Nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải và những ca khúc góp phần cho ngày 30/4 lịch sử
Giới sáng tác ca khúc ở Trà Vinh và những người yêu dòng nhạc cách mạng biết đến nhạc sĩ Hùynh Thanh Hải với hơn 20 ca khúc ca ngợi, tự hào về quê hương Trà Vinh qua những chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Nhưng tiêu biểu trong số đó là hai ca khúc Chào chiến công Tiểu đoàn Quyết thắng và Hồ Thị Nhâm sống mãi là liều thuốc tinh thần thúc giục bước chân của các chiến sĩ giải phóng quân rầm rập tiến vào dinh lũy kẻ thù góp phần quan trọng cho trận chiến cuối cùng ngày 30/4 lịch sử giải phóng tỉnh nhà. Cho đến hôm nay, trong những sự kiện, ngày lễ quan trọng thì giai điệu tự hào của hai ca khúc này lại được vang lên.

Nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải và cây đờn mandolin gắn bó với ông hơn 50 năm qua

Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, tôi có dịp đến thăm Trung đoàn bộ binh 926, mà tiền thân là Tiểu đoàn 501 địa phương quân tỉnh Trà Vinh và bất chợt được nghe giai điệu bài hát: Chào chiến công tiểu đoàn quyết thắng, ca khúc được xem là truyền thống của đơn vị. Thế là tôi quyết định tìm gặp tác giả của bài hát một thời làm nức lòng bộ đội ta và thúc giục lớp lớp thanh niên hăn hái lên đường ra mặt trận.

          Con đường cách mạng dẫn đến âm nhạc  

Trong ngôi nhà tình nghĩa ấm áp tại ấp Lò Ngò, nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải kể cho tôi nghe về cuộc đời và những tháng ngày dài theo đoàn các đoàn văn công lặn lội khắp các chiến trường để biểu, sáng tác phục vụ cho bộ đội. Huỳnh Thanh Hải sinh năm 1949 tại ấp Cồn Ông xã Trường Long Hòa (nay thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải) trong gia đình có cha mẹ, anh chị đều tham gia cách mạng. Quê hương ông sau Đồng khởi dù bị giặc đàn áp dã man nhưng vẫn trong khí thế hừng hực của quần chúng nhân dân xã Trường Long Hòa đấu tranh trực diện mà đi đầu là chị gái của ông, Huỳnh Thị Cẩm (năm 2000 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân). Năm 1961 xã Trường Long Hòa căn bản được giải phóng. Niềm vui giải phóng quê hương chưa trọn vẹn thì tháng 3 năm 1961, người anh rễ của Huỳnh Thanh Hải (chồng của Huỳnh Thị Cẩm) hy sinh. Quyết chí trả thù cho chồng cùng với đồng bào, tháng 6 năm 1961, Huỳnh Thị Cẩm tay bế con thơ dẫn đầu đoàn biểu tình tiến thẳng vào tề xã. Loạt đạn của bọn ác ôn xuyên qua người chị khi tay còn bế con. Huỳnh Thị Cẩm ngã xuống cho bao người tiến lên.

Chứng kiến sự đàn áp dã man của kẻ thù và sự hy sinh gan dạ của người chị Huỳnh Thị Cẩm đã hun đúc ý chí Huỳnh Thanh Hải quyết tâm theo cách mạng. Đến năm 1962, khi đòan Văn công tỉnh Trà Vinh đến diễn gần nhà và thấy Huỳnh Thanh Hải có năng khiếu về âm nhạc nên nhận vào đòan. Do khi còn nhỏ cha mua cho các anh chị cây đàn mandolin để chơi trong lúc rảnh rỗi nên Huỳnh Thanh Hải cũng tập tành đàn cùng các anh chị. Năm 11 tuổi ông đã đàn thành thạo đàn mandolin. Vậy là Huỳnh Thanh Hải hăm hở gia nhập đoàn Văn công Trà Vinh vì vừa được theo cách mạng, vừa được sống trong môi trường văn nghệ. Ông đã theo chân các đoàn Văn công biểu diễn trong tỉnh và quân khu Tây Nam bộ phục vụ chiến sĩ, đồng bào trong vùng giải phóng.

          Hoàn cảnh ra đời đặc biệt của hai ca khúc

Khi về công tác tại đòan Cải lương Ánh Hồng tỉnh Trà Vinh, Huỳnh Thanh Hải có điều kiện học thêm nhạc cùng với sự chỉ dạy, hướng dẫn của các anh chị trong đoàn nên bắt đầu sáng tác từ năm 1968. Đến năm 1972, thời điểm chiến trường Trà Vinh rất ác liệt, Mỹ ngụy ruồng bố, biệt kích vào vùng giải phóng, đòan Cải lương Ánh Hồng chia ra nhiều đội để diễn phục vụ bộ đội và bà con. Huỳnh Thanh Hải được phân công vào đội bám sát Tiểu đòan 501 địa phương quân tỉnh để phục vụ. Những chiến công oanh liệt trên khắp các chiến trường từ Tiểu Cần, Trà Cú, Càng Long, Cầu Kè, đặc biệt là tháng 9 năm 1972 chiến thắng vang dội tại Ngãi Hòa, Te Te, Hùng Hòa, Rạch Lợp… của quân và dân ta, trong đó Tiểu đoàn 501 làm cho quân thù khiếp kinh. Chính những chiến công vang dội đó đã làm nguồn cảm hứng cho Huỳnh Thanh Hải sáng tác ca khúc Chào chiến công Tiểu đoàn quyết thắng. Giai điệu rộn ràng của ca khúc như bước chân rầm rập của các chiến sĩ giải phóng quân tiến vào dinh lũy kẻ thù, tạo nên sức mạnh“cuốn phăng bót đồn thù” khiến cho“đồng Te Te giặc khiếp kinh, đất Ngãi Hòa vùi thây giặc Mỹ...” Sau khi ra đời, ca khúc được các ca sĩ đoàn Ánh Hồng biểu diễn liên tục để phục vụ cho các chiến sĩ và đồng bào trong vùng giải phóng và được đón nhận nhiệt tình. Đến nay, ca khúc Chào chiến công Tiểu đoàn quyết thắng vẫn được phát trên loa của Trung đoàn 926 để các cán bộ chiến sĩ cùng nghe, cùng ôn lại quá khứ hào hùng của đơn vị tiền thân (Tiểu đoàn 501) và ca khúc này đã trở thành một trong những ca khúc truyền thống mang đầy niềm tự hào của quân dân Trà Vinh.

Một ca khúc khác cũng mang đậm dấu ấn của Huỳnh Thanh Hải, đó là ca khúc Hồ Thị Nhâm sống mãi. Cũng vào năm 1972, tham dự đại hội chiến sĩ thi đua của tỉnh, Huỳnh Thanh Hải được nghe báo cáo tại đại hội về những tấm gương anh dũng ở Trà Vinh, trong đó có tấm gương liệt sĩ Hồ Thị Nhâm (năm 1976 được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Hồ Thị Nhâm tên thật là Hồ Thị Ngọc Đoàn sinh năm 1947 tại ấp Sơn Trắng, xã Nhị Long (nay là xã Nhị Long Phú). Hòa cùng cả nước trong chiến dịch xuân hè năm 1972, quân dân Trà Vinh với ba mũi giáp công liên tục tấn công địch trên khắp các chiến trường, nhất là các xã ven chi khu Càng Long. Huyện đội Càng Long giao cho Hồ Thị Nhâm nghiên cứu địa hình, qui luật để đánh trận lớn vào cơ quan đầu não của địch. Trong trận đánh bằng mìn định giờ, Hồ Thị Nhâm bị địch theo dõi và phát hiện, chị quyết định cho mìn nổ để tiêu diệt một số tên. Hồ Thị Nhâm dũng cảm hy sinh khi tuổi đời vừa mới hai mươi lăm. Tiếng mìn của Hồ Thị Nhâm không chỉ làm bạt vía quân thù mà còn làm sôi sục hơn nữa tinh thần yêu nước và phong trào cách mạng ở Trà Vinh. Hồ Thị Nhâm anh dũng ngã xuống để bật lên sức mạnh, ngọn lửa đấu tranh cho những người đi sau. Cảm phục trước tấm gương người con gái dũng cảm một mình đánh mìn vào dinh lũy kẻ thù nên Huỳnh Thanh Hải đã sáng tác ca khúc: Hồ Thị Nhâm sống mãi.

Nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải (phải) và diễn viên Quang Tiến ôn lại kỷ niệm bài hát Hồ Thị Nhâm sống mãi

Sau khi sáng tác xong, diễn viên Quang Tiến của đoàn Ánh Hồng là người đầu tiên hát ca khúc này ngay trên bản thảo để kịp thời tuyên truyền tiếp thêm ngọn lửa đấu tranh cho bộ đội và bà con trong vùng giải phóng trong lúc ác liệt nhất. Nhạc sĩ Trần Việt An cho biết “Ngay từ khi ca khúc mới ra đời, diễn viên Đoàn Ánh Hồng hát phục vụ xuyên suốt trong mỗi buổi biểu diễn. Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, ca ngợi nhưng rất trữ tình vì vậy công chúng, nhất là giới trẻ trong vùng giải phóng lúc ấy đón nhận nhiệt tình”.

Âm vang tiếng mìn của nữ anh hùng Hồ Thị Nhâm, cộng với sức lan toả của ca khúc Hồ Thị Nhâm sống mãi đã thôi thúc những người chiến sĩ “Rầm rập bước chân lên đường đi giữ lấy mùa xuân”.  

Hai ca khúc: Chào chiến công Tiểu đoàn Quyết thắngHồ Thị Nhâm sống mãi mang giai điệu tự hào của nhạc sĩ Hùynh Thanh Hải đã góp phần không nhỏ để làm nên chiến thắng cuối cùng, ngày 30/4/1975 giải phóng tỉnh Trà Vinh.

Nguyễn Văn Chót

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 1433
  • Trong tuần: 25 110
  • Tất cả: 8727642

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn