Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (3/1912-3/2022): Tinh thần Tô Hiệu
“Tinh thần Tô Hiệu” là tên của một cuốn sách do Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ban Liên lạc nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên và Tỉnh ủy Sơn La phối hợp xuất bản viết về cuộc đời của nhà cách mạng Tô Hiệu. Trong cuốn sách này, Đại Tướng Văn Tiến Dũng, người bạn tù của đồng chí Tô Hiệu hồi ức lại: “Tuy thể xác bị bệnh lao phổi tàn phá nhưng đồng chí vẫn vượt lên bệnh tật, tổ chức công tác tuyên truyền cách mạng, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, mở các lớp học văn hóa, chính trị, quân sự, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh. Tinh thần hi sinh tận tụy vì Đảng, vì dân của anh có sức cuốn hút, thuyết phục cảm hóa rất lớn. Đồng chí là người thầy, người anh được mọi người tin yêu, cảm phục”.

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nền nếp nho phong thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cùng với lớp thanh niên, học sinh đương thời, ông tham gia các hoạt động cách mạng từ khi mới 14 tuổi. . Phát huy truyền thống của quê hương và gia đình, đồng chí Tô Hiệu hăng hái tham gia các phong trào yêu nước từ khi mới 14 tuổi. 

Tại Sài Gòn năm 1928, ông cùng anh ruột của mình cũng là một nhà cách mạng gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1930, sau khi Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, những nhà yêu nước theo đường lối của Việt Nam Quốc dân Đảng lần lượt bị thực dân Pháp bắt, xử tử hình và đưa đi đày. Tô Hiệu bị bắt, bị kết án 4 năm tù và đày đi Côn Đảo. Ở nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, trước những tấm gương anh hùng của những người yêu nước theo con đường cách mạng vô sản, ông đã dần giác ngộ lý tưởng cộng sản và đứng hẳn về phía những người theo con đường cách mạng vô sản. Từ một đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, từ chi bộ đặc biệt - chi bộ Chỉ Tồn ở Côn Đảo đã trui rèn nên khí phách và tâm hồn của người cộng sản Tô Hiệu, đưa ông trở thành một trong số những nhà cách mạng tài năng lớp đầu tiên của Đản Cộng sản Đông Dương.

Sau khi gia nhập vào hàng ngũ những người cộng sản và mãn hạn tù, ông đã hoạt động ở Hà Nội và gây dựng nhiều cơ sở cách mạng ở Thái Nguyên. Vào năm 1936, khi mới chỉ 24 tuổi, ông được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn. Trên cương vị này, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác tuyên huấn, công tác xây dựng Đảng. Những phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân Hải Phòng đã gây tiếng vang lớn và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, khi ấy đang hoạt động ở nước ngoài chú ý. Tháng 10 năm 1939, Xứ uỷ Bắc Kỳ thành lập các khu Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ thuộc khu B (sau đó gọi là liên tỉnh B) trong đó Tô Hiệu làm Bí thư Khu ủy, xúc tiến ra báo Chiến Đấu, cơ quan tuyên truyền của Khu ủy B. Trước sự đàn áp của thực dân Pháp đối với phong trào, Tô Hiệu chuyển hướng hoạt động từ công khai rút vào bí mật, sàng lọc cán bộ công khai.

Ngày 01 tháng 12 năm 1939, Tô Hiệu bị địch bắt, bị kết án 5 năm tù và đày lên giam ở nhà tù Sơn La, một nơi rừng thiêng, nước độc khét tiếng lúc bấy giờ.

Nhà tù Sơn La những năm tháng ấy là nơi đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt và giam cầm, tra tấn khốc liệt. Đã có rất nhiều những nhà cách mạng, những người yêu nước bị đày lên nhà tù Sơn La và hi sinh tại đó. Tại nhà tù Sơn La, tháng 2 năm 1940, khi Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên, kiêm Tổ trưởng Tổ đảng và tháng 2 năm đó, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ trong một đại hội Chi bộ bí mật. Với phương châm “biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng”, đồng chí Tô Hiệu đã trực tiếp mở các lớp đào tạo, huấn luyện lý luận về chủ nghĩa Mác Lê-nin, bồi dưỡng phương pháp đấu tranh cách mạng, chỉ đạo phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và ngoài nhà tù. Vào những năm tháng cuối đời khi bị giam giữ ở nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu đã trồng ở nơi đây một cây đào. Cây Đào Tô Hiệu đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất trước kẻ thù mà còn là niềm lạc quan, tin tưởng ở ngày toàn thắng của dân tộc.

Sau một thời gian bị lao phổi do sự tra tấn và lao động khổ sai cực nhọc, đồng chí Tô Hiệu đã qua đời ngày 07 tháng 3 năm 1944 tại nhà tù Sơn La, khép lại một cuộc đời đấu tranh cách mạng trẻ trung sôi nổi. Với 32 năm tuổi đời, 18 năm hoạt động cách mạng với nhiều đóng góp quý báu và sáng tạo, đồng chí Tô Hiệu đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất hi sinh, tinh thần lạc quan cách mạng cho những người yêu nước, những người cộng sản Việt Nam./.

                                                                                Trung Kiên

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 284
  • Trong tuần: 3 651
  • Tất cả: 8754582

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn