TRÀ VINH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG, TẠO KẾT NỐI CÁC VÙNG NÔNG THÔN VÀ PHÁ THẾ ĐỘC ĐẠO LIÊN TỈNH
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và phân chia địa giới hành chính, tháng 5/1992 tỉnh Trà Vinh được tái lập. Khi tái lập tỉnh, hạ tầng giao thông của tỉnh rất yếu kém, trên địa bàn tỉnh chỉ có 02 tuyến Quốc lộ, với tổng chiều dài 37km, 04 tỉnh lộ với tổng chiều dài 126km, trong đó chỉ có 21km đường Quốc lộ là đường nhựa; các tuyến Tỉnh lộ, Hương lộ đều là đường đất, ô tô chỉ có thể lưu thông với tải trọng hạn chế trong mùa nắng, có một số tuyến còn bị tắt giao thông; lúc này hệ thống giao thông nông thôn chưa hình thành, chỉ là các đường mòn dân sinh; đường đô thị chỉ có một vài tuyến ở thị xã Trà Vinh được láng nhựa. Bên cạnh đó, phần lớn các cầu được xây dựng từ nhiều năm trước đã xuống cấp trầm trọng, gây ra các sự cố sập cầu. Lúc đó, Trà Vinh gần như nằm trong thế độc đạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau khi tái lập tỉnh, được sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành Trung ương và các doanh nghiệp, sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ngành và địa phương, cũng như sự đồng lòng hưởng ứng của đông đảo Nhân dân trong tỉnh, với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ của ngành giao thông của tỉnh qua các thời kỳ, hạ tầng giao thông của tỉnh Trà Vinh đã đạt được các thành tựu đáng kể, góp phần to lớn vào những thành tựu phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng cho tỉnh Trà Vinh.

Lễ khởi công dự án cầu Cổ Chiên - Quốc lộ 60 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh - Ảnh: Bá Thi

Trải qua chặng đường 30 năm, Trà Vinh ngày nay như thay áo mới, mạng lưới giao thông vận tải đã phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch. Các tuyến đường giao thông được khép kín, liên hoàn, nối liền các cụm dân cư đông đúc, các khu kinh tế của tỉnh, thông thương với các tỉnh lân cận và khu vực, thế độc đạo của tỉnh đã không còn, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư cho giao thông, đặc biệt chú trọng huy động các nguồn vốn xã hội để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, với các hình thức đầu tư như: PPP (Đối tác Công - Tư), BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao),…Đến nay, tổng chiều dài các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện là 978,38 km trong đó đường bê tông nhựa, láng nhựa là 863,87 km (88,3%) và đường đất + cấp phối là 114,51 km (11,7%) và trên 5.500 km đường giao thông nông thôn. Các tuyến Quốc lộ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương vận chuyển hàng hóa được thuận tiện; các tuyến đường tỉnh, đường huyện đang khai thác đạt tiêu chuẩn từ cấp IV đến cấp VI, hệ thống Quốc lộ qua địa bàn tỉnh gồm có 04 tuyến Quốc lộ 53, 54, 60 và 53B với tổng chiều dài 271,46 km. Các tuyến Quốc lộ được đầu tư với quy mô từ cấp II đến cấp V đồng bằng; có 05 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 225,67 km, quy mô các tuyến đang khai thác đạt tiêu chuẩn từ cấp III đến cấp VI; có 42 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 481,25 km. Hệ thống cầu trên Quốc lộ gồm 60 cầu, đường tỉnh có tổng cộng 65 cầu, đường huyện là 135 cầu, hệ thống các cầu cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu thông và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân.

Đường nông thôn tại ấp Sóc Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần - Ảnh: Bá Thi

Đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh là 5.545,42 km, trong đó: đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đạt 97,14%; đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 66,11%; đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 59,21%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa 654,13km/1.103,41km, đạt 59,28%. Các dự án công trình giao thông có sự tham gia đóng góp của cộng đồng người dân theo phương châm: “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” được triển khai thực hiện 2.900 km, với tổng kinh phí 374 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước 65% tương đương 243,1 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 35% tương đương 130,9 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh 78 cầu, với tổng mức đầu tư 137,192 tỷ đồng.

Một số công trình, dự án điển hình của ngành giao thông vận tải đã được đầu tư xây dựng tạo nên những điểm nhấn về cảnh quan, bộ mặt đô thị và góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: cầu Long Toàn trên Quốc lộ 53 với tổng mức đầu tư 34,85 tỷ đồng; Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu với tổng mức đầu tư điều chỉnh 9.781 tỷ đồng; cầu Cổ Chiên trên Quốc lộ 60 nối liền hai tỉnh Bến Tre - Trà Vinh với tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng; đường vào Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn xã Long Đức, thành phố Trà Vinh với tổng mức đầu tư 183,2 tỷ đồng; đường tránh Quốc lộ 60 trên địa bàn thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần với tổng mức đầu tư 141,3 tỷ đồng; vòng xuyến nút giao Quốc lộ 53 - Quốc lộ 60, trên địa bàn thành phố Trà Vinh với tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng; cầu Long Bình 3 trên địa bàn thành phố Trà Vinh với tổng mức đầu tư 74,1 tỷ đồng, dự án Hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái tập trung 02 huyện Càng Long, Châu Thành và thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã cơ bản hình thành các trục giao thông chính, tỷ lệ nhựa hóa cao, kết nối được các trung tâm kinh tế và với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các trục giao thông như Quốc lộ 53, Quốc lộ 54 kết nối Trà Vinh với Vĩnh Long và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; Kết nối Trà Vinh - Bến Tre, Sóc Trăng bằng Quốc lộ 60, qua cầu Cổ Chiên và phà Đại Ngãi. Bên cạnh đó, với bờ biển dài 65km và nằm giữa hai tuyến vận tải thủy quan trọng của vùng (tuyến Cửa Định An - Campuchia và tuyến sông Cổ Chiên - Sông Tiền) tạo ra khả năng liên kết với các tỉnh dọc sông (Sóc Trăng, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp…) và các nước trong khu vực bằng giao thông đường thủy, điều đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu - Ảnh: Huỳnh Mô Ni Rượn

Trong những năm tới, để phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, tỉnh Trà Vinh đã đưa ra những định hướng phát triển giao thông vận tải với mục tiêu hệ thống giao thông của tỉnh sẽ kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa các tỉnh lân cận và khu vực; từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông với những nội dung cụ thể như sau:

1. Tập trung đầu tư giải quyết cơ bản những vấn đề cấp bách, bức xúc về giao thông, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng và liên vùng.

2. Phối hợp với bộ, ngành Trung ương đầu tư Dự án cầu Đại Ngãi; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 53 (đoạn Long Hồ - Ba Si; xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 53 qua thành phố Trà Vinh); nâng cấp Quốc lộ 54 (đoạn Vĩnh Long - Trà Vinh); Quốc lộ 60 đoạn Bình Phú - cầu Đại Ngãi; hoàn thiện giai đoạn 02 dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; đầu tư cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, bảo đảm hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực.

3. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến đường tỉnh,
đường huyện, đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 381 km và 115 cầu/5.179 m; đầu tư, nâng cấp và mở rộng các tuyến đường thiết yếu, quan trọng mang tính liên vùng, liên huyện, kết nối thông suốt thành thị - nông thôn; đưa vào khai thác sử dụng Khu bến tổng hợp Định An, Bến cảng Trà Cú, Bến cảng Kim Sơn và nghiên cứu kêu gọi đầu tư bến cảng đầu mối (khu vực biển Trà Vinh); xã hội hóa các bến khách ngang sông, đầu tư xây dựng các bến xe khách theo quy hoạch. Chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng các công trình giao thông nhằm kết nối thông suốt giữa mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy, hàng hải, cảng biển.

4. Tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai trước năm 2030 đối với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, kết nối với Dự án cầu Đại Ngãi, phát triển tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong đó, ưu tiên hạ tầng kết nối với 04 xã đảo huyện Duyên Hải; kiến nghị mở rộng và sớm triển khai tuyến cao tốc từ cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng), Đồng Tháp đến Khu kinh tế Định An, Trà Vinh; tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch, khôi phục sân bay Long Toàn cho mục đích lưỡng dụng (dân sự và quốc phòng), đầu tư cho cảng nước sâu nhằm hướng đến các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không, tạo động lực phát triển các thành phần kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

5. Tập trung kêu gọi đầu tư Bến cảng Trà Cú, Bến cảng tổng hợp Định An, khuyến khích đầu tư phát triển các đội tàu vận tải biển phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu gắn với phát triển ngành công nghiệp đóng tàu trong Khu kinh tế Định An, phát triển các đô thị mới ven biển.

Tóm lại, giao thông vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, là cầu nối không gian giữa Trà Vinh với các tỉnh khác, kết nối các hoạt động kinh tế - xã hội giữa các vùng, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho đất nước. Kể từ khi tái lập tỉnh, để phá thế độc đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã dành sự quan tâm rất lớn cho việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 Hội nghị Trung ương tư (khóa XI) "về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020", tỉnh Trà Vinh đã ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 13/6/2012 để thực hiện với nhiều nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hạ tầng giao thông, bảo đảm hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải, giao thông được thông suốt, an toàn, tạo nền tảng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhờ đó có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Vì vậy, việc phát triển hạ tầng giao thông ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, thì cũng rất cần sự đồng thuận của Nhân dân, sự góp sức của các doanh nghiệp để mạch máu kinh tế - xã hội của tỉnh vươn xa hơn trong tương lai không xa.

Sở Giao thông vận tải

 

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 198
  • Trong tuần: 3 885
  • Tất cả: 8756951

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn