Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

 

Trong Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt quan điểm và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án 06/CP; tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương và thực hiện có hiệu quả Đề án 06/CP.

2. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP trong phạm vi, địa bàn được phân công phụ trách. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai toàn diện các nhiệm vụ Đề án 06/CP tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; kịp thời điều chỉnh các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm phù hợp tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức, doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là về quy trình, thủ tục, quy định để thực hiện chuyển đổi biện pháp, hình thức hoạt động theo hướng: Giảm dần phương pháp thủ công, truyền thống, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ - thông tin, phương tiện khoa học - kỹ thuật, thiết bị hiện đại phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06/CP.

- Khẩn trương giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc về hạ tầng, nhân lực, công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn... góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06/CP và hoàn thành các mục tiêu trong năm 2023, tạo nền tảng để thực hiện nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

- Bảo đảm dữ liệu dân cư và các dữ liệu khác phải được bổ sung, cập nhật theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, đảm bảo kết nối đồng bộ, thống nhất, góp phần hình thành kho dữ liệu của tỉnh. Đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ phát triển công dân số và hoàn thành hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

- Có chính sách tổng thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, chú trọng đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý số cho người đứng đầu, cán bộ chuyên trách; đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực cho cán bộ để tiếp nhận, quản lý, vận hành hệ thống hiệu quả.

- Ưu tiên bố trí ngân sách và có giải pháp linh hoạt trong quản lý tài chính, tài sản để triển khai nhanh, hiệu quả và đảm bảo tiến độ của Đề án 06/CP.

4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông định hướng, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền Đề án 06/CP để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đảm bảo công tác triển khai thực hiện Đề án 06/CP đồng bộ, hiệu quả; hướng dẫn các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng và gương mẫu thực hiện nghiêm các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06/CP; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về cư trú, đăng ký tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; xác định việc thực hiện Đề án 06/CP là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là bước đột phá để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số của tỉnh.

5. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động đoàn viên, hội viên tích cực tuyên truyền và gương mẫu trong sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; phân công các chi, tổ, hội, đoàn viên, hội viên nòng cốt, học sinh, sinh viên hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện các dịch vụ công trực truyến. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức hỗ trợ để người dân được tiếp cận với Internet và truy cập, sử dụng các dịch vụ công trực truyến được thuận lợi.

6. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp theo thẩm quyền, tổ chức triển khai và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

7. Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính; đẩy nhanh việc triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Định kỳ, hằng tháng báo cáo tình hình kết quả triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh, trong đó đánh giá cụ thể những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt; phê bình, kiểm điểm trách nhiệm những nơi thực hiện chưa tốt để chấn chỉnh, khắc phục và đề ra giải pháp thực hiện đạt hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này; báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an kịp thời.

8. Kiểm tra, rà soát, phân công cụ thể các công việc, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện Đề án số 06/CP và gắn với vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, địa phương trong tổ chức thực hiện.

9. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương đảm bảo thực hiện đồng bộ, kịp thời trong triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định: Qua triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP) nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về Đề án 06/CP được nâng lên; hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được tăng cường. Tỉnh đã triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với lĩnh vực chuyên ngành; hoàn thành tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 23 dịch vụ công... Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, khai thác thông tin được thuận lợi hơn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Một số đơn vị triển khai thực hiện Đề án 06/CP còn chậm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt trong triển khai, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của mình; cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện phục vụ công tác và nguồn lực chất lượng cao để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP ở một số nơi còn hạn chế; một số trang thiết bị đường truyền phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công có lúc chưa ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin; việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế...

Nguyên nhân hạn chế là: Cấp ủy, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo và chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06/CP trong chuyển đổi số quốc gia; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đồng bộ, kịp thời; kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức chưa cao, nên việc hướng dẫn nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa tốt; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới chỉ tập trung đẩy mạnh số lượng, mà chưa thật sự quan tâm về chất lượng dẫn tới số lượng dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ còn thấp; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; một số nơi công tác chỉ đạo, điều hành vẫn theo phương thức truyền thống, chưa đổi mới sáng tạo; công tác truyền thông về Đề án 06/CP chưa được quan tâm đúng mức, hành vi, ý thức của người dân, doanh nghiệp chưa chuyển biến mạnh mẽ.

Nguồn: Chỉ thị 35-CT/TU ngày 02/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 3 007
  • Tất cả: 8753449

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn