Nam Bộ kháng chiến: Bản anh hùng ca của những con người anh hùng, quả cảm

Năm 1945, chào mừng ngày cách mạng thành công, người thanh niên 19 tuổi, sau này là người lãnh đạo có uy tín ở miền Nam là Trần Bạch Đằng đã viết những câu thơ trong bài “Chào cách mạng”:

"Xin chào cách mạng thành công

 Sài Gòn như ngọn thác hồng đổ xuôi

 Ngàn năm có một ngày vui

 Đùng đùng chuyển đất rung trời là đây

 Lưng chừng Thủ Ngữ cờ bay

 Miệng reo mà tưởng đang say mơ màng

 Nước này tên nước Việt Nam

 Chạy từ cửa ải Nam Quan chạy vào

 Cờ này nền đỏ vàng sao

 Là cờ độc lập, tự hào, tự do…”.

Thế nhưng, chỉ đúng 21 ngày sau ngày độc lập, cả miền Nam lại bước vào cuộc kháng chiến đầy khan khổ chống lại thực dân Pháp quay lại xâm lược lần thứ 2.

1. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến cho biết ở Trà Vinh, từ 1943, phong trào cách mạng bắt đầu khôi phục, các đảng viên cũ lần lượt trở về. Các cơ sở đảng được xây dựng ở khắp các quận. Mặt trận Việt Minh được thành lập, thu hút rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, trong đó có cả đồng bào Khmer. Sau đó, tổ chức Thanh niên Tiền phong đã được thành lập công khai ở Trà Vinh. Đảng Cộng sản Đông Dương cử đảng viên của mình vào tổ chức này để hướng Thanh niên Tiền phong đi theo đường lối của Đảng. Tháng 6/1945, Tỉnh ủy Lâm thời, đồng thời là Ban trù bị khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh được thành lập. Ngày 25/8, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn. Chớp thời cơ này, Tỉnh ủy lâm thời Trà Vinh quyết định khởi nghĩa giành chính quyền và giành thắng lợi trong đêm 26/8. Trước đó, ngày 25/8/1945, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ được thành lập do Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ tuyên bố mình là bộ phận phía Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù (ảnh TL)

Cũng trong khoảng thời gian ấy, đoán trước sự thất bại của phát xít Nhật ở Đông Dương, thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Đêm 22/8/1945, Ủy viện Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ (thuộc chính phủ De Gaulle) là Jean Cédile nhảy dù xuống gần Biên Hòa và bị nông dân bắt giữ giao cho quân đội Nhật và sau đó được thả ra. Ngày 27/8/1945, Cédile gặp nhà lãnh đạo Việt Minh ở Nam Bộ là Trần Văn Giàu đề nghị tương lai chính trị của Việt Nam. Trong cuộc họp này, Trần Văn Giàu yêu cầu điều kiện tiên quyết là Pháp trước hết phải công nhận nền độc lập của Việt Nam rồi mới bàn tới quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.

Sau gần 80 năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp, mặc dù trước đó đã thất bại và thúc thủ trước phát xít Nhật nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược lại nước ta một lần nữa.

Đồng bào Nam Bộ với tầm vông, mã tấu vùng lên chống xâm lược (ảnh TL)

2. Chỉ đúng 3 tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp dưới sự hậu thuẫn của quân Anh đã quay trở lại xâm lược đất nước ta. Hơn sáu nghìn quân Pháp còn lại ở Sài Gòn dưới sự hà hơi, tiếp sức của 10 nghìn quân Anh đã gây hấn ở Sài Gòn. Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ họp khẩn cấp và kêu gọi toàn dân kiên quyết kháng chiến. Ngay chiều 23/9/1945, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến, cả Sài Gòn đình công, bất hợp tác với Pháp. Các công sở, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu hình thành khắp nơi trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.

Nhà báo Nguyễn Kỳ Nam, Đổng lý ngự tiền Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim có mặt tại Sài Gòn những ngày ấy đã viết trong hồi ký: “Lửa đỏ rực trời…Không đèn, không nước. Sài Gòn bị bao vây”. Ủy ban Kháng chiến ra lời kêu gọi nhân dân đứng lên chống quân xâm lược. Ngày 24/9/1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta; đồng thời chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cả Sài Gòn tản cư dù người Pháp kêu gọi mọi người bình tĩnh và ở lại. Thanh niên khắp nơi ở Nam Bộ nô nức tòng quân, các đoàn quân Nam tiến ùn ùn vào Nam với quyết tâm cùng đồng bào Nam Bộ giữ nền độc lập non trẻ.

3. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Miền Nam đi trước về sau/ Bước đường cách mạng dài dâu đã từng” (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Thế nhưng, với quyết tâm của cả một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa, Nhân dân Nam Bộ đã đồng loạt nhất tề đứng lên kháng chiến chống lại quân thù.

Nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù (ảnh TL)

Chỉ với, mã tấu, gậy tầm vông và tấm lòng quả cảm, những người dân Nam Bộ thành đồng đã nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những ngày đầu ở Nam Bộ đã đánh đòn đầu tiên và mạnh mẽ vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, tiêu hao sinh lực địch, kìm chân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian, góp phần giữ vững chính quyền non trẻ của nhân dân. Tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: Thành đồng Tổ quốc.

Ngày 23/9 đã đi vào lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử Nam Bộ nói riêng như là một bản hùng ca bất hủ của những con người anh hùng, quả cảm. Nhân dân, đồng bào Nam Bộ anh hùng đã xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.

                                                                                          Hồng Phúc


 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 220
  • Trong tuần: 3 907
  • Tất cả: 8756973

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn