Triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 62-KH/TU về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương, xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở. Đối tượng gồm: Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở và cán bộ, đảng viên. Hình thức sinh hoạt, tuyên truyền, giới thiệu tác phẩm, nội dung cốt lõi về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được thực hiện trong sinh hoạt của cấp ủy, sinh hoạt chi bộ hằng tháng, sinh hoạt chuyên đề của từng chi bộ. Khuyến khích tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học về chủ đề và nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; các hình thức sáng tạo, hiệu quả khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

Một là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội, bản chất, mục tiêu, quy luật khách quan của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào?

- Khẳng định bản chất, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trên các bình diện chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Nhấn mạnh bản chất nhân văn của xã hội xã hội chủ nghĩa - đó là một xã hội mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

- Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Hai là, khẳng định và làm rõ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

- Mô hình tổng quát về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với 08 đặc trưng, đó là: “Một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới”.

- Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

- Vận dụng, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp; Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội tất yếu trải qua thời kỳ quá độ với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, song kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa. Chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản.

Ba là, làm rõ sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Suốt hơn 90 năm qua, Đảng đã xác lập, củng cố, ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh, uy tín của Đảng. Thực tế từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo sáng suốt, nhờ vậy chúng ta giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử quý báu.

Bốn là, làm rõ những thành tựu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam: Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Năm là, làm rõ những vấn đề đặt ra từ thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và những chủ trương, giải pháp để từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam, tập trung vào những nội dung cốt lõi sau:

Về phát triển kinh tế - xã hội: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Về phát triển văn hóa, con người: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Đảng ta nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh dựa trên các hệ giá trị chuẩn mực sau:

- Hệ giá trị chuẩn mực về con người Việt Nam: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

- Hệ giá trị văn hóa Việt Nam: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

- Hệ giá trị gia đình Việt Nam: Âm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

- Hệ giá trị Quốc gia: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước.

Về lĩnh vực đối ngoại: Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; xử lý đúng đắn, linh hoạt, mềm dẻo, cân bằng trong mối quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và các đối tác quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Phát huy bản sắc văn hóa ngoại giao “cây tre Việt Nam ”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến ”, “kiên quyết, kiên trì xử lý các thách thức đối ngoại một cách mềm mại, hiệu quả”; khai thác, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là then chốt có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng; phải hết sức coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng đảng về đạo đức, giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý, thi hành kỷ luật đảng; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chuẩn mực đạo đức công vụ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò đặc biệt trong việc thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Sáu là, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm được tiến hành thường xuyên, sâu rộng tới chi bộ với các hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung cao điểm vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022); 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2022), 105 năm ngày Cách mạng tháng 10 Nga thành công (07/11/1917 - 07/11/2022).

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 3 902
  • Tất cả: 8752620

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn