CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN SAU 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH
Vào tháng 6/1992, ngành Y tế tỉnh Trà Vinh được thành lập. Khi mới thành lập, ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết trụ sở làm việc bị xuống cấp, chật hẹp và không đủ để bố trí nơi làm việc cho một số đơn vị trực thuộc. Sở Y tế phải sắp xếp lại biên chế, tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc và hệ thống y tế của ngành, đồng thời động viên toàn bộ cán bộ, nhân viên ngành Y tế quyết tâm thực hiện đạt kế hoạch đề ra.

 Về cơ sở khám chữa bệnh: Năm 1992, toàn tỉnh có 91 cơ sở y tế công lập, với 960 giường bệnh, đạt 10,61 giường bệnh/vạn dân (không kể giường bệnh Trạm Y tế xã, phường), Bệnh viện đa khoa tỉnh được chuyển đổi từ Bệnh viện đa khoa khu vực Trà Vinh (tỉnh Cửu Long) với 400 giường, là trung tâm điều trị cao nhất của tỉnh, cơ sở đã xuống cấp trầm trọng, phương tiện phục vụ cho công tác khám chữa bệnh quá thiếu, lại lạc hậu, hư hỏng nhiều, làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám và điều trị bệnh. Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Trà Vinh (100 giường) được giữ nguyên cơ sở từ thời tỉnh Cửu Long (tại ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành) chỉ có khu nhà hành chính được xây dựng cơ bản, còn lại khu khám và điều trị bệnh đều bằng tre lá, gây rất nhiều khó khăn trong khám và chữa bệnh. Tuyến cơ sở, có 07 Bệnh viện huyện và 07 phòng khám đa khoa khu vực (tổng số có 460 giường) đa số được xây dựng bán kiên cố; cùng với 75 Trạm Y tế xã, phường, đạt 100% xã, phường có TYT, trong đó có khoảng 60% TYT được xây dựng cơ bản, các TYT còn lại được xây dựng bán cơ bản, hoặc bằng tre lá.

Về tổng số cán bộ, nhân viên ngành y tế: có 1.512 người, trong đó: 153 bác sĩ, 10 dược sĩ đại học, 50 dược sĩ trung học, 598 y sĩ, số còn lại là cán bộ khác; đạt 1,69 bác sĩ/vạn dân và 0,11 dược sĩ đại học/vạn dân.

Công tác khám bệnh, chữa bệnh được 420.751 lượt người, bình quân mỗi người dân được khám chữa bệnh 0,46 lần/năm; thực hiện tốt công tác phòng bệnh, bao gồm: kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, chương trình thuốc chủ yếu và trang thiết bị, chương trình lồng ghép (như: lao, phong, mắt hột, vệ sinh môi trường, PAM, suy hô hấp cấp, thiếu hụt vitamin A, tiêu chảy,…) và các hoạt động chuyên môn khác của ngành Y tế.

Trước những khó khăn của ngành y tế trong những ngày đầu tái lập tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo tranh thủ các nguồn vốn để tăng cường tranh thiết bị, dụng cụ y tế cho các bệnh viện và trạm xá trong tỉnh; nâng cấp trạm y tế cơ sở; tăng cường chất lượng điều trị ở bênh viện tỉnh, huyện. Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đủ sức đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó, kết quả sau 10 năm tái lập tỉnh (năm 2002): ngành y tế đã củng cố, kiện toàn, phát triển cơ sở y tế, kết quả có 101 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập, với 960 giường bệnh, đạt 9,45 giường bệnh/vạn dân (không kể giường bệnh Trạm Y tế xã, phường); gồm có: Bệnh viện đa khoa tỉnh (400 giường), Bệnh viện Y học cổ truyền (60 giường), 06 bệnh viện huyện (350 giường), 14 phòng khám đa khoa khu vực và 79 trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Tổng số cán bộ, nhân viên ngành y tế có 1.601 người; trong đó có: 294 bác sĩ, 19 dược sĩ đại học, 59 dược sĩ trung học, 515 y sĩ, số còn lại là cán bộ khác; đạt 2,89 bác sĩ/vạn dân và 0,19 dược sĩ đại học/vạn dân. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh được 842.041 lượt người, bình quân mỗi người dân được khám chữa bệnh 0,83 lần/năm; thực hiện tốt công tác phòng bệnh thông qua các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS gồm có: Dự án phòng, chống bệnh sốt rét, lao, phong, tiêm chủng mở rộng, sốt xuất huyết, suy dinh dưỡng trẻ em, HIV/AIDS, bướu cổ, bảo vệ sức khỏe tâm thần và vệ sinh an toàn thực phẩm; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) chiếm 29,7%.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Duyên Hải - Ảnh: Bá Thi

Giai đoạn 2002-2012: Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học dân tộc, Bệnh viện đa khoa khu vực, Bệnh viện tuyến huyện; xây dựng Bệnh viện Lao, Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nâng cao tinh thần y đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế trong công tác phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân. Kết quả đến năm 2012 (sau 20 năm tái lập tỉnh):

- Toàn tỉnh có 119 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập, với 1.620 giường bệnh, đạt 15,92 giường bệnh/vạn dân; gồm có: Bệnh viện đa khoa tỉnh (500 giường), Bệnh viện Y học cổ truyền (100 giường), Bệnh viện Lao và bệnh phổi (100 giường), BVĐKKV Cầu Ngang được xây dựng mới và đưa vào hoạt động tháng 12/2011 với quy mô lúc đầu 200 giường đến nay 260 giường; BVĐKKV Tiểu Cần được xây dựng mới và đưa vào hoạt động tháng 12/2011 với quy mô lúc đầu 200 giường, đến nay nâng lên 270 giường; Bệnh viện Quân Dân y (50 giường), 05 Bệnh viện huyện (470 giường), 15 phòng khám đa khoa khu vực và 93 trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

Để nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người dân, tỉnh tiếp tục cho chủ trương xây dựng 02 Bệnh viên chuyên khoa: Tháng 11/2013, Bệnh viện Lao và bệnh phổi - tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành được đưa vào hoạt động, với 100 giường bệnh, hiện trở thành Bệnh viện dã chiến số 1, có nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh Covid-19 nặng trên địa bàn tỉnh. Tháng 12/2014, Bệnh viện Sản - Nhi có địa chỉ tại ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2014, với giường bệnh lúc đầu chỉ có 50 giường bệnh dành riêng cho Nhi khoa; đến tháng 8/2015 triển khai thêm khối Sản khoa, nâng tổng số giường bệnh viện lên 200 giường, đến nay 260 giường bệnh. Tháng 01/2019, Bệnh viện Đại học Trà Vinh được thành lập với 50 giường bệnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm Bệnh viện Dã chiến số 5, huyện Càng Long - Ảnh: Kim Loan

Tổng số cán bộ, nhân viên ngành y tế có 3.205 người; trong đó có: 521 bác sĩ, 47 dược sĩ đại học, 336 dược sĩ trung học, 648 y sĩ, số còn lại là cán bộ khác; đạt 5,12 bác sĩ/vạn dân và 0,46 dược sĩ đại học/vạn dân.

Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh được 1.950.267 lượt người, bình quân mỗi người dân được khám chữa bệnh 1,92 lần/năm; tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh như: Cúm A(H5N1, H1N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, quai bị; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) còn 16,9%.

Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh kỹ thuật cao của nhân dân trong tỉnh. được sự hỗ trợ của Trung ương, tháng 12/2018, Bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Trà Vinh được khởi công xây dựng có tổng diện tích sàn hơn 57.000m2, với quy mô 700 giường, gồm 9 tầng và một tầng kỹ thuật, khối nhà phụ trợ, khu kỹ thuật cao,… với kinh phí 1.600 tỷ đồng

Phối cảnh bệnh viện 700 giường Trà Vinh

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Y tế và sự tích cực hỗ trợ của các Sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ ngành y tế toàn tỉnh, sau 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022) ngành Y tế tỉnh Trà Vinh đạt được thành quả sau:

- Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân, đạt : 25,46 giường.

- Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân, đạt           : 9 bác sĩ.

- Tỷ lệ xã có trạm y tế                 : 100%

- Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ: 100%.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi): còn 5,0%

So với năm đầu tái thành lập, hiện nay hầu hết các cơ sở y tế đều được đầu tư xây dựng mới, khang trang, đảm bảo đủ khoa/phòng cho từng đơn vị hoạt động tốt. Về trang thiết bị Y tế đã được đầu tư trang bị mới trên 70% danh mục Bộ Y tế quy định, Bệnh viện đa khoa tỉnh được trang bị tương đối hiện đại tương ứng với Bệnh viện loại II như: Máy chụp cắt lớp điện toán, máy MRI, máy siêu âm, máy chạy thận nhân tạo, máy tán sỏi ngoài cơ thể,… Qua đó đã nâng cao chất lượng điều trị, tạo điều kiện chẩn đoán chính xác, xử lý kịp thời các ca bệnh mà  trước đây phải chuyển lên Bệnh viện tuyến trên để điều trị, nhất là các trường hợp chấn thương sọ não; đồng thời giúp cho người bệnh giảm được rất nhiều chi phí khi phải đi chữa bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ cắt băng khánh thành Phòng can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh - Ảnh: Internet

Công tác khám chữa bệnh: Tuyến tỉnh và huyện đều có đội ngũ cán bộ có trình độ đại học, sau đại học như Chuyên khoa I, Chuyên khoa II, Thạc sĩ ... và Bác sĩ chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt, Mắt, Nội, Ngoại, Sản, Nhi và một số chuyên khoa khác; ở tuyến xã, phường, thị trấn 100% trạm y tế có bác sĩ phục vụ. Từ đó công tác khám, điều trị tăng lên rõ rệt, năm 2020 tăng gấp 4,6 lần năm 1992.

Công tác phòng, chống dịch bệnh: Luôn được xác định là mục tiêu hàng đầu trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, với một hệ thống y tế được tổ chức đến tận xã, phường, thị trấn, ấp, khóm; đội ngũ cán bộ y tế đảm bảo được số lượng và chất lượng, dụng cụ trang thiết bị cũng được đầu tư, đáp ứng được nhu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt từ cuối năm 2019 đến nay, ngành Y tế của tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, chăm sóc tốt các ca bệnh và giảm tỷ lệ tử vong.

Mô hình chăm sóc sức khỏe Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tại nhà - Ảnh: Lê Nhã

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành, công tác chuyên môn, quản lý bệnh viện, ứng dụng phần mềm iOffice trong trao đổi thông tin và phát triển trang Thông tin điện tử của ngành. Song song với việc triển khai Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế tỉnh Trà Vinh.

- Công tác xã hội hóa y tế từng bước phát triển mạnh, Bệnh viện đa khoa Minh Tâm: được xây mới và đưa vào hoạt động từ tháng 01/2014, có 57 giường bệnh cho đến nay; nhiều cơ sở khám bệnh tư nhân với hình thức đa khoa phát triển với quy mô lớn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân với nhiều loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của từng đối tượng.

Qua 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù gặp không ít khó khăn do điều kiện kinh tế tỉnh nhà còn hạn hẹp, nhưng trong từng thời kỳ phát triển, ngành Y tế tỉnh Trà Vinh luôn vận động, tích cực thay đổi, tạo sự chuyển biến trong nâng cao tay nghề chuyên môn chất lượng phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý và điều trị, thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc là nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc và bảo vệ an toàn sức khỏe cho Nhân dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong những năm qua.

Sở Y tế tỉnh Trà Vinh

 

 

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 2104
  • Trong tuần: 25 781
  • Tất cả: 8728313

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn