Tình hình thế giới trong tuần (từ ngày 10-14/01/2022)

1. Belarus ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền

Ngày 12/01, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Nikolai Borisevich đã đồng chủ trì Tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Belarus nhằm trao đổi về hợp tác song phương cũng như một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hai bên đã cùng rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, bao gồm khôi phục trao đổi đoàn các cấp trong bối cảnh bình thường mới, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa - du lịch, hợp tác địa phương... Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Belarus, cho rằng việc hai nước trao tặng nhau thiết bị và vật tư y tế phòng, chống Covid-19 vào tháng 12/2021 là minh chứng sống động cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế trong thời gian tới, góp phần vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới. Nhân dịp này, Thứ trưởng Borisevich đã trao công hàm khẳng định Belarus sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

2. Liên hợp quốc kêu gọi Triều Tiên tiếp tục đối thoại

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa lần thứ 2 trong vòng một tuần qua; kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, trở lại đàm phán với các bên liên quan về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo TTXVN, ông Guterres nhấn mạnh, ngoại giao là biện pháp duy nhất để đạt được hòa bình bền vững và tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện chưa nhận được yêu cầu của các nước ủy viên muốn đưa vấn đề Triều Tiên thử tên lửa ra thảo luận.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ, việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi các hệ thống vũ khí trái với các nghị quyết của Liên hợp quốc đã đe dọa hòa bình và an ninh, đi ngược lại các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy nối lại đối thoại. EU kêu gọi Triều Tiên tuân thủ nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kiềm chế hành động để tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và đối thoại.

Các tuyên bố của Liên hợp quốc và EU được đưa ra sau khi Triều Tiên, ngày 11/01, xác nhận thực hiện thành công vụ bắn thử cuối cùng một loại tên lửa siêu vượt âm mới, sau vụ phóng thử đầu tiên ngày 05/01 vừa qua. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, vụ bắn thử nhằm mục đích xác định lần cuối các thông số kỹ thuật tổng thể của hệ thống vũ khí siêu vượt âm. Theo đó, thiết bị bay siêu vượt âm đã thực hiện một số đường bay kỹ thuật và bắn trúng mục tiêu đã định ở vùng biển cách 1.000 km. KCNA khẳng định, khả năng cơ động vượt trội của thiết bị bay siêu vượt âm đã được kiểm chứng sau lần bắn thử cuối này.

Cũng theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng, bày tỏ "kỳ vọng lớn" rằng, các chuyên gia nghiên cứu tên lửa sẽ giúp "tăng cường năng lực răn đe chiến tranh của đất nước với những thành tựu nghiên cứu khoa học hiện đại". Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng một lần nữa nhấn mạnh "sự cần thiết phải tăng tốc hơn nữa nỗ lực nhằm xây dựng vững chắc năng lực quân sự chiến lược của đất nước cả về chất lượng và số lượng".

 Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. Cặp siêu chiến hạm Mỹ tới Biển Đông

Tàu sân bay Carl Vinson và tàu đổ bộ Essex, hai loại chiến hạm lớn nhất của hải quân Mỹ vào Biển Đông, có thể diễn tập chung tại đây.

Các bức ảnh được hải quân Mỹ công bố cho thấy trực thăng MH-60S Sea Hawk cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson hôm 11/01 tại Biển Đông. Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đang được triển khai tới khu vực phụ trách của Hạm đội 7 nhằm tăng cường khả năng phối hợp với các đồng minh, đối tác và hoạt động như một lực lượng "sẵn sàng ứng phó" nhằm ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tổ chức Sáng kiến Theo dõi tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu sân bay trực thăng USS Essex cùng các chiến hạm hộ tống tiến vào khu vực phía nam Biển Đông ngày 11/01.

Mỹ và các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức gần đây tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập các tiền đồn quân sự trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép trong khu vực.

Mỹ nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 công bố tài liệu 47 trang bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo tháng 11/2021 tái khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề Biển Đông. Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

Nguồn: vnexpress.net/the-gioi

4. Tăng cường hợp tác văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2022), Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Hwang Hee đã chia sẻ với TTXVN về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo Bộ trưởng Hwang Hee, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa Hàn Quốc và Việt Nam không ngừng được tăng cường. Sự phát triển và công nghệ của Hàn Quốc kết hợp những giá trị đặc sắc của Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lớn, không chỉ ở khu vực châu Á.

Bộ trưởng Hàn Quốc cho rằng, hai bên có nền tảng văn hóa tương đồng, người dân Hàn Quốc đã rất quen thuộc với văn hóa Việt Nam, ngược lại người Việt Nam cũng biết nhiều về văn hóa Hàn Quốc. Trong số 32 trung tâm văn hóa Hàn Quốc mở tại 27 quốc gia, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam (thành lập tháng 11/2006) là trung tâm văn hóa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và đóng vai trò là cầu nối văn hóa giữa hai nước. Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.

Về tiềm năng hợp tác song phương, ông Hwang Hee chia sẻ khi xem bóng đá Việt Nam, ông cảm nhận được tình yêu nước trong cộng đồng, tính tập thể, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam rất lớn. Những điểm này rất giống người Hàn Quốc. Khi thăm Việt Nam, ông nhận thức rõ được những đặc điểm này và cho rằng có lẽ vì thế mà các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã sang Việt Nam đầu tư kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Hwang Hee, các chính sách của Việt Nam rất cởi mở và cập nhật, kết hợp với truyền thống, quy tắc của người Việt, tạo ra nét độc đáo riêng biệt của Việt Nam. Hai nước có nhiều tiềm năng nên triển vọng hợp tác song phương là rất lớn; có nhiều điểm tương đồng nên giao lưu văn hóa đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nền tảng và động lực cho phát triển bền vững. Năm 2022, Hàn Quốc sẽ tổ chức "Lễ hội văn hóa đèn lồng Hàn Quốc" tại Việt Nam, trong khi Việt Nam dự kiến tổ chức "Tuần lễ Văn hóa và Du lịch Việt Nam" tại Hàn Quốc.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

5. Triều Tiên lại phóng vật thể nghi là tên lửa sau lời cảnh báo Mỹ

Quân đội Hàn Quốc ngày 14/01 thông báo Triều Tiên vừa phóng một vật thể chưa xác định về hướng đông, lần phóng thứ ba trong khoảng một tuần trở lại, theo Yonhap.

Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản cho rằng vật thể vừa được phóng có thể là tên lửa đạn đạo. Lực lượng này đang phân tích thêm về vị trí rơi và liệu có nhiều hơn một vật thể hay không.

Vụ phóng diễn ra ngay sau khi Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cùng ngày cảnh báo sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với lệnh cấm vận của Mỹ. Trước đó, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ cấm vận 6 người Triều Tiên với cáo buộc hỗ trợ cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của nước này. Lệnh cấm vận được đưa ra sau hai vụ phóng mà Triều Tiên cho là tên lửa bội siêu thanh trong một tuần qua, lần lượt vào ngày 5 và 11/01. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân thị sát vụ phóng ngày 11/01.

Trong khi cáo buộc Mỹ cố tình leo thang tình hình qua việc cấm vận, Triều Tiên gọi vụ phóng tên lửa là "thực hành quyền tự vệ". Việc phát triển vũ khí mới là một phần nỗ lực của Triều Tiên nhằm hiện đại hóa năng lực quốc phòng và không nhắm vào nước bất kỳ nào hay gây hại đến an ninh của các nước láng giềng, theo thông báo của Bộ Ngoại giao nước này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 13.1 nói rằng Triều Tiên có thể chỉ muốn gây sự chú ý qua những hành động gần đây, theo AFP. Cuộc đàm phán về hạt nhân giữa các bên bị chững lại từ năm 2019. Ngoại trưởng Blinken cho rằng những vụ phóng của Triều Tiên gây bất ổn tình hình, nguy hiểm và trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ông cũng lặp lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng ngồi lại đối thoại và nhấn mạnh Mỹ không có ý đồ thù địch nào đối với chính quyền Triều Tiên.

Nguồn: thanhnien.vn/the-gioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 567
  • Trong tuần: 4 089
  • Tất cả: 8756206

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn