Đền thờ Bác Hồ nơi giáo dục lịch sử, lưu giữ văn hóa và phát triển du lịch
Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh mang ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là tình cảm thiêng liêng của quân dân Trà Vinh dành cho Bác và là biểu tượng cho sức mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Điều ấn tượng ngoài ngôi Đền còn khuôn viên cây xanh mang giá trị lịch sử, văn hóa do các vị lãnh đạo Trung ương, địa phương và người dân trồng lưu niệm, ngày ngày xõa bóng mát bên Đền thờ Người góp phần thu hút khách tham quan du lịch.

Khuôn viên cây xanh bên Đền thờ Bác

Công trình của trái tim, nơi giáo dục lịch sử

Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh là công trình của trái tim, một biểu tượng của tấm lòng người dân Trà Vinh đối với Bác, một địa chỉ lịch sử, văn hóa, du lịch nổi tiếng mà bất cứ ai đặt chân đến Trà Vinh cũng muốn tìm đến viếng thăm. Đây là niềm tự hào của người dân Long Đức nói riêng và Trà Vinh nói chung.  

Nhân dân Trà Vinh tham dự lễ khánh thành Đền thờ Bác

Khi hay tin Bác qua đời, trong niềm kính yêu và nỗi tiếc thương vô hạng của nhân dân Long Đức, Thị xã ủy Trà Vinh bàn kế hoạch cùng với quân dân Long Đức quyết định xây dựng ngôi Đền để thờ Người ngay tại vùng quê lửa đạn của mình. Ngôi Đền được khởi công xây dựng vào ngày 10/3/1970, tại địa điểm ấp Vĩnh Hội và được khánh thành vào ngày 26/01/1971 bằng vật liệu tre lá trên nền diện tích 16m2. Già trẻ, gái trai đã tranh thủ từng đêm, bất chấp đạn bom quyết dựng bằng được ngôi Đền. Sự tồn tại một cách hiên ngang và thách thức của ngôi Đền, tại một vị trí sát nách cơ quan đầu não của địch khiến chúng điên cuồng ngày đêm bắn phá, càng quét. Có thể ví ngôi Đền là cái gai trong mắt mà bọn Mỹ - ngụy bằng mọi giá cần phải nhổ cho được. Vì vậy, trong 5 năm từ lúc khởi công xây dựng cho đến ngày 29/4/1975, Mỹ - ngụy đã tổ chức hàng trăm cuộc càng quét vào khu vực Đền thờ và chúng đã có ba lần thực hiện được ý đồ đốt đền. Ba lần giặc đốt Đền thì ba lần quân dân Long Đức lại dựng Đền lên, lần sau khang trang hơn lần trước. Năm năm xây dựng và bảo vệ, quân dân Long Đức đã anh dũng bám từng bờ tre, bụi cỏ chiến đấu và cũng đã có không ít người ngã xuống cho ngôi Đền được dựng lên. Đó là minh chứng cho ý chí, sức mạnh quật cường của quân dân Long Đức, thể hiện tình yêu, lòng tôn kính vô vàn đối với Bác.

Với giá trị lịch sử, văn hóa quí báu đó, năm 1989, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa -  Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, đây cũng là một trong những di tích quốc gia đầu tiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Khuôn viên của Đền hiện nay với diện tích 5.3 hecta gồm nhiều hạng mục quan trọng. Ngoài hạng mục chính là ngôi Đền thì còn có những hạng mục quan trọng khác là nhà trưng bày, nhà sàn...lần lượt được xây dựng để trở thành nơi giáo dục lịch sử, lưu giữ văn hóa và phát triển du lịch.

Khuôn viên cây xanh mang giá trị văn hóa và du lịch.

Để viết tiếp câu chuyện trái tim của nhân dân Trà Vinh dành cho Bác, các thế hệ nối tiếp nhau xây dựng cho ngôi Đền ngày một đẹp hơn, trong đó có câu chuyện những người trồng cây bên Đền Bác. Những ai đặt chân đến Đền thờ viếng Bác có lẽ cũng không khỏi ngỡ ngàn với màu xanh tươi mát của hàng trăm giống cây được trồng ở nơi đây tạo nên khuông viên vô cùng thoáng đãng. Cũng phải thôi, cuộc đời của Bác gần gũi với thiên nhiên, gắn lin với những điều giản dị của vườn rau, ao cá. Bác bình dị như bao con người Việt Nam bình dị khác. Hiểu được điều đó, lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh cũng như Ban quản lý khu di tích qua các thời kỳ luôn quan tâm đến việc phát triển khuông viên cây xanh tạo nên môi trường trong lành cho du khách đến đây tham quan học tập, vui chơi giải trí cảm nhận được không gian văn hóa gần gũi với tính cách của Người.

Thuyết minh viên Hà Thị Vĩnh Bình (bìa trái) giới thiệu với du khách những cây được trồng trong khu di tích

Khu di tích hiện có khoảng một ngàn cây xanh với hàng trăm giống cây các loại. Những giống cây đặc hữu của vùng đất giồng cát ở Trà Vinh có sao, dầu, tre, me tây (còng), phượng….cùng nhiều giống cây khác khắp nơi trên cả nước. Các loài cây ở đây được trồng xen kẽ nhau tạo nên những nét chấm phá làm tăng sự hấp dẫn cho du khách đến tham quan. Những chủng loại như cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây cảnh, các loại cây cho hoa...tạo nên hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng, cảnh quan môi trường xanh và đẹp bốn mùa trong năm. Vào những ngày lễ tết hay dưới cái nắng tháng tư, tháng năm oi ả này có không dưới hàng chục đoàn đến tham quan mỗi ngày và cùng tận hưởng bầu không khí trong lành, mát dịu.

Điều đáng quí là những cây xanh trong khuôn viên Đền thờ phần lớn do những người con trên mọi miền đất nước đến đây trồng. Chị Hà Thị Vĩnh Bình - thuyết minh viên của khu di tích hãnh diện chia sẻ với chúng tôi giá trị đặc biệt của khuôn viên cây xanh này. Đó là từ sau ngày đất nước giải phóng đến nay, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và người dân đã trồng và tặng những giống cây quí trong khuôn viên Đền thờ Người. Ngoài hướng dẫn du khách về giá trị lịch sử của ngôi Đền, chị cũng giới thiệu về lịch sử của những hàng cây và được du khách tham quan thích thú, tỏ lòng ngưỡng mộ. Và chị hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu “lịch sử” của những hàng cây được trồng rất ngay ngắn và mỗi cây đều có “tiểu sử” riêng thể hiện sự trân trọng của một kỷ vật mang giá trị tinh thần. Như đôi cây vú sữa ngay trước sảnh Đền do đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã trồng lưu niệm năm 1981, đây là một trong những cây đầu tiên do lãnh đạo Trung ương về trồng; năm 1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay Thủ tướng Chính phủ) Phạm Hùng trồng lưu niệm cặp cây vú sữa; năm 1987, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò ưu tú của Bác đã đến dâng hương và tự tay trồng cặp hoa lài; Thủ tướng Phạm Văn Đồng trồng cặp cây vú sữa năm 1989; năm 2002, đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng trồng cây vạn niên tùng; đồng chí Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã trồng lưu niệm hai cây ngọc lan vào năm 2007 cùng với nhiều vị lãnh đạo khác.

Các đồng chí lãnh đạo ở tỉnh Trà Vinh cũng đã trồng, hiến tặng nhiều loại cây như: đồng chí Nguyễn Thái Bình - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Bộ trưởng bộ Nội vụ; đồng chí Trần Quang Thiện - Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh và nhiều đồng chí lãnh đạo khác cùng với sở, ban, ngành tỉnh; tỉnh bạn và nhân dân cả nước chung tay tạo nên màu xanh bên Đền thờ.

Hoa thơm trái ngọt của những người con ưu tú của đất nước, người học trò tận tụy, trung thành, những người dân yêu quí Bác mang về đây trồng đã xõa bóng mát cho ngôi Đền.

Khuôn viên cây xanh này thể hiện tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương đối với tỉnh Trà Vinh, đối với Đền thờ mà không phải khu di tích nào cũng có được. Có thể nói, mỗi một loại cây ở nơi đây đều mang một ý nghĩa, thông điệp cao đẹp hướng về Bác, đúng với ý nguyện của Người là yêu thiên nhiên, cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Những hàng cây từ lâu đã trở nên thân thuộc, in đậm trong kí ức với bất cứ ai đặt chân đến đây viếng Bác. Những cây do các vị lãnh đạo và nhân dân trồng trong khu di tích luôn có đội ngũ nhân viên chăm sóc giữ gìn, bảo vệ như một phần di sản quí giá của ngôi Đền. Cây vẫn xanh, chồi lá ngày một vươn cao xõa bóng bên ngôi Đền như điểm tô thêm tình yêu của mỗi người đối với Bác.

Du Khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên Đền thờ

Và ngày nay, những hàng cây bên Đền thờ Bác còn mang giá trị mới, đó là góp phần thu hút khách du lịch. Bởi, qua những lần tôn tạo, trùng tu đều theo quy hoạch của Khu di tích lịch sử - văn hóa gắn với chức năng du lịch và trở thành điểm đến nổi tiếng của Trà Vinh với du khách thập phương và hàng năm có trên 10 ngàn lượt khách đến tham quan học tập vui chơi giải trí.

Mới đây nhất, để chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, ngày 18/4/2022, Sở VH-TT&DL tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng công trình tu bổ Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ. Công trình được đầu tư gồm 10 hạng mục với tổng mức đầu tư trên 26 tỷ đồng đã góp phần phát triển không gian cho ngôi Đền về mặt kiến trúc, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số: 23/KH-UBND ngày 10/4/2018 về thực hiện nhiệm vụ giải pháp đột phá phát triển du lịch năm 2018 và những năm tiếp theo đã định hướng mục tiêu chung là: đến năm 2025, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đy phát triển kinh tế - xã hội; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc. Với những định hướng đó, Đền thờ Bác Hồ sẽ là nơi đáp ứng cùng lúc nhiều mục tiêu: giáo dục lịch sử, lưu giữ văn hóa và góp phần tăng sức hút mạnh mẽ cho du lịch tỉnh nhà./.

Nguyễn Văn Chót

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 119
  • Trong tuần: 3 806
  • Tất cả: 8756872

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn