ngành chức năng trong quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã. Thị xã cũng đề ra kế hoạch bảo vệ các cây xanh hiện có và trồng mới cây xanh trên đường phố trong nội thị và vùng ngoại ô theo quy hoạch thống nhất, có tranh thủ sự đồng ý của ngành chủ quản và Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời cũng có kế hoạch bảo vệ cây mới trồng theo phương châm “Nhà nhà, người người bảo vệ cây”, tuyên truyền làm rõ đó chính là điều kiện bảo vệ sức khỏe, môi trường của toàn thị xã.
Những kết quả tích cực như trên đã có những cải thiện rõ nét, làm cho bộ mặt thị xã khang trang hơn, đồng thời nâng mức hưởng thụ của nhân dân cao hơn hẳn so với giai đoạn trước. Đến năm 2000, toàn thị xã có 95% hộ sử dụng điện, tăng 28% so với năm 1995; có 85%  hộ sử dụng nước sạch (70,44% hộ sử dụng nước máy), tăng 34% so với năm 1995, nhiều hộ dân tự đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới nhà ở kiên cố, đã góp phần cải thiện cảnh quan của thị xã.
Về tài chính, ngân sách: Thị ủy chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng nguồn thu cho ngân sách. Trên thực tế việc thực hiện cũng cố gắng bảo đảm thu đúng thu đủ các nguồn thu theo quy định của pháp luật, kiên quyết chống thất thu nhưng cũng chống lạm thu làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Tình trạng xảy ra trong nhiệm kỳ 1996-2000 là phần lớn là tài định trong công tác thu, do đó khó tránh khỏi hiện tượng lạm thu và thất thu trong một số đối tượng cụ thể, làm nảy sinh vấn đề mất công bằng và phát sinh hiện tượng tiêu cực. Ủy ban nhân dân thị xã đã chỉ đạo cho các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Chi cục thuế và các đơn vị sự nghiệp có thu từng bước thực hiện chế độ Pháp lệnh kế toán, thống kê và chế độ biểu mẫu hạch toán sổ sách theo quy định của pháp luật. Tất cả mọi nguồn thu đều tập trung vào ngân sách, kể cả thị xã và các phưòng, xã. Kết quả là, tổng thu ngân sách 5 năm 1996-2000 là 108,2 tỷ đồng, bình quân tăng 10,35%/năm, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách hằng năm mà tỉnh giao cho thị xã. Các cơ sở phường, xã cơ bản cân đối được thu chi ngân sách hằng năm.
Chi ngân sách được quản lý tốt, đúng yêu cầu, mục đích, nội dung và tiết kiệm. Phòng Tài chính đã thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp cho Ủy ban nhân dân thị xã điều hành ngân sách, vừa chủ động đề xuất các khoản chi hợp lý, vừa tránh được tình trạng vì thủ tục mà làm ảnh hưởng tới việc điều hành ngân sách, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ địa phương. Trong năm 1996-2000, chi ngân sách được thực hiện đúng luật định, bình quân tăng 7%/năm. Ủy ban nhân dân thị xã cũng tích cực chỉ đạo thanh toán công nợ và khắc phục hậu quả để bảo đảm ổn định tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ngoài việc bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu ngân sách mà tỉnh giao, Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã đã tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã từng bước thực hiện được việc cân đối thu chi ngân sách phường, xã, bảo đảm có tích lũy. Đồng thời tích cực chỉ đạo các phường, xã xây dựng “Quỹ tín dụng nhân dân” để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định đời sống nhân dân.
Năm 1999, hưởng ứng cuộc vận động mua công trái xây dựng Tổ quốc, Đảng bộ đã chỉ đạo vận động mua được 1,518 tỷ đồng, đạt 55,07% chỉ tiêu.
Về củng cố và phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa: Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác là một yêu cầu bức xúc trong sản xuất, kinh doanh thời kỳ này, điều kiện cần thiết để đưa nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng là  điều kiện để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đảng đã đề ra. Do đó việc tổ chức các loại hình hợp tác đã được đặt thành quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thị xã và tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân thị xã. Trước mắt, Thị ủy và Ủy ban nhân dân thị xã đã tập trung chỉ đạo giữ vững những hợp tác xã vừa được tổ chức và tiếp tục nhân rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế ở địa bàn thị xã. Ủy ban nhân dân thị xã và các ngành chức năng đã có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các loại hình hợp tác. Trong 5 năm 1996-2000 đã thành lập được 16 hợp tác xã, 04 quỹ tín dụng nhân dân, 17 hộ nghề, 21 tập đoàn sản xuất, 2 câu lạc bộ khuyến nông, khuyến ngư với 3.814 xã viên và 2.284 thành viên, bước đầu có một số đơn vị hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo, xây dựng tình làng nghĩa xóm. So với chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VII đề ra là tăng tỷ lệ tham gia các loại hình kinh tế hợp tác đạt 80% số hộ, thì kết quả thực hiện được trong giai đoạn 1996-2000 vẫn chưa đạt yêu cầu. Số hợp tác xã được phát triển khá về số lượng, nhưng phát huy tác dụng còn rất hạn chế. Đặc biệt là trình độ quản lý điều hành của cán bộ còn yếu kém, vốn cổ phần từ xã viên đóng góp thấp và chưa được Nhà nước hỗ trợ tín dụng, nên rất khó tổ chức kinh doanh dịch vụ phục vụ cho hộ xã viên, có tới 3/4 quỹ tín dụng nhân dân nợ quá hạn cao do cho vay vốn không đúng đối tượng quy định của điều lệ.
Cùng với phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh, quan hệ sản xuất mới cũng được quan tâm củng cố; các đơn vị kinh tế nhà nước của Trung ương và tỉnh đóng trên địa bàn như: ngân hàng, bưu điện, điện lực, chế biến thủy sản, cấp nước, sản xuất thuốc, du lịch... tiếp tục đầu tư năng lực hoạt động, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tin khác
1 2 3 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 164
  • Trong tuần: 3 851
  • Tất cả: 8756917

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn