TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ - PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CẢNG BIỂN, DỊCH VỤ VẬN TẢI BIỂN, LOGISTICS TỈNH TRÀ VINH
Trà Vinh là tỉnh ven biển, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với chiều dài bờ biển 65 km, mặt giáp biển thông qua hai cửa biển chính là cửa Cung Hầu và cửa Định An, vùng bờ biển Trà Vinh có độ sâu tốt hơn trong toàn dải bờ biển vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, khoảng cách từ bờ biển của vùng biển Trà Vinh đến vùng nước có độ sâu khoảng 10m ngắn nhất so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, công trình trọng điểm Quốc gia Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu được Trung ương đầu tư đã trở thành tuyến hàng hải quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long thông thương ra biển Đông với cả nước và là cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế. Bên cạnh đó, với việc phê duyệt xây dựng Khu kinh tế Định An, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo cho Trà Vinh có lợi thế để trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó việc đầu tư cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, phát triển ngành công nghiệp cảng biển, dịch vụ vận tải biển, logistics là những ngành có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển Trà Vinh.

Độ sâu thềm biển khu vực Duyên Hải - Trà Vinh và vùng lân cận - Ảnh Kỷ yếu Hội thảo khoa học khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh.)

Về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp cảng biển và vận tải biển

Trong những năm qua, nhiều dự án lớn, mang tính đột phá được đầu tư trên địa bàn tỉnh góp phần làm cho giao thông vận tải biển, công nghiệp cảng biển trở thành một trong những thế mạnh đặc thù của tỉnh. Trong đó, Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải lưu thông đến cảng Cái Cui - Cần Thơ và cả Vương Quốc Campuchia qua sông Hậu.

Lợi thế đó, càng rõ nét hơn khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg vào ngày 22/9/2021, về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cảng biển Trà Vinh được phân vào nhóm 5 và là 1 trong 15 cảng biển loại I (cả nước có 02 cảng đặc biệt). Trong đó,  khu bến Duyên Hải - Định An có mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh và vùng đồng bằng sông Cửu Long là cảng tổng hợp, container, hàng lỏng/khí cho tàu có trọng tải đến 50.000 tấn hoạt động; cảng biển Trà Cú - Kim Sơn là cảng tổng hợp cho tàu có tải trọng đến 20.000 tấn hoạt động.

Cảng Định An đang triển khai thi công, là cảng biển lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, theo quy hoạch Cảng biển này có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn. Cảng tổng hợp Định An có những tiềm năng cơ bản cho ngành công nghiệp cảng biển Trà Vinh phát triển có rất nhiều tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế và các loại hình dịch vụ biển. Đây được xem là cửa ngõ huyết mạch, duy nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Cảng Định An trong đê chắn sóng có điều kiện để phát triển thành hệ thống cảng với khả năng tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 160.000 tấn (hoặc hơn, nếu nối dài đê chắn sóng và nạo vét sâu hơn). Hướng vào trong đất liền, cảng kết nối thuận lợi với các tỉnh/thành trong nội địa (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh...) và cả Vương quốc Campuchia qua sông Hậu.

Bến cảng Duyên Hải được bao bọc bởi hai đê chắn sóng, Ảnh Kỷ yếu hội thảo khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển Trà Vinh…

Bên cạnh đó, Trung ương đã chỉ đạo hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long với việc hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển để bảo đảm nhu cầu lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa cho toàn vùng. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài đường thủy hơn 15.000km, gần 60 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy nội địa. Việc khai thác tối đa hiệu quả lợi thế các cảng thủy nội địa với cảng biển cửa ngõ như cảng Định An, cảng Trà Cú - Kim Sơn sẽ giúp toàn vùng tăng trưởng vượt bậc về kinh tế. Với thế mạnh về sản phẩm nông sản, thủy sản, khu vực này không những cần những “trạm trung chuyển” cỡ lớn để tạo sức bật mà còn cần một trung tâm logistics để tạo đà cho sự phát triển kinh tế -xã hội cho toàn vùng trong thời gian tới. Khi đó hàng hóa xuất, nhập khẩu trong vùng sẽ được đưa thẳng bằng đường biển đến các cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, góp phần làm giảm giá thành vận tải, chi phí logistics và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa; giảm tải cho hệ thống đường bộ và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, nhu cầu của vùng là vô cùng lớn đối với ngành logistics Trà Vinh.

Ngành dịch vụ cảng biển được coi là một trong những ngành định hướng phát triển tương lai tại tỉnh Trà Vinh tới đây. Đến nay, ngoài chủ trương, chính sách, pháp luật quy định quốc gia và quốc tế đối với các hoạt động phát triển ngành, tỉnh Trà Vinh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nền tảng cơ bản để kiến thiết cho việc hình thành, thu hút và phát triển ngành dịch vụ cảng biển tại tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.

Cùng với sự phát triển của các cảng biển, trên địa bàn tỉnh, khu kinh tế Định An với diện tích quy hoạch 39.020 ha, là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước và là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực có sự kết nối quan trọng với các hoạt động của các cảng biển được xây dựng, khu bến Trà Cú, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, tuyến vận tải thuỷ nội địa chính cấp đặc biệt là Cửa Định An - Ngã ba Tân Châu - An Giang - Campuchia,... sẽ được xây dựng. Ngoài Khu Kinh tế Định An, các Khu Công nghiệp Cầu Quan, Cổ Chiên, Long Đức và các Cụm Công nghiêp mới hình thành như Sa Bình, Tân Ngại, Phú Cần và Hiệp Mỹ Tây sẽ là tiền đề cơ bản để thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển.

Cùng với hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông nói riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long từng bước được đầu tư làm mới, nâng cấp mở rộng và ngày càng liên thông, liên kết như:  Mạng lưới giao thông đường bộ với các Quốc lộ Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 60, hệ thống cầu Cổ Chiên, Hàm Luông, Rạch Miễu và sắp tới là cầu Đại Ngãi sẽ cho phép kết nối vùng Duyên Hải với các địa phương khác một cách thuận lợi. Các tuyến đường giao thông này góp phần đảm bảo kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển của tỉnh.

Tiềm năng dịch vụ logistics

Hiện nay, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển của ngành dịch vụ logistics luôn được xem như là tiền đề để gắn kết hiệu quả giữa sản xuất hàng hoá, xuất nhập khẩu, thương mại trong nước và quốc tế. đồng bằng sông Cửu Long có vị trí khá đặc biệt, nằm trong hành lang kinh tế ven biển trong tiểu vùng sông Mekong đi từ Myanmar qua Thái Lan, Campuchia đến Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long được còn coi là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp đến 95% lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng cá xuất khẩu; 70% sản lượng trái cây của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2019). Hằng năm, tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu của vùng khoảng 19 - 20 triệu tấn, trong đó riêng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu chiếm đến trên 80%, với sản lượng trung bình khoảng 15-16 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hơn 70% hàng hóa xuất khẩu này phải chuyển tải về các cảng lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ (nhóm cảng số 5) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến (Bộ Công thương, 2018). Thực trạng này khiến tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên trên các tuyến giao thông kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp ở nhiều địa phương chủ yếu sử dụng phương thức vận tải bằng đường bộ. Điều này làm cho chi phí vận chuyển cao; hàng hóa, thủy hải sản, nông sản giảm chất lượng do vận chuyển xa trong thời gian dài làm sản phẩm của Việt Nam khó cạnh tranh được với thị trường quốc tế. Do đó, việc đầu tư Cảng đầu mối có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa cho đồng bằng sông Cửu Long trực tiếp với các thị trường là nhu cầu cấp thiết, để giảm chi phí vận chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, đồng thời Cảng đầu mối này sẽ là động lực cốt lõi trong  phát triển hành lang giao thông vận tải ven biển, hành lang logistics của Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, sự phát triển của cảng biển sẽ tạo động lực cho phát triển khu vực sau cảng (hinterland) thành các trung tâm công nghiệp chế biến, trung tâm logistics, dịch vụ cảng biển gồm hệ thống kho tàng, bến bãi, vận tải, hệ thống thông quan để thực hiện các hoạt động gia tăng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu trong vùng, đồng thời kết nối được với các đầu mối và phương thức vận tải khác, góp phần đưa hàng hóa, nông sản của Trà Vinh, các tỉnh trong khu vực ra nước ngoài và nhập khẩu hàng hóa thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là lợi thế tiềm năng cho các doanh nghiệp Logistics lớn tìm đến đầu tư để khai thác thị trường cũng như tiềm năng vô cùng to lớn ở tỉnh Trà Vinh.

Bản đồ cơ sở hạ tầng thị trường logistics tại tỉnh Trà Vinh (Nguồn: Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Trà Vinh)

Trong chiến lược đánh giá tiềm năng logistics tỉnh Trà Vinh cho thấy, tại cảng biển tỉnh Trà Vinh, tổng nhu cầu hàng hóa thông quan vào khoảng 9,27-10,6 triệu tấn/năm và đến năm 2030 là khoảng 14,6-16,9 triệu tấn/năm (bao gồm than nhập cho Trung tâm Điện lực Duyên Hải). Trong đó, (1) Khu bến Định An tiếp nhận tàu 50.000 tấn (02) Khu bến Trà Cú (trên sông Hậu) tiếp nhận tàu 10.000- 20.000 tấn bao gồm dịch vụ hậu cảng, đầu tư thiết lập mới 01 bến phao chuyển tải cho tàu trọng tải 10.000-20.000 tấn. Năng lực thông quan năm 2020 khoảng 0,75-1,0 triệu tấn/năm, đến năm 2030 là khoảng 0,8-1,0 tấn/năm; Đây là 02 cảng được Chính phủ quyết định phê duyệt là cảng tổng hợp, container tiềm năng cho tàu trọng tải lớn làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp của đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống cơ sở hạ tầng logistics của tỉnh đang trong quá trình phát triển nhanh với các phương thức vận tải chủ đạo là đường bộ và đường thủy nội địa. Hiện nay, toàn tỉnh có ba tuyến Quốc lộ 53, Quốc lộ 54 và Quốc lộ 60 với tổng chiều dài 246,8 km; có 06 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 222 km và 42 hương lộ với tổng chiều dài 454 km. Trong tương lai gần, khi cầu Đại Ngãi được đi vào hoạt động, kết nối 02 tỉnh  Trà Vinh và Sóc Trăng, giúp hoàn thiện chuỗi công trình kết nối toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long thì khoảng cách di chuyển từ các tỉnh phía Nam của đồng bằng sông Cửu Long đi TP. Hồ Chí Minh qua Quốc lộ 60 sẽ được rút ngắn đáng kể  (khoảng cách ngắn nhất hiện tại giữa Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh là 180 km).

Cùng với đó, theo Đề án thành lập Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ tại tỉnh Trà Vinh (địa điểm xây dựng tại Khu kinh tế Định An) phấn đấu đưa tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm chế biến nguyên liệu nông, lâm, thủy sản thành sản phẩm, hàng hóa cuối cùng đáp ứng nhu cầu cho khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ; có kho lưu trữ nguyên liệu và là nơi có khả năng tiêu thụ tất cả nguyên liệu nông, lâm, thủy sản của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; có các nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị y tế gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long …. Đây là những bước chuẩn bị của tỉnh Trà Vinh hoàn toàn khả thi trong khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Logistics của khu vực này.

Khẳng định vấn đề này, trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra mục tiêu định hướng xác định kinh tế biển là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Trà Vinh phải đi lên từ kinh tế biển, lấy kinh tế biển và Khu Kinh tế Định An làm nền tảng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, phát triển công nghiệp cảng biển, vận tải biển và logistics tỉnh Trà Vinh là những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển với các định hướng chiến lược:

- Tập trung huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng quan trọng Khu kinh tế Định An, phát triển các khu công nghiệp trong Khu kinh tế như: Khu công nghiệp Đôn Xuân - Đôn Châu; Khu công nghiệp Định An và các phân khu chức năng trong Khu kinh tế như: Khu ngoại quan; khu phi thuế quan; hệ thống phân phối hàng hóa...; đầu tư một số hạng mục Khu Dịch vụ - công nghiệp Ngũ Lạc để thu hút đầu tư; phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở phát triển cảng biển và Khu kinh tế Định An. Tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính xúc tiến nhanh việc thành lập Chi cục Hải quan tại tỉnh, tạo thuận lợi cho việc làm các thủ tục và nộp thuế xuất, nhập khẩu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa qua Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.

- Kiến nghị Trung ương xác định đầu tư cảng biển Trà Vinh, với trọng tâm là cảng nước sâu, trở thành cửa ngõ biển để kết nối với các các tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và thế giới; kêu gọi đầu tư cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với hệ thống cảng biển được phê duyệt, bao gồm kết nối vùng ven biển Bến Tre qua cầu Bãi Vàng, Trà Vinh.

- Tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai trước năm 2030 đối với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, kết nối với Dự án cầu Đại Ngãi, phát triển tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; kiến nghị mở rộng và sớm triển khai tuyến cao tốc từ cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng), Đồng Tháp đến Khu kinh tế Định An (huyện Trà Cú), huyện Duyên Hải, Trà Vinh; tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch, khôi phục sân bay Long Toàn cho mục đích lưỡng dụng (dân sự và quốc phòng), đầu tư cho cảng nước sâu nhằm hướng đến các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không, tạo động lực phát triển các thành phần kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

- Kiến nghị Chính phủ đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng hệ thống logistics; kêu gọi, thu hút đầu tư và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về cảng biển và năng lực đầu tư về hạ tầng như Tân Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Becamex; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển, kết nối với các đối tác quốc tế tiềm năng như thành phố Aichi - Nhật Bản, thành phố Halifax của tỉnh bang Nova Scotia - Canada  để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm về kinh tế biển.

- Nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với Khu kinh tế Định An để thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng (điện năng lượng mặt trời, điện gió, dự án điện VIII), phục vụ phát triển kinh tế biển. Khuyến khích khôi phục các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống chế biến thủy - hải sản.

- Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics trong phát triển kinh tế biển bảo đảm đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng và ngày càng được nâng cao; Chú trọng nâng cao những kĩ năng mềm cho đội ngũ nhân lực logistics về ngoại ngữ, tin học, giao tiếp ứng xử.

Kinh tế biển là ngành kinh tế quan trọng, là nền tảng trọng yếu, lâu dài  đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Do đó, việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững là những nhiệm vụ quan trọng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI là xây dựng Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai không xa./.

Trần Quốc Tuấn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh Trà Vinh

Nguồn: Ban chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh Trà Vinh

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 2341
  • Trong tuần: 26 018
  • Tất cả: 8728550

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn