HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH TRÀ VINH 30 NĂM – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức Đảng ở Trà Vinh cũng được thành lập. Khi có tổ chức Đảng, các chi bộ Đảng đã tổ chức ra các đoàn thể quần chúng, như: Nghiệp đoàn, nông hội, hội thanh niên, các hội tương tế,…, trong đó có Hội Phụ nữ - Tổ chức tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trà Vinh. 

Trong phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 1945, tổ chức Hội Phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tuyên truyền giác ngộ quần chúng tham gia hoạt động cách mạng, che dấu cán bộ, làm liên lạc, cất giấu tài liệu, rải truyền đơn, tham gia đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ. Hàng trăm chị bị bắt bớ, tù đày, bị tra tấn dã man vẫn giữ trọn khí tiết cách mạng, nhiều chị đi đầu trong các đoàn biểu tình đã hy sinh anh dũng. Tính tự giác cách mạng, chí căm thù giặc sâu sắc, lòng yêu nước nồng nàn cùng hướng về độc lập dân tộc đã làm bật lên sức mạnh của phụ nữ Trà Vinh trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền tại tỉnh Trà Vinh vào ngày 25/8/1945.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ Trà Vinh không chỉ “Trung hậu – Đảm đang”  mà còn là đội quân tóc dài hùng hậu, trực tiếp mặt đối mặt với quân thù, bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt trên khắp các mặt trận chính trị, quân sự, binh vận. những chiến công ở Lương Hòa, Tam Ngãi, Nhị Long, Trường Long Hòa, Long Đức,… đã ghi nhận khí phách anh hùng của các mẹ, các chị, như: Nguyễn Thị Út, Thạch Thị Thanh, Kiên Thị Nhẫn, Tô Thị Huỳnh, Hồ Thị Nhâm, Thạch Thị Phinh,… mãi mãi lưu truyền trong các thế hệ phụ nữ Trà Vinh, phụ nữ cả nước. Những hy sinh, cống hiến của phụ nữ Trà Vinh góp phần vào thắng lợi chung của Nhân dân cả nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào ngày 30/4/1075,…

Sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng, tháng 02 năm 1976, hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long được sáp nhập thành tỉnh Cửu Long. Theo đó, Hội Phụ nữ hai tỉnh cũng sáp nhập thành Hội LHPN tỉnh Cửu Long. Cùng với Nhân dân cả nước, phụ nữ tỉnh Cửu Long bước vào thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tháng 5/1992, tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long được chia tách. Tỉnh Trà Vinh được tái lập giữa muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhưng chỉ sau một tuần tỉnh Trà Vinh chính thức hoạt động, ngày 11 và 12/5/1992, Hội LHPN tỉnh tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 1992 – 1997. Từ sau Đại hội V đến nay, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã trải qua thêm 6 kỳ Đại hội:  (1) Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 1997 - 2002 diễn ra trong hai ngày 22 và 23/02/1997, với sự tham gia của 147 đại biểu đại diện cho 147.151 hội viên phụ nữ toàn tỉnh; (2) Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001-2006 diễn ra trong hai ngày 02 và 03/11/2001, dự Đại hội có 200 đại biểu đại diện cho 88.161 hội viên phụ nữ; (3) Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2006 - 2011 diễn ra trong hai ngày 18 và 19/10/2006, dự Đại hội có 212 đại biểu, đại diện cho 122.806 hội viên; (4) Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ 2011 - 2016 diễn ra trong hai ngày 28 và 29/11/2011, dự Đại hội có 219 đại biểu, đại diện cho 175.081 hội viên; (5) Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra trong hai ngày 04 và 05/11/2016, dự Đại hội có 230 đại biểu đại diện cho 177.590 hội viên; (6) Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra từ ngày 22 đến 23/12/2021, với sự tham gia của 216 đại biểu, đại diện cho 192.556  hội viên, phụ nữ của tỉnh.

Qua 30 năm tái lập tỉnh với 07 kỳ Đại hội, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã tham gia tích cực và có hiệu quả các phong trào và cuộc vận động do Trung ương Hội phát động, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Xóa mù chữ cho phụ nữ”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”… gắn với các cuộc vận động, các phong trào:  “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”“Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày Chủ nhật xanh”.

Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, bám sát định hướng của Trung ương Hội các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, sự phối hợp tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành liên quan, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp trên tất cả các mặt trận, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Hội cấp trên vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò, vị thế của Hội trong xây dựng và phát triển đất nước. Trên các lĩnh vực hoạt động, hàng chục ngàn cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu to lớn của tỉnh nhà trong 30 năm qua, cụ thể:

Trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được các cấp Hội chỉ đạo thực hiện gắn với Cuộc vận động “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa. Quá trình triển khai các cấp Hội đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, chủ động lồng ghép với các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, xây dựng nhiều mô hình mới thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều gương tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến tại địa phương (với 182.976 phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn phong trào thi đua 5 năm liền, trong đó có 2.561 tập thể và cá nhân xuất sắc được Chính phủ, Uỷ ban nhân dân và các cấp Hội khen thưởng).

Trong công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình, các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ gắn các chương trình dự án, đề án triển khai thực hiện. Đa dạng các phương thức truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình cho hội viên, phụ nữ. Các mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, dịch vụ gia đình ngày càng được nhân rộng và phát huy (với 3.654 CLB/tổ, nhóm xây dựng gia đình hạnh phúc, 208 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 12 tổ dịch vụ gia đình). Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; chủ động ký kết các chương trình phối hợp với Công an, Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tổ chức nhiều diễn đàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ; tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở, chủ động nắm tình hình, tích cực giám sát, lên tiếng kiến nghị, đề xuất giải quyết nhiều vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em gái, hôn nhân và gia đình. Tổ chức các chuỗi sự kiện truyền thông, giáo dục an toàn cho phụ nữ và trẻ em. 100% cơ sở Hội xây dựng được nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Nhiều tấm gương, hành động cao đẹp được phát hiện, nêu gương, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng,… Các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Hậu phương quân đội” nhân đạo từ thiện… được Hội tổ chức hiệu quả, được đông đảo các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng hưởng ứng. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu, khô hạn, các cấp Hội đã hướng dẫn, thông tin tuyên truyền qua mạng xã hội (zalo, facebook, viber…), tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, Hội đã phối hợp tổ chức rà soát, nắm đối tượng phụ nữ thuộc diện thụ hưởng kịp thời  hỗ trợ 2.333 người, số tiền trên 01 tỷ đồng, góp phần ổn định cuộc sống.

Trong công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững: Thực hiện quan điểm chỉ đạo không để ai ở lại phía sau, Hội tập trung thực hiện khâu đột phá“Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, tham gia thực hiện tốt chủ trương giảm nghèo bền vững”, tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực, quyền năng kinh tế cho phụ nữ; dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, nhất là phụ nữ nghèo dân tộc Khmer vươn lên ổn định cuộc sống. Phối hợp các ngân hàng, các chương trình, dự án hỗ trợ vốn vay, xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả. Qua đó giúp 1.994 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Thực hiện Đề án“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” Hội tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng“Ngày phụ nữ khởi nghiệp”; phát động hội thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp, nhằm tìm kiếm các dự án/ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng để hỗ trợ hiện thực hóa (mở 92 lớp dạy nghề, có 1.747 học viên, tư vấn, giới thiệu việc làm gần 10.000 chị). Phối hợp tổ chức đối thoại, hội thảo tư vấn tiếp cận nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức; trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp, tham gia Ngày hội khởi nghiệp; tổ chức các chuyến học tập, chia sẻ kinh nghiệm mô hình khởi nghiệp thành công trong và ngoài tỉnh cho các doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp. Qua đó, Hội hỗ trợ 210 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp, cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm các doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp, góp phần toàn tỉnh có 320/3.022 doanh nghiệp do nữ làm chủ; Thực hiện tốt khâu đột phá hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên, phụ nữ, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ thực hiện công tác bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; xây dựng các mô hình sinh kế; kỹ năng phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu cho phụ nữ. Vận động hội viên, phụ nữ tham gia ngày thứ 7 tình nguyện, chủ nhật xanh, dọn dẹp cảnh quan môi trường. Duy trì, nhân rộng các loại hình, mô hình, câu lạc bộ, tổ/nhóm bảo vệ môi trường (với 377 Câu lạc bộ tổ/nhóm bảo vệ môi trường,có 6.763 thành viên ; 787 mô hình tổ/nhóm, Câu lạc bộ 5 không, 3 sạch, có 18.025 thành viên; vận động hội viên xây trên 70.000 nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng tổng số toàn tỉnh có 118.977/127.235 hộ hội viên có nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt 94% so số hộ có hội viên). Đặc biệt, Hội có nhiều sáng kiến trong xây dựng mô hình an toàn để thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” Hội tập trung các giải pháp hỗ trợ, xây dựng lộ trình cho cơ sở, đặc biệt là chi, tổ Hội; chủ động lồng ghép hoạt động Hội với các chương trình, dự án, đề án; chỉ đạo hướng về cơ sở, xây dựng nhiều mô hình trong vùng đồng bào dân tộc Khmer và vùng đồng bào có đạo; hướng dẫn các cấp Hội ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động, sinh hoạt chi, tổ Hội (Thành lập 164 nhóm sử dụng trang mạng xã hội (zalo, facebook, viber,…), có 2.347 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia); thành lập trang Website đăng tải các thông tin về phong trào thi đua và hoạt động Hội để phục vụ công tác tuyên truyền. Với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, phân công cán bộ Hội chuyên trách các cấp dự sinh hoạt Hội tại nơi cư trú làm nòng cốt, hỗ trợ chi Hội; phân công 100% cán bộ Ban Chấp hành chuyên trách các cấp và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở dự sinh hoạt chi, tổ Hội. Toàn tỉnh xây dựng được 627/765 Chi hội tiên tiến, đạt 82%. Công tác phát triển hội viên mới được các cấp Hội quan tâm thực hiện, nâng tổng số toàn tỉnh có 191.556 hội viên/287.661 phụ nữ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện, đạt 66.59%; thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình triển khai thực hiện phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, kịp thời phát hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả nhân rộng và giúp cơ sở Hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác cán bộ được các cấp Hội thực hiện ngày càng chặt chẽ, Hội chú trọng đến việc tạo nguồn và giới thiệu cán bộ nữ ưu tú cho Đảng để bố trí vào lãnh đạo/quản lý. Riêng cán bộ Hội các cấp, sau Đại hội Đảng cũng được quan tâm luân chuyển, bố trí theo hướng trẻ hóa, để tạo nguồn phát triển đội ngũ cán bộ nữ trên địa bàn. Thực hiện sắp xếp lại bộ máy cấp tỉnh, sáp nhập lại các Phòng, Ban và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp về chuyên môn gắn với Đề án vị trí việc làm tại đơn vị. Đặc biệt, Hội các cấp chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm vi tính, thực hiện hội nghị online, trực tuyến, hạn chế in ấn tài liệu, giảm bớt chi phí, tiết kiệm thời gian; đồng thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội cũng như hỗ trợ phụ nữ thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các cấp Hội tổ chức nhiều diễn đàn, khuyến khích hội viên, phụ nữ tham gia thảo luận, phát biểu chính kiến, đề xuất các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ; tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Thực hiện nghiêm quy định về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt khâu đột phá “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu/đề xuất của các cấp Hội”, các cấp Hội tổ chức giám sát 594 cuộc (cấp tỉnh 14 cuộc; cấp huyện, thị, thành 57 cuộc; cấp xã, phường, thị trấn 523 cuộc, ngoài ra, còn tham gia trên 50 Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành. Qua giám sát, có kiến nghị đến các cấp, các ngành, có theo dõi việc thực hiện kết quả kiến nghị, đề xuất. Chủ động tham mưu cho các cấp ủy giới thiệu cán bộ nữ quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, kết quả qua Đại hội Đảng các cấp tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tăng so nhiệm kỳ trước (Cấp cơ sở 410/1.590 chị, tăng 2,66% so nhiệm kỳ trước, cấp huyện 67/369 chị, tăng 3,95% so nhiệm kỳ trước, cấp tỉnh 7/49 chị, tăng 0,56% so nhiệm kỳ trước); tham mưu với cấp ủy mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, góp phần giúp cho cán bộ Hội đạt chuẩn chức danh theo qui định, nhiều cán bộ nữ, trẻ, dân tộc được quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp.

Công tác đối ngoại nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, các cấp Hội tiếp nhận và làm việc với các tổ chức phi chính phủ, các chương trình/dự án nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh, triển khai, tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại đến cán bộ, hội viên phụ nữ, ý nghĩa của việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và giữ gìn an ninh trật tự trên biển, đảo,... góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp phụ nữ.

Kết quả đạt được của các cấp Hội LHPN tỉnh Trà Vinh được thể hiện bằng những phần thưởng cao quý và các danh hiệu thi đua do Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành trao tặng: 02 Huân chương lao động hạng 3 (Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Châu Thành); 30 cờ thi đua; 1.353 Bằng khen; 55.827 Giấy khen.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội LHPN tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội LHPN Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phụ nữ, công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ,… Nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Xây dựng thái độ tôn trọng, tôn vinh, bảo vệ phụ nữ; kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ; xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ phát triển tài năng, thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Trà Vinh nói riêng, các gương anh hùng lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam anh hùng trên que hương Trà Vinh anh dũng; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tự tôn, tự trọng và khát vọng vươn lên của phụ nữ Trà Vinh, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia các phong trào thi đua do Hội phát động; hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các phong trào “Vì người nghèo”, mái ấm tình thương, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh,... Chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến, để thu hút đông đảo chị em tham gia, đóng góp công sức xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, cũng như chủ động giải quyết những vấn đề của chính phụ nữ ngay từ cơ sở.

Ba là, nâng cao vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng gia đình; đặc biệt quan tâm xây dựng gia đình văn hóa no ấm, hạnh phúc, tiến bộ; chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh trách nhiệm người công dân, phụ nữ còn có trách nhiệm lớn lao trong gia đình với thiên chức là người mẹ sinh thành và nuôi dạy thế hệ trẻ trở thành những chủ nhân của đất nước. Phụ nữ phải là “người thắp lửa cho mỗi nhà”, không chỉ chăm lo gia đình mà còn cần biết thắp lên niềm tin, ước mơ và hy vọng cho mỗi thành viên trong gia đình. Các cấp Hội tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chính sách về hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ - trẻ em, bảo vệ môi trường,...

Bốn là, tham mưu cho cấp ủy các cấp, đồng thời chủ động thực hiện đồng bộ công tác cán bộ nữ từ quy hoạch, đào tạo, bố trí, phân công, thực hiện chính sách cán bộ,... để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong thời kỳ mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có phương pháp vận động phụ nữ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua hoạt động thực tiễn, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc Khmer, đồng thời khuyến khích các chị em phụ nữ chủ động học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường các hoạt động giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống tinh thần. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những chị em có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội để củng cố tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ. Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư; cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hóa trong hoạt động của Hội. Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Đi sâu giáo dục, bồi dưỡng, động viên hội viên phát huy quyền làm chủ, tích cực thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội với đầy đủ trách nhiệm của người làm chủ.

* * *

30 năm sau ngày tái lập tỉnh, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh ngày càng lớn mạnh, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phát động và những phong trào do chính bản thân Hội đề xuất và phát động, qua đó tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh là dịp để phụ nữ tỉnh Trà Vinh phát huy truyền thống tốt đẹp “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” trong kháng chiến, phấn đấu rèn luyện phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Trà Vinh yêu nước có tri thức, có sức khỏe, ngày càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu “Phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trước năm 2030”.                                                                                                                                                      

Hội LHPN tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 2611
  • Trong tuần: 27 001
  • Tất cả: 8726088

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn