NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1/6
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 không chỉ đơn thuần là ngày Tết của trẻ em, ngày trẻ được vui chơi, nhận những món quà ý nghĩa từ người thân, mà còn là dịp để mọi người nhận thức được sự bất hạnh của trẻ em trên khắp thế giới gây ra bởi chiến tranh, bạo lực, bạo hành, bệnh dịch, bóc lột, phân biệt đối xử, ô nhiễm môi trường,…; từ đó nhắc nhở mỗi người cần nêu cao nghĩa vụ, trách nhiệm và ý thức trong việc bảo vệ quyền cơ bản của trẻ em, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

1. Lịch sử ra đời

Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, quân phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.

2. Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam và bảo vệ quyền cơ bản của trẻ em

Ngày 20 tháng 2 năm 1990, Việt Nam phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em (là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới) - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. 

Ở Việt Nam, Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên được tổ chức vào ngày 1/6/1950 trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất. Tuy nhiên Bác Hồ kính yêu vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước. Bác gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng vào ngày này. Trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng. Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Nhà nước ta đã có hàng trăm văn bản luật và dưới luật liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã cụ thể hóa nhiều quan điểm tiến bộ, góp phần tăng cường công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong đó, nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Luật Trẻ em là bảo đảm hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hiệp quốc và các điều ước quốc tế khác có liên quan. Từ đó, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm về giáo dục, chăm lo đời sống tinh thần, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo đảm điều kiện thuận lợi để trẻ em thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức… 

Hiện nay, không chỉ tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 mà vào tháng 6 hằng năm Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Theo Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 sẽ diễn ra tháng 6 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”.

Tại Trà Vinh, Tháng hành động vì trẻ em dự kiến diễn ra từ ngày 27/5 đến đầu tháng 7/2021 với 08 hoạt động chủ yếu gồm: Lễ phát động và Hội trại “Trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi”, Hội thi “Sắc màu tuổi thơ”, Giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng, Giải bơi thiếu niên và nhi đồng, Hội thi tuyên truyền, kể chuyện và giới thiệu sách, Hội thi tiếng hát hoa phương đỏ và Ngày vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động trên đã tạm dừng, chỉ tập trung tuyên truyền các nội dung về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Khánh Quỳnh (t/h)

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 36
  • Trong tuần: 3 029
  • Tất cả: 8753471

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn