Thông tin đáng chú ý thế giới tuần qua
Từ ngày 27/6 đến ngày 01/7/2022

1. Ukraine không có kế hoạch thúc đẩy gia nhập NATO trong tương lai gần

Ông Ihor Zhovkva, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine vừa cho biết, nước này không có kế hoạch tiến hành bất kỳ điều gì liên quan đến tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai gần, sau khi khối quân sự này từ chối nguyện vọng gia nhập của Kiev.

Tuyên bố trên được ông Zhovkva đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 25/6. Bên cạnh đó, nhà cố vấn ngoại giao thân cận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky này cho biết thêm rằng, Kiev mong muốn tài liệu "Khái niệm chiến lược mới" của NATO loại bỏ hoàn toàn việc đề cập Nga như 1 đối tác của khối.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid (Tây Ban Nha) vào tuần sau, NATO dự kiến sẽ thông qua "Khái niệm chiến lược mới" về chính sách và ưu tiên của liên minh này trong thập kỷ tới, vốn được kỳ vọng sẽ giúp khối này lấy lại vị thế và để thích ứng với 1 thế giới thay đổi chứa đựng nhiều mối đe dọa cả cũ và mới.

Trước đó, vào ngày 15/3, trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo của Lực lượng Viễn chinh chung (JEF), Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố đã đến lúc phải thừa nhận rằng nước này sẽ không trở thành 1 thành viên của NATO.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Hội nghị thượng đỉnh G7 ra tuyên bố về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

Ngày 27/6, tại ngày họp thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Đức, lãnh đạo các nước thành viên G7 đã ra tuyên bố chung về căng thẳng Nga-Ukraine, đồng thời xem xét 1 gói hành động mới nhằm gia tăng sức ép đối với Moskva liên quan vấn đề Ukraine.

Với cương vị Chủ tịch G7, chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố G7 sẽ tiếp tục đứng về phía Ukraine và tiếp tục “gia tăng sức ép” với Nga.

Sau phát biểu trực tuyến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với hội nghị, lãnh đạo các nước G7 đã cam kết duy trì và tăng cường áp lực kinh tế cũng như chính trị đối với Nga.

Bên cạnh đó, G7 khẳng định “sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và sát cánh với Ukraine trong thời gian cần thiết”.

Tuyên bố nêu rõ các nền kinh tế hàng đầu sẽ tìm cách tạo ra “hành lang an toàn” cho những người tị nạn, bằng cách hợp lý hóa các thủ tục nhập cư và các yêu cầu về thị thực.

G7 khẳng định sẽ cố gắng đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của Ukraine, bao gồm phục hồi và tái thiết, trong đó có thể bao gồm cả việc sử dụng các tài sản của Nga bị phong tỏa theo luật quốc gia.

Bên cạnh tuyên bố chung về tình hình Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 cũng đạt được tiến bộ trong việc đặt ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, nhằm hạn chế nguồn thu năng lượng của Moskva.

Ngoài năng lượng, lãnh đạo các nước G7 khẳng định sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt, nhằm hạn chế hơn nữa việc Nga tiếp cận các nguyên liệu công nghiệp, dịch vụ và công nghệ then chốt cho công nghiệp quốc phòng.

Hãng tin Reuters dẫn lời 1 quan chức phát biểu bên lề hội nghị cho biết: “Mục tiêu kép của các nhà lãnh đạo G7 không chỉ nhằm trực tiếp vào nguồn thu của Nga, đặc biệt là thông qua năng lượng, mà còn giảm thiểu tác động lan rộng đối với các nền kinh tế G7 nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung”.

Những thông tin về kế hoạch gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và bộ máy quân sự của Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến với Hội nghị thượng đỉnh G7, kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn.

Ông Zelensky đã đề nghị G7 cung cấp các hệ thống phòng không, bảo đảm an ninh, trợ giúp về xuất khẩu ngũ cốc và viện trợ tái thiết, đặc biệt là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. Nâng cao hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

Chiều 29/6, tại Hà Nội, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao phối hợp Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; nhấn mạnh cần chuyển hóa chủ trương về người Việt Nam ở nước ngoài thành hành động thực tiễn, mang lại kết quả thiết thực cho đất nước và kiều bào.

Đồng chí tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý thống nhất và hiệu quả của Nhà nước, sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào ở trong và ngoài nước, việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW, Kết luận 12-KL/TW và Nghị quyết 169/NQ-CP sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp quan trọng vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tại hội nghị, các đại biểu trình bày tham luận về biện pháp phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; tuyên truyền, vận động, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung, phương thức và tư duy trong công tác thông tin đối ngoại tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới...

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. Việt Nam ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu

Việt Nam tuyên bố khẳng định ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ở phiên đối thoại với chủ đề “Từ lời nói đến hành động: Ngừng bắn toàn cầu sau đại dịch Covid-19” diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Tại sự kiện, Tổng Thư ký Guterres gửi thông điệp tới phiên đối thoại, bày tỏ quan ngại về tình trạng xung đột tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới; kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các cách thức mới để giảm thiểu căng thẳng và chấm dứt chiến sự, thúc đẩy các thỏa thuận ngừng bắn mới, cũng như duy trì những thỏa thuận đã có.

Các diễn giả và đại diện các nước thảo luận về những thách thức và biện pháp thúc đẩy thực hiện lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong bối cảnh dịch Covid-19. Lời kêu gọi này đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ tại các Nghị quyết 2532 và 2565. Phiên đối thoại cũng thảo luận các biện pháp củng cố ngăn ngừa xung đột và cách thức lồng ghép các chương trình nghị sự về xây dựng hòa bình và phát triển vào các tiến trình hòa bình tại những nơi có xung đột.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh, tình trạng xung đột tại nhiều khu vực khiến dân thường thương vong và các thách thức nhân đạo gia tăng. Cộng đồng quốc tế cần đặt ưu tiên cao trong việc bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, khẳng định lại vai trò của chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm. Để thúc đẩy ngừng bắn, cần tăng cường việc tuân thủ các Nghị quyết 2532, 2565 và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có thể xem xét thành lập một khuôn khổ để giám sát hiệu quả các thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở các khu vực xung đột.

Đại sứ Nguyễn Phương Trà nhắc lại nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đối với cuộc sống của người dân. Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy xây dựng hòa bình và tăng cường khả năng chống chịu dài hạn để ứng phó các thách thức trong tương lai

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

5. Nga tuyên bố sẵn sàng làm việc cùng Liên hợp quốc (LHQ) để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đồng thời sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu lương thực và phân bón của mình.

Theo hãng tin Reuters, ngày 29/6, Nga tuyên bố sẵn sàng làm việc cùng Liên hợp quốc để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đồng thời sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu lương thực và phân bón của mình.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết những cam kết này được Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov, đưa ra trong cuộc trao đổi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Tuy vậy, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga không cho biết bước đi mới và cụ thể nào.

Nga và Ukraine chiếm gần một phần ba nguồn cung lúa mì toàn cầu. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới trong khi Ukraine là nước xuất khẩu ngô và dầu hướng dương chính.

Hiện hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine cũng bị đình trệ do xung đột giữa hai bên, khiến Liên hợp quốc và nhiều nước thiếu lương thực trên thế giới lo ngại.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi                                                                      

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 143
  • Trong tuần: 3 510
  • Tất cả: 8754441

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn