Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 12/9 - 16/9/2022

1. Khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77

Ngày 13/9, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khai mạc khóa họp lần thứ 77 dưới sự trụ trì của tân Chủ tịch Csaba Korosi - người vừa nhậm chức 1 ngày trước đó.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc đoàn kết để vượt qua những thách thức chung.

Ông cho rằng vẫn còn đó những thách thức đã được nêu ra trong Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, từ xung đột và biến đổi khí hậu cho đến hệ thống tài chính toàn cầu bị gián đoạn ảnh hưởng tới các nền kinh tế đang phát triển, từ đói nghèo, bất bình đẳng đến sự chia rẽ và mất lòng tin lẫn nhau.

Về phần mình, tân Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Korosi khẳng định, cách duy nhất để đạt được những thành tích tốt hơn là phải thay đổi thông qua các giải pháp đoàn kết, bền vững và khoa học.

Ông Csaba Korosi đã đề cập đến những nền tảng sẵn có, đó là Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình Nghị sự chung theo đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Ông khẳng định đây là kim chỉ nam định hướng và việc còn lại là thế giới có thực hiện được những điều đó hay không.

Ông Korosi nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong việc tìm câu trả lời cho những vấn đề này.

Trong phát biểu của mình, tân Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Korosi cũng nhắc lại phương châm hành động của ông xuyên suốt nhiệm kỳ một năm tới sẽ là: tìm ra các giải pháp thông qua đoàn kết, khoa học và phát triển bền vững.

Tâm điểm của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 sẽ là Tuần lễ cấp cao diễn ra từ ngày 20 đến 26/9 với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các quan chức ngoại giao hàng đầu của các quốc gia.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Đối thoại an ninh Việt Nam-Ấn Độ

Theo TTXVN, Đối thoại an ninh Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 2 đã diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang, đã dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham gia, trong khi Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Vikram Misri dẫn đầu phái đoàn Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ tham gia đối thoại.

Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, hai bên đã thảo luận thẳng thắn về một số vấn đề cùng quan tâm. Đại diện Ấn Độ đã nhắc lại Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong đó tập trung vào nỗ lực hợp tác nhằm bảo tồn, duy trì và bảo vệ ngành hàng hải. Trong khi đó, Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực cũng như trong việc định hình cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai bên nhất trí hợp tác và phối hợp trong các vấn đề như chống khủng bố, nỗ lực phối hợp để chống chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, sản xuất và buôn bán trái phép chất ma túy, vũ khí trong khu vực. Phía Ấn Độ cũng đề nghị tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình nâng cao năng lực, bao gồm việc đào tạo các sĩ quan Bộ Công an thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đồng thời đề nghị chia sẻ kiến thức chuyên môn về an ninh mạng.

Là hai quốc gia có biển, Ấn Độ và Việt Nam có lợi ích lâu dài trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh cho không gian hàng hải chung. Việc chia sẻ các biện pháp chống nạn cướp biển và đánh bắt trái phép cũng được thảo luận tại cuộc đối thoại an ninh lần này. Hai bên nhất trí tích cực trao đổi quan điểm về các lĩnh vực như nền kinh tế xanh, đại dương bền vững và kết nối hàng hải.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. Liên hợp quốc lo ngại xung đột tại Syria leo thang và mở rộng quy mô

Ngày 14/9, Liên hợp quốc công bố báo cáo cho rằng cuộc xung đột tại Syria đang có nguy cơ leo thang, sau khi xảy ra các vụ đụng độ tại một số điểm nóng trên cả nước trong những tháng gần đây.

Chủ tịch Ủy ban Điều tra Syria của Liên hợp quốc Paulo Sérgio Pinheiro cho rằng, nước này không đủ khả năng tài chính để chống chọi nếu xung đột bùng phát rộng hơn nhưng tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.

Báo cáo dài 50 trang chỉ ra rằng, dù nhiều địa phương từng là điểm nóng chiến sự đã trở nên bình yên hơn trong những năm gần đây, bất ổn tăng trên cả nước trong 6 tháng gần nhất.

Trong đó, phải kể đến các vụ đụng độ ở miền đông bắc và tây bắc đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng, hạn chế tiếp cận nước và thực phẩm.

Mới đây, 1 cuộc tấn công nhằm vào sân bay quốc tế Damascus khiến các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc thông qua sân bay này bị gián đoạn trong gần 2 tuần.

Cuộc xung đột tại Syria từ năm 2011 đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa.

Trong những năm gần đây, chiến sự lắng dịu sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad giành được quyền kiểm soát phần lớn đất nước, đẩy lùi tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, bạo lực tại Syria có dấu hiệu leo thang. Ủy ban trên lo ngại chiến sự vẫn chưa hoàn toàn kết thúc tại Syria.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. Nga vạch lằn ranh đỏ với Mỹ về vấn đề Ukraine

Nếu Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Ukraine, Nga sẽ coi đó là vượt lằn ranh đỏ và sẽ đáp trả bằng mọi cách có thể.

"Nếu Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kiev, họ sẽ bị coi là vượt lằn ranh đỏ và trở thành một bên trực tiếp tham gia vào xung đột", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo tại một cuộc họp báo ngày 15/9.

Bà Zakharova lý giải, hành động đó tương đương việc triển khai tên lửa mặt đất tầm trung ở châu Âu vốn bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) giữa Mỹ và Liên Xô mà Washington đã đơn phương rút khỏi năm 2019 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

"Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng nếu kịch bản đó xảy ra. Nga có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình bằng mọi biện pháp có thể", bà Zakharova nhấn mạnh.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS và M270 MLRS cũng như đạn pháo cho phép Kiev tấn công các mục tiêu cách xa tới 80km. Những vũ khí này đã giúp Ukraine thực hiện các cuộc tập kích nhắm vào các mục tiêu quân sự nằm sâu sau chiến tuyến của Nga như kho nhiên liệu, đạn dược, tuyến đường tiếp vận, tạo đà cho chiến dịch phản công.

Hiện giờ Ukraine đề nghị viện trợ các hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS. Tên lửa chiến thuật này có thể dùng cho các tổ hợp HIMARS và MLRS và có tầm bắn lên tới 300km. Khi đó, quân đội Ukraine có khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Mỹ chưa bình luận về cảnh báo mới của Nga, nhưng trước đó giới chức nước này nhiều lần cam kết sẽ không cung cấp cho Ukraine các vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Nga.

Ukraine được cho là hiện chưa sở hữu vũ khí có thể vươn đến Nga. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có giải thích đầy đủ, công khai liên quan đến vụ căn cứ không quân Saky của Nga trên bán đảo Crimea, cách lãnh thổ gần nhất do Ukraine kiểm soát khoảng 200km, bất ngờ bị tấn công hôm 9/8.

Bà Zakharova cáo buộc, Mỹ muốn kéo dài xung đột ở Ukraine, kiểm soát tình hình ở đây càng lâu càng tốt. Nhà ngoại giao Nga gọi đó là dấu hiệu cho thấy Mỹ "can dự trực tiếp vào cuộc chiến". Bà cũng cho rằng Washington đang tìm cách "gây bất ổn toàn cầu", "kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới".

Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. Lầu Năm Góc xác nhận, Mỹ đã viện trợ an ninh hơn 17,2 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2014 cùng với 14,5 tỷ USD kể từ tháng 2 năm nay. Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc tiết lộ kế hoạch cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ mới trị giá 675 triệu USD, trong đó có đạn pháo, xe bọc thép, mìn cùng những khí tài khác.

Nguồn: dantri.com.vn/the-gioi

5. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cam kết cùng lãnh đạo thế giới ứng phó biến đổi khí hậu

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 14/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh thông điệp phải ứng phó với biến đổi khí hậu ngay lập tức bởi những người dân nghèo khổ nhất trên thế giới đang phải trả một cái giá khủng khiếp do chính những doanh nghiệp xả khí thải nhà kính gây ra trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết, trong chuyến công du tới Pakistan vừa qua, ông đã thấy những người dân thường đang phải gánh chịu hậu quả thiên tai hết sức nặng nề, từ lũ lụt cho đến cháy rừng, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại.

Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần nỗ lực ngay để sớm có thể hạ được nhiệt độ toàn cầu.

Ông Guterres cam kết sẽ đưa vấn đề biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề cấp bách đối với trái đất ra thảo luận trong Tuần lễ Cấp cao, kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 vào tuần tới để tìm kiếm giải pháp và thúc đẩy các nước hành động.

Ông Guterres nhận định rằng nỗ lực toàn cầu ứng phó với khủng hoảng khí hậu hiện nay chưa đủ, chưa tương xứng để có thể giải quyết những hậu quả khủng khiếp mà biến đổi khí hậu gây ra cho loài người.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, những nước nghèo nhất ở châu Phi hay các quốc đảo nhỏ không phải là những nước gây ra biến đổi khí hậu thế nhưng họ lại đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Ông Guterres khẳng định, nhóm G20 gồm những nước giàu nhất thế giới phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu hiện nay, cho dù chính các nước này cũng đang phải chịu hậu quả thiên tai.

Theo đó, tất cả các nước, đứng đầu là các nước G20, cần cắt giảm khí thải hàng năm, để sớm đạt được mục tiêu mức tăng nhiệt độ toàn cầu được kiểm soát ở mức cao hơn 1,5 độ C so nhiệt độ toàn cầu thời tiền công nghiệp.

Ngoài ra, ông Guterres cũng đề xuất các nước thuộc “điểm nóng” bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, cần phải xây dựng hạ tầng chịu được lũ lụt ngay từ bây giờ và ít nhất một nửa nguồn tài chính do các nước phát triển đóng góp nên dành cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu như vậy.

Cắt giảm khí thải là một trong những vấn đề trọng tâm nhất trong kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, sự kiện lớn nhất trong năm của Liên hợp quốc, hiện đang diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 172
  • Trong tuần: 3 808
  • Tất cả: 8756407

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn