NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TRÀ VINH 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Trà Vinh từ những ngày đầu tái lập tỉnh còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân thiếu thốn, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, mặt bằng dân trí còn thấp. Ngành giáo dục phải đối mặt với muôn vàn thách thức: Quy mô trường lớp nhỏ; tỷ lệ học sinh huy động đến trường còn ít, tỷ lệ học sinh cấp II, cấp III bỏ học tăng; đội ngũ giáo viên thiếu và không đồng bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu của việc dạy và học, phải học 3-4 ca; chất lượng giáo dục còn thấp.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói chuyện với thiếu nhi huyện Tiểu Cần nhân chuyến thăm và làm việc tại Trà Vinh, năm 2008 - Ảnh Bá Thi

Trước tình hình đó, trên cơ sở thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo, sự quan tâm tạo điều kiện cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, cùng với tinh thần nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đổi mới sự nghiệp giáo dục, ngành giáo dục tỉnh nhà đã có sự chuyển mình rõ rệt và dần bước vào giai đoạn phát triển mới.

Xây dựng kế hoạch phát triển ngành phù hợp qua từng giai đoạn

Từ sau ngày tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo nâng lên một bước trình độ dân trí, từng bước nâng chất lượng giáo dục - đào tạo; đầu tư sửa chữa và xây mới các trường học, cải thiện cơ sở vật chất về trường, lớp, về dụng cụ dạy và học, khắc phục tình trạng học 3-4 ca, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, đào tạo cấp tốc giáo viên cấp I, phổ cập bậc tiểu học và xóa mù chữ số người trong độ tuổi, xây dựng trường sư phạm của tỉnh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Trong những năm tiếp theo, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo qua từng giai đoạn, với một tư duy đột phá và tầm nhìn lâu dài, phù hợp với thực tiễn. Triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1119/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó cơ cấu lại mạng lưới và loại hình trường lớp phù hợp, phát triển chất lượng giáo dục toàn diện.

Quy mô giáo dục và đào tạo không ngừng được mở rộng; các hình thức giáo dục và đào tạo từng bước được đa dạng hóa; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường học được nâng cấp, đầu tư phát triển. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng tăng về số lượng và nâng dần về chất lượng; mặt bằng dân trí được nâng lên rõ rệt. Hệ thống giáo dục mầm non và phổ thông được quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển khá vững chắc; chất lượng giáo dục có những chuyển biến tích cực.

Song song với việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách của địa phương để phát triển giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh; trong đó có nhiều chính sách đã phát huy tác dụng tích cực như: đầu tư cơ sở vật chất, xóa phòng học tre lá tạm; phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; phát triển hệ thống trường PTDTNT

Đầu tư cơ sở vật chất, phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp

Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành Ảnh: Ngọc Xoàn

Từ điểm xuất phát số trường học ít (có 239 trường, trong đó chỉ có 56 trường phổ thông trung học), chỉ có một số trường kiên cố sau ngày tái lập tỉnh. Đến năm 2005, tỉnh hoàn thành dự án 1.000 phòng học kiên cố. Đến nay, quy mô mạng lưới trường phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh và từng bước đa dạng hóa về loại hình trường lớp. Đã xóa phòng học tre lá tạm, giảm phòng học bán kiên cố, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố của các cấp học đạt 88,16%, toàn tỉnh có 147 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 36,29%.

Năm học đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, toàn tỉnh có 250 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông với hơn 179.146 học sinh. Đến năm học 2021-2022, toàn ngành có 434 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với hơn 207.000 học sinh. Hệ thống cơ sở đào tạo được thành lập để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, năm 2001 Trường Cao đẳng cộng đồng được thành lập, sau đó nâng Trường Trung học Sư phạm lên thành Trường Cao đẳng Sư phạm, thành lập Trường Cao đẳng Y tế, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Trung cấp nghề, 3 Trung tâm dạy nghề cấp huyện. Do yêu cầu sắp xếp lại các cơ quan đơn vị công lập nên hiện nay còn 01 trường Đại học, 02 trường Cao đẳng. Trung tâm học tập cộng đồng phủ khắp 106 xã, phường, thị trấn, có đủ cán bộ quản lý và hoạt động có hiệu quả.

Tỉnh cũng đã có chủ trương xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đa dạng hóa các loại hình học tập, phát triển các trường ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập. Đến nay, có 14 cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong đó có 08 trường mầm non, 02 trường mẫu giáo, 03 trường tiểu học, 01 trường THCS và 17 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục.

Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Trà Vinh - Nguồn: https://www.ischool.vn

Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt được những kết quả vững chắc, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường tăng cao.

Những năm đầu sau ngày tái lập tỉnh, tỷ lệ người mù chữ cao. Năm 1992 toàn tỉnh có hơn 20.000 người mù chữ trong độ tuổi từ 15-35; tỷ lệ huy động học sinh vào các trường thấp, tỷ lệ bỏ học chung các cấp hơn 6,5% (cấp THCS và THPT chiếm tỷ lệ rất cao), tỷ lệ tốt nghiệp thấp chỉ đạt 80,42%. Ngành giáo dục và đào tạo đã phối hợp, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đi học đến trường ngày càng tăng. Năm học 1992-1993, trong 5 người dân mới có 1 người đi học, đến nay đã có 5,72% trẻ đến nhà trẻ, 84,76 % trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo (trong đó trẻ 5 tuổi được học mẫu giáo gần 100%), trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 99,9%, học sinh THCS đạt 98,61% và 80% học sinh trong độ tuổi đi học THPT. Tháng 12/1998, tỉnh Trà Vinh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; năm 2006 hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2007 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, năm 2015 tỉnh Trà Vinh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Trà Vinh đã duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học (mức độ 3), phổ cập giáo dục THCS (mức độ 2) và xóa mù chữ (mức độ 2); phổ cập bậc trung học có 106 xã đạt chuẩn. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả tích cực.

Đội ngũ nhà giáo được tăng cường về số lượng, cơ cấu; trình độ đào tạo ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu giảng dạy và giáo dục học sinh. 

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành cũng được tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, đảm bảo yêu cầu của việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. So với ngày đầu tái lập tỉnh chỉ có khoảng 4.699 cán bộ, giáo viên thì đến nay, toàn ngành hiện có 14.230 người. Đến nay, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đại học, đạt chuẩn ở tất cả các cấp học, bậc học. Thực hiện Luật Giáo dục 2019, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông trên chuẩn đạt tỷ lệ 18,22% (trong đó giáo viên mầm non trên chuẩn chiếm tỷ lệ 87,07%, giáo viên phổ thông trên chuẩn 4,84%. Riêng giáo viên THPT tỷ lệ trên chuẩn 25,77%).

Quan tâm đến giáo dục dân tộc, phát triển hệ thống trường PTDTNT

Khi mới tách tỉnh chỉ có 01 trường PTDTNT với hơn 100 học sinh, hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 13/10/1992 “Về công tác trong đồng bào dân tộc Khmer”. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBT ngày 28/02/1997 “Về việc tăng cường giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer”. Ngành đã quán triệt và huy động các nguồn lực tập trung ưu tiên cho hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được củng cố và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc. Đến nay có 8 trường PTDTNT (05 trường cấp THCS, 02 trường cấp THCS-THPT và 01 trường cấp THPT) với 2.730 học sinh (trong đó cấp THCS 1.902 học sinh, cấp THPT 828 học sinh). Bên cạnh đó, công tác giáo dục dân tộc luôn được chú trọng, tiếp tục duy trì việc dạy-học tiếng Khmer ở những vùng có đông đồng bào dân tộc, với hơn 100 cơ sở giáo dục tổ chức dạy có trên 15.000 học sinh tham gia. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh và giáo viên.

Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tăng

Nhiều năm qua, ngành giáo dục Trà Vinh tập trung toàn lực cho việc đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên một cách vững chắc, đã tạo được nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao. Giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng thăm Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh năm 2009 - Ảnh: Bá Thi

Với sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được giữ vững, phát triển; chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, tỷ lệ tốt nghiệp học sinh tỉnh Trà Vinh ngang bằng hoặc có năm cao hơn tỷ lệ học sinh tốt nghiệp chung của toàn quốc. Đối với học sinh giỏi văn hóa, trong 30 năm qua, đã có hàng chục ngàn em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở cả 3 cấp: tiểu học, THCS và THPT.

Số học sinh giỏi quốc gia từ năm 1994 đến 2021 toàn tỉnh đạt 124 giải. Bên cạnh đó, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia các môn văn hóa; cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; giải Toán, Tiếng Anh qua mạng Internet, trên máy tính Casio...Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳngmỗi năm tăng dần, có nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học danh tiếng.

Với những thành tích đã được ghi nhận, trong những năm qua, toàn ngành đã có 36 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; hàng ngàn lượt tập thể và cá nhân cán bộ quản lý, giáo viên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh.

Sau 30 năm dựng xây và phát triển, ngành giáo dục và đào tạo Trà Vinh được xem là điểm sáng, là niềm đáng tự hào với những mùa quả ngọt trong dạy và học, cũng như các hoạt động giáo dục của ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nói riêng và cho cả nước nói chung. Những thành quả ấy là công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy chính quyền và của Bộ Giáo dục- Đào tạo. Trong chặng đường phía trước với nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, nhiều yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu mới, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của ngành sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu đoàn kết, sáng tạo; không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tận tâm, tận lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các chặng đường tiếp theo trên hành trình “dạy chữ, dạy người, nâng cao dân trí đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”, đào tạo nên nhiều thế hệ vừa hồng vừa chuyên cho quê hương Trà Vinh thân thương cả hôm nay và mai sau.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 153
  • Trong tuần: 3 789
  • Tất cả: 8756388

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn