Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII chủ trương đưa sản xuất nông - ngư - công nghiệp, dịch vụ phát triển ổn định và vững chắc (1996-2000)
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, Đại hội Đảng bộ huyện Trà Cú lần thứ VII (nhiệm kỳ 1996-2000) diễn ra trong 3 ngày (27, 28, 29-3-1996) với 196 đại biểu tham dự. Đại hội được vinh dự đón tiếp đồng chí Nguyễn Minh Biện - ủy viên Thường vụ tỉnh Trà Vinh về dự và chỉ đạo Đại hội.   

Sau phần đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng bộ trong 5 năm (1996- 2000) là: Phấn đấu tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong huyện; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa sản xuất nông - ngư - công nghiệp và dịch vụ phát triển ổn định và vững chắc. Quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của vùng ruột, vùng láng, vùng đồng bào dân tộc có nhiều khó khăn, nhằm khắc phục và nâng dần trình độ phát triển đồng đều giữa các vùng và các tầng lớp dân cư trong huyện, cải thiện một bước quan trọng đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”(1)1.
Để thực hiện thắng lợi những phương hướng quan trọng trong 5 năm, Đại hội xác định 4 nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Ra sức phát triển kinh tế, sắp xếp và tạo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - ngư - công nghiệp hợp lý, hiệu quả. Khai thác tốt hơn tiềm năng nông - ngư - công nghiệp của huyện. Tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ; phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới cao hơn giai đoạn 1991-1995, đến năm 2000 đạt mức thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân của tỉnh và tăng gần 2,5 lần so với thu nhập đầu nhiệm kỳ.
2. Cải thiện một bước quan trọng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo điều kiện để nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, để ngày càng có nhiều hộ giàu, tăng hộ khá, giảm hộ nghèo và xóa hộ đói. Kéo giảm tỷ lệ tăng dân số đi đôi với chăm lo phát triển y tế, giáo dục, văn hóa và các vấn đề xã hội khác tương ứng với tăng trưởng kinh tế.
3. Bảo đảm ổn định về chính trị, ổn định tình hình an ninh trật tự - xã hội, tập trung phát triển kinh tế. Nâng cao tiềm lực quốc phòng - an ninh địa phương. Tăng cường pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa; đấu tranh có hiệu quả về phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác.
4. Tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn hệ thống chính trị trong huyện; bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 1996-2000. Đồng chí Huỳnh Minh Trạng được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy, đồng chí Thạch Sel giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Huỳnh Văn Tảo giữ chức vụ Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện(2) 1.
Đảng bộ và nhân dân Trà Cú bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII trong bối cảnh cùng với nhân dân tỉnh Trà Vinh và nhân dân cả nước tiếp tục phát huy những thắng lợi đạt được sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ra sức khắc phục khó khăn, khai thác các tiềm năng thế mạnh để đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ VII (nhiệm kỳ 1996-2000), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, sau 5 năm (1996-2000) nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII, Đảng bộ và nhân dân huyện Trà Cú đã giành được những thành tựu hết sức cơ bản trên các lĩnh vực sau:
- Trên lĩnh vực kinh tế: Tiếp tục phát triển với giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hằng năm tăng 11,52%. Đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm tăng 2,5 lần, trong đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng 4,36 lần so nhiệm kỳ VI, tăng thêm năng lực sản xuất đáng kể của huyện. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đạt được kết quả bước đầu.
Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân 8,69% nhờ chú trọng đầu tư phát triển thủy lợi, cơ giới hóa phương tiện sản xuất, sử dụng giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác trên diện tích gieo trồng, hằng năm tăng 22.773ha, vòng quay đất từ 1,19 lần năm 1995 tăng lên 1,75 lần năm 2000, trong đó diện tích lúa hè thu tăng 7.200ha năm 1995 lên 16.000ha năm 2000. Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện tập trung chỉ đạo đưa sản xuất vụ thu đông trở thành phổ biến từ năm 1997 đến năm 2000, đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể; đưa cây màu xuống chân ruộng lúa đạt 4.300ha. Sản lượng lương thực năm 2000 đạt 154.519 tấn, trong đó có 146.600 tấn lúa, tăng hơn 67.000 tấn so với năm 1995, năng suất tăng hơn 600kg/ ha. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng bình quân 7,77%, có chú trọng thực hiện cải tạo giống. Đến cuối năm 2000, đàn heo đã lai tạo được 80% và đàn bò lai có 2.695 con, chiếm 24,36%.
Thủy hải sản đạt giá trị tăng trưởng bình quân hằng năm 27,87% năm, sản lượng năm 2000 đạt 7.834 tấn tôm, cá, tăng gấp 3 lần so với năm 1995. Trong đó khai thác hải sản tăng, nhất là chương trình phát triển đánh bắt xa bờ, đã đầu tư sắm mới 46 ghe tàu bằng nguồn vốn ưu đãi quốc gia. Đến năm 2000, toàn huyện có 181 ghe tàu, trong đó có 75 phương tiện đạt công suất 90CV trở lên, sản lượng đánh bắt năm 2000 là 6.744 tấn tăng 2,99 lần so với năm 1995. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn phát triển khá, sản lượng tăng bình quân 25,57%/năm. Đặc biệt, phong trào nuôi tôm sú được khôi phục và phát triển mạnh ở tuyến sông Hậu, năm 2000 có 697 hộ thả nuôi 17,5 triệu con giống, tăng 6,1 lần so với năm 1995.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng bình quân 2,35% năm. Riêng ngành chế biến mía đường nhiều năm liền gặp khó khăn gay gắt. Đảng bộ đã quan tâm kịp thời hỗ trợ bằng nguồn vốn ưu đãi cho 60 cơ sở cải tiến thiết bị, máy móc và công nghệ, tăng cường vốn lưu động để hoạt động. Trong lĩnh vực ép dầu dừa và xay xát gạo, huyện đã cấp 30 trạm biến thế cho doanh nghiệp để tăng năng lực sản xuất. Ngành thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ, nhất là làng nghề dệt chiếu ở ấp Cà Hom, Bến Bạ xã Hàm Giang (nay là xã Hàm Tân).
Xây dựng cơ bản đạt tốc độ khá nhanh, bình quân 19,79% năm, nhiều công trình được nâng cấp và xây mới.
Thương mại - dịch vụ phát triển, tốc độ tăng bình quân 19,14% năm, khối lượng, giá trị giao lưu hàng hóa ngày càng tăng; bộ mặt chợ trung tâm huyện và một số xã được xây dựng lại, mở rộng khang trang. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đạt nhiều tiến bộ quan trọng. Dự án Nam Măng Thít được triển khai, một số công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả cao, mở rộng được diện tích sản xuất, năng suất tăng lên, đời sống nhân dân ngày càng được ổn định; cơ bản đã ngọt hóa, chủ động tưới tiêu trên 15.000ha. Các tuyến giao thông trong huyện tiếp tục được nâng cấp và phát triển, các hương lộ, tỉnh lộ được xây dựng mới trên 32km, làm mới 41 cầu với 975 mét dài. Giao thông nông thôn được mở rộng, trong đó có 20km đường làm mới bằng bê tông cốt thép, bảo đảm đi lại thông suốt. Gần 35% hộ sử dụng điện; hơn 60% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Thông tin liên lạc đạt 1,3 máy điện thoại/100 dân.
Thu ngân sách liên tiếp trong 5 năm đạt và vượt kế hoạch, riêng năm 2000 đạt 12,908 tỷ đồng, tăng 2,21 lần so với năm 1995. Ngoài việc thu tốt các loại thuế, Huyện ủy chỉ đạo rà soát kỹ để miễn giảm kịp thời cho hộ sản xuất bị thiên tai, dịch bệnh và thua lỗ do giá cả giảm sút. Chi ngân sách nhà nước tăng bình quân 23%, riêng năm 2000 ước chi đạt 13,319 tỷ đồng, tăng 2,81 lần so với năm 1995.
Hoạt đồng tín dụng ngân hàng, tập trung tăng lượng vốn đầu tư phục vụ sản xuất, đến năm 2000 tổng dư nợ 100 tỷ đồng.
Kinh tế hợp tác: Đến cuối năm 2000, huyện xây dựng được 9 hợp tác xã (2 hợp tác xã nông nghiệp), 386 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp với 10.265 thành viên, huy động trên 10.000ha đất vào canh tác. Nhìn chung chất lượng hoạt động kinh tế hợp tác tuy còn nhiều hạn chế, song cũng tạo được phong trào bước đầu làm tiền đề để củng cố và phát triển cho những năm tiếp theo.
- Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến, cơ sở vật chất được đầu tư khá hoàn chỉnh, xóa hẳn tình trạng học 3 ca, tăng thêm 3 trường phổ thông trung học (Tập Sơn, Hàm Giang, Long Hiệp), 14/15 xã - thị trấn có trường trung học cơ sở. Huy động trẻ em trong độ tuổi tới trường hằng năm tăng. Số lượng học sinh 5 năm tăng bình quân 3,6%, năm học 2000-2001 có 37.916 học sinh các cấp, tăng 6.148 học sinh so với năm học 1995-1996. Đặc biệt, huyện đã khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng dạy và học được nâng lên; học sinh thi đậu đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Tổ chức tốt việc dạy và học chữ Khmer trong các trường tiểu học. Đưa trường phổ thông dân tộc nội trú vào hoạt động, góp phần tạo nguồn cán bộ và nhân lực người dân tộc cho địa phương. 100% xã - thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Xây dựng Đảng, đoàn thể trong ngành giáo dục có nhiều tiến bộ, toàn ngành có 306 đảng viên, chiếm 25,1% lực lượng giáo viên toàn huyện, so năm 1995 tăng 8 lần.
Thực hiện quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - thông tin chặt chẽ, phong trào văn nghệ quần chúng được mở rộng, huyện có trên 76 đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng. Nhiều năm liền Đội Thông tin lưu động huyện tham dự Liên hoan Thông tin lưu động tỉnh đạt giải cao. Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện sâu sát trong chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Đến cuối năm 2000 có trên 21.600 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đã xét và công nhận được 14.500 hộ; xây dựng được 50 ấp đạt chuẩn ấp - khóm văn hóa, 90% cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. Song song đó, huyện còn cấp 62 tivi màu phục vụ công cộng ở điểm chùa, khu đông dân cư vùng sâu, vùng xa, cấp 2.429 radio cho đồng bào nghèo, đưa vào hoạt động Đài phát sóng FM đã phủ sóng đến 100% xã.
Phong trào thể dục - thể thao, rèn luyện thân thể theo tấm gương Bác Hồ được phát động rộng khắp trong huyện, hằng năm có trên 10.000 lượt người tham gia luyện tập sức khỏe, thể dục - thể thao đã đưa vào trường hoạt động tốt. Hai đội tuyển bóng đá, bóng chuyền của huyện tham dự đầy đủ các giải truyền thống của tỉnh và nhiều năm đạt thứ hạng cao.
Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên, nâng cao y đức; cơ sở vật chất được nâng cấp, tăng thêm trang thiết bị y cụ hiện đại. Mạng lưới y tế cộng đồng được tổ chức đến tận ấp - khóm. Đã có 9/14 xã - thị trấn có bác sĩ. Các chương trình y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, các mục tiêu hành động vì trẻ em đều thực hiện đạt yêu cầu.
Cơ sở chăm sóc sức khỏe trên địa bàn huyện ngày càng được phát triển, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân. Đến năm 1999, toàn huyện có 14 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 1 bệnh viện, 11 trạm y tế, 2 phòng khám khu vực. Nhiều năm liên tục huyện đã hoàn thành công tác kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ tăng dân số còn 1,64%, vượt chỉ tiêu nghị quyết. Huyện và xã Tập Sơn được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách người có công với cách mạng. Đã vận động các nguồn vốn xây dựng được 99 căn nhà tình nghĩa, 64 căn nhà tình thương, tặng 248 sổ tiết kiệm, tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa trở thành truyền thống hằng năm của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Hằng năm, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tổ chức thăm viếng, tặng quà, khám và điều trị bệnh miễn phí, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hoàn thành cơ bản hồ sơ đối tượng liệt sĩ và quy tập mộ liệt sĩ.
Đảng bộ huyện luôn quan tâm chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện. Trong 5 năm, đã tạo ra việc làm cho hơn 45.000 lao động, xây dựng và thực hiện trên 100 dự án cho vay vốn chuộc đất, vận động cho mượn đất để sản xuất, tạo hàng ngàn việc làm mới, giảm 1.904 hộ nghèo (9.292 hộ năm 1995 xuống còn 7.388 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,85% xuống còn 21,4%, theo tiêu chuẩn thu nhập dưới 90.000đồng/người). Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, phối hợp với trên giải quyết vấn đề xã hội về người già yếu neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Nhìn chung, huyện đã tạo ra được nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng 2 lần, từ 1.900.000 đồng năm 1995, lên 3.900.000 đồng/người/năm 2000. Toàn huyện có 10.422 hộ có nhà cơ bản và bán cơ bản, chiếm 30% tổng số hộ, tăng gần 3 lần so với năm 1995.
- Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh
Lĩnh vực quốc phòng trên địa bàn huyện luôn được quan tâm chỉ đạo; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch diễn tập, huấn luyện chiến thuật, kế hoạch phòng thủ toàn diện và phòng thủ các điểm xung yếu, hình thành thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Phát triển được 3.465 lực lượng dân quân tự vệ, chiếm 2,14% dân số; kiện toàn lực lượng dự bị động viên, nâng tổng số đến cuối nhiệm kỳ đạt 9.019 quân, bảo đảm chế độ sẵn sàng chiến đấu. Làm tốt các bước nắm nguồn, qua 5 năm tuyển quân đạt và vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển quân ngày càng cao (735 thanh niên lên đường nhập ngũ), phong trào đảng viên, đoàn viên tình nguyện thi hành nghĩa vụ ngày càng tăng.
Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổ chức tận ấp - khóm. Chủ động nắm tình hình, địa bàn, đối tượng, thường xuyên tấn công truy quét và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Đã xử lý và làm rõ 545 vụ án, 336 vụ tệ nạn xã hội, kéo giảm đáng kể tình hình vi phạm pháp luật. Song song đó, đã kịp thời làm rõ các luận điệu xuyên tạc, chiến tranh tâm lý, bảo vệ tốt an ninh tư tưởng.
- Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể
Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ tập trung chỉ đạo học tập quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Nâng cao một bước về bản lĩnh chính trị, nhận thức tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tăng cường hơn nữa lòng tin vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Nêu cao cảnh giác cách mạng, nhất là đối với âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù. Đấu tranh phòng chống các biểu hiện lệch lạc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng. Phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Tổ chức tốt quy định đưa đảng viên, cán bộ xã - ấp về sinh hoạt tại nơi cư trú, tự phê bình trước dân. Trong năm 1998-1999, đã tổ chức được 186 cuộc, với 5.282 lượt quần chúng tham dự đóng góp nhiều ý kiến phê bình rất thẳng thắn, chân tình, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Đến cuối nhiệm kỳ, huyện có 46 tổ chức cơ sở đảng với 2.053 đảng viên. So với năm 1995 tăng thêm 5 tổ chức cơ sở đảng; kết nạp mới 1.235 đảng viên, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra, trong đó có 725 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm 35,3%, tầng 6,5% so với năm 1995; đảng viên nữ 270 đồng chí, chiếm 13,15%, tăng 3,35% so với năm 1995.
Về chất lượng đảng viên: Năm 1999 có 1.256 đảng viên loại A, so năm 1995 tỷ lệ đảng viên loại B giảm 15%, loại C giảm 7,89%. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng tăng, năm 1995 có 23 chi bộ, đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh, năm 1999 có 29 chi bộ, đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đạt yêu cầu chỉ đạo của Tỉnh ủy cả về nội dung lẫn phương pháp kiểm điểm. Quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã phát hiện và xử lý 10 trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng.
Về công tác cán bộ: Đề bạt, bổ sung, điều chuyển hơn 100 lượt cán bộ chủ chốt ở ban, ngành huyện, xã - thị trấn. Đã quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận đến năm 2000 và cho những nhiệm kỳ tiếp theo của Đảng bộ; đào tạo lại 268 lượt cán bộ. Trong đó, có 36 cử nhân và cao cấp chính trị, 131 trung cấp chính trị, 80 trung cấp nghiệp vụ, 5 cử nhân chuyên ngành.
Tổ chức thực hiện thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa X và Hội đồng nhân dân 3 cấp đúng luật định. Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn nên năng lực quản lý nhà nước ngày càng được tăng cường và hiệu quả. Đội ngũ cán bộ được đào tạo về lý luận, nghiệp vụ chuyên môn với nhiệm vụ chính trị. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo quy trình “một cửa” đem lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giải quyết tranh chấp, không để xảy ra điểm nóng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đối với công tác xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: trong lãnh đạo, Đảng bộ đã quan tâm chỉ đạo cải tiến phương pháp, nội dung sinh hoạt thiết thực hơn, đạt được nhiều kết quả trong vận động quần chúng, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Vận động quần chúng thực hiện các phong trào cách mạng ở địa phương, nhất là thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa - giáo dục, củng cố quốc phòng và an ninh trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, chất lượng hội viên không ngừng tăng lên. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện có 136.521 hội viên đoàn thể và các tổ chức kinh tế - xã hội (trong đó có 2.933 đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), đạt 84,4% dân số, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện VII đề ra.
Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân huyện Trà Cú đạt được trong nhiệm kỳ VII là rất quan trọng. Song, tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục như:
- Kinh tế địa phương phát triển còn chậm so với lợi thế tiềm năng và khả năng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa chưa đạt yêu cầu. Nhìn chung thu nhập đầu người có tăng mạnh trong 5 năm, nhưng vẫn thấp so với mặt bằng của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhất tỉnh, (theo tiêu chí chuẩn hộ nghèo có thu nhập ở thị trấn dưới 150.000đ/người, nông thôn dưới 120.000đ/người. Đến năm 1999, toàn huyện còn 10.748 hộ, chiếm 31,14% so tổng số hộ, còn 12/15 xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%.
- Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, y tế - văn hóa - thể thao chưa sâu rộng. Chưa quy hoạch đào tạo, sử dụng lao động trí thức, khoa học kỹ thuật cho địa phương; hoạt động văn hóa thiếu mô hình, nghèo nàn về thiết chế ở cơ sở. Nội dung ấp - khóm, gia đình văn hóa chưa được thường xuyên quan tâm nâng cao. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe ở cấp xã - thị trấn và cộng đồng phát huy tác dụng chưa cao.
- Chỉ đạo và điều hành công tác giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo chưa thống nhất và tập trung; chưa nắm chắc, đánh giá, phân tích đúng tình hình lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo của từng hộ hiệu quả thấp. Một số gia đình chính sách còn gặp khó khăn, cuộc sống còn thấp so với mặt bằng chung.
- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp; quản lý địa bàn, đối tượng còn nhiều khó khăn, quản lý trật tự hành chính còn nhiều điểm yếu.
- Nội dung và tinh chất sinh hoạt một số chi bộ chưa được nâng lên. Quy hoạch đào tạo và sử dụng cán bộ còn nhiều điểm chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng chắp vá, tạm thời chưa ổn định. Thiếu cán bộ khoa học - kỹ thuật lành nghề ở lĩnh vực quản lý kinh tế, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ từng lúc chưa đáp ứng kịp thời cho quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ. Một số nơi công tác kiểm tra thiếu thường xuyên; năng lực công tác kiểm tra chưa đáp ứng, một số cán bộ ý thức trách nhiệm còn hạn chế.
- Một số ngành đoàn thể phương thức hoạt động chậm đổi mới, quản lý số lượng, chất lượng hội viên ở một số đoàn thể còn lỏng lẻo.
Mặc dù còn một số tồn tại nhưng với những kết quả đạt được trên các mặt kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị thì mục tiêu và nhiệm vụ do Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII đề ra đã cơ bản được thực hiện. Đó là thắng lợi hết sức quan trọng góp phần để Đảng bộ bước vào tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VIII.

 

Chú thích:

(1) Báo cảo của Huyện ủy Trà Cú (Khóa VI) tại Đại hội Đảng bộ huyện Trà Cú lần thứ VII (nhiệm kỳ 1996-2000), tr.7, Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Cú
(2) Xem: Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ VII (nhiệm kỳ 1996-2000) trong phần Phụ lục.

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 1471
  • Trong tuần: 25 148
  • Tất cả: 8727680

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn