KẾT QUẢ THU HÚT ĐẦU TƯ Ở TRÀ VINH QUA 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH (5/1992 - 5/2022) VÀ ĐỊNH HƯỚNG THỜI GIAN TỚI
Tỉnh Trà Vinh được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/1992, được chia tách từ tỉnh Cửu Long theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10. Thời gian mới tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế thuần nông, sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, thương mại và dịch vụ kém phát triển; kết cấu hạ tầng cả thành thị và nông thôn vừa thiếu và yếu; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực thấp; điều kiện ăn, ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa ở vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo cao...

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy lãnh đạo, triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xác định và đề ra chủ trương đúng đắn, toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, tạo được sự thống nhất cao trong nội bộ và đồng thuận trong Nhân dân. Tận dụng và phát huy lợi thế vị trí địa lý nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, giáp biển Đông với bờ biển dài 65km, có 04 huyện và 01 thị xã tiếp giáp biển, có vị trí chiến lược phát triển về kinh tế, an ninh quốc phòng, là tuyến hàng hải quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông thương ra biển Đông và quốc tế, có nhiều tiềm năng khai thác, đánh bắt xa bờ.

Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành bạn, Trung ương quy hoạch và đầu tư nhiều công trình trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia như: Cầu Cổ Chiên, các tuyến Quốc lộ 53, 53B, 54, 60, Khu công nghiệp Long Đức, Khu Kinh tế Định An, Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu,... Song song đó, tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh([1]). Kết quả sau 30 năm đã thu hút được 385 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 42 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD, phát triển được 3.180 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 96.500 lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 1996 - 2000 tăng 8,87%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 11,64%; giai đoạn 2005 - 2010 tăng 11,64%; giai đoạn 2010 - 2015 tăng 11,53%; giai đoạn 2016 - 2020 tăng 11,95%; quy mô nền kinh tế mở rộng, từ 1.086 tỷ đồng năm 1992 lên 63.818 tỷ đồng năm 2021, gấp 58,8 lần; GRDP bình quân đầu người từ khoảng 73 triệu đồng/người/năm lên 63,15 triệu đồng/người/năm, gấp 86,5 lần; nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, giá trị sản phẩm thu được trên diện tích đất trồng trọt từ 4,5 triệu đồng/ha tăng lên 140 triệu đồng/ha, nuôi trồng thủy sản từ 27 triệu đồng/ha tăng 325 triệu đồng/ha; sản xuất công nghiệp phát triển vượt bậc, phát triển nhanh lĩnh vực điện năng với tổng công suất 4.960 MW các đường dây truyền tải điện liên tỉnh 500kV, 220kV...nâng giá trị sản xuất từ 270 tỷ đồng lên 32.015 tỷ đồng (gấp 118 lần); thương mại - dịch vụ có bước phát triển đáng kể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 702 tỷ đồng lên 31.412 tỷ đồng (gấp 44 lần).

Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách gặp khó khăn, vướng mắc: Nhiều dự án đầu tư nhưng số lượng nhà đầu tư được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư rất ít do điều kiện các nhà đầu tư hưởng chính sách không đáp ứng; một số quy định mới được ban hành nên phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết; quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư rất hạn chế, kết quả thu hút đầu tư chưa đạt được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít; tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư do năng lực tài chính nhà đầu tư còn hạn chế, không thể huy động nguồn vốn kịp thời; một số dự án cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư không triển khai phải thu hồi mất thời gian, nhiều cơ hội để đưa dự án vào hoạt động và kêu gọi các nhà đầu tư khác.

 Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thời gian tới, tỉnh xác định tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, xúc tiến đầu tư tập trung ưu tiên lựa chọn các dự án: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, chế tạo công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái,…; dịch vụ vận tải, cảng biển, trung tâm Logistics; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng Khu kinh tế Định An, Khu Công nghiệp, Cụm công nghiệp;... đưa tỉnh Trà Vinh trở thành 03 trung tâm: Trung tâm năng lượng; trung tâm công nghiệp chế biến và trung tâm giao thương trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Lễ khánh thành Nhà máy Điện gió V1-2 - Ảnh: Trường On

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư: Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư; thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó, chú trọng vào các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, các nhà đầu tư chiến lược; tăng cường thu hút các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn trong nước có uy tín, có năng lực tài chính vào đầu tư. Đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chú trọng các doanh nghiệp, nhà đầu tư như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ tập trung thực hiện hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án, nhất là các dự án liên quan đến thủ tục pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng, các dự án lớn, dự án trọng điểm để tạo sức lan tỏa trong kêu gọi đầu tư. Tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải đáp thắc mắc với nhà đầu tư, thúc đẩy nhà đầu tư mở rộng, đăng ký vốn tăng thêm đối với dự án đang triển khai. Cung cấp thông tin về nhu cầu, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ba là, công tác quản lý đầu tư: Quan tâm thẩm định, phân tích, đánh giá những tác động và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường các dự án đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ để ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thực hiện phiếu khảo sát, đánh giá của các nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá công chức, viên chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; bảo đảm cơ sở dữ liệu có đủ độ tin cậy và bao quát, minh bạch các số liệu. Số hóa mọi quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các dự án kêu gọi đầu tư, tạo nhiều quỹ đất sạch để xúc tiến, thu hút đầu tư. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh theo hướng tinh gọn bớt thủ tục, dễ thực hiện, nhất là các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh, tạo chính sách hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Bốn là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác quản lý, thẩm định dự án đầu tư và công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình Chương trình xúc tiến đầu tư đã phê duyệt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn: Thông tin công tác tư tưởng tháng 4

 


([1]) Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND, ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và sửa đổi, bổ sung (tại Nghị quyết số 52/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017; Nghị quyết số 80/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 và Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020); Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND, ngày 22/3/2017 của HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cơ sở xã hội hóa hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 81/2019/NQ-HĐND, ngày 12/4/2019,… đã phát huy được tác dụng, khai thông hiệu quả các nguồn lực

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 2330
  • Trong tuần: 26 007
  • Tất cả: 8728539

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn