KẾT QUẢ 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Qua triển khai, quán triệt đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp được nâng lên, xem đây là một trong những nhiệm vụ cần phải được ưu tiên và có tính chiến lược, lâu dài; xác định đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước và cho chính gia đình mình.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giáo dục trẻ em luôn được quan tâm, đẩy mạnh với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng thiết thực; kết hợp giữa truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp đến các đối tượng, chú trọng và tập trung tuyên truyền tại các địa bàn nông thôn, địa bàn có tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cao, trẻ em là người dân tộc Khmer. Các hình thức tuyên truyền phổ biến là: tổ chức hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ; xây dựng pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; băng rôn, khẩu hiệu... xây dựng chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng sự trên Đài, Báo, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn về: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nay là Luật Trẻ em, chế độ, chính sách liên quan đến trẻ em, các nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 15/11/2012 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh...

Đến nay, toàn tỉnh có 106/106 xã phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; có 123 điểm sinh hoạt vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng kéo giảm xuống còn 5% (giảm 1,61% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra), số trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu tăng lên; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho 6.858 học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là người dân tộc Khmer với số tiền trên 7,7 tỷ đồng, thực hiện miễn giảm học phí cho 123.675 học sinh mồ côi, khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 59,3 tỷ đồng; vận động 5.104 học sinh bỏ học tiếp tục trở lại trường; tăng cường công tác xã hội hoá, vận động các nguồn lực hỗ trợ 100% lượt trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh đặc biệt có nhu cầu khám sàng lọc và phân loại; có 17 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, góp phần kéo giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn 0,75% (đạt 100% so kế hoạch); 100% trẻ mồ côi, lang thang, khuyết tật được trợ cấp chính sách theo quy định; 100% vụ việc hiếp dâm, giao cấu với trẻ em được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ xử lý, giải quyết… 

Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, giữa nhà trường và toàn xã hội trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em được thực hiện tốt. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhân các ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, tết Nguyên đán, tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là,  quan tâm tổ chức “Tháng hành động Vì trẻ em” hàng năm, với nhiều hoạt động phong phú dành cho trẻ em như: Hội thi sắc mùa tuổi thơ; Hội thi kể chuyện sách thiếu nhi; tiếng hát hoa phượng đỏ…nhằm tạo sân chơi an toàn, bổ ích, lành mạnh cho trẻ em, góp phần giáo dục cho các em về nhận thức, tư tưởng, phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện đạo đức. Bên cạnh đó, trước tác động của đại dịch Covid-19, các ngành, các cấp đã chung tay phối hợp, vận động, hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em là con em của người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ trong khu cách ly, phong toả, trẻ mồ côi cha, mồ côi mẹ do tử vong vì dịch Covid-19…

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành đoàn thể về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa được thường xuyên; đội ngũ cán bộ, công tác viên làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn thiếu về số lược, hạn chế về trình độ, chuyên môn; kết cấu hạ tầng để phục vụ cho các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em một số nơi đã xuống cấp; kinh phí phân bổ cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn thấp, nguồn thu quỹ bảo trợ trẻ em khó vận động, hiện bộ máy Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh không còn, gây khó khăn cho công tác vận động quỹ; còn có học sinh bỏ học giữa chừng; môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dến đến trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục, trẻ vi phạm pháp luật còn ở mức cao.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, Kế hoạch số 32-KH/TU gắn với triển khai đồng bộ hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.  Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các ngành, đoàn thể, giữa nhà trường và gia đình về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tiếp tục đưa nội dung chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp; quy hoạch và bố trí diện tích đất để xây dựng các điểm vui chơi, giải trí phù hợp cho trẻ em gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tổ chức tốt các hoạt động, vui chơi, thể dục thể thao và các hoạt động chăm sóc trẻ em nhân “Tháng hành động Vì trẻ em”, “Diễn đàn trẻ em” ở các cấp theo quy định.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bảo vệ trẻ em, Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phù hợp với điều kiện của tỉnh, đồng thời gắn với triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam, Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh… để xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em, góp phần quan trọng trong việc giáo dục hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho trẻ em.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những kiến thức mới của cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực trẻ em các cấp, nhất là ở cấp cơ sở. Thường xuyên nắm bắt thông tin, báo cáo cấp trên và đơn vị quản lý nhà nước có liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; kịp thời phát hiện, xử lý thông tin về trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, can thiệp và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.

Bốn là, tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh đi học theo độ tuổi, thực hiện có hiệu quả phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn Quốc gia để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phối hợp với Tỉnh đoàn rà soát quy hoạch đội ngũ giáo viên - tổng phụ trách Đội trong các trường học; tăng cường công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức về trẻ em cho đội ngũ giáo viên, nhất là người làm công tác đoàn, đội.

Năm là,  tăng cường phối hợp các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Sáu là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác này, đồng thời phê phán, lên án xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động phạm tội hoặc cản trở việc thực hiện các quyền về trẻ em.

Phòng Khoa giáo - Tổng hợp

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 3 003
  • Tất cả: 8753445

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn