MỘT SỐ TÌNH HÌNH ĐÁNG CHÚ Ý
Từ ngày 20/6 đến ngày 24/6/2022

1. Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Mozambique

Chiều 20/6, Chủ tịch Quốc hội Mozambique Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias và Đoàn đại biểu Quốc hội Mozambique tới thăm và làm việc tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO).

Thay mặt lãnh đạo và cán bộ VUFO, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga bày tỏ sự vui mừng và vinh dự được đón tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội Mozambique, đồng thời nhắc lại về mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Mozambique, hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử và luôn đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Bà Nguyễn Phương Nga cũng đánh giá cao những thành tựu mà đất nước Mozambique và Đảng Mặt trận Giải phóng Mozambique (Frelimo) đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Chủ tịch VUFO hy vọng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias và Đoàn đại biểu Quốc hội nước Mozambique sẽ góp phần củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời tăng cường hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Mozambique ngày càng hiệu quả và thực chất.

Việt Nam cũng ủng hộ Mozambique ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024, tin tưởng hoạt động của Mozambique tại Hội đồng Bảo an sẽ giúp lan tỏa hơn nữa tiếng nói của các nước đang phát triển.

Vào tháng 8/2020, Hội Hữu nghị hợp tác Việt Nam-châu Phi đã thành lập Câu lạc bộ những người bạn của Mozambique, gồm những người từng học tập, công tác tại Mozambique. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, đến nay câu lạc bộ vẫn chưa tổ chức được các hoạt động cụ thể.

Bà Nguyễn Phương Nga hy vọng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Quốc hội Mozambique sẽ góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai quốc gia, tạo tiền đề để thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Mozambique trong tương lai gần.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Mozambique Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias gửi lời cảm ơn sâu sắc tới nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Mozambique thời gian qua, nhấn mạnh đây là sự tương trợ chí tình trong gian khó của những người bạn chân thành.

Chủ tịch Quốc hội Mozambique bày tỏ mong muốn thời gian tới Mozambique và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác nhân dân, coi đây là những yếu tố quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Chiều 23/6, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông báo tập trận quân sự ngày 19-6 tại khu vực nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn vi phạm tương tự".

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nêu quan điểm trước thông tin từ truyền thông Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc có ý định biến Biển Đông thành vùng nội thủy và Chính phủ Nhật Bản đã kháng nghị lên Ủy ban Ranh giới, thềm lục địa của Liên hợp quốc. Cùng với đó, Nhật Bản muốn sát cánh cùng các nước Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Theo đó, lập trường của Việt Nam đã được thể hiện rõ ràng và đầy đủ trong Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020 lưu hành tại Liên hợp quốc. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

"Việt Nam cho rằng, các nước đều chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung là duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này", Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

3. Hợp tác quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam - Campuchia

Chiều 23-6, tại Hà Nội, đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến chúc mừng Đại sứ quán và Phòng Tùy viên Quân sự Campuchia tại Việt Nam nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 / 24-6-2022). Đón tiếp đoàn có Ngài Chay Navuth, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Ngài Đại sứ, Ngài Tùy viên Quân sự cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia.

Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ, hợp tác của Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen, Chính phủ và Quân đội Hoàng gia Campuchia sẽ tiếp tục đạt những thành tựu to lớn hơn nữa, hoàn thành trọng trách năm Chủ tịch ASEAN 2022 và các hội nghị quân sự quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Campuchia trên trường quốc tế và khu vực.

Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa mong muốn Ngài Đại sứ và Tùy viên Quân sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng hai bên tổ chức thành công các hoạt động hợp tác trong thời gian tới, qua đó đóng góp thiết thực vào thành công chung của “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, hai Quân đội; xứng đáng là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.

Cảm ơn sự quan tâm của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Đại sứ Chay Navuth vui mừng cho biết, trong suốt 55 năm qua, mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác quốc phòng song phương đã và đang là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ giữa hai nước.

Đại sứ Chay Navuth khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Quốc phòng hai nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, có ý nghĩa biểu tượng cao, trong đó phải kể đến là Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất và Lễ Kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Hun Sen.

Đại sứ Chay Navuth mong muốn Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Campuchia tổ chức thành công các hội nghị quân sự quốc phòng trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2022.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

4. Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến tranh với Ukraine

Ukraine phải chấp nhận tất cả yêu cầu của Nga nếu muốn chấm dứt chiến tranh, hiện đã kéo dài 4 tháng, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.

Phát biểu trước báo giới ở Moskva ngày 23/6, khi được hỏi về kế hoạch hòa bình 15 điểm đăng tải trên National Interest hồi tuần trước, ông Peskov cho biết điện Kremlin không biết về bài báo này và bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào chỉ có thể diễn ra sau khi Ukraine "hoàn thành tất cả yêu cầu của phía Nga". Người phát ngôn điện Kremlin cũng khẳng định Ukraine "biết rõ mọi thứ".

Bài báo trên đã liệt kê một số kịch bản, trong đó bao gồm việc Ukraine phải cam kết vĩnh viễn trung lâp, Nga rút quân về các vị trí như trước xung đột và Moskva ủng hộ mong muốn gia nhập EU của Kiev. Kế hoạch trên cũng kêu gọi Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga và giảm lực lượng mặt đất xuống con số không vượt quá 150.000 quân thường trực.

Bình luận trên của ông Peskov được đưa ra giữa bối cảnh cố vấn của Tổng thống Zelensky - ông Oleksiy Arestovych thông báo cuộc chiến giành các thành phố Severodonetsk and Lysychansk ở phía Đông sẽ sớm bị Nga bao vây và chia cắt với phần còn lại của Ukraine.

Người phát ngôn lực lượng ly khai ở Lugansk được Nga ủng hộ cho biết sự kháng cự của Ukraine ở đây hiện rất "mong manh". Ông cho rằng, "toàn bộ khu vực của nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk sẽ sớm được giải phóng".

Ngày 23/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) của Mỹ đã được vận chuyển tới Ukraine.

“Cảm ơn Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin - người bạn, người đồng nghiệp Mỹ của tôi - vì các công cụ mạnh mẽ này”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov chia sẻ trên Twitter.

Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu ở Brussels đã thông qua tư cách ứng viên EU cho Ukraine. Mặc dù việc gia nhập khối này có thể mất nhiều năm nhưng Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định, việc Ukraine được thông qua tư cách ứng viên sẽ củng cố một thực tế rằng: "Ukraine nằm trong châu Âu chứ không phải một phần của Nga".

Nguồn: vtc.vn/su-kien

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 2048
  • Trong tuần: 26 438
  • Tất cả: 8725525

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn