Đảng bộ Trà Cú lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất và cải tạo xã hội chủ nghĩa (1980-1982)
Ngày 12-12-1979, Đảng bộ huyện Trà Cú tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ II (nhiệm kỳ 1980-1982).Về dự Đại hội có 145 đại biểu đại diện cho 637 đảng viên của 25 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy.  

Trước khi tiến hành đại hội, Đảng bộ đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 72-CT/TW ngày 8-5-1979 của Ban Bí thư về “Kiểm điểm tư cách đảng viên theo nội dung tự phê ra quần chúng” và Thông tri số 91-TT/TW ngày 20-6-1979 hướng dẫn việc tiến hành đợt tự phê bình và phê bình theo Chỉ thị 72. Đây là lần đầu tiên từ ngày giải phóng mới có cuộc vận động chỉnh đốn Đảng sâu rộng tới quần chúng, nhờ đó tạo điều kiện để Đảng gần dân. Sau kiểm điểm, cán bộ, đảng viên có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức tư tưởng và hành động của mình,
Đại hội đã xác định nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ trong những năm 1980-1982 là: “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, coi trọng thâm canh tăng vụ đồng thời đẩy mạnh khai hoang, phục hóa phấn đấu đạt sản lượng lương thực 107.910 tấn/năm”.
Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ II là: “Xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tinh thần cách mạng tiến công, triệt để khai thác thế mạnh nông ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung sức thực hiện giành thắng lợi tốt nhất các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; đẩy mạnh sản xuất, ổn định và nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân cả về hai mặt: đời sống văn hóa vật chất và đời sống văn hóa tinh thần; xây dựng nếp sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công tác y tế, giáo dục, thực hiện chính sách đối với người có công với đất nước, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Tăng cường an ninh - quốc phòng và sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trên cơ sở đó củng cố hệ thống chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tập trung xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ”; phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhằm tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Kiên quyết đấu tranh khắc phục các mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội”(1).
Đại hội đã bầu 35 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện do đồng chí Lâm Phú giữ chức vụ Bí thư, các đồng chí Lâm Văn Tâm và Triệu Văn Bé giữ chức vụ Phó Bí thư(2).
Đảng bộ và nhân dân Trà Cú bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của cả nước đứng trước những khó khăn và thách thức:
- Mỹ thực hiện chính sách bao vây cấm vận và cấu kết với các thế lực thù địch và bọn phản động trong nước tìm mọi cách phá hoại cách mạng nước ta.
- Thiên tai, hạn hán đã làm cho sản lượng lương thực của cả nước liên tục bị sụt giảm. Nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp bị khan hiếm.
- Các nhu cầu về đời sống, chữa bệnh, đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Những sản phẩm do người nông dân làm ra không lưu thông được do “ngăn sông, cấm chợ”.
Đứng trước khó khản trên, Đảng bộ huyện Trà Cú đã quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đoàn kết, nêu cao tinh thần cách mạng, lãnh đạo nhân dân quyết tâm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 1981, thực hiện sự phân định lại địa giới hành chính của tỉnh, Trà Cú cắt toàn bộ diện tích và dân số của 3 xã: Tập Ngãi, Hùng Hòa, Tân Hòa để tái lập lại huyện Tiểu Cần.
Sau ba năm (1980-1982) nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, Đảng bộ và nhân dân Trà Cú đã đạt được những thành tích trên các lĩnh vực như sau:
1. Trên lĩnh vực kinh tế
- Về sản xuất lương thực:  Do xác đinh sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu nên Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo hình thành vùng trọng điểm thâm canh lúa ở các xã chủ lực vùng nước ngọt: Phước Hưng, Tập Sơn, một phần xã Ngãi Xuyên, Long Hiệp, cặp kênh 3/2; tận dụng đất vườn, đất giồng, triền giồng, chân ruộng lúa một vụ sản xuất cây màu lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày như lang, mì, đậu phộng, mía, thuốc lá, chuối già, lát, dưa hấu. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ đã lãnh đạo làm thủy lợi cấp II, III, kênh nội đồng, củng cố hệ thống cống. Tập trung chỉ đạo khai hoang vùng láng cù lao sông Khoen từ Đại An xuống xã Đôn Châu. Vì thế, diện tích và tổng sản lượng lương thực năm sau luôn cao hơn năm trước: Năm 1981, diện tích vụ hè thu là 5.000ha với tổng sản lượng là 88,350 tấn; năm 1981, diện tích vụ hè thu là 7.000ha, tổng sản lượng là 107.910 tấn.
- Về chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản: Huyện ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, từng bước tạo ra thế cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, khắc phục khó khăn về giống và thức ăn gia súc để phát triển mạnh đàn heo. Sau 3 năm phát triển chăn nuôi, đàn heo thịt của huyện tăng từ 11.018 con (1979) lên đến 18.129 con (1982); vịt, trâu, bò... đều tăng gấp đôi. Nghề nuôi tôm càng xanh, nuôi cá bước đầu được hình thành, hằng năm thu hoạch hàng chục tấn thủy sản.
Ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (gọi tắt là Khoán 100). Mục đích của Chỉ thị 100 là “phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động, nâng cao thu nhập của người lao động”, về nguyên tắc: quản lý và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, trước hết là ruộng đất; quản lý và điều hành lao động phải trên cơ sở gắn với kết quả cuối cùng của sản xuất, thực hiện khoán theo 5 khâu và 3 khâu; trong phân phối giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích người lao động. Khoán 100 đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, tạo ra động lực kích thích phát triển sản xuất.
Đảng bộ Trà Cú đã triển khai thực hiện “Khoán 100” trên địa bàn của mình. Có chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng về đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, nông dân phấn khởi, tự chủ nên năng suất lao động được cải thiện, sản lượng tăng dần hằng năm.
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp của Trà Cú những năm 1980-1982 có nhiều chuyển biến rõ rệt và toàn diện. Phát triển cả trồng trọt và chăn nuôi; công tác thủy lợi, khai hoang, phục hóa, thâm canh, tăng vụ, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản luôn đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, đã đưa cây màu lương thực vào cơ cấu bữa ăn.
Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp của Trà Cú thời gian này vẫn còn một số hạn chế như: Việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn chậm, chưa cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi gia súc - gia cầm, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp ở từng vùng đất.
Trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đã tập trung phát triển 2 ngành: chế biến nông sản (mía đường, xay xát lúa gạo) và cơ khí sửa chữa máy móc nông nghiệp - giao thông vận tải. Kết quả, đã phục hồi được ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống và các làng nghề dưới hình thức cá thể và tập thể.
Đến năm 1982, ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện hình thành các nhóm: nhóm sản xuất chế biến nông sản phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu như xay xát lúa gạo, chế biến đường, dệt chiếu, đóng giường tre, làm hàng thủ công từ cây tre, trúc; nhóm phục vụ sản xuất nông nghiệp - giao thông như cơ sở cơ khí sửa chữa, lò rèn, chế biến thức ăn gia súc; nhóm mộc - đóng ghe xuồng, làm nhà. Huyện dã xây dựng được lò gạch thủ công ở xã Đại An và xã Phước Hưng, 2 lò nước mắm ở xã Đôn Châu và xã Đại An, 2 lò nước tương ở xã Ngãi Xuyên và xã Phước Hưng. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện đã quản lý 18 nhà máy xay xát lúa gạo, 12 lò ép và cối kết tinh đường, 9 cơ sở đóng ghe - xuồng, 13 cơ sở lò rèn, 23 trại mộc tư nhân và 1 trại mộc quốc doanh.
Sự phát triển của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện đã giải quyết việc làm cho 2.986 lao động và cải thiện đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, trong sản xuất vẫn còn tình trạng thiếu nguyên vật liệu, thiếu thiết bị phụ tùng thay thế nên sản xuất có lúc không ổn định.
Trong công tác lưu thông phân phối: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động chỉ đạo cửa hàng thương nghiệp huyện bảo đảm cung cấp đủ 11 mặt hàng thiết yếu cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân. Bước đầu ngành thương nghiệp đã có sự chuyển biến, phát huy vai trò là đòn bẩy thúc đẩy trao đổi sản phẩm, phục vụ đời sống cho cán bộ, nhân dân.
Tuy nhiên, công tác phân phối lưu thông của huyện thời gian này cũng còn bộc lộ một số mặt yếu kém như: mạng lưới thương nghiệp chưa đóng vai trò chỉ đạo trong quản lý giá cả; tư thương tranh mua, tranh bán, phá giá; các hợp tác xã ở xã chủ yếu làm nhiệm vụ phân phối, chưa chủ động thu mua nông sản, thực phẩm, chưa cải tiến phương thức mua bán, còn qua tay trung gian nên gây khó khăn, bệnh quan liêu, “xin cho” làm mất tính dân chủ trong phân phối.
2. Trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa
Quán triệt Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư, Huyện ủy đã xây dựng nhiều nghị quyết, kế hoạch để chỉ đạo công tác cải tạo quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện chọn Phước Hưng làm xã điểm cho công tác cải tạo nông nghiệp. Phước Hưng là lá cờ đầu trong cải tạo quan hệ sản xuất. Xã đã xây dựng được 52 tập đoàn sản xuất, có phương án ăn chia tốt, làm tốt nghĩa vụ thuế nông nghiệp, bán lúa dư cho Nhà nước. Ngay sau khi có “Khoán 100” của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 138 của Bộ Chính trị, phong trào cải tạo nông nghiệp toàn huyện có chuyển biến mạnh. Từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân đều đồng thuận với “Khoán 100”. Cuối năm 1981, huyện đã xây dựng được 116 tập đoàn sản xuất, 390 tổ đoàn kết sản xuất, xây dựng 12 ấp điểm với 54 tập đoàn sản xuất chuyển qua phương án ăn chia. Song song đó, huyện tiến hành điều chỉnh lại đất đai của khu vực tập thể.
Công tác cải tạo công thương nghiệp: Huyện đã tổ chức đăng ký kinh doanh cho 1.437 hộ, sắp xếp lại buôn bán ở các chợ trên địa bàn huyện. Tổ chức một hợp tác xã chế biến gỗ, 12 tổ sản xuất chiếu, 25 tổ đan lát. Hệ thống thương nghiệp, cụ thể là Công ty cấp III, Công ty vật tư, cửa hàng lương thực, Hợp tác xã, Công ty nông sản thực phẩm cấp II được củng cố và tăng cường hoạt động. Các trạm thu mua lương thực được thành lập, hình thành mạng lưới rộng khắp trên địa bàn huyện, bảo đảm cung ứng tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Công tác quản lý thị trường được tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa cũng còn một số tồn tại: “Qua 3 năm tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên địa bàn huyện thiếu toàn diện và triệt để, tiến độ còn chậm so với yêu cầu; một số cán bộ đảng viên tư tưởng còn chần chừ, do dự hoặc thái độ nóng vội làm lướt; trình độ lãnh đạo của một số Ban quản lý tập đoàn yếu, không liêm khiết, cải tạo công thương nghiệp chưa kết hợp chặt chẽ với cải tạo nông nghiệp; công tác xóa - xây - chuyển chưa được liên tục, có thời gian buông lỏng nên thị trường chợ đen bung ra mạnh, tranh mua, tranh bán với Nhà nước”(3).
3. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội
Về giáo dục: Huyện đã cơ bản hoàn thành công tác xóa nạn mù chữ và tiến hành cải cách lớp 1, lớp 2. Đến cuối năm 1981, 9 xã có trường cấp II, huyện có 1 trường cấp III và 1 trường bổ túc văn hóa dạy hết cấp II, 3 nhà trẻ (đa số trường học nằm trong các chùa Khmer). Đội ngũ giáo viên của huyện có 741 thầy cô với trên 20 ngàn học sinh. Năm học 1981-1982, thi tốt nghiệp cấp III đạt 85,7% (năm học năm 1980-1981 chỉ đạt 41%).
Song, sự nghiệp giáo dục của huyện thời gian này cũng bộc lộ một số bất cập là đội ngũ giáo viên còn thiếu, trường lớp chưa bảo đảm, nhà trẻ phát triển chậm. Việc bồi dưỡng, chăm sóc đội ngũ giáo viên về mặt chính trị, tư tưởng, đời sống chưa đáp ứng yêu cầu nên chưa khuyến khích được họ tận tụy với nhiệm vụ của mình. Một số giáo viên xin nghỉ, xin chuyển công tác.
Về y tế: Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo ngành y tế tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh. Trong 3 năm, đội phòng dịch huyện đã phun, xịt thuốc trên 300 lượt. Phòng Y tế huyện kết hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và Ban Văn hóa - Thông tin xã tuyên truyền công tác vệ sinh phòng bệnh xuống tận vùng sâu, vùng xa. Bệnh viện huyện có 100 giường bệnh, các trạm xá xã có từ 20 đến 30 giường bệnh. Toàn huyện có 2 bác sĩ, 21 y sĩ, 78 y tá, 120 cứu thương, hộ sinh.
Hoạt động văn hóa - thông tin: Được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin tiến hành tổ chức Hội chợ triển lãm về những thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh của huyện nhân kỷ niệm 5 năm sau ngày giải phóng. Tiếp tục tuyên truyền, vận động và truy quét văn hóa phẩm đồi trụy, phản động, xây dựng nếp sống mới, nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, 100% xã có đoàn, đội văn nghệ. Các năm 1980-1981-1982, huyện tham dự Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Cửu Long đều đạt giải nhất toàn đoàn.
4. Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh
Trong nhiệm kỳ II, công tác quốc phòng - an ninh được cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo thường xuyên, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, khối nội chính và các đoàn thể quần chúng nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Huyện đã chủ động truy quét và trấn áp một số phần tử phản cách mạng còn nhen nhóm. Tổ chức tốt mạng lưới an ninh nhân dân, từ đó phát hiện sớm tình hình và giải quyết kịp thời. Số vụ phạm pháp năm sau đều giảm so với năm trước. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được chú ý hơn.
Công tác quân sự địa phương đã làm tốt nhiệm vụ xây dụng lực lượng tại chỗ. Công tác tuyển quân liên tục đạt và vượt chỉ tiêu. Lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức tốt từ cơ quan đến tận ấp. Hằng năm tổ chức diễn tập quân sự cho lực lượng du kích các xã.
Huyện ủy tập trung chỉ đạo ngành chức năng và các xã thường xuyên tập trung truy quét bọn phản động đội lốt tôn giáo tuyên truyền gây chia rẽ dân tộc. Tổ chức truy quét và phá nhiều vụ cờ bạc, đá gà, giải tán nhiều ổ, băng nhóm tổ chức vượt biên.
5. Trong công tác vận động quần chúng
Quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động được thể hiện qua các cuộc bầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh các khóa. Hệ thống tổ chức Mặt trận ngày càng được củng cố. Tập trung xây dựng các tổ chức đoàn thể, phát triển đội viên, hội viên, đưa đoàn thể vào hoạt động có nền nếp.
Hội Nông dân thường xuyên vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh táng vụ, hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình, giữ vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng con người mới, nông thôn mới. Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện có 7 người, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã có 122 người. Toàn huyện có 4.332 hội viên.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thu được nhiều thành tích trong phong trào Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những công việc cụ thể như vận động chị em thực hành tiết kiệm, thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện có 19 người (trong đó 6 người dân tộc Khmer). Ban Chấp hành Hội Phụ nữ các xã có 119 người. Toàn huyện có 32.450 hội viên.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát huy vai trò xung kích làm chủ tập thể, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên có 9 ủy viên, Huyện đoàn có 37 chi đoàn. Hội Liên hiệp Thanh niên huyện có 15 hội cơ sở với 2.608 hội viên. Trong nhiệm kỳ II, Đoàn đã giới thiệu cho Đảng 118 đoàn viên ưu tú, có 76 đoàn viên ưu tú được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Công tác phát triển hội viên, đoàn viên của Hội Chữ thập đỏ huyện và Công đoàn huyện cũng có nhiều tiến bộ. Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện có 15 thành viên, 17 phân hội, 115 tổ hội với 2.161 hội viên (trong đó 714 hội viên là người dân tộc Khmer). Công Đoàn huyện có 879 hội viên/1.300 cán bộ công nhân viên, chiếm trên 60% tổng số cán bộ công nhân viên chức.
6. Trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền
Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ 1980-1982: Huyện ủy đã tập trung vào việc quán triệt Nghị quyết số 32- NQ/TW ngày 20-11-1980 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 10 và 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức, công tác tư tưởng trong giai đoạn cách mạng mới. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ II có 32 đồng chí, 11 ủy viên Ban Thường vụ. Đảng bộ có 38 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 25 chi bộ ngành, 13 đảng bộ xã. Có 449 đồng chí được nhận thẻ Đảng.
Phân loại cơ sở đảng: có 10 chi bộ loại I, 6 chi bộ loại II, 9 chi bộ loại III, không có chi bộ yếu kém; 3 đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh là Phước Hưng, Long Hiệp, Ngọc Biên; 5 đảng bộ đạt trung bình là Tập Sơn, Ngãi Xuyên, Tân Hiệp, Hàm Giang, An Quảng Hữu; 5 đảng bộ vững mạnh từng mặt là: Đôn Châu, Đại An, Đôn Xuân, Lưu Nghiệp Anh, Thanh Sơn.
Trong nhiệm kỳ 1980-1982, Ban Chấp hành Đảng bộ có một số hội nghị quan trọng để bàn về công tác lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng Đảng.
Trong hai ngày 05 và 06-7-1980, Thường trực Huyện ủy mở hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng. Tham dự hội nghị có 55 đồng chí, trong đó có 8 đồng chí là Thường vụ Huyện ủy, 18 đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành, 5 đồng chí là cán bộ hưu trí, 20 đồng chí là bí thư chi bộ các ban, ngành, đoàn thể và 14 đồng chí là đại biểu các xã. Hội nghị đánh giá: “Sau Đại hội Đảng khóa I và khóa II của Đảng bộ huyện, Đảng bộ đã cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy vào tình hình thực tế của huyện. Nhìn chung, từ đảng viên đến các chi bộ trong huyện đã xác định được nhiệm vụ chính trị nên trong thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều thành tích cao, nhất là trong chỉ đạo sản xuất, chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp, trong nông nghiệp, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước. Về an ninh, sau khi đập tan bọn bạo loạn ngày 16-11-1976, tình hình được ổn định, nhân dân an tâm sản xuất, nâng cao được một bước về đời sống”.
Từ ngày 26 đến 29-5-1981, Thường trực Huyện ủy tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng để triển khai Chỉ thị số 93-CT/TW về cải tạo nông nghiệp và triển khai một số mặt công tác trọng tâm của huyện. Tham dự Hội nghị có 56 đồng chí. Về dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Tiết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hội nghị đánh giá: “Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng bộ rất tự hào và phấn khởi chuyển sang thời kỳ quá độ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Cửu Long, Đảng bộ và nhân dân Trà Cú đã lập được nhiều thành tích đáng phấn khởi trên lĩnh vực nông nghiệp, dần dần ổn định đời sống nhân dân, an ninh chính trị xã hội được giữ vững; vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên và các tổ chức Đảng được nâng lên. Những thành tích đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội chứng minh Đảng bộ có nhiều chuyển biến mới từ nhận thức đến hành động. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tiết nhấn mạnh: “Từ đây đến cuối nhiệm kỳ II và trong nhiệm kỳ III và những nhiệm kỳ tới, Đảng bộ cần tập trung nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, mỗi đảng viên phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu, phải tận tụy với công việc được giao, không được chểnh mảng, lo hưởng thụ; tập trung chỉ đạo sản xuất, nâng cao mức sống của nhân dân, tập trung giải quyết nạn đói và dần dần xóa nghèo; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chỉ đạo tốt công tác cải tạo nông nghiệp, công thương nghiệp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ”.
Cuối năm 1982, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trà Cú tổ chức hội nghị sơ kết xây dựng Đảng trong 2 năm 1980-1981 nhằm kiện toàn các đảng bộ, chi bộ, ban ngành huyện và cơ sở. Về những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, hội nghị chỉ rõ: “Nhiều cán bộ còn băn khoăn trong cuộc sống, chạy theo kinh doanh cá thể, một số cán bộ bỏ việc, đấu tranh xây dựng nội bộ còn yếu, chưa tận tụy với công việc, một số đảng viên vi phạm trong quản lý kinh tế, do tác động tinh hình chung nên một số giáo viên xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác”.
Về công tác phát triển Đảng: Từ năm 1979 đến năm 1982, Đảng bộ đã phát triển được 227 đảng viên mới.
Năm 1980, Đảng bộ huyện được công nhận là “Huyện Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”.
Về xây dựng chính quyền: Đảng bộ đã lãnh đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII và Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II, Hội đồng nhân dân huyện, xã năm 1981. Hội đồng nhân dân huyện có 58 đại biểu, Ủy ban nhân dân huyện có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 1 ủy viên Thư ký. Hội đồng nhân dân xã có 719 đại biểu. Các tầng lớp nhân dân, các chức sắc tôn giáo luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với thành tích đạt được trong công tác tuyển quân, huy động lương thực, xây dựng tập đoàn sản xuất... Huyện được Hội đồng Chính phủ tặng 1 Huân chương Lao động hạng Hai và 1 Huân chương Lao động hạng Ba, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ tặng Lẳng hoa và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long tặng 42 Bằng khen.
Những kết quả đạt được và cả những hạn chế trong lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II đã tạo cơ sở để Đảng bộ Trà Cú bước vào xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1983-1985.

Chú thích:
1. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trà Cú lần thứ II (năm 1980-1981).
2. Xem: Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ (nhiệm kỳ 1980-1982) trong phần Phụ lục.
3. Nghị quyết Đại hội dại biểu Đảng bộ huyện Trà Cú lần thứ II, nhiệm kỳ 1980-1981, Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy.

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 252
  • Trong tuần: 3 619
  • Tất cả: 8754550

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn