Quân và dân Trà Cú đẩy mạnh chiến tranh nhân dân và tham gia tổng tiến công nổi đậy tết Mậu Thân, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy (1965-1968) (Tiếp theo)
3. Huyện Trà Cú trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968  

Cuộc phản công mùa khô năm 1966-1967 ở miền Nam trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ đã bị thất bại.
Quân và dân miền Bắc đã giáng trả có hiệu quả những cuộc ném bom bắn phá bằng hải quân và không quân của Mỹ, bắn rơi nhiều máy bay, bắt nhiều phi công Mỹ, đặt Mỹ trước tình thế bế tắc về chiến lược cũng như chiến thuật. Chi phí cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam ngày càng tốn kém, tất cả dồn vào tiền đóng thuế của dân Mỹ. Kinh tế Mỹ suy thoái, nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh, nội bộ giới cầm quyền dao động, chia rẽ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc Namara cũng ngỏ ý xin từ chức vì cảm thấy cuộc chiến tranh Việt Nam không có lốỉ thoát, không thể tìm được giải pháp chiến thắng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Tháng 12-1967, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp nhận định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”(1) , “địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”(2) . Bộ Chính trị quyết định: “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”(3).
“Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(4).
Bộ Chính trị đề ra 3 khả năng:
Khả năng 1: Ta thắng lớn buộc Mỹ phải chịu thua và phải thương lượng với ta để kết thúc chiến tranh.
Khả năng 2: Ta giành thắng lợi ở nhiều nơi, nhưng địch vẫn giữ được nhiều vị trí quan trọng (các đô thị lớn, nhất là Sài Gòn).
Khả năng 3: Mỹ tăng thêm quân, dùng lục quân đánh vào miền Bắc... mở rộng chiến tranh ra Đông Dương.
Phải nỗ lực phi thường giành thắng lợi cao nhất theo khả năng 1, nhưng sẵn sàng đối phó với khả năng 2, khả năng 3 rất ít, nhưng phải chuẩn bị đề phòng.
Trên thực tế, khi phổ biến xuống cấp dưới thì ta chỉ nói khả năng 1 với tinh thần một khả năng, một hướng là thành phố, thị xã.
Bộ Chính trị nói rõ, cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa “là một quá trình ta liên tục tiến công, truy kích, tiêu diệt và đánh đổ địch cả về quân sự và chính trị, đồng thời cũng là quả trình địch phản kích ác liệt để giành giật và chiếm lại những vị trí chiến lược quan trọng đã mất”(5).
Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 12-1967 đã được Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương biểu quyết thông qua tháng 1-1968 và lấy tên là Nghị quyết Quang Trung.
Trung ương Cục cụ thể hóa Nghị quyết Quang Trung bằng nghị quyết về Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, lấy miền Đông Nam Bộ (Khu 7) và Sài Gòn làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, Khu ủy Tây Nam Bộ (Khu 3) đề ra trọng điểm 1 là thành phố Cần Thơ, trọng điểm 2 là thị xã Vĩnh Long, còn toàn Khu chấp hành theo lệnh chung của trung ương, nổi dậy đánh địch và khởi nghĩa đồng loạt theo giờ quy định chung cho các chiến trường.
Cuối năm 1967, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục và Khu ủy Tây Nam Bộ, đồng chí Năm Vận, Khu ủy viên, thay mặt cho Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã về Trà Cú họp với Ban lãnh đạo Huyện ủy ở Rạch Bót, vùng căn cứ của ta ở Long Hiệp để kiểm điểm tình hình chung trong huyện.
Về tổ chức Đảng, đến cuối năm 1967, huyện đã có hơn 300 đảng viên. Các chi bộ đều đã trưởng thành trong công tác lãnh đạo và chiến đấu. Có 4 chi bộ “tự động” công tác là Long Hiệp, Đại An, Đôn Châu và An Quảng Hữu.
Về lực lượng vũ trang, huyện có 3 đại đội tập trung, không kể lực lượng du kích xã. Qua đấu tranh, các lực lượng đã có tiến bộ đáng kể, nhất là chiến thuật, kỹ thuật tác chiến được nâng cao; từ hợp đồng tác chiến giữa tỉnh và huyện, huyện và xã, hoặc giữa các xã với nhau đến độc lập tác chiến của từng huyện và xã.
Từ khi thành lập, lực lượng vũ trang và nửa vũ trang của huyện đã đánh mấy trăm trận chống càn, chống bình định lấn chiếm, đồng thời chủ động phục kích tiêu diệt ác ôn, tề, ngụy, chủ động đánh đồn, phá ấp chiến lược, góp phần đánh bại “quốc sách ấp chiến lược” của chúng. Đến cuối năm 1967, địch còn 89 đồn, chủ yếu là đồn đóng theo dọc lộ giao thông và những thị trấn chúng còn chiếm giữ và kìm kẹp.
Về phối hợp lực lượng các mũi, Đảng bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo đấu tranh, phối hợp giữa hai lực lượng chính trị, quân sự và ba mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận, do đó giữ được thế đấu tranh lâu dài, giành được hiệu quả cao và ít tổn thất. Tùy từng lúc, nhất là khi phong trào khó khăn, địch lập được nhiều đồn, nhiều ấp chiến lược nhưng cán bộ, đảng viên vẫn bám được vào dân và được nhân dân đã bảo vệ, nuôi nấng, giúp đỡ, do đó ta vẫn duy trì được cơ sở, phong trào.
Huyện luôn luôn được sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt là quan tâm đến việc củng cố và tăng cường cơ quan lãnh đạo huyện. Đảng bộ huyện cũng tích cực, chủ động tìm tòi qua thực tiễn đấu tranh, phát huy những sáng tạo của quần chúng, nhất là lãnh đạo giữ vững khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc và tôn giáo, đặc biệt giữa đồng bào Khmer và Việt, chống lại âm mưu hiểm ác của địch là thường xuyên lợi dụng, tranh thủ mua chuộc để chia rẽ khối đoàn kết đó.
Sau khi kiểm điểm tình hình chung của huyện, đồng chí Năm Vận phổ biến tinh thần quyết định của Trung ương Cục là chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa để huyện chủ động thực hiện, nhưng chưa nói nội dung cụ thể của nghị quyết.
Cuối tháng 01-1968, đồng chí Nguyễn Văn Tiết (Ba Trắng), Thường vụ Tỉnh ủy xuống họp với hai huyện Trà Cú và Cầu Ngang tại Long Hiệp để chuẩn bị cho Tết Mậu Thân và bàn kế hoạch thực hiện. Sau đó, Huyện ủy đã bàn với các đồng chí bí thư chi bộ xã để triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng chờ đợi giờ phát lệnh. Gần Tết, đồng chí Trần Lái, Tỉnh ủy viên tỉnh Trà Vinh được cử xuống trực tiếp lãnh đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Trà Cú.
Huyện ủy và Huyện đội quyết định thành lập một ban chỉ huy thống nhất. Ban này lập phương án tác chiến chung để kết hợp “hai chân, ba mũi” trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Ban chỉ huy chung đã phân công từng đồng chí phụ trách từng khối, từng mũi.
Khối quân sự có nhiệm vụ khi được lệnh thì chốp thời cơ, đánh chiếm ngay địa bàn trọng điểm là xã Lưu Nghiệp Anh và lấy đồn phòng vệ ấp Xoài Thum, tạo thế đứng ngay cửa ngõ quận lỵ để tiến đánh quận lỵ.
Kế hoạch như sau:
1. Lực lượng huyện và du kích xã Phước Hưng dùng ba mũi kết hợp đánh lấy đồn Đầu Giồng và đồn Gò Nóp, trong khi đó quần chúng bao vây tề xã Phước Hưng uy hiếp chúng đầu hàng. Nhiệm vụ này do đồng chí Nguyễn Văn Sơn (Sáu Hảo) và Giang Dốt (Năm Thành) phụ trách.
2. Du kích các xã Ngãi Xuyên, Lưu Nghiệp Anh và huyện lỵ có nhiệm vụ đánh đại đội pháo binh của quận, bao vây quận lỵ và chặn đánh không cho địch ứng cứu Phước Hưng, tạo thuận lợi cho đồng chí Sáu Hảo hoàn thành nhiệm vụ. Mũi này có nhiệm vụ đánh lấy các đồn Xoài Thum, Xoài Xiêm và Lộ Quẹo. Đây là mũi quan trọng, do các đồng chí Cô Văn Son, Ngô Thị Sang (Hai Nhung) phụ trách.
3. Mũi An Quảng Hữu do đồng chí Phạm Văn Tư (Ba Tâm) phụ trách, dùng lực lượng tại chỗ chiếm đồn, giải tán tề...
Các xã khác tự lực hành động, nhưng đều phải thống nhất theo giờ quy định của cấp trên.
Diễn biến cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa trên địa bàn Trà Cú:
Ngày 30 Tết âm lịch, đồng chí Bảy Tính, quyền Bí thư Huyện ủy tiếp đồng chí Hai Cửa, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh về Trà Cú họp hội nghị bất thường của Ban Thường vụ Huyện ủy. Hội nghị này đã mời tất cả các đồng chí huyện ủy viên và bí thư các xã chỉ đạo các mũi cùng dự. Đồng chí Hai Cửa phổ biến lệnh tổng công kích - tổng khởi nghĩa của cấp trên.
Vì nhận lệnh quá gấp, việc liên lạc khó khăn, tuy đã có thư cấp tốc gửi đi mời nhưng chỉ đạo các mũi về dự không đủ. Các đồng chí quyết định cứ thi hành theo phương án đã bàn.
Chiều 30 Tết, địch ra lệnh cấm trại binh lính. Bọn ác ôn đã được báo động trước để đối phó với ta.
Theo kế hoạch đã bàn, các đồng chí chỉ huy các mũi đã về vùng ruột như Hàm Giang, Đôn Châu, Ngãi Xuyên để móc nối, mời đại bộ phận binh sĩ ngụy ra ăn tết với ta, nhân đó ta phối hợp hành động. Nhưng nay kế hoạch đó bị đảo lộn.
Đêm 30 Tết, theo đúng giờ quy định, mũi Lưu Nghiệp Anh là mũi trọng điểm nổ súng đánh địch nhưng bị chúng phản kích dữ dội. Do đó ở mũi Xoài Thum, đồng chí Trần Lái không thực hiện được kế hoạch vì binh lính chẳng những không theo ta, không giao súng và phối hợp tiến đánh quận lỵ với ta mà còn cầm cự chống lại(6).
Riêng mũi tiến vào đồn Tà Níp (xã Lưu Nghiệp Anh) có sư sãi và gia đình binh lính đi đầu. Đồn trưởng lúc đầu không chịu hàng, ta dùng loa kêu gọi, anh em binh sĩ bỏ đồn tháo chạy.
Tại mũi Ngãi Xuyên, khi đồng chí phụ trách của ta vào, binh lính phản vận, không giao vũ khí mà lại dùng lựu đạn ném ra. Địch hăm dọa kìm kẹp các gia đình binh sĩ, cho nên các gia đình không liên lạc được với ta nữa.
Tại mũi An Quảng Hữu, đồng chí Ba Tâm gặp trở ngại ở đồn ấp Leng, Các đồng chí phải bắt chó của trưởng đồn, cột thư vào cổ, thả cho về bót. Binh sĩ thấy thư, rã ngũ bỏ về nhà.
Ở mũi quận lỵ, đồng chí chỉ huy cho anh em tiến vào, ém trong nội ô, đặt cối 60mm bắn vào quận lỵ, đã gây nhiều thiệt lại cho địch.
Còn mũi Hàm Giang, địch kiên quyết cố thủ, bắt 2 cán bộ của ta.
Mũi Phước Hưng, du kích và quần chúng có nổi dậy, nhưng không lấy được đồn.
Như vậy, ở Trà Cú do không có yếu tố bất ngờ nên không nhanh chóng giành được thắng lợi như dự kiến.
Ngày 10 tháng Giêng âm lịch, đồng chí Nguyễn Văn Tiết (Ba Trắng), Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh triệu tập họp Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Cú tại Ba Trạch (Long Hiệp), có các đồng chí Lý Thành Ký, Nguyễn Văn Sơn (Sáu Hảo), Cô Văn Son, Giang Dốt... tham dự, bàn chuyển hướng kế hoạch cũ, quyết định lấy xã Phước Hưng làm xã trọng điểm để cắt đường giao thông của địch. Đồng thời, cấp trên có lệnh huyện Trà Cú cung cấp cho tỉnh 1 đại đội địa phương, đại đội này sẽ phối hợp với du kích xã Phước Hưng thực hiện kế hoạch đề ra. Lần này đồng chí Ba Trắng trực tiếp chỉ huy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Trà Cú.
Ngay đêm 10-01 âm lịch, quân ta tập trung đánh đồn Trạm và đồn Long Trường. Địch hoảng sợ, rút chạy về Phước Hưng cố thủ.
Ngày 12-01 âm lịch, sau 2 ngày bị ta bao vây bức hàng, địch ở đồn Gò Nóp (Phước Hưng) đã xin hàng, nộp cho ta toàn bộ vũ khí.
Ta tiếp tục bao vây đồn chợ Phước Hưng. Một mặt, ta viết thư cảnh cáo tên Long, đại diện đồn Phước Hưng, mặt khác, ta huy động quần chúng nổi dậy hò reo, đốt lửa chung quanh cho khói thổi vào đồn. Một số lính địch rút chạy về liên hệ với đồn Ba Trạch thì bị ta dùng đại liên bắn khống chế, chúng phải đầu hàng nộp súng. Bị áp lực mạnh của quần chúng và bị quân ta bao vây đồn, đồn trưởng Phước Hưng điện xin cấp trên cho rút quân về đồn quận lỵ Ngã Ba.
Biết được ý đồ của địch, ta bố trí phục kích tại Chòm Chuối. 8 giờ tốì ngày 13-01 âm lịch, khi quân địch lọt vào ổ phục kích, ta nổ súng, diệt và bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí. Đây là trận thắng lớn hoàn toàn giải phóng xã Phước Hưng.
Thừa thắng, ngày 14-01 âm lịch, lực lượng vũ trang của ta có quần chúng xuống đường hỗ trợ đã phá hàng loạt đồn trên tuyến Bà Tây, Bến Thế, Đôn Chụm, Leng (An Quảng Hữu), Sóc Tro Giữa, bắt luôn những tên tề xã An Quảng Hữu, giải phóng xã Lưu Nghiệp Anh. Mũi Ngãi Xuyên gỡ các đồn Sóc Chà, Giồng Ông Thìn, Ba Tục. Lính bảo an đồn Ba Sát của Đôn Châu hoảng sợ, rút chạy.
Tính chung trong đợt 1 với 60 ngày của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quân và dân Trà Cú đã đánh trên 120 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 677 tên bảo an, dân vệ, tề xã, ấp, 1.366 phòng vệ dân sự rã ngũ, phá tan bọn tề ác ôn xã An Quảng Hữu, san bằng 54 đồn trên tổng số 63 đồn của toàn huyện, giải phóng hoàn toàn 3 xã là Phước Hưng, An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh. Ta thu 800 súng các loại, trong đó có 100 súng tự động, 30 trung liên, một số máy HTI, nhiều máy bộ đàm, quân trang, quân dụng…
Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, huyện Trà Cú đã đẩy mạnh việc sử dụng “hai chân, ba mũi” tiến lên bước cao, góp phần vào chiến thắng chung của cả nước. Với những chiến thắng trên, quân dân Trà Cú vinh dự được góp phần vào 8 chữ vàng “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” của Trung ương tuyên dương tỉnh Trà Vinh.

Chú thích:
1 , 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.29,tr.47-48, 50.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.29,tr. 50, 52.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.29,tr. 50, 52.

6. Theo lệnh chung, tiếng súng nổ vào đúng đêm 30 Tết âm lịch. Trước đây, lịch của ta và lịch của Trung Quốc trùng nhau. Nhưng có sự chỉnh lý lại, lịch ta sớm hơn 1 ngày. Khu Trị Thiên và Khu 5 nổ súng theo lệnh mới, cho nên sớm hơn Nam Bộ 1 ngày. Còn ở Nam Bộ đã có lệnh đổi  lịch, nhưng đến chậm nên Nam Bộ vẫn theo lịch cũ. Vì vậy thấy Khu 5 nổ súng, địch đề phòng, hủy lệnh ngưng bắn ngày Tết, cho gọi lính tề chuẩn bị đối phó. Do đó Nam Bộ không còn yếu tố bất ngờ nữa.

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 446
  • Trong tuần: 4 082
  • Tất cả: 8756681

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn