Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 5/9 - 9/9/2022

1. Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Nga

Ngày 6/9, phiên thảo luận Đối thoại kinh doanh Nga-Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ VII (EEF 2022) diễn ra tại thành phố Vladivostosk của Nga.

Phát biểu qua hình thức trực tuyến, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, việc lần đầu một phiên đối thoại dành riêng cho quan hệ Việt Nam-Nga được đưa vào khuôn khổ EEF, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp hai nước. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Nga trong việc phát triển quan hệ với Việt Nam, nhất là về kinh tế, thương mại.

Thứ trưởng Nông nghiệp Nga Sergey Levin cho rằng, Nga và Việt Nam có tiềm năng lớn về hợp tác thương mại, hàng hóa của hai nước không xung đột mà bổ sung cho nhau. Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga Alexander Shokhin, các doanh nghiệp Việt Nam có thể chiếm lĩnh một số lĩnh vực kinh doanh ở Nga, như ẩm thực. Các đại biểu tham dự sự kiện lạc quan về triển vọng gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước.

EEF 2022 chính thức khai mạc ngày 5/9 tại thành phố Vladivostok. Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là "Con đường hướng tới thế giới đa cực". Cơ quan báo chí của EEF cho biết, các đại biểu thảo luận về sự phát triển của khu vực Viễn Đông, nền kinh tế toàn cầu và khu vực, hợp tác quốc tế, cũng như cách thức vượt qua khủng hoảng và hình thành cấu trúc mới của thế giới.

Theo TTXVN, ngày 6/9, tại cảng biển thương mại Vladivostok đã diễn ra lễ kết nối tuyến vận tải đường biển chở hàng hóa từ Việt Nam đến cảng Vladivostok với tuyến vận tải đường sắt từ cảng Vladivostok đến Moskva. Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok Nguyễn Đăng Hiền nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, góp phần tăng cường hợp tác thương mại, tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước. Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Đường sắt Nga Oleg Belozerov nêu rõ, việc kết nối hai tuyến vận tải giúp giảm thời gian và thủ tục hành chính khi đưa hàng hóa từ Việt Nam tới miền tây nước Nga.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

2. Mexico đề xuất lệnh ngừng bắn toàn cầu lên Liên hợp quốc

Tổng thống Mexico đã đề nghị các nhân vật trên làm trung gian cho sáng kiến đình chiến kéo dài 5 năm giữa các cường quốc có đại diện trong Hội đồng Bảo an.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador thông báo, trong tháng 9, Ngoại trưởng Marcelo Ebrard sẽ chính thức trình bày với Liên hiệp quốc (Liên hợp quốc) đề xuất của chính phủ nước này về một thỏa thuận ngừng bắn toàn cầu trong 5 năm nhằm ổn định kinh tế xã hội cho các quốc gia.

Phát biểu họp báo, nhà lãnh đạo Mexico, quốc gia đang đảm nhiệm vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cho biết ý tưởng trên đề xuất thành lập một ủy ban do Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đứng đầu, với nhiệm vụ thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn.

Trước đó, ngày 5/8 ông López Obrador đã đề nghị các nhân vật trên làm trung gian cho sáng kiến đình chiến kéo dài 5 năm giữa các cường quốc có đại diện trong Hội đồng Bảo an.

Theo Tổng thống Mexico, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia có quan hệ chính trị và thương mại với những nước này.

Do đó, đề xuất của Mexico kêu gọi các cường quốc giải quyết “những vấn đề quan trọng và nghiêm trọng” của từng quốc gia trong giai đoạn 5 năm đình chiến, để tất cả các chính phủ trên thế giới có thể dốc sức giải quyết cuộc khủng hoảng đến ảnh hưởng đến hàng tỷ người hiện nay.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

3. Việt Nam khẳng định giá trị của hòa bình

Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Văn hóa Hòa bình: Tầm quan trọng của công lý, bình đẳng và sự bao trùm đối với thúc đẩy xây dựng hòa bình” đã được Ðại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức ngày 6/9, với sự tham dự của đại diện các nước thành viên, các tổ chức quốc tế và giới học giả, chuyên gia.

Tại diễn đàn, Việt Nam khẳng định giá trị của hòa bình, hữu nghị, tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shahid (A.Sa-hít) nêu rõ: Ðại dịch Covid-19 và xung đột kéo dài tại nhiều khu vực trên thế giới khiến tình trạng phân biệt đối xử, bất ổn và nghèo đói diễn biến phức tạp hơn.

Các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và duy trì hòa bình bền vững, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, cũng như thúc đẩy xây dựng xã hội hài hòa và bao trùm, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau.

Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang cho biết, Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng và ủng hộ thúc đẩy văn hóa hòa bình và phi bạo lực trên thế giới.

Ðại sứ nhấn mạnh, là một nước trải qua chiến tranh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình và ổn định.

Các thế hệ người Việt Nam đã nỗ lực xây dựng nền tảng cho hòa bình, thông qua thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia.

Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ và thực hiện luật pháp quốc tế.

Theo Ðại sứ, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục ủng hộ các nỗ lực xây dựng và duy trì hòa bình, tôn trọng trách nhiệm, tính độc lập và tính làm chủ của các quốc gia, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi khu vực phía tây Himalaya

Ngày 8/9, Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này và Trung Quốc đã bắt đầu rút quân đội khỏi khu vực biên giới Gogra-Hotsprings ở phía tây Himalaya, nơi xảy ra các vụ đụng độ biên giới cách đây 2 năm khiến quan hệ ngoại giao song phương căng thẳng.

Ấn Độ cho biết, việc rút quân được thực hiện một cách phối hợp và có kế hoạch để giữ hòa bình cho biên giới. Tuyên bố nhấn mạnh hai bên đã nhất trí rút quân trong khuôn khổ vòng đàm phán quân sự cấp cao thứ 16 giữa hai nước.

Tuyên bố được đưa ra trước thềm cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, dự kiến diễn ra tại Uzbekistan vào tuần tới.

Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng cường thêm hàng nghìn binh sĩ và nhiều vũ khí hạng nặng tại khu vực Ladakh, nơi có Đường kiểm soát thực tế (LAC) phân giới giữa hai nước, sau xung đột xảy ra hồi năm 2020 khiến hàng chục binh sĩ của hai bên thiệt mạng.

Suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500km dọc dãy Himalaya và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn.

Nhiều vòng đàm phán đã được tiến hành nhưng vẫn chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đi đến đồng thuận về vấn đề biên giới.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

5. IAEA kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 7/9, IAEA cho biết Triều Tiên đã bắt đầu hoạt động đào đất hồi tháng 3 ở gần đường hầm số 3 tại bãi thử hạt nhân gần với khu định cư Punggye-ri.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thể hiện quan ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời hối thúc quốc gia này tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 7/9, IAEA cho biết Triều Tiên đã bắt đầu hoạt động đào đất hồi tháng 3 ở gần đường hầm số 3 tại bãi thử hạt nhân gần với khu định cư Punggye-ri.

Đây được xem là hoạt động để chuẩn bị mở lại đường hầm thử nghiệm sau khi Triều Tiên đánh sập một phần hồi tháng 5/2018. Theo IAEA, hoạt động đào đất này có thể đã hoàn tất vào tháng 5 vừa qua.

IAEA nhận định việc mở lại bãi thử hạt nhân trên đang gây ra quan ngại sâu sắc. IAEA cho rằng hành động này của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi kêu gọi Triều Tiên thực hiện trách nhiệm của nước này theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hợp tác với IAEA và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt là những vấn đề phát sinh kể từ khi các thanh sát viên của IAEA rời khỏi Bình Nhưỡng năm 2009.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

6. Việt Nam nói về khả năng sử dụng hệ thống thanh toán của Nga

 Các cơ quan chức năng Việt Nam xem xét khả năng tham gia hệ thống thanh toán quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với quy định quốc tế.

Tại buổi họp báo thường kỳ hôm 8/9, trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về khả năng Việt Nam sử dụng hệ thống thanh toán Mir của Nga, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:

"Trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, đa dạng hoá - đa phương hoá, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý về việc tham gia các hệ thống thương mại quốc tế. Từ đó nghiên cứu, xem xét những khả năng tham gia hệ thống thanh toán quốc tế trên cơ sở vừa bảo đảm lợi ích của mình, vừa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế". 

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 7 vừa diễn ra tại thành phố Vladivostok (Nga), Phó Thủ tướng Nga Dmitry Grigorenko cho biết Moskva đang đàm phán với các nước Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ Latin và Trung Quốc về việc sử dụng hệ thống thanh toán Mir của Nga.

Từ ngày 5-8/9, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2022 được tổ chức tại Liên bang Nga nhằm xây dựng mối quan hệ kinh tế giữa Nga và châu Á - Thái Bình Dương.

Sự kiện được xem là cơ hội đóng góp đáng kể vào việc xây dựng mối quan hệ kinh tế giữa Nga và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như thu hút các dòng vốn đầu tư và đổi mới công nghệ và để thể hiện đầy đủ hơn tiềm năng kinh tế và xã hội phong phú của vùng Viễn Đông Nga.

Được tổ chức định kỳ từ năm 2015, Diễn đàn Kinh tế phương Đông đã trở thành một diễn đàn chính để thảo luận các vấn đề cấp bách liên quan đến hợp tác giữa các vùng Viễn Đông của Nga và các thành viên của Asea trong nỗ lực cải thiện phúc lợi của người dân ở các nước thành viên.

Nguồn: vtc.vn/thegioi         

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 514
  • Trong tuần: 4 036
  • Tất cả: 8756153

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn