Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 29/8 - 02/9/2022

 

 1. Tiếp nhận lao động Việt Nam trở về từ Campuchia

Sáng 1/9, 26 công dân Việt Nam bị lừa, cưỡng bức lao động đã được Tổng cục Di trú, Bộ Nội vụ Campuchia bàn giao cho phía Việt Nam tại cặp Cửa khẩu quốc tế Phnom Den (tỉnh Takeo)-Tịnh Biên (tỉnh An Giang).

Trước đó, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Tổng cục Di trú, Bộ Nội vụ Campuchia; tiến hành phỏng vấn, xác minh thông tin các trường hợp là công dân Việt Nam bị tạm giữ tại Trung tâm Câu lưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Campuchia.

Trong số 26 người trở về nước nêu trên, có 11 trường hợp được lực lượng chức năng Campuchia tạm giữ khi rà soát Casino Rich World (thuộc ấp Chrey Thom, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal) sau vụ việc 40 lao động vượt sông Bình Di về Việt Nam.

Theo lời kể của các lao động cùng làm việc, trong số này có 1 lao động nam, sinh năm 1997, bị bảo vệ Casino Rich World bắt lại và bắn 2 phát đạn cao su vào đầu khi vượt sông không thành công vào ngày18/8. Hiện sức khỏe của lao động này đã hồi phục.

Việc tiếp nhận thêm 26 lao động Việt Nam do Tổng cục Di trú Campuchia bàn giao tại cửa khẩu thể hiện sự nỗ lực bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện Việt Nam, cũng như sự hợp tác chặt chẽ của nhà chức trách Campuchia.

Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng Campuchia tiến hành kiểm tra nhiều doanh nghiệp tại một số thành phố và địa phương, như Phnom Penh, Kandal, Preah Sihanouk... Chính quyền thông báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc đối với cơ sở kinh doanh nào có liên quan đến hoạt động giam giữ, buôn bán và ngược đãi người lao động.

Tổng cục Cảnh sát Quốc gia Campuchia cũng đã thiết lập đường dây nóng đặc biệt (117) để tiếp nhận và phản hồi thông tin về các trường hợp tra tấn, giam giữ người bất hợp pháp; kêu gọi người dân Campuchia và xã hội hợp tác xóa bỏ mọi hình thức buôn bán người và giam giữ người trái pháp luật.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

2. Quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt đẹp Việt Nam - Campuchia là không thể tách rời

Trang chủ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) vừa đăng bài viết chuyên sâu về Việt Nam, Campuchia và lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai nước của học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông thuộc Viện Quan hệ quốc tế (RAC).

Bài viết được đăng đúng dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam, 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, cũng là Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022.

Tác giả nhận định, trải qua năm tháng, Campuchia và Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì và không ngừng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng cùng nằm trên Bán đảo Đông Dương, có chung đường biên giới dài 1.274km và cùng dòng chảy sông Mê Công, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967.

Mối quan hệ giữa hai nước gắn bó sâu sắc, nhất là vào những năm 1950 và 1970, gắn liền với hai sự kiện lịch sử quan trọng, đáng nhớ về sự giúp đỡ của Campuchia trong sự nghiệp thống nhất đất nước Việt Nam và sự hy sinh của Việt Nam trong việc góp phần giải cứu nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.

Bài viết nhận định, hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Campuchia không ngừng phát triển. Năm 2005, Campuchia và Việt Nam thống nhất định hướng phát triển quan hệ hai nước trong bối cảnh mới với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Trong hai năm gần đây, thực tiễn cuộc chiến chống dịch COVID-19 đòi hỏi mỗi quốc gia phải thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế bằng cách thay đổi phương thức hợp tác trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì ổn định và bảo đảm tăng trưởng trong trao đổi thương mại.

Trong tình hình đó, trên cơ sở tăng cường và mở rộng truyền thống thương yêu, quý trọng và giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hai nước Campuchia và Việt Nam đã chia sẻ, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, cùng nhau chống dịch bệnh, tiến tới kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Theo học giả Uch Leang, năm 2022 là năm kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia - Việt Nam. Hai nước đã chọn năm 2022 là Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam và cũng là lần thứ ba Campuchia giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Giống như Campuchia từng ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN trước đây, Việt Nam luôn ủng hộ Campuchia trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, phát huy tinh thần vì một ASEAN hòa hợp, huy động nỗ lực nội khối và các đối tác ngoài ASEAN, nâng cao tình đoàn kết và khả năng thích ứng của ASEAN nhằm đạt mục tiêu xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.

Trên tinh thần đó, tác giả cho rằng chỉ có kiên định tinh thần “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, ASEAN mới có thể tiến về phía trước một cách vững chắc, đoàn kết và hữu nghị để vượt qua các thách thức.

Bài viết kết thúc với nhận định đầy lạc quan rằng, mối quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt đẹp giữa hai nước Campuchia - Việt Nam là mối quan hệ không thể tách rời, trong đó, quan hệ kinh tế giữ vai trò quan trọng, hậu thuẫn cho quan hệ chính trị trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai đất nước./.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

3. Việt Nam đề xuất UNDP sáng tạo trong huy động nguồn lực cho phát triển

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề nghị các nước tăng cường hỗ trợ UNDP thông qua cam kết tự nguyện đa niên để UNDP có thể xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia.

Hội đồng chấp hành Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã thảo luận về ngân sách cho việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược của UNDP giai đoạn 2022-2025 tại phiên họp định kỳ lần 2 từ ngày 29/8 - 1/9 tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York.

Tại Phiên đối thoại ngày 30/8, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner cho rằng thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xung đột, làn sóng người di cư, tị nạn, hay khủng hoảng nợ.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần đảm bảo ngân sách và sử dụng hợp lý nguồn lực, đảm bảo tài chính cho phát triển.

Ông Achim Steiner nhấn mạnh UNDP tiếp tục là đối tác tin cậy của các nước, các nhóm nước trong xây dựng các công cụ để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi bền vững sau đại dịch. 

Các nước tham dự Phiên đối thoại đều đánh giá cao vai trò của UNDP trong hỗ trợ các nước đối mặt với các khủng hoảng toàn cầu hiện nay và đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đồng thời cho rằng các chương trình, kế hoạch của UNDP cần được xây dựng và thực hiện phù hợp với các ưu tiên, điều kiện, hoàn cảnh của từng nước; nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo tài chính bền vững, sử dụng minh bạch nguồn lực cho các chương trình, hoạt động của UNDP.

Phát biểu tại Phiên Đối thoại, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò của UNDP trong việc hỗ trợ những người dân ở vùng sâu vùng xa và dễ bị tổn thương, xây dựng năng lực, cung cấp dữ liệu, nghiên cứu, khuyến nghị chính sách cho Chính phủ và người dân.

Để thực hiện Kế hoạch Chiến lược UNDP 2022-2025 và duy trì chất lượng hỗ trợ cho các quốc gia, Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo nguồn lực cho UNDP.

Đại sứ đề nghị các nước tăng cường hỗ trợ UNDP thông qua cam kết tự nguyện đa niên để UNDP có thể xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh ngoài việc tận dụng các nguồn lực hiện có, đảm bảo hiệu quả về chi phí, UNDP nên sáng tạo trong tìm kiếm các phương thức huy động nguồn lực từ các bên liên quan, trong đó có khu vực tư nhân để thực hiện các chương trình phát triển.

Bên cạnh đó, UNDP và cộng đồng quốc tế cũng cần tiếp tục cam kết thực hiện SDG với các hình thức đa dạng, từ hỗ trợ phát triển đến tạo thuận lợi thương mại, xóa nợ và chuyển giao công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với các ưu tiên của quốc gia như thực hiện các SDG, chuyển đổi kỹ thuật số và xóa đói giảm nghèo.

Trong quá trình này, cũng cần đảm bảo nguyên tắc quốc gia lãnh đạo và làm chủ. Đại sứ cảm ơn sự đồng hành của UNDP trong hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội trong 50 năm qua và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho công việc của UNDP.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

4. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia hạn lệnh trừng phạt Mali

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 30/8 đã gia hạn lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân và thực thể cản trở việc thực hiện Thỏa thuận Hòa bình và Hòa giải ở Mali, cho đến ngày 31/8/2023.

Nhất trí thông qua nghị quyết 2649, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã gia hạn cho đến ngày 30/9/2023 nhiệm vụ của Ban chuyên gia phụ trách giám sát việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, cũng như yêu cầu khuyến khích Phái bộ ổn định tích hợp đa chiều của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) hỗ trợ nhóm.

Hội đồng Bảo an lưu ý trong nghị quyết: "Tình hình ở Mali tiếp tục đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực".

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng yêu cầu Hội đồng chuyên gia nộp báo cáo giữa kỳ chậm nhất vào ngày 28/2/2023, báo cáo cuối cùng trước thời hạn ngày 15/8/2023, và các báo cáo định kỳ khác nếu cần.

Cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng chính phủ và các tay súng của các phong trào ly khai nổ ra ở Mali từ năm 2012. Pháp đã gửi quân đội đến quốc gia Tây Phi này vào năm 2013 với mục tiêu là đánh bại các tay súng thánh chiến ở miền Bắc Mali và Sahel. Tuy nhiên, chiến dịch này đã kết thúc vào tháng Hai sau khi quan hệ của Pháp với Mali trở nên xấu đi./.

Nguồn:dangcongsan.vn/the-gioi

5. Liên hợp quốc khởi hành chuyến tàu thứ hai từ Ukraine

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, con tàu nhân đạo thứ hai do Liên hợp quốc thuê để chở ngũ cốc Ukraine đã rời cảng Pivdenny ở miền Nam nước này hôm 30/8 với khoảng 37.000 tấn đến Yemen.

WFP cho biết một tàu do Liên hợp quốc thuê đã rời cảng Yuznhy (Pivdennyi) ở Biển Đen của Ukraine hôm 30/8 cùng với lúa mì dành cho hoạt động phản ứng nhân đạo của cơ quan này ở Yemen. Đây là chuyến hàng viện trợ thực phẩm thứ hai của WFP rời Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng hai năm nay.

Ông Richard Ragan, Trưởng đại diện WFP kiêm Giám đốc quốc gia tại Yemen, cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng tới Yemen, trong bối cảnh xung đột kéo dài, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và quỹ dành cho hoạt động nhân đạo ngày càng cạn kiệt.

Con tàu MV Karteria, chở 37.000 tấn ngũ cốc lúa mì, đầu tiên sẽ dừng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ngũ cốc sẽ được nghiền thành bột. Sau đó, nó sẽ được vận chuyển đến Yemen, nơi có hơn 17 triệu người đang bị mất an ninh lương thực và con số này thậm chí dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới.

Một bao bột mì 50 kg cho gần 4 triệu người trong một tháng

Với số lượng ngũ cốc sắp tới sẽ giúp WFP có thể cung cấp một bao bột mì 50kg cho gần 4 triệu người trong một tháng và sẽ giúp WFP lấp đầy khoảng trống viện trợ ngay lập tức. “Việc đưa các sản phẩm cơ bản trở lại trong nước, đặc biệt là ngũ cốc, vì mục đích nhân đạo và thương mại là điều cần thiết. Điều này rất quan trọng để giữ giá ở mức có thể chấp nhận được” – ông Ragan nói thêm.

Yemen đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu trực tiếp bột mì - một thực phẩm thiết yếu trong chế độ ăn uống của Yemen. Liên hợp quốc ước tính rằng 46% lượng lúa mì nhập khẩu của Yemen trong năm 2021 đến từ Ukraine và Nga.

Nhìn chung, tình trạng suy giảm an ninh lương thực thế giới là do nhiều yếu tố, tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt là sự mất giá của ngũ cốc Ukraine trên thị trường thế giới cũng như tác động đến giá nhiên liệu và phân bón, tạo thêm áp lực. Trên toàn cầu, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã lên mức kỷ lục 345 triệu người ở 82 quốc gia.

Hơn 1,2 triệu tấn thực phẩm xuất khẩu từ Ukraine trong một tháng

Đối mặt với nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực ở một số quốc gia, Liên hợp quốc lưu ý rằng họ đang trông cậy vào việc mở rộng xuất khẩu hàng hải từ Ukraine, điều này "sẽ giúp có thể khắc phục những xáo trộn nhất định trong nguồn cung trên thế giới và làm trống các hầm chứa ngũ cốc trước đây”. WFP cho biết: “Sự gia tăng lưu lượng ra vào cảng Ukraine là một tín hiệu tích cực, nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước xung đột”.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới, ngoài thuyền của WFP, Trung tâm Điều phối chung (JCC) cũng đã cho phép điều động 6 tàu xuất bến mang theo hơn 121.000 tấn ngũ cốc và các mặt hàng thực phẩm khác theo Sáng kiến của Liên hợp quốc về ngũ cốc ở Biển Đen.

Thống kê của Liên hợp quốc vào ngày 29/8 cho thấy tổng cộng 1.289.065 tấn ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác đã được xuất khẩu từ 3 cảng của Ukraine.

Ukraine và Nga là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới song giá ngũ cốc đã tăng vọt kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra giữa hai nước./.

Nguồn:dangcongsan.vn/the-gioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 457
  • Trong tuần: 3 979
  • Tất cả: 8756096

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn