Những quyết sách đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngày 02/9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 28/8/1945 chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Đây là Chính phủ do Mặt trận Việt Minh thành lập trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được Đại hội Quốc dân Đại hội Tân Trào (ngày 16/8 và 17/8/1945) bầu ra. Ngay ngày hôm sau khi ra mắt quốc dân, Chính phủ đã họp phiên họp lần thứ nhất và đề ra những quyết sách đúng đắn đưa nước nhà vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách.

Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Hồ Chí Minh. Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ đều là những nhà cách mạng tên tuổi, là những người đã từng tranh đấu gian khổ trên nhiều lĩnh vực trong suốt thời kỳ Pháp, Nhật đô hộ, trong đó có nhiều người đã được thực dân, đế quốc “tặng” cho nhiều năm tù. Tất cả các thành viên Chính phủ đều là những thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên của Đảng Dân chủ Việt Nam (đảng anh em, đồng chí thân thiết của Đảng Cộng sản Đông Dương) và những người có cảm tình, thân thiết với Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, các thành viên Chính phủ đã thống nhất với 6 nhiệm vụ cấp bách mà Chủ tịch chính phủ Hồ Chí Minh đề xuất: “Phát động tăng gia sản xuất, mở các cuộc lạc quyên để chống nạn đói. Mở phong trào chống nạn mù chữ. Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ các tệ nạn do chế độ thực dân để lại. Xóa bỏ các thứ thuế vô lý, trước mắt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuộc phiện. Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết”.

Thực hiện các nhiệm vụ cấp bách này, một ngày sau phiên họp đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 4/SL, ngày 04/9/1945: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia. Quỹ này gọi là Quỹ Độc lập”. Trong khuôn khổ Quỹ độc lập, Chính phủ đã đề ra biện pháp tổ chức "Tuần lễ Vàng" từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945. Trong “Tuần lễ vàng”, Chính phủ đã huy động được tổng cộng 20 triệu đồng và 370 kg vàng.

Báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Việt Minh, số ngày 17/9/1945. Ảnh TL

Tất cả số tiền mà người dân đóng góp trong “Tuần lễ vàng” sau đó đã được sử dụng để mua vũ khí trang bị cho bộ đội. Chính quyền cách mạng còn tổ chức nhiều hình thức khác nhau để vận động người dân có điều kiện tài chính tham gia ủng hộ đất nước như: "Quỹ kháng chiến", "Quỹ bình dân học vụ", "Quỹ giải phóng quân" và "Ngày Nam Bộ" v.v…

Cuối năm 1944, đầu năm 1945, dân tộc Việt Nam đã gánh chịu một thảm trạng đau buồn của lịch sử, đó là hàng triệu đồng bào chết đói do chính sách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Trong những ngày nạn đói diễn ra ở miền Bắc và miền Trung, đồng bào Nam Bộ, nhất là những người trong tổ chức Thanh niên Tiền phong của bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức quyên góp, vận chuyển lương thực từ miền Nam ra cứu đói cho miền Bắc. Chính phủ Trần Trọng Kim trong một khoảng thời gian cầm quyền ngắn ngủi cũng đã tiến hành các biện pháp cứu đói dân chúng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là do máy bay đồng minh bắn phá gây tắc nghẽn giao thông nên công việc vận chuyển lương thực từ miền Nam ra bị tắc nghẽn. Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức lễ phát động phong trào cứu đói tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chính phủ còn phái một ủy ban vào Nam bộ tổ chức vận chuyển gạo ra Bắc. Chính phủ cũng kêu gọi các hội buôn và người dân tham gia vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc. Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo". Ngoài việc cấp kỳ cứu đói cho dân, Chính phủ còn vận động nhân dân tăng gia sản xuất bằng những cây giống ngắn ngày, củng cố, đắp mới đê điều. Nhờ những chính sách đúng đắn này nên nạn đói nhanh chóng đã được khắc phục. Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội vào tháng 9 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: "Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ".

Nhân dân tích cực góp gạo chống giặc đói. Ảnh TL

Một thành tựu khác của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là xóa mù chữ.

Dưới thời cai trị của thực dân Pháp, 95% dân số Việt Nam mù chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì vậy, Chính phủ đã ban hành ngay rất nhiều các quyết sách để khắc phục tình trạng này. Từ ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục ký các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17 đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam, Sắc lệnh số 19 lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối, Sắc lệnh số 20 định rằng việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền.

Sắc lệnh số 19 và 20 ngày 8-9-1945 về thiết lập lớp học bình dân cho nông dân thợ thuyền và bắt buộc học chữ quốc ngữ. Ảnh TL

Để phục vụ chiến dịch xoá mù chữ, Nha Bình dân học vụ được thành lập ngày 18 tháng 9 năm 1945. Ngày 4 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Chống nạn thất học gửi tới toàn dân: "...Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức, mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ…Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi." Các lớp học Bình dân học vụ được mở khắp nơi ở cả ba miền thu hút sự tham gia của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Đến tháng 9 năm 1946, phong trào Bình dân học vụ đã tổ chức được 75.000 lớp học với trên 95.000 giáo viên, trên 2.500.000 người được phong trào dạy biết đọc, biết viết.

Chính phủ Cách mạng lâm thời chỉ tồn tại đến hết năm 1945 và được thay thế bởi Chính phủ Liên hiệp Lâm thời từ ngày 01 tháng 01 năm 1946. Trong khoảng thời gian tối khẩn trương ấy của đất nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều quyết sách đặc biệt góp phần giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ.

                                                                                                 Hồng Phúc

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 29
  • Trong tuần: 3 801
  • Tất cả: 8757236

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn