Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Trong những năm qua, nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, xuất phát từ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, Trà Vinh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo, cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về văn hóa. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về văn hóa gắn với đặc điểm tình hình của địa phương, phù hợp với đặc điểm văn hóa, dân cư trên địa bàn. Chính việc triển khai cụ thể, phù hợp thực tiễn, đặc trưng văn hóa địa phương nên công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã thu được những kết quả ấn tượng tạo tiền đề, sức mạnh cho sự phát triển mọi mặt trong đời sống xã hội của tỉnh.

 Kịp thời triển khai thực hiện

Trong suốt những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội nên Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo phát triển văn hóa, coi văn hóa là một mặt trận quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển của đất nước hướng đến năm 2045, theo đó xác định đến năm 2045 đất nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu trên, Đại hội XIII khẳng định “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh đối với 02 nghị quyết chuyên đề quan trọng về văn hóa: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 “về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đặc biệt, quán triệt Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI và sau đó là Kết luận 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về văn hóa; đưa nội dung phát triển văn hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết hàng năm của Tỉnh ủy; cụ thể hóa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Những kết quả quan trọng 

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tỉnh ban hành chỉ thị để chỉ đạo việc nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã văn hóa, “Ấp văn hóa, nông thôn mới”, “Gia đình văn hóa, nông thôn mới”. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình “Tuyên truyền đạo đức, lối sống trong gia đình” và các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Duy trì và tổ chức tốt các hoạt động của các đoàn thể. Hiện nay trên toàn tỉnh Trà Vinh có: 246.042/275.529 hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”; 630/756 “ấp, khóm văn hóa”; 74/85 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”, có 11 xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôi mới kiểu mẫu; 14/21 phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị”; 1.093/1.141 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 343 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng; 106 mô hình “Tuyên truyền đạo đức, lối sống trong gia đình”.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung, sửa đổi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ; ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 08 trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao (nhà văn hóa) cấp huyện; 98/106 nhà văn hóa, thư viện xã, phường, thị trấn và 731/756 nhà văn hóa ấp, khóm, cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chỉ đạo tổ chức thực hiện có bài bản, quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu các cấp, các ngành, cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thành 82 biểu hiện nhỏ hơn để dễ nhận diện, đánh giá; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chú trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế, tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện đúng pháp luật về kinh doanh...

Tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong quá trình thực hiện nghị quyết hàng năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; quan tâm xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh v.v…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Các cấp chính quyền và các ngành chức năng nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ tài năng đối với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; đề xuất Trung ương xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú (hiện tỉnh có 09 nghệ sĩ ưu tú; 08 nghệ nhân ưu tú); lập hồ sơ đề nghị công nhận các di tích, di sản văn hóa… trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa. Công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được các cấp ủy quan tâm lãnh, chỉ đạo; 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, đa phần đều qua đào tạo chính quy hoặc được đào tạo lại đạt trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó, có 1/3 cán bộ có trình độ đại học, số còn lại đều có trình độ nghiệp vụ từ trung cấp trở lên. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ được đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức. Tỉnh đầu tư xây dựng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh thành khoa trọng điểm quốc gia phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào Khmer Nam Bộ; thành lập Trung tâm Văn hóa miền Tây thuộc Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ… Các khoa, bộ môn, trung tâm nghiên cứu sau khi thành lập, đã chú trọng công tác đào tạo đội ngũ giáo viên, từng bước đi vào hoạt động nề nếp, thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, bảo tồn và truyền dạy về ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật cho nhân dân tỉnh Trà Vinh và khu vực Nam Bộ.

Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh là khoa trọng điểm quốc gia phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào Khmer Nam Bộ

Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn các khu di tích lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể. Hàng năm, tỉnh đảm bảo nguồn chi ổn định cho hoạt động văn hóa; huy động sự hỗ trợ của Trung ương, sự đóng góp của doanh nghiệp và Nhân dân để đầu tư cơ sở vật chất văn hóa phục vụ Nhân dân, khách du lịch.

Một số công trình, di tích trong tỉnh được trùng tu, tôn tạo, thực hiện vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị của tỉnh, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân, như: Ao Bà Om, di tích Đền thờ Bác Hồ, di tích Miếu Tiền Vãng…. Hàng  năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh, lễ Giỗ Bác Hồ, tuổi trẻ, phụ nữ tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ báo công dâng Bác, sinh hoạt, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Trà Vinh.

Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ ngành có liên quan, Trà Vinh bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, kịp thời lãnh, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ; chỉ đạo tổ chức, tuyên truyền các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có tổ chức, tuyên truyền các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ...

 Quan tâm công tác xây dựng con người Trà Vinh phát triển toàn diện. Chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ v.v…Để phục vụ nhiệm vụ phát triển con người, tỉnh cũng quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ các lĩnh vực, trong đó có xây dựng hệ thống trường lớp, trung tâm học tập cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 437 trường học, với 6.930 phòng học, 100% phòng học đạt kiên cố và bán kiên cố; 138 trường trường đạt chuẩn quốc gia; 106 trung tâm học tập cộng đồng... góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân trong tỉnh.

Quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Trà Vinh là vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc. Trải qua quá trình lao động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển, các thế hệ cha ông trên mãnh đất Trà Vinh đã tạo nên nhiều di sản văn hóa quý báu. Hiện nay tỉnh Trà Vinh có 01 bảo vật quốc gia, 05 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 48 di tích được xếp hạng. Thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, đồng thời khai thác các giá trị của di tích góp phần giáo dục truyền thống, lòng lòng yêu, tự hào dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân

Chú trọng phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch văn hóa, trong đó tập trung khai thác và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch thuận thiện, khai thác các di tích lịch sử văn hóa có tính giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, các sản phẩm đặc thù của địa phương:  khu du lịch sinh thái Cồn Chim, Cồn Hô; khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Biển Ba Động; Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ, Khu tưởng niệm Nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer...

Những hạn chế và giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như ngân sách dành cho đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật… còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Một số công trình, di tích cấp quốc gia xuống cấp nhưng chậm được hỗ trợ tôn tạo, trùng tu. Cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở một số xã, phường, thị trấn chưa phát huy hiệu quả. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tuy có nâng lên nhưng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận… của Trung ương về văn hóa; đồng thời khắc phục hạn chế, giải quyết tốt các vấn đề đang đặt ra đối với sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh, tỉnh Trà Vinh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là: Thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận… của Trung ương về văn hóa. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, toàn thể cán bộ đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong tình hình mới.

Hai là: Đẩy mạnh việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, con người Việt Nam thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể... Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, đạo đức, lối sống.... cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của tỉnh. Thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là: Tập trung thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng con người Trà Vinh theo các chuẩn mực giá trị văn hóa, con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, có ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và với quê hương Trà Vinh”, hướng đến “chân, thiện, mỹ”.

Bốn là: Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh. “Xây dựng mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống”. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. Xây dựng đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đầu tư, khai thác tối đa hiệu quả các thiết chế văn hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Khmer nhằm phát triển văn hóa, xây dựng con người Trà Vinh vừa mang đặc tính chung, vừa mang bản sắc đặc thù....

Năm là: “Chú trọng quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ngang tầm nhiệm vụ”. Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, mức đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa phải tương ứng với vai trò của nó trong sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước. Sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước đi đôi với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, với những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. “Quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Khuyến khích và có cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.”.

Sáu là: Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giới thiệu, quảng bá hình ảnh và văn hóa Trà Vinh ra thế giới. Hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường đến sự phát triển của văn hóa; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. “Duy trì, phát triển các loại hình văn hóa, bảo tồn, phát huy các di sản và giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh”. Đặc biệt là thực hiện tốt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, trong đó có mục tiêu “Gắn tăng trưởng kinh tế với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng con người, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 89
  • Trong tuần: 3 456
  • Tất cả: 8754387

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn