DU LỊCH BIỂN TRÀ VINH – TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Với đường bờ biển dài 65km, Trà Vinh có nhiều thuận lợi phát triển giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thương mại dịch vụ, du lịch và giao lưu văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: du lịch biển là một trong những nội dung trọng tâm của vùng phát triển kinh tế biển[1]. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã tập trung, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, từng bước đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển.

Nguồn tài nguyên phong phú về du lịch biển

Ngành du lịch Trà Vinh có nhiều điều kiện để khai thác và phát triển du lịch biển. Ngoài hệ thống chùa chiền, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các di sản văn hóa, như di tích kiến trúc Chùa Âng, di thắng Ao Bà Om, lễ hội Ok-Om-Bok... phục vụ phát triển du lịch, Trà Vinh còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển:

Bãi biển Ba Động: Có chiều dài hơn 10 m, trải dài từ Vàm Láng Nước đến Vàm Khâu Lầu với những đụn cát, hàng phi lao và bãi cát trãi dài. Nơi đây, hiện còn nhiều khu rừng nguyên sinh được chăm sóc, bảo vệ; có hệ động thực vật đa dạng, gồm các loài đước, mắm, bần, dừa nước, tôm, cua, nghêu, sò huyết... Từ năm 2000, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa đã được quy hoạch và kêu gọi đầu tư với các hạng mục: du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng; sinh hoạt giải trí trên biển; du lịch cắm trại dã ngoại… Khu du lịch biển Ba Động, hiện nay Công ty Cổ phần Đầu tư Kiên Giang SG đang đầu tư xây dựng Khu tham quan du lịch nghỉ dưỡng Ba Động, với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng, trên diện tích 2,76 ha.

  Mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông - Long Thạnh: Chạy dài từ ấp Cồn Ông, xã Dân Thành đến khóm Long Thạnh, Phường 1, thị xã Duyên Hải được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước xét và phê duyệt ở cấp B (240 m3/ngày đêm), nhiệt nóng 37,5 độ, rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng… Đây là mỏ khoáng nước nóng duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

Rừng ngập mặn Nông trường 22/12: nằm ở xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, diện tích 105 ha, có nhiều hệ động vật như cua biển, tôm sú, tôm thẻ bạc, sò huyết, cá ngát, cá dứa, cá đối,…. Nông trường 22/12, được phê duyệt quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, với tổng mức đầu tư dự kiến 120 tỷ đồng…Tương lai nơi đây là điểm đến hấp dẫn của thị xã Duyên Hải.

Bên cạnh đó, thị xã Duyên Hải còn có các địa điểm có thể khai thác du lịch như Thiền Viện Trúc Lâm, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu.

Thiền viện Trúc Lâm tại thị xã Duyên Hải - Ảnh: Dương Văn Hưởng

Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển: tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, với diện tích khoảng 650 ha, đã được tỉnh đầu tư để khôi phục và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng ngận mặn ven biển, trong đó có quy hoạch lại các phân khu chức năng, mở rộng và phát triển rừng đệm, khu bảo tồn sinh thái, bảo tồn các giống thực vật quí hiếm… kết hợp phát triển nơi đây thành khu du lịch sinh thái tiêu biểu của của tỉnh.

Cù lao Long Hòa - Hòa Minh: Nằm trên giao thông đường thủy quan trọng của miền Nam và cửa Cổ Chiên - cửa biển lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Qua cửa biển này, chúng ta có thể ngược dòng sông Tiền lên các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang. Với những nét đẹp về văn hóa, vùng cù lao Long Hòa – Hòa Minh được đầu tư phát triển du lịch. Tháng 9/2019 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với huyện Châu Thành ra mắt và khai thác điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, xã Hòa Minh, có diện tích tự nhiên 60 ha, nằm giữa sông Cổ Chiên. Cù lao Long Hòa – Hòa Minh còn giữ được nhiều nét văn hóa của vùng quê Nam Bộ với cảnh quan môi trường thân thiện, không khí trong lành, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sạch. Cồn Chim mang tính đặc trưng là người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Du lịch cộng đồng Cồn Chim theo xu hướng “du lịch chậm”. “du lịch thuận thiên” phù hợp với mọi người, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và hưởng thụ của du khách. 

Song song đó, gắn liền với các điểm đến về du lịch biển còn có lễ hội Nghinh Ông (cúng biển) diễn ra vào các ngày 10, 11, 12/5 âm lịch hằng năm tại làng biển Mỹ Long, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng tầm tổ chức quy mô cấp tỉnh.

Với lợi thế có 65 km chiều dài bờ biển, tiềm năng rất lớn cho việc phát triển năng lượng tái tạo. Năm 2015, tỉnh Trà Vinh được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, tổng công suất điện gió của Trà Vinh đạt khoảng 1.608 MW. Hiện nay, Trà Vinh thu hút 09 dự án điện gió, cấp chủ trương đầu tư cho 08 dự án với tổng công suất là 570 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 27.336 tỷ đồng, 01 dự án đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư, mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo tiến độ thi công trong năm 2021 có 05 dự án sẽ hòa lưới điện quốc gia, các dự án điện gió đi vào hoạt động sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, du lịch, chụp ảnh…

Bên cạnh đó, các cù lao, cồn nổi nằm cách bờ biển từ 5-10km ra ngoài khơi, có diện tích từ 700ha - 1.000ha chạy song song với chiều dài của bờ biển gồm: Cồn phụng, cồn bần, cồn nghêu, cồn vượt, đặc biệt các dự án của hợp tác xã nuôi nghêu trên bãi bồi ven biển, tại các cồn nổi... đây là nguồn tài nguyên lý tưởng để tỉnh phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm cuộc sống cùng người dân thu hoạch nghêu, thưởng thức đặc sản miền biển.

Thu hoạch nghêu tại bãi biển xã Hiệp Thành, thị xã Duyên Hải - Ảnh:  Lâm Hữu Phúc

Với những tiềm năng và lợi thế nêu trên, Trà Vinh có điều kiện để phát triển du lịch biển, hướng đến trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Để du lịch biển phát triển và đóng góp tích cực vào kinh tế biển, cần quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Giải pháp phát triển du lịch biển Trà Vinh

Thứ nhất, các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch biển Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định du lịch biển là một trong những nội dung trọng tâm của vùng phát triển kinh tế biển.

Thứ hai, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch biển, kết hợp sử dụng ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu tại các khu du lịch đã quy hoạch của tỉnh, xã hội hóa đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm như: Mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông - Long Thạnh, rừng ngập mặn Nông trường 22/12, Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển… Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn, khu resort từ 3 sao trở lên, các điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, điểm du lịch cộng đồng (homestay), điểm mua sắm đáp ứng yêu cầu cho việc khai thác du lịch.

Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển và hướng tới sản phẩm có giá trị cao, ưu tiên phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng biển chất lượng cao. Bên cạnh đó, với định hướng đưa biển trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tỉnh Trà Vinh cần tập trung đầu tư phát triển các loại hình thể thao trên biển như: mô-tô nước, lướt ván, dù lượn… cùng một số các dịch vụ bổ sung làm tăng thêm sức hấp dẫn cho biển. Đầu tư xây dựng bãi tắm du lịch kiểu mẫu; nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, nhà hàng ven biển; hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí, khu ẩm thực vùng biển và các dịch vụ phục vụ khách khu vực ven biển…; hình thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch nghỉ tại nhà dân (hometay), du lịch gắn với nông nghiệp, nông trại nuôi trồng thủy hải sản (farmstay); gắn phát triển du lịch kết hợp với tham quan công trình điện gió, tham quan nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải.

Thứ tư, tuyên truyền đổi mới, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch biển của tỉnh, xem du lịch biển là ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch biển, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch biển. Thành lập Hiệp hội du lịch tỉnh để liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin phục vụ tốt cho khách du lịch. Triển khai sắp xếp lại các doanh nghiệp trên địa bàn theo hướng chuyên môn hoá. Thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và các quy định của nhà nước. Tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.

Thứ sáu, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng kế hoạch, tổ chức và triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố. Tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch trong và ngoài nước.

Thứ bảy, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch của tỉnh gồm các ngành như: Dịch vụ du lịch và lữ hành, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống; đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý; tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các cơ sở, các dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch.

Phát triển du lịch biển trong thời gian tới là nhân tố quyết định sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh việc khắc phục những thiếu sót bất cập, ngành du lịch của tỉnh cần xây dựng đề án về phát triển du lịch biển, lập quy hoạch tổng thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực đầu tư khai thác các dự án về du lịch biển… nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh quốc gia, hỗ trợ phát triển, làm tốt công tác chiến lược phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược sản phẩm trên cơ sở dự báo đúng, phù hợp với từng loại thị trường… góp phần thúc đẩy du lịch biển phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Trà Vinh.

 Tác giả Lâm Hữu Phúc/Nguồn: Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại

                                                                                


[1]  Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI xác định 03 vùng kinh tế trọng điểm gồm: vùng phát triển kinh tế biển, vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, vùng phát triển kinh tế đô thị

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 16
  • Hôm nay: 246
  • Trong tuần: 23 923
  • Tất cả: 8726455

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn