Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 19/9 - 23/9/2022

1. Liên hợp quốc sẵn sàng tạo điều kiện cho đàm phán Nga - Ukraine

Ngày 19/9, Sputnik dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Theo ông Guterres, điều quan trọng là “tạo ra các điều kiện nhằm đạt được hòa bình” phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

“Có lẽ sẽ khó diễn ra cuộc gặp trực tiếp giữa hai tổng thống, nhưng tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào họ”, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh. Ông Guterres nhận định triển vọng diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine hiện nay là rất thấp, bởi cả Moscow và Kiev “đều kiên định với các mục tiêu của mình” trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

2. ASEAN đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 16 (AMMTC 16) với chủ đề “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức” và các hội nghị liên quan đã chính thức khai mạc ngày 21/9, theo hình thức trực tuyến.

Ngài Samdech Krolahom Sar Kheng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội nghị AMMTC 16 chủ trì hội nghị. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam dự và phát biểu tại phiên toàn thể.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật ASEAN cần tiếp tục củng cố và đẩy mạnh triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình, kế hoạch hợp tác về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong các cơ chế hợp tác đa phương ASEAN hiện có. Các bên đẩy mạnh trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực, đặc biệt là các loại tội phạm luôn tiềm ẩn xu hướng gia tăng như tội phạm về ma túy, tội phạm mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao...; tích cực, phối hợp xác minh, truy bắt, tiếp nhận, dẫn độ các đối tượng truy nã trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương. Đồng thời, các bên cũng cần tích cực nghiên cứu thúc đẩy đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác song phương về phòng, chống tội phạm, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình hợp tác.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

3. Indonesia sẽ nêu 6 vấn đề chính tại khóa họp lần thứ 77 Đại Hội Đồng Liên hiệp quốc

Indonesia sẽ trình bày các vấn đề về hợp tác đa phương, vai trò của LHQ trong giải quyết đại dịch, phục hồi kinh tế; những cam kết với kiến trúc y tế toàn cầu, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 22/9 thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi sẽ trình bày 6 vấn đề chính tại phiên thảo luận chung vào ngày 26/9 trong khuôn khổ khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Những chủ đề mà Indonesia dự kiến sẽ đưa ra thảo luận gồm:

Thứ nhất, quá trình Indonesia đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và công tác tổ chức đảm bảo tiến trình suôn sẻ từ nay đến trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, từ ngày 15-16/9/2022 tại Bali, Indonesia.

Thứ hai, chủ đề công tác chuẩn bị của Indonesia trong tiếp nhận Chủ tịch ASEAN vào năm 2023.

Thứ ba, về hợp tác đa phương, đặc biệt là xử lý các vấn đề toàn cầu cũng được Indonesia đưa ra thảo luận.

Thứ tư, vai trò của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, đặc biệt là đại dịch, phục hồi kinh tế và biến đổi khí hậu.

Thứ năm, những cam kết đối với kiến trúc y tế toàn cầu. Cuối cùng là vấn đề giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Bên lề khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, bà Retno dự kiến sẽ có 34 cuộc gặp tiếp xúc song phương với các đối tác.

Đáng chú ý có cuộc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng như một số đại diện của các nước thành viên ASEAN và G20.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

4. Việt Nam tích cực tham gia hoạt động thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Trong 45 năm kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, từ một nước kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, trở thành đối tác có trách nhiệm, tham gia gánh vác nhiều trọng trách.

Ngày 20/9, cơ quan Thư viện và Lưu trữ của Liên hợp quốc tại Geneva đã khai trương Trưng bày tư liệu và hiện vật lịch sử kỷ niệm 100 năm chủ nghĩa đa phương tại Geneva (1920-2020) để nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong thế giới đang có nhiều đổi thay hiện nay.

Cũng nhân dịp này, đúng ngày kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2022), Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã ký tên vào tấm áp phích Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời cùng cán bộ, nhân viên phái đoàn đến tham dự cuộc Trưng bày.

Tiền thân của Liên hợp quốc là Hội Quốc liên được thành lập vào tháng 01/1920 với trụ sở ở Geneva trên cơ sở Hiệp ước Versailles ký kết năm 1919. Hội Quốc liên là tổ chức quốc tế liên chính phủ nhằm phát triển sự hợp tác hữu nghị và đảm bảo hòa bình và an ninh cho các quốc gia thành viên. Hội Quốc liên ra đời đánh dấu sự phát triển của ngoại giao đa phương.

Sau khi Liên hợp quốc được thành lập (24/10/1945), và Geneva trở thành trụ sở thứ 2 của Liên hợp quốc ở châu Âu, ngoài trụ sở chính đặt tại New York (Mỹ). Thư viện và Lưu trữ của Hội Quốc liên trở thành Thư viện và Lưu trữ của Liên hợp quốc ở Geneva.

Trong hơn 100 năm qua, chủ nghĩa đa phương đã phát triển từ những bước khởi đầu của Hội Quốc liên ở Geneva trở thành hệ thống hợp tác đa phương chuyên sâu và toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài khuôn khổ Liên hợp quốc, với nhiều các tổ chức quốc tế chuyên môn.

Geneva là một trung tâm quan trọng toàn cầu của chủ nghĩa đa phương, nơi đặt trụ sở của Văn phòng Liên hợp quốc ở châu Âu và hơn 30 tổ chức quốc tế liên chính phủ về các lĩnh vực chuyên môn, thúc đẩy hợp tác đa phương giữa các quốc gia trải rộng từ quyền con người, hỗ trợ nhân đạo, giải trừ quân bị, lao động, y tế, thương mại và phát triển, sở hữu trí tuệ, viễn thông, khí tượng thủy văn, tiêu chuẩn đo lường... 

Đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã gây áp lực đối với chủ nghĩa đa phương, tuy nhiên các cuộc họp của các thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đã nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến rồi kết hợp với họp trực tiếp, hoạt động ngoại giao đa phương không bị gián đoạn.

Ngay sau khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ, Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva đã tổ chức nhiều hoạt động cùng với các quốc gia thành viên, và các đối tác khác, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân, đồng thời khai trương cuộc Trưng bày tư liệu, hiện vật lịch sử kỷ niệm 100 năm chủ nghĩa đa phương. 

Thư viện Liên hợp quốc ở Geneva là thư viện lớn nhất của Liên hợp quốc tổ chức trưng bày trong thời gian từ ngày 20/9-28/10, nhằm mục đích giới thiệu cho cán bộ ngoại giao tại Geneva và công chúng về sự phát triển của chủ nghĩa đa phương trong các lĩnh vực khác nhau từ thời kỳ Hội Quốc liên cho đến công việc ngày nay của Liên hợp quốc.

Thư viện này cung cấp thông tin cho Ban thư ký, đồng thời phục vụ công chúng và các nhà khoa học trên thế giới.

Các tư liệu và hiện vật được trưng bày mang ý nghĩa lịch sử, ví dụ như bản Hiệp ước Versailles năm 1919, hộ chiếu Nansen thời năm 1922-1938 là giấy tờ đi lại cho người tị nạn, văn bản Công ước về nô lệ được đưa ra tại Geneva năm 1926, dự thảo đầu tiên của Tuyên ngôn thế giới về các quyền con người...

Cách đây 45 năm, ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Nhân dịp này, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã tổ chức thăm Trưng bày kỷ niệm 100 năm Chủ nghĩa đa phương tại Geneva, thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực tích cực của Việt Nam đề cao và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Geneva cũng là nơi Việt Nam tích cực và kiên trì thúc đẩy ngoại giao vì hòa bình ngay từ thời kỳ đầu mới giành độc lập, thông qua Hội nghị Geneva năm 1954 về việc thiết lập lại hòa bình ở Đông Dương, với kết quả đi đến ký kết 3 Hiệp định Geneva năm 1954 về chấm dứt chiến tranh và thiết lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Việc ký các Hiệp định Geneva này đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng cũng như lịch sử ngoại giao Việt Nam, đồng thời thể hiện khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn với độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong 45 năm kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, từ một nước kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, trở thành đối tác có trách nhiệm, tham gia gánh vác nhiều trọng trách, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, thực hiện hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là về xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế và giáo dục.

Triển lãm trưng bày các tư liệu và hiện vật lịch sử tại Thư viện Liên hợp quốc ở Geneva năm nay giúp kết nối công chúng với các vấn đề toàn cầu hiện tại.

Đây cũng là dịp để Liên hợp quốc cùng các quốc gia thành viên thúc đẩy duy trì hòa bình thông qua chủ nghĩa đa phương, ôn lại những bài học của quá khứ khi cùng hướng về tương lai.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

5. Các vùng ly khai Ukraine bỏ phiếu sát nhập Nga

Các cuộc bỏ phiếu về việc gia nhập Nga sẽ bắt đầu vào 23/9 tại cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR, LPR), cũng như ở các vùng Kherson và Zaporizhzhia.

Theo Tass, các cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập Nga tại 4 vùng ở Ukraine sẽ được tổ chức từ ngày 23-27/9, trong đó bỏ phiếu trực tiếp sẽ diễn ra riêng vào ngày 27/9.

Theo đó, với DPR, khoảng 450 điểm bỏ phiếu sẽ được thiết lập trên khắp DPR và 200 điểm khác được thiết lập cho những người di tản sang Nga.

Tại vùng Zaporizhzhia, các thông báo cho biết 394 điểm bỏ phiếu được thành lập trên toàn khu vực và 58 điểm khác ở Nga, LPR, DPR và vùng Kherson.

Tại vùng Kherson, 8 ủy ban bầu cử vùng và 198 khu vực bầu cử được thành lập. Cư dân Kherson cũng có thể bỏ phiếu ở Crimea và một số thành phố của Nga, bao gồm cả Moskva.

Hơn 1,5 triệu phiếu bầu được in tại DPR dựa trên số người đủ điều kiện bỏ phiếu. Trong khi đó hơn 500.000 người được đưa vào danh sách cử tri ở khu vực Zaporizhzhia. Vùng Kherson dự kiến có khoảng 750.000 cử tri tham gia bỏ phiếu.

Một cuộc thăm dò qua điện thoại thực hiện vào ngày 13-14/9, với sự tham gia của gần 4.000 người, cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ rất cao, Tass cho biết.

Các lá phiếu được in bằng tiếng Nga và Ukraine.

Ngoài ra, cả bốn khu vực đều tuyên bố cam kết tối đa hóa tính minh bạch và hợp pháp, có sự quan sát của các quan sát viên quốc tế. Quan chức phục trách bầu cử LPR, Yelena Kravchenko nói họ đang "xem xét" đơn của các quan sát viên nước ngoài mặc dù bà không nêu tên nước của họ.

Các khu vực cũng đang chuẩn bị tăng cường các biện pháp an ninh trong các cuộc trưng cầu dân ý. Theo chính quyền quân sự-dân sự khu vực Zaporizhzhia và Kherson, các sĩ quan cảnh sát và các thành viên vệ binh quốc gia Nga sẽ bảo vệ các điểm bỏ phiếu. Lối vào các thành phố khu vực Zaporizhzhia sẽ được kiểm soát trong thời gian trưng cầu dân ý.

Kế hoạch trưng cầu dân ý ở bốn khu vực do lực lượng Nga kiểm soát bị phương Tây xem là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, khiến cuộc chiến leo thang đáng kể. Ukraine trong khi đó cho biết sẽ không bao giờ chấp nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bất kỳ lãnh thổ nào của mình.

Tổng thống Putin nói Nga sẽ không bao giờ bỏ rơi người ở các khu vực mà họ kiểm soát và những người mà ông nói rằng muốn ly khai khỏi Kiev.

Trong một cảnh báo với phương Tây, ông Putin nói rằng sẽ bảo vệ lãnh thổ Nga.

Nguồn: vtc.vn/thegioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 3 017
  • Tất cả: 8753459

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn