Lãnh đạo ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện gắn với phát triển công nghiệp – dịch vụ và xây dựng nông thôn mới (1991-1995)
1. Đại hội Đảng bộ huyện Trà Cú lần thứ IV tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới ở huyện  

Đại hội Đảng bộ huyện Trà Cú lần thứ IV được tiến hành từ ngày 9 đến ngày 11-11-1986 tại hội trường Ủy ban nhân dân huyện. Trước Đại hội, ngày 13-5-1986, Huyện ủy đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng nhằm đóng góp tự phê bình và phê bình của Ban Chấp hành theo tinh thần Chỉ thị số 79-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành nhiệm kỳ III (1983-1985).
Tham dự Đại hội có 206 đại biểu đại diện cho 884 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Ký ức - Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long về dự và phát biểu chỉ đạo.
Sau phần kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua phương hướng và mục tiêu chung về kinh tế - xã hội của Đảng bộ huyện đến năm 1990 như sau: “Phấn đấu xây dựng huyện phát triển vững mạnh toàn diện, tập trung vào mặt trận hàng đầu là phát triển nông nghiệp toàn diện, kết hợp phát triển ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phân bổ và phân công lại lao động để hình thành cơ cấu kinh tế nông - ngư - công nghiệp vững mạnh trên địa bàn huyện. Tăng cường quản lý nguồn hàng, đẩy mạnh liên kết kinh tế và xuất khẩu, bảo đảm cân đối ngân sách. Trên cơ sở đó làm chuyển biến rõ nét về đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ; tạo ra khả năng mới đóng góp ngày càng tốt hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ra sức xây dựng bộ mặt nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Kết hợp kinh tế với an ninh - quốc phòng, từng bước hình thành pháo đài quân sự vững chắc, đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù, giữ vững an ninh - quốc phòng và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống”(1)1.
Đại hội đã đề ra 5 mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 1986-1988 và định hướng đến năm 1990 là:
Một là, tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, phát triển sản xuất ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tạo ra nhiều hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trên cơ sở ổn định và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp diện nghèo, đói trong đồng bào Khmer, vùng sâu, vùng xa.
Hai là, tạo sự chuyển biến rõ rệt về mặt xã hội, giải quyết cho mọi người lao động đều có việc làm, khắc phục cho được tình trạng đi ở đợ, đi làm thuê, cho vay nặng lãi, bán lúa non trong đồng bào Khmer; tạo điều kiện từng bước phát triển đồng đều về kinh tế giữa các vùng, giữa đồng bào Kinh với đồng bào Khmer, nhất là vùng nội đồng.
Thực hiện đoàn kết bình đẳng về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ra sức xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa và nếp sống lành mạnh; khắc phục các hiện tượng tiêu cực; giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương; xây dựng một lớp người mới, nhất là thanh niên hăng hái lao động sáng tạo trong công cuộc đổi mới; sống có lý tưởng cao đẹp, có nếp sống văn hóa, văn minh.
Ba là, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội để không ngừng phát triển sản xuất, khai thác và phát huy thế mạnh về tài nguyên đất đai, lao động, ngành nghề của địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, sớm định hình cơ cấu kinh tế nông - ngư - công nghiệp trên địa bàn huyện trong thời kỳ đổi mới.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thành cơ bản nhiệm vụ cải tạo và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Xác định đúng tính chất của từng thành phần kinh tế mà tập trung chỉ đạo vận dụng phù hợp với tình hình thực tế của huyện nhà. Trong đó, phát triển thành phần kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, nắm vững khâu then chốt sản xuất, phân phối lưu thông; ra sức củng cố chất lượng kinh tế tập thể, có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, nhất là vùng dân tộc; tiếp tục quản lý và có chính sách sử dụng kinh tế tư nhân trên lĩnh vực sản xuất phát triển đúng hướng.
Năm là, ra sức ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khả năng để chủ động đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động, nhất là bọn phản động lợi dụng trong dân tộc, tôn giáo; đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch; bảo đảm an ninh chính trị vững chắc, đồng thời bằng mọi biện pháp ổn định cho được tình hình trật tự xã hội; tăng cường công tác chính trị tư tưởng từ nội bộ đến quần chúng nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật; sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa IV (nhiệm kỳ 1986-1988) gồm 32 đồng chí, do đồng chí Triệu Văn Bé giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy. Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí(2) .
2. Phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đổi mới
- Trên lĩnh vực kinh tế, giá trị sản lượng nông - ngư - công nghiệp đạt 1 tỷ đồng. Trong đó giá trị sản lượng nông nghiệp là 700 triệu đồng, giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là 200 triệu đồng, giá trị sản lượng ngư nghiệp là 100 triệu đồng.
Tổng giá trị hàng xuất khẩu đạt 4 triệu rúp - USD. Tổng thu ngân sách của huyện đạt 200 triệu đồng. Bình quân lương thực/ đầu người sau khi đã làm nghĩa vụ với Nhà nước đạt 400kg lương thực.
Đặc biệt năm 1988, tổng sản lượng lương thực đạt 70.000 tấn; giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 150 triệu đồng; tổng giá trị hàng xuất khẩu đạt 1,6 triệu rúp - USD. Tổng thu ngân sách 100 triệu đồng; tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 200 triệu đồng, trong đó đầu tư cho phát triển nông nghiệp chiếm 80%.
Ngày 15-3-1987, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trà Cú tổ chức hội nghị mở rộng để bàn về công tác cải tạo và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Đồng chí Lê Tất Thắng - ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Triệu Văn Bé - Bí thư Huyện ủy chủ trì hội nghị. Hội nghị nhận thấy: Qua 10 năm (1976-1986) cải tạo và xây dựng, kinh tế và các mặt của đời sống văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện Trà Cú mặc dù còn những tồn tại yếu kém do những nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng đã có bước chuyển biến đáng ghi nhận, sản xuất nông nghiệp dần dần được khôi phục và có bước phát triển khá. Lương thực, thực phẩm không những đáp ứng được nhu cầu trong huyện mà còn làm tốt nghĩa vụ với trên theo chỉ tiêu giao hằng năm. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá nhanh, thương mại - dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu tối thiểu của người dân trong huyện. Các mặt văn hóa - xã hội mới được thiết lập, làm thay đổi căn bản đời sống ở nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở huyện cũng bộc lộ một số mâu thuẫn gay gắt trong cải tạo quan hệ sản xuất với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hiệu quả sản xuất, phát huy năng lực của các thành phần kinh tế với điều hành sản xuất xã hội theo kế hoạch, khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất với cơ chế tập trung bao cấp.
Hội nghị đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trên là:
- Xây dựng quan hệ sản xuất chưa phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thể hiện sự nóng vội, chủ quan, duy ý chí và chưa lường hết những khó khăn phức tạp, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
- Việc thực hiện công tác quy hoạch và xây dựng cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện tiến hành còn chậm, thiếu sự kết hợp chặt chẽ với phương hướng sản xuất của tập đoàn, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định.
- Cải tạo công thương nghiệp chưa gắn kết, chưa hỗ trợ tích cực cho cải tạo nông nghiệp, cải tạo nông nghiệp chỉ chú trọng vào sản xuất lương thực, các loại cây trồng khác ít được chú ý; trên địa bàn huyện không được công khai lên liếp lập vườn.
- Năng lực quản lý, điều hành của cán bộ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất còn yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ quản lý tiêu cực làm giảm lòng tin của nhân dân. Nhiều hộ có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, có vốn tích lũy và có nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu nhưng không dám đầu tư mở rộng sản xuất.
- Cơ chế phân phối lưu thông theo tiêu chuẩn, theo kế hoạch áp đặt gây phiền hà và ách tắc trong đời sống xã hội.
Để đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển không bị tụt hậu so với các huyện bạn ở trong tỉnh, Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cơ bản của Đảng bộ là: Chương trình lương thực; chương trình thủy sản, chăn nuôi; chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; chương trình năng lượng dân dụng; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và chương trình kinh tế gia đình.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh Cửu Long, Đảng bộ huyện Trà Cú xác định: Nông nghiệp phải được thật sự đặt lên vị trí hàng đầu, phải được ưu tiên đáp ứng những nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, về vật tư và lao động kỹ thuật. Đưa nông nghiệp tiến một bước theo hướng sản xuất lớn nhằm mục tiêu chủ yếu là tăng nhanh khối lượng và tỷ xuất hàng hóa nông sản. Nông nghiệp phải được phát triển toàn diện kết hợp với chuyên môn hóa. Phát triển nông nghiệp phải lấy thâm canh, tăng vụ là chính, đồng thời mở rộng diện tích một cách vững chắc và có hiệu quả. Chú ý chỉ đạo phát triển lâm nghiệp, coi trọng phát triển hải sản và thủy sản nước ngọt, nước lợ, cả đánh bắt và nuôi trồng đi đôi với việc giải quyết tốt việc chế biến, vận chuyển để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài huyện hướng tới việc xuất khẩu. Phát triển cây công nghiệp ngắn ngày; mở rộng cây công nghiệp dài ngày, trước hết phải quy hoạch vùng đất cho thích hợp, không để lãng phí tài nguyên đất và nước.
Từ phương hướng cơ bản đó, Đảng bộ Trà Cú đã lãnh đạo hình thành 2 tiểu vùng sản xuất như sau:
1. Tiểu vùng nội đồng: Gồm các xã Tập Sơn, Phước Hưng, Long Hiệp, Tân Hiệp, Ngọc Biên, Ngãi Xuyên, một phần của các xã Đại An, Hàm Giang, Đôn Châu, Thanh Sơn, Đôn Xuân, Lưu Nghiệp Anh. Vùng này sản xuất chủ yếu cây lúa, cây công nghiệp, cây lấy gỗ, kết hợp với chăn nuôi heo, bò, vịt, chế biến nông sản.
Trên đất giồng phát triển cây đào và các loại cây lấy gỗ như: sao, dầu, cây bạch đàn, tre, trúc. Đất triền giồng sản xuất 1 vụ lúa, 2 vụ màu.
2. Vùng ven sông rạch và vùng láng: Gồm các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Thanh Sơn, một phần của các xã Hàm Giang, Đại An, Đôn Xuân, Đôn Châu. Những địa phương này tập trung phát triển cây mía, cây đào, cây dừa; tuyến vùng láng mở rộng diện tích nuôi tôm. Riêng khu vực vàm Trà Kha, vàm Định An (xã Đại An): xây dựng nơi đây thành làng ngư dân làm chỗ đứng chân để ra khơi đánh bắt thủy hải sản, kết hợp chặt chẽ với an ninh - quốc phòng, bảo vệ cửa biển.
Tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp chế biến, sửa chữa cơ khí, sản xuất nông ngư cụ, vật liệu xây dựng nhằm tạo nguồn hàng, tự cân đối được mặt hàng tiêu dùng như gỗ, nước mắm, đường, xà bông, bánh kẹo, thịt, gạch ngói; tham gia các mặt hàng xuất khẩu như: chế biến thịt, trứng, mặt hàng dừa, mặt hàng đường cát, mặt hàng lát, tre, trúc, mắm, chuối sấy. Sắp xếp lại ngành nghề chế biến cho phù hợp và làm ăn có hiệu quả, tìm thị trường đầu ra cho các sản phẩm chế biến, chú trọng thị trường trong nước và vươn ra các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á.
Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong các ngành kinh tế để tạo năng lực sản xuất mới, tập trung xây dựng các cụm kinh tế kỹ thuật gắn nông nghiệp với công nghiệp, trong đó đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các trạm, trại, cửa hàng dịch vụ phục vụ nông nghiệp; bảo đảm giống cây con chủ lực như cây dừa, cây đào. Đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất công nghiệp quốc doanh, nhất là khu công nghiệp chế biến, hàng xuất khẩu.
Xây dựng hệ thống kênh đào dẫn nước từ sông Hậu vào nội đồng, kết hợp xây dựng các kênh, mương nhỏ ở từng thửa ruộng, từng tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, khép kín đồng bộ theo mô hình kênh, mương, bờ, cống chủ động tưới tiêu bảo đảm sản xuất. Đào mới kênh cầu Hanh, kênh Cà Sảng, kênh Chợ Tập Sơn và kênh chợ Đại An, kênh vàm Trà Cú, song song đó kết hợp mở rộng hệ thống đường giao thông trên các tuyến kênh.
Vượt qua nhiều khó khăn thời bao cấp, không thụ động chờ trên phân phối kinh phí, huyện đã tích cực chủ động tìm mọi nguồn kinh phí đầu tư một loạt công trình như: xây dựng một hệ thống kênh đào dẫn nước sông Hậu vào đồng ruộng như: kênh Thầy Nại, kênh Chị Sáu, kênh Ngọc Biên... Xây dựng bến cá Đại An, xây dựng khu trung tâm huyện lỵ, kéo điện trung thế về tới huyện, trải nhựa lộ 36.
Gắn với hệ thống thủy lợi, huyện đẩy mạnh chỉ đạo công tác giãn dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Xây dựng mô hình giãn dân kênh 13 ở xã Phước Hưng. Tiếp theo là cả trăm, cả ngàn hộ giãn ra phát triển kinh tế hộ ở cặp theo hệ thống kênh đào và giao thông, đã giảm được một bộ phận lớn hộ đói nghèo.
Ngoài hệ thống giao thông quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn huyện, các tuyến hương lộ, lộ giao thông nông thôn cũng được các địa phương quan tâm chỉ đạo nâng cấp và xây dựng mới, trên cơ bản hệ thống giao thông của huyện bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng trên địa bàn huyện.
Năm 1987, đã kéo được đường dây trung thế về tới huyện.
Tháng 12-1987, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VI ra Nghị quyết về phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 3 năm 1988-1990, để phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: “Ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong các năm sau”(3) 1.
Quán triệt tinh thần chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng về lĩnh vực lưu thông phân phối, Đảng bộ Trà Cú xác định: Lưu thông phân phối làm nhiệm vụ vừa tổ chức tốt sản xuất, vừa làm tốt nhiệm vụ lưu thông phân phối, từng bước thực hiện chức năng nắm nguồn hàng, nắm tiền, quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm những mặt hàng thiết yếu phục vụ nâng cao đời sống nhân dân. Tập trung xây dựng các cụm thương nghiệp ở trung tâm huyện, Đại An, vàm Trà Cú và cụm xã Long Hiệp (Long Hiệp, Tân Hiệp, Ngọc Biên); phát triển các cửa hàng, các đại lý mua bán hàng; mua tận tay người sản xuất, bán tận tay đến người tiêu dùng; mua và bán đúng giá quy định.
Song song với công tác lãnh đạo phát triển nông nghiệp, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo phát triển ngư nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Đến năm 1988, huyện xây dựng một hợp tác xã nghề cá, 10 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và 1 hợp tác xã giao thông đường bộ, xây dựng các mô hình kinh doanh tổng hợp nông - công - thương - tín.
Các thành phần kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, khai thác tốt tiềm năng lao động, đất đai, ngành nghề của địa phương theo kế hoạch Nhà nước.
Đảng bộ đã lãnh đạo đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch cân đối với 4 nguồn khả năng và coi trọng đúng mức nguồn tiềm năng tài nguyên dồi dào trên địa bàn huyện như: lao động, đất đai, ngành nghề, kết hợp hài hòa ba lợi ích, trong đó hết sức quan tâm lợi ích chính đáng của người lao động, làm cho người lao động hăng say sản xuất. Đặc biệt, coi trọng đổi mới cơ chế quản lý đi đôi với đổi mới tư duy kinh tế, sâu sát nhạy bén với tình hình, nắm vững và vận dụng tốt các quy luật kinh tế khách quan, đồng thời đổi mới công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ năng động thích ứng với cơ chế mới.
Tuy nhiên, khi hình thành hợp tác xã nông nghiệp, đi đôi với việc cào bằng ruộng đất, phân bố theo bình quân nhân khẩu thì tình hình bộc phát nóng lên, diễn biến hết sức phức tạp trên diện rộng, nông dân phản ứng gay gắt. Trước tình hình đó, Huyện ủy đã lắng nghe dân và kịp thời tập trung giải quyết những bức xúc về đất đai bằng cách dựa vào dân tổ chức tổ dân tự quản hòa giải trong nội bộ nông dân phù hợp nguyện vọng và quyền lợi của nông dân, giải quyết chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện trong chính sách hợp tác hóa nông nghiệp. Nơi nào vì thành tích thi đua dứt điểm cải tạo nông Nghiệp mà ép nông dân vào tập đoàn sản xuất thì huyện và xã phải mạnh dạn nhận khuyết điểm với dân. Hàng ngàn vụ tranh chấp, khiếu nại về đất đai từ giữa năm 1985 đến giữa năn 1986 đã được giải quyết xong. Nhờ vậy, Huyện ủy đã chủ động tích cực giải quyết nên tình hình đất đai ở Trà Cú sớm ổn định(4)1.
Đến cuối năm 1988, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã có những chuyển biến trên các mặt như sau:
Về kinh tế: Trọng tâm của huyện là sản xuất lương thực cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm Huyện đã ưu tiên đầu tư và tận dụng sự đầu tư, giúp đỡ của cấp trên để áp dụng khoa học - kỹ thuật; đồng thời cải tiến từng bước công tác cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật, giá cả thu mua lương thực thực phẩm. Những công tác trên đã tạo sự an tâm phấn khởi trong nhân dân, nhân dân rất có ý thức trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Vùng trọng điểm sản xuất lúa của huyện là các xã Phước Hưng, Long Hiệp, Tân Hiệp, Ngọc Biên, Tập Sơn, vùng phía đông quốc lộ 54, từ Ngã Ba xã Tập Sơn đến xã Đại An.
Tổng diện tích gieo trồng của huyện là xấp xỉ 75.000 tấn (có gần 10.000 tấn màu quy lúa), tổng sản lượng quy ra thóc của 3 năm tăng trên 2,6% so với năm 1985. Bình quân lương thực tính theo đầu người đạt trên 7.500kg. Cây công nghiệp ngắn ngày đạt 4.987ha, đàn heo trên 50.000 con, đàn trâu, bò 26.989 con, đàn vịt 500.000 con. Tổng thu ngân sách xấp xỉ 230 triệu đồng.
Huyện đã tổ chức lại sản xuất, hình thành và ổn định bố trí cây, con thích hợp và tập trung tạo cơ sở vật chất cần thiết cho nông nghiệp phát triển toàn diện, vững chắc; xác định được cơ cấu sản xuất và bố trí cây, con đúng theo quy hoạch trên địa bàn.
Trên cơ sở nắm chắc cơ cấu sản xuất, diện tích lúa toàn huyện còn 15.000ha. Hướng chính là phát triển một vụ ăn chắc, kết hợp với phát triển hai vụ cây công nghiệp ngắn ngày, đã ổn định và phát triển diện tích lúa hai vụ ở những nơi sản xuất chắc ăn, đã ổn định được 3.000ha diện tích sản xuất lúa hai vụ. Biện pháp hàng đầu trong phát triển nông nghiệp là thâm canh để tăng năng suất, sản lượng. Đã hình thành được vùng lúa cao sản đạt được từ 4 - 5 tấn/ha.
Năm 1988, huyện đã chỉ đạo tăng diện tích cây dừa, cây đào, cơ bản đã phủ kín được cây dừa trên vùng láng, vùng ven sông Hậu, ven sông rạch theo thổ cư, đất kinh tế gia đình. Song song đó, huyện đã chỉ đạo dọn, phá vườn tạp không có hiệu quả để phát triển cây dầu, cây sao, cây tre, cây bạch đàn, cây so đũa trên đất giồng, đất triền giồng, vùng đất trồng lúa kém hiệu quả thì phát triển cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, vùng đất cát pha bố trí sản xuất 1 vụ lúa, 2 vụ màu, đã mở rộng thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh ở các xã Ngọc Biên, Hàm Giang, Đại An, Đôn Xuân, Đôn Châu. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện có gần 5.000ha lúa - rẫy.
Huyện cũng đã chỉ đạo việc kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, từng bước đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, góp phần ổn định trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao cơ cấu bữa ăn của hộ gia đình.
Ngư nghiệp là thế mạnh thứ hai của huyện nên huyện đã sớm xây dựng kế hoạch khai thác, cả đánh bắt và nuôi trồng để tăng nhanh sản lượng cá, tôm phục vụ cho nhu cầu đời sống và xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là tiểu thủ công nghiệp chế biến, sửa chữa cơ khí, sản xuất nông - ngư cụ, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đường, xà bông, bánh kẹo, đan đát, nhà máy nước đá cây được phát triển nhanh. Đến năm 1989 giá trị tổng sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 200 triệu đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội:
Về giáo dục: Thực hiện tốt chương trình cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt quan tâm giáo dục hướng nghiệp ở cấp II và cấp III, xây dựng trường vừa học, vừa làm và dạy nghề cho con em người dân tộc. Bảo đảm tất cả các cháu đến tuổi đều được vào trường, thực hiện chính sách đối với con em người dân tộc; đẩy mạnh phong trào học bổ túc văn hóa, dứt điểm xóa dốt trong nhân dân, tiến tới phổ cập giáo dục tiểu học toàn dân và phổ cập cấp II cho cán bộ, công chức, viên chức.
Về y tế: Tăng cường vận động nhân dân thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh, tổ chức 1/2 số xã thực hiện tốt phong trào 5 dứt điểm của ngành y tế và cả huyện dứt điểm 3 công trình: giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh. Nâng cao chất lượng điều trị, chủ động dập tắt các ổ dịch, bảo đảm đủ thuốc phục vụ cho nhân dân. Củng cố trạm xá xã, mở rộng phong trào trồng cây thuốc nam; kết hợp đông - tây y và thuốc gia truyền dân gian để điều trị bệnh.
Về xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện chính sách xã hội: Thực hiện Nghị quyết 159 của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 26-9-1987 Thường trực Huyện ủy ban hành Quyết định số 08/HU thành lập “Ban Chỉ đạo tổ chức đưa đời sống văn hóa về cơ sở”. Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện chọn xã Thanh Sơn làm xã điểm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đầu năm 1989, Ủy ban nhân dân huyện đã có quyết định công nhận ấp Trà Cú A “là ấp đạt chuẩn văn hóa”, đây là ấp đạt chuẩn văn hóa đầu tiên của huyện.
Trong nhiệm kỳ, huyện tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách hậu phương quân đội. Xây dựng hoàn chỉnh nghĩa trang huyện, xây dựng các bia truyền thống, phát động toàn dân tích cực chăm lo đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, bộ đội, cán bộ hưu trí, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt, neo đơn, già yếu không nơi nương tựa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho các đối tượng chính sách.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh:
Tăng cường xây dựng ý thức quốc phòng toàn dân, nâng cao chất lượng dân quân tự vệ, tổ chức và quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh. Xây dựng các phương án chiến đấu, chủ động đối phó với địch trong mọi tình huống. Đồng thời thực hiện tốt việc gọi thanh niên nhập ngũ.
Phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng trong nhân dân, kịp thời phát hiện và ngăn chặn âm mưu phá hoại của bọn phản động, kịp thời ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường giáo dục nhân dân, nâng cao giác ngộ cách mạng; xây dựng ấp - xã, tập đoàn sản xuất, chùa chiền, cơ quan, trường học, lực lượng nòng cốt, cơ sở cách mạng, an ninh nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện - vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, thể hiện công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước.
Công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ IV có nhiều tiến bộ, các đảng bộ xã có một bước trưởng thành về năng lực lãnh đạo, về tư tưởng, tổ chức. Các đảng bộ cơ sở được củng cố, từ chỗ Đảng bộ có hơn 600 đảng viên, đến cuối nhiệm kỳ IV tăng lên đến hơn l.000 đảng viên. Năm 1985, có 10/13 đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh.
Đảng bộ đã có nhiều đổi mới về phong cách làm việc, giữ vững nguyên tắc và tổ chức sinh hoạt Đảng, phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hội đồng nhân dân các cấp luôn giữ đúng các kỳ họp và không ngừng nâng cao chất lượng các kỳ họp, quyết định những vấn đề trong kỳ họp hết sức thiết thực, từ đó đã làm chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Các đại biểu Hội đồng nhân dân đã sắp xếp dành thời gian nhất định đi tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến đóng góp của cử tri về phản ánh trước cuộc họp của Hội đồng nhân dân.
Đảng bộ luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc, đã phát huy tốt quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Với tinh thần “lấy dân làm gốc”, sự gắn kết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền ngày càng thắt chặt hơn, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc. Trong nhiệm kỳ IV, các đoàn thể quần chúng phát triển trên 21.000 hội viên, so nhiệm kỳ III tăng 2 lần.
Điều đáng ghi nhận của nhiệm kỳ IV, đó là: Đảng bộ luôn coi công tác vận động quần chúng gắn liền với thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, tập trung chỉ đạo sản xuất nâng cao đời sống cho nhân dân. Kiên quyết đưa vùng đồng bào dân tộc chuyển lên một bước mới, xây dựng tốt các mô hình trong đồng bào dân tộc. Song song đó, Đảng bộ luôn quan tâm công tác tuyên truyền giáo dục, đồng thời làm cho đồng bào thấy rõ âm mưu thâm độc của bọn phản động chống phá cách mạng, chống phá tình đoàn kết các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Trà Cú. Đảng bộ luôn chú trọng thực hiện sự bình đẳng các dân tộc anh em trên địa bàn về nhiều mặt: chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Đặc biệt, là Đảng bộ luôn quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ là người dân tộc Khmer. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện ngày càng được phát huy tốt, nhất là trong việc triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhìn lại 3 năm (1986-1988), thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước nhất là sau cuộc tổng điều chỉnh giá, lương, tiền cuối năm 1985, tình hình kinh tế - xã hội và phân phối lưu thông ngày càng xấu đi nghiêm trọng, nạn lạm phát tăng nhanh, bội chi ngân sách lớn, giá cả tăng vọt dẫn tới tiền lương thực tế giảm nhưng Đảng bộ đã giữ vững được truyền thống đoàn kết, phát huy tinh thần cách mạng tiến công, đổi mới tư duy trong cách nghĩ, cách làm, tiếp thu và thực hiện tốt những nội dung, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và của Tỉnh ủy vào điều kiện thực tế của huyện nhà, nên đã đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng và củng cố Đảng, chính quyền, các cơ quan đoàn thể.
Đánh giá chung và tổng quát về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Huyện ủy nhiệm kỳ IV cho thấy toàn Đảng bộ đã có bước chuyển biến mới. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, các Nghị quyết tiếp theo của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Tỉnh ủy đã được triển khai quán triệt từ trong Đảng bộ đến nhân dân. Tuy trong quá trình thực hiện còn có những vấn đề khó khăn trở ngại, nhưng Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết tâm vận dụng các quan điểm đổi mới trong chính sách kinh tế - xã hội vào điều kiện thực tế của huyện nhà, bước đầu đã tạo được hướng chuyển biến theo xu hướng mới. Mạnh dạn chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kinh tế - xã hội mà cơ chế cũ còn ràng buộc; khuyến khích sản xuất phát triển và từng bước ổn định được đời sống nhân dân.
Bên cạnh những ưu điểm trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ IV nhận thấy cũng còn một số vấn đề cần phải khắc phục là “phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc còn biểu hiện kiểu hành chính, quan liêu, không sát cơ sở, không sát dân, vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý Nhà nước của chính quyền chưa được phân định rõ ràng, đôi khi Đảng còn can thiệp sâu vào công tác chính quyền, làm cho chính quyền có lúc bị động. Vai trò cá nhân trong Ban Chấp hành còn có đồng chí chưa phát huy được hiệu quả hoạt động”.
Những thành tựu đạt được cũng như những tồn tại sau ba năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng huyện bộ lần thứ IV là cơ sở để Đảng bộ Trà Cú bước vào xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Chú thích
(1).  Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trà Cú về tình hình và nhiệm vụ tại Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ-Phần thứ hai: Phương hướng nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong những năm 1986—1990, tr.8, Tài liệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Cú.
(2).  Xem: Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ (nhiệm kỳ 1986-1988) trong phần Phụ lục
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.48, tr.570.
(4). Vào những năm 1986-1987, nông dân trong tỉnh và một số nơi kéo lên Thành phố Hồ Chí Minh khiếu nại về đất đai, nhưng không có nông dân Trà Cú.

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 1912
  • Trong tuần: 25 589
  • Tất cả: 8728121

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn