Tiểu Cần: tiếp tục ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2016-2021, huyện Tiểu Cần tiếp tục tranh thủ nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện nhiều hạng mục công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện dân sinh vùng đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của hơn 9.270 hộ, với khoảng 33.000 nhân khẩu dân tộc Khmer trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên.

Ông Trần Văn Lá - Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tiểu Cần cho biết: Trong 5 năm trở lại đây huyện Tiểu Cần tiếp tục triển khai thực hiện công trình thuộc nhóm cơ sở hạ tầng nông thôn; duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi; đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi bò sinh sản; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ nhu cầu về nước sinh hoạt; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc và các hộ hưởng chính sách xã hội, an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Cấp phát hơn 275.000 tờ báo, tạp chí, ấn phẩm các loại cho các chùa, các ấp, khóm có đông bà con dân tộc Khmer. Miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ mẫu giáo, tiểu học; cấp học bổng và các chế độ ưu đãi cho học sinh Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Tiểu Cần theo đúng qui định từ nguồn vốn của Chương trình 135, Ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn hơn 2.045 tỷ đồng.

5 năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đặc thù về đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, chính sách ưu đãi đối với đối tượng chính sách, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, huyện Tiểu Cần còn xét hỗ trợ xây dựng gần 1.000 căn nhà ở theo Quyết định 22 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng thụ hưởng; hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số mắc bệnh phải điều trị nội trú và phụ nữ nghèo sinh con tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Đặc biệt, huyện còn được trên đầu tư xây dựng, nâng cấp 15 nhà hỏa táng ở các chùa phật giáo Nam tông và 01 Cơ sở hỏa táng cho đồng bào dân tộc huyện Tiểu Cần tại Nghĩa trang Nhân dân thuộc ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần; công trình này gồm có 05 hạng mục (Nhà hỏa táng, Nhà lưu tro cốt, Nhà trạm kỹ thuật, Hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà;h Hệ thống các thiết bị phục vụ hỏa táng, thiết bị xây dựng, thiết bị văn phòng), với tổng kinh phí đầu tư hơn 45 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ được đưa vào hoạt động giữa năm 2022.

Một góc cửa ngõ vào ấp Chợ xã Hiếu Tử

Có thể nói, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc nên trong 5 năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer ở huyện Tiểu Cần được kéo giảm từ 3 - 4%/năm. Hiện tại toàn huyện chỉ còn khoảng 3,32% hộ Khmer nghèo. Số hộ Khmer tái nghèo, tái cận nghèo ngày càng giảm rõ rệt; có hơn 92% nhà ở dân cư đạt chuẩn Bộ Xây dựng; hơn 93% lao động có việc làm thường xuyên; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100%  Trạm y tế xã - thị trấn có bác sĩ và y sĩ sản nhi phục vụ công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân; 100% ấp, khóm có cán bộ y tế được đào tạo qua chương trình y tế thôn bản. Hơn 80 bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, y tá, nhân viên là người dân tộc Khmer phục vụ trong ngành y tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông liên huyện, liên xã, liên ấp, liên khu dân cư trong vùng đồng bào Khmer được nhựa hóa, bê tông hóa. Các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư; cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo và ổn định.

Không chỉ dừng lại ở đó; tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Tiểu Cần lần thứ III diễn ra vào cuối năm 2019 cũng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2024 cụ thể như: Phấn đấu hàng năm kéo giảm ít nhất 4% hộ nghèo trong đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc chỉ còn dưới 1,5%. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề bằng nhiều hình thức chiếm 65%. Huy động trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt trên 99,9% và trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99,6%. Giữ vững và nâng cao chất lượng các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong vùng đồng bào dân tộc. Tỷ lệ dân trong vùng đồng bào dân tộc được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%; sử dụng điện đạt 100%. Giữ vững và nâng cao chất lượng xã, thị trấn vững mạng về quốc phòng, an toàn về an ninh trật tự. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện tại, huyện Tiểu Cần đã vượt qua gần nữa chặn đường của nhiệm kỳ Đại hội các Dân tộc thiểu số (2019-2024) với nhiều kết quả đáng khích lệ. Với đà phát triển đó, tin chắc rằng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện sẽ không ngừng được cải thiện và nâng lên trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Tố Uyên

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 462
  • Trong tuần: 24 140
  • Tất cả: 8726672

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn