Bùi Cát Vũ: Một đời binh nghiệp - Một đời Văn ​
Đến ấp Rạch Vồn, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành hỏi đến ông thì ai cũng biết, dù có người chưa một lần được gặp mặt ông. Bởi từ lâu, ông đã trở thành niềm tự hào của người dân Hưng Mỹ và là tấm gương cho nhiều thế hệ của mảnh đất nằm nép mình bên dòng Cổ Chiên này noi theo. Ông chính là thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ, một tướng lĩnh quân sự, một nhà khoa học, một nhà văn giàu cảm xúc. Cuộc đời ông gắn liền với binh nghiệp và văn chương.

Một đời binh nghiệp

Thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ sinh ngày 15 tháng 4 năm 1924, tên thật là Bùi Văn Bê (Ba Bê). Sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng ông rất hiếu học và học rất giỏi. Bùi Văn Bê thi tiểu học đậu đầu tỉnh, thi đậu vào trường Trung học Mỹ Tho cũng được học bổng toàn phần nhưng gia đình không đủ tiền lo cho chuyện học nên ông đành bỏ dở giữa chừng. Nhưng cái nghèo, cái khó không bó chân được chàng thiếu niên vốn rất thông minh lại ham học này, vì vậy ông từ giã gia đình tự thân bươn chãi, đi tìm ánh sáng cho đời mình. Bùi Văn Bê tìm lên Sài Gòn và xin được công việc sửa morat (sửa lỗi chính tả) tại tòa soạn tờ báo Dân chúng. Báo Dân chúng là tờ báo chống lại thực dân Pháp nên bị đóng cửa và cậu trai trẻ Bùi Văn Bê cũng bị bắt vào tù nhưng vì chưa đủ tuổi nên chúng đành thả ra.

Sau khi Nhật đảo chánh Pháp, Bùi Cát Vũ trở về Trà Vinh tham gia kháng chiến. Ông mai mắn gặp được đồng chí Dương Quang Đông (lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh), nhà cách mạng tiền bối này giới thiệu cho Bùi Cát Vũ vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngay thời điểm sục sôi của cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám ở Trà Vinh. Tại chiến trường Trà Vinh, Bùi Cát Vũ đã hăng hái tham gia tổ chức Tỉnh bộ Thanh niên Tiền phong và ông đã sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu góp phần vào cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Trà Vinh dành thắng lợi. Cách mạng tháng Tám thành công, Bùi Cát Vũ được phân công làm chỉ huy Đội Cộng hòa vệ binh. Theo chủ trương “Xuyên Đông” của Xứ ủy Nam kỳ, tháng 4 năm 1946, Bùi Cát Vũ đến chiến đấu ở miền Đông Nam bộ.

Quê hương Rạch Vồn sông nước bãi bồi sinh ra Bùi Cát Vũ nhưng con đường binh nghiệp và văn nghiệp của ông lại được trưởng thành giữa núi rừng hùng vĩ Chiến khu Đ. Ông đã được giao nhiều chức vụ quan trọng ở vùng đất gian lao mà anh dũng này và lập nhiều chiến công hiển hách. Giai đoạn 1946-1947 với vai trò là chỉ huy phó, Bùi Cát Vũ và cùng đồng đội đã gây nên tiếng vang với trận thắng La Ngà. Sau chiến thắng, ông được tặng thưởng Huân chương Quân công. Bùi Cát Vũ cũng được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tham mưu trưởng Quân khu I, Chủ nhiệm bộ đội pháo binh miền Nam, Tham mưu phó Bộ chỉ huy quân sự miền Nam... Đặc biệt, trong vai trò là Tư lệnh phó Quân đoàn 4, đơn vị chủ lực cơ động chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông đã sát cánh cùng với quân và dân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, năm 1979, Bùi Cát Vũ lại lên đường ra mặt trận với vai trò là Tư lệnh phó Quân đoàn 4 chỉ huy cánh quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên tiến vào giải phóng Phnôm Pênh giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Phol Pot. Năm 1980, Bùi cát Vũ giữ chức vụ Tư lệnh phó Quân khu 7 cho đến khi về nghỉ hưu, năm 1987 và được phong quân hàm Thiếu tướng.

Từ chàng thanh niên tham gia cướp chính quyền trong cách mạng tháng Tám đến một người chỉ huy với những cách đánh độc đáo làm nên những chiến thắng vang dội đã cho thấy Bùi Cát Vũ là nhà quân sự tài năng thao lược.

Thiếu tướng - Nhà văn Bùi Cát Vũ (bìa trái) về thăm quê hương Rạch Vồn - Hưng Mỹ

Một đời văn

Tác phẩm của Thiếu tướng - Nhà văn Bùi Cát Vũ

Mặc dù chỉ học hết tiểu học nhưng vốn rất thông minh và yêu thích văn chương, cộng với những ngày mưu sinh ở đất Sài Gòn, Bùi Cát Vũ sớm có điều kiện tiếp xúc với giới trí thức, báo chí, văn chương...đặc biệt là những nhà báo cũng là chiến sĩ cộng sản như: Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Thanh Mại, Dương Bạch Mai...Chính những người này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp văn chương của ông. Trong cuộc đời binh nghiệp, Bùi Cát Vũ chiến đấu với kẻ thù không chỉ bằng đầu lê, mũi súng mà còn có cả ngòi bút bên mình. Tay súng, tay bút, trên mỗi chặng đường chiến đấu, ông đều mãi mê viết. Tác phẩm đầu tay của Bùi Cát Vũ là phóng sự Sau ánh đèn điện Sài Gòn. Bùi Cát Vũ có thế mạnh là ông luôn có mặt tại những điểm nóng nhất của chiến trường trong suốt hơn 30 năm dài. Chính vì vậy, những trang viết của ông thấm đẫm hơi th của cuộc sống, chiến đấu và nó in dấu mỗi chiến trường ông đã đi qua, những sự kiện ông đã chứng kiến.

Như lúc trên đường tiến công vào giải phóng Sài Gòn năm 1975, Bùi Cát Vũ viết ngay tập ký sự: Đường vào Sài Gòn. Tập ký sự đã cho người đọc hình dung ra sự hy sinh gian khổ nhưng hừng hực khí thế của toàn quân và dân ta bằng mọi giá phải giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Đầu năm 1979, khi chỉ huy Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Phnôm Penh giúp nước bạn Campuchia đánh tan quân Khmer Đỏ, Phó tư lệnh Bùi Cát Vũ đã tranh thủ viết ngay thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh. Ký sự Đường vào Phnôm Pênh đã giúp người đọc hiểu sâu hơn tình hình bi thương của xứ sở Ăngkor, cũng như hành trình vượt qua thử thách ác liệt, tinh thần chiến đấu quả cảm và nhân văn của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. 

Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm văn học khác như: Buổi đầu chập chững, Đường tới thành phố, Vòng hoa xứ trắng, đặc biệt là truyện ngắn Gió bụi Sài Gòn. Đây là truyện cuốn tự truyện ông ghi lại những ngày còn trẻ, ông sống lang bạc giữa Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Ông nhận ra đằng sau ánh đèn rực rỡ của Sài Gòn hoa lệ còn có biết bao cảnh đời ngang trái mà chính bọn thực dân đã gây ra. Gió bụi Sài Gòn của ông nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, giải B cuộc thi văn học Thiếu nhi vì tương lai đất nước.

Trong những truyện ngắn, giọng văn của ông nhẹ nhàng, bình dị như chính tính cách của ông; riêng với các tác phẩm ký sự chiến trường thì giọng văn lại trở nên mạnh mẽ, giàu chất thép thể hiện khí chất của một chiến sĩ, nhà quân sự. Tất cả tựu trung ở một con người bản lĩnh, từng trải và những cảm xúc đời thường nhất. Ở cương vị nào, ông cũng cần mẫn cày xới trên cánh đồng văn đầy hơi thở cuộc sống, chiến đấu. Trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam có không nhiều vị tướng đồng thời là nhà văn như Bùi Cát Vũ và ông cũng là vị tướng đầu tiên được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.

Như những người con được sinh ra và lớn lên tại vùng sông nước miền Tây, Bùi Cát Vũ cũng rất say mê đờn ca tài tử và ông cũng đã sáng tác 1 số bài ca. Trong đó, ông viết riêng cho mảnh đất Hưng Mỹ của mình bài ca: Về lại quê hương. Đây là tâm sự của chính ông, là lời trần tình của người con nhiều năm xa xứ. Yêu quí tấm chân tình của ông dành cho quê hương, những người đi sau vẫn luôn hát bài ca này như để nhớ đến ông, một người con ưu tú của quê hương.

Năm 2002 sau cơn đau nặng ông đã qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Gần hai mươi năm qua, Hưng Mỹ không còn được đón ông trở về nhưng với quê hương Trà Vinh, với đất nước này ông vẫn sống mãi trong sự kính phục của mọi người qua hình ảnh của một vị tướng - nhà văn giàu nhân nghĩa và khí khái trong sạch ở đời.

Nguyễn Văn Chót 

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 435
  • Trong tuần: 3 957
  • Tất cả: 8756074

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn