THÚC ĐẨY NGHỀ NUÔI, KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN THỦY SẢN GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH TRÀ VINH
Với lợi thế là một tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển 65km và tổng diện tích nuôi tôm vùng nước mặn, lợ ven biển khoảng 35.000 ha, trong thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng để thúc đẩy nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, góp phần phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh Trà Vinh đã tập trung các nguồn lực, chủ động tiếp thu công nghệ mới, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản; khai thác hiệu quả diện tích đất nuôi trồng thủy sản theo hướng giữ vững diện tích nuôi hiện có, tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; cải tạo hệ thống thủy lợi để nâng cao năng suất ở các vùng nuôi; giải quyết tốt kế hoạch sản xuất và nhập giống, thức ăn công nghiệp, phòng trừ dịch bệnh; phát triển nuôi đa loài, đa dạng hóa đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, nghêu, cá các loại,... Năm 2020, toàn tỉnh đã thả nuôi trên 61.260 ha thủy sản các loại (tăng trên 10.500 ha so cùng kỳ, đạt hơn 110% so kế hoạch) đạt hơn 110% so kế hoạch).

Khởi công xây dựng Trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao Thông Thuận  Ảnh: Dương Văn Hưởng

Sản lượng 153.212 tấn (tăng 14.417 tấn so cùng kỳ, đạt 104 % so kế hoạch). Các đối tượng thả nuôi như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, cá lóc, cua, nghêu, cá các loại,... Trong đó, các đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú: thả nuôi trên diện tích 24.890 ha. Sản lượng thu hoạch 13.639 tấn (đạt 113,7% kế hoạch); Tôm thẻ chân trắng: diện tích 9.178 ha. Sản lượng thu hoạch 55.964 tấn (đạt 114% kế hoạch); Cá tra: thả nuôi diện tích 13 ha. Sản lượng thu hoạch 4.694 tấn; Cá lóc: 536,8 ha, sản lượng 49.237 tấn. Nhìn chung các đối tượng nuôi chính đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy sản lượng đạt khá, nhưng mức thu nhập bình quân 01 ha đất nuôi tôm của tỉnh hiện nay chỉ mới đạt từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Nguyên nhân, phần lớn diện tích nuôi tôm trong tỉnh áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, quy mô nhỏ, còn hạn chế về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nên dễ bị rủi ro trước diễn biến bất lợi về thời tiết, môi trường nước. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã hoạch định chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản với mục tiêu đưa lĩnh vực nuôi tôm nước mặn và lợ trở thành ngành sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế biển của tỉnh nhà.

Cụ thể, Trà Vinh phấn đấu đạt giá trị sản xuất tôm trên 10.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 và tổng diện tích nuôi tôm nước mặn và lợ của toàn tỉnh đạt hơn 27.000 ha, tổng sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 87.000 tấn; trong đó, sản lượng tôm sú gần 18.650 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 51.990 tấn. Tốc độ tăng trưởng sản lượng tôm nuôi bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 5,34%/năm. Để đạt mục tiêu đề ra, Trà Vinh định hướng phát triển nuôi tôm nước mặn và lợ dựa trên khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu - xâm nhập mặn và lợi thế kinh nghiệm của người dân, chú trọng phát triển theo chiều sâu, gắn với việc quản lý chặt chẽ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặt khác, tỉnh sẽ giảm dần phương thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh để thay vào đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có chất lượng nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản tỉnh nhà.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, trong các năm qua, tỉnh Trà Vinh tập trung phát triển nghề khai thác thủy sản theo hướng hình thành các đội tàu có công suất lớn khai thác tại các ngư trường mới, xa bờ, giảm số tàu công suất nhỏ, khai thác gần bờ. Hiện tổng số tàu cá đã đăng ký trong toàn tỉnh là: 1.138 chiếc, với tổng dung tích: 16.913 tấn đăng ký, tổng công suất: 150.578 mã lực, tàu chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên là 12 chiếc; từ 15m đến dưới 24m là 248 chiếc, từ 12m đến dưới 15m là 311 chiếc, dưới 12m là 567 chiếc[1].

Tàu, thuyền tại Cảng cá Định An - Ảnh: Trường On

Để phát huy thế mạnh khai thác thủy sản tỉnh nhà, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã tập trung chỉ đạo phát huy tối đa năng lực đội tàu khai thác trong tỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí lại lực lượng, phương tiện khai thác giữa các vùng, các tuyến để nâng cao hiệu quả và năng suất khai thác, chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong ngư dân từ những nghề kém hiệu quả sang những nghề mới ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác, phục hồi một số nghề khai thác truyền thống không ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản; Đẩy mạnh công tác vận động ngư dân xây dựng hình thức tổ chức sản xuất thành lập tổ, đội hợp tác khai thác và liên kết dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; Công tác chỉ đạo sản xuất được gắn liền với tổ chức lại sản xuất, kịp thời hỗ trợ giúp đỡ ngư dân ổn định sản xuất trước những biến động về giá nhiên liệu, vật tư, giá bán sản phẩm.

Trong các năm qua, sản lượng thuỷ sản khai thác tương đối ổn định, có tốc độ tăng trưởng trung bình/năm cao và có khả năng tăng trưởng nhanh, nếu như có đầu tư và phát triển khai thác thủy sản hợp lý. Năm 2020 sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 75.949 tấn (đạt 88,62% so với kế hoạch). Trong đó: khai thác hải sản là 67.997 tấn (đạt 89,5 % so với kế hoạch); khai thác nội đồng là 7.952 tấn (đạt 82% so với kế hoạch).

Để hiện thực tốt mục tiêu tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển; tuân thủ các quy định quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; các Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá đạt chuẩn theo quy định.

Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh cũng tập trung phát triển nghề chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản của tỉnh, trước đây tỉnh Trà Vinh có 01 nhà máy chế biến tôm (Công ty cổ phần thủy sản Cửu Long) tổng công suất khoảng 12.500 tấn thành phẩm/năm trực tiếp thu mua chế biến xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh và vừa qua, nhà máy chế biến tôm xuất khẩu Thông Thuận Trà Vinh đã chính thức đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, xuất khẩu khoảng 4.500 tấn thành phẩm/năm, giá trị xuất khẩu từ 70 -100 triệu USD.

Năm 2020: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu mua 7.500 tấn thủy sản (tôm sú 420 tấn, tôm thẻ 7.080 tấn), chế biến 6.950 tấn, tiêu thụ 4.500 tấn, kim ngạch xuất khẩu 45 triệu USD và trong 08 tháng đầu năm 2021: Các doanh nghiệp trong tỉnh đã thu mua 3.563 tấn tôm (tôm sú 69 tấn, tôm thẻ 3.493 tấn), chế biến 3.416 tấn, tiêu thụ 1.859 tấn, kim ngạch xuất khẩu 20,9 triệu USD. Đồng thời, Trà Vinh cũng đã cấp 257 Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, với khối lượng chứng nhận trên 2.677 tấn thủy sản khai thác cho 4 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Để đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư cả về số lượng và quy mô, năng lực chế biến mặt hàng mới. Từ đó, từng bước đáp ứng nhu cầu và nâng cao sức cạnh tranh của thủy sản tỉnh Trà Vinh trên thị trường và góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh/ Nguồn: Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại

 



[1] Số liệu tính đến ngày 25/11/2021

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 100
  • Trong tuần: 3 787
  • Tất cả: 8756853

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn